(PGVN)Những “ngày tháng ngao du” đây đó, Bùi Giáng thường dừng chân ở các ngôi chùa và quen biết đàm đạo với rất nhiều vị thiền sư, tăng ni, cư sĩ cũng như các nhà nghiên cứu Phật học ở Sài Gòn...
|
Bùi Giáng với sư Viên Minh (chùa Kỳ Viên) - Ảnh: gia đình cung cấp |
Trong chồng bản thảo dày cộm chưa in của ông, gia đình đọc thấy bài
“kính gởi Hạnh Thanh ni cô thượng thừa”, với câu: “Người qua tôi cũng đi qua/Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng” - và một số khác nữa gửi những gốc Bồ đề và các “nhà sư vướng lụy”.
Nhắc đến duyên nợ thắm thiết giữa nhà thơ với nhà chùa, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho là tinh thần vô chấp của đạo Phật “rất thích hợp với khát vọng suy nghĩ và sáng tạo tự do của văn nghệ sĩ. Nhà thơ vào chùa thoải mái, không bị ngăn chặn cửa thu thẻ căn cước, khỏi phải rón rén bước đi vì kinh sợ đấng thần linh (...) đúng là chỗ an trú lý tưởng của các nhà thơ, khi họ cần một chỗ trú. Vì thế, Phạm Công Thiện là khách quý của khắp các chùa lớn, chùa nhỏ ở Việt Nam và ở hải ngoại. Nguyễn Tất Nhiên lái xe đến chùa trước khi quyết định từ giã cõi đời. Và Bùi Giáng trong suốt cuộc chơi lớn với đời vẫn xem chùa chiền là nơi dừng nghỉ thoải mái”.
Đúng, quanh năm, Bùi Giáng đã đến rất nhiều ngôi chùa trên đường lang thang của mình, như Huệ Nghiêm ở Bình Chánh, Huỳnh Kim ở Gò Vấp, Quán Thế Âm ở Phú Nhuận, đi bộ tới những chùa xa so với chỗ ở của ông như chùa Trúc Lâm ở chợ Cây Quéo, gần hơn như Pháp Hoa, Pháp Vân, Pháp Trí, Pháp Võ, lang thang khi ở Giác Lâm, Giác Viên, lúc nằm tại thiền viện Quảng Đức, hoặc ngồi nghỉ dưới gốc mai già 100 năm ở chùa Gò (Phụng Sơn). Sau này, khoảng hơn 15 năm cuối đời, ông thường lui tới các chùa gần hẻm nhà ông đang ở lúc ấy trên đường Lê Quang Định, như chùa Già Lam - nơi có phòng bán kinh sách - để “mua chịu” những tác phẩm do chính ông viết được tái bản, có giấy nợ ghi: “Nợ O Thêm chùa Già Lam 4 cuốn: Mưa nguồn, Cõi người ta, Ngộ nhận (và Hán Tự Bài Cú). Tất cả tổng cộng là 45 ngàn”. Chính ở đây, ông đã một lần nổi giận la hét. Nguyên sân chùa Già Lam có trồng một cây y sa trổ bông màu vàng nghệ như màu áo cà sa của các vị sư. Thấy hoa đẹp, Bùi Giáng lượm một vài bông rụng quanh gốc đưa lên miệng, vừa hôn hoa, vừa hớn hở cười lớn, mừng rỡ như gặp “người thân” xa xưa. Một phật tử nói: “Bác không được ồn ào như thế”. Ông hỏi lại: “Tại sao?”. Người kia đáp: “Vì Phật dạy không nên”. Ông bừng bừng nổi giận: “Phật dạy lúc nào? Ở đâu? Với ai?”.
Rồi ông mắng một tràng rằng, không nên lặp lại lời của Phật như con vẹt, là vì Phật thuyết không chỉ tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà cả triệu triệu tỉ tỉ và vô lượng pháp môn, mỗi môn tùy người nói, chứ không phải bất cứ ai Phật cũng nói như nhau.
Cảnh này, chỗ Già Lam này, lúc này, không nên “trụ” vào lời Phật cách đây đã hơn 2.000 năm trước để nói năng hoạnh họe như rứa. Hãy về nhà bán hết gia tài để mua cuốn Tư tưởng hiện đại của “thằng Giáng tên Bùi về đọc thì sẽ hiểu được điều đó chút ít!”. Cuốn Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng giảng giải về tư tưởng Kierkegaard - Malraux - Jaspers - Heidegger - với phần phụ lục khá quan trọng: “muốn đi vào cõi thơ Bùi Giáng và hiểu những nét thâm hậu nhưng bay bướm của ông thì không thể không đọc phần phụ lục ấy” - sa môn Huệ Thiện nhận xét như thế. Vì lẽ trên, chúng tôi trân trọng trích ra đây đoạn văn của Bùi Giáng viết với ngôi xưng “tao” để trách mắng “chúng” nào đó, như kiểu ông nổi giận trên sân chùa Già Lam hôm nào:
“Krishnamurti không phải là không biết chịu chơi, nhưng lúc chúng nó dòm qua phía Tây Phương và xô bồ công kích, chúng nó không phân biệt chân và giả, chúng nó tư tưởng một chiều, chúng nó không nhận ra sự hóa thân thiên hình vạn trạng của chư vị Bồ Tát cùng những vô lượng phương tiện lực trong xảo mật ngữ. Chỗ ngu si cốt yếu của chúng là: chúng quên mất rằng cái đường cày, cái lối cuốc, cái hột giống gieo ra, phải thuận theo mảnh đất. Cày cuốc trên đất núi không như cày cuốc trên đất phù sa, cấy lúa trên đất phù sa không như cấy lúa giữa thành phố, chăn bò ở giữa núi không giống phép chăn bò ở giữa đồng bằng với những ruộng lúa ruộng ngô nằm mấp mé bên đồng cỏ (và bất cứ lúc nào tứ chi con bò cũng có thể nhảy vọt từ đồng cỏ xuống ruộng đồng). Không một thằng tư tưởng Đông Phương nào ngày nay còn có thể nhìn ra Shakespeare trụ tại chỗ nào trong Bát Nhã Hoa Nghiêm để lập thuyết (mà riêng cái lối dịch L’Immoraliste của Đười Ươi đã mật nhiên khẩn thiết đáp vào). Trong đời tao quả thật tao chưa gặp một thằng học giả nào có được chút trí tuệ tối thiểu của kẻ chăn bò và người cày ruộng. Chúng nó ru rú rút vào căn phòng ngăn nắp tôn sùng Bồ Đề Đạt Ma, Long Thọ Bồ Tát, nhưng nếu cũng ông Bồ Tát ấy, cũng ông Đạt Ma ấy, khoác bộ áo khác, đi lững đững ở một phương trời khác, mà gặp chúng nó, thì lập thời chúng nó phỉ báng ngay. Hỏi làm sao thế. Chúng đáp: bởi vì mày không giống ông Đạt Ma Long Thọ của tao tôn thờ. Cõi tư tưởng vẫn còn rối loạn mãi, chung quy chỉ tại bọn học giả không biết học tập chăn bò, cày ruộng, trước khi mở mồm mở miệng bi bô”.Buổi chiều cuối cùng
“Thật là quá xúc động. Xúc động đến sững sờ khi thấy ông nằm bọc trong lớp drap trắng xóa, đôi mắt trắng đục nhìn sững chúng tôi. Nét tinh anh ngày nào không còn nữa, chỉ còn đủ để phản chiếu lại hình ảnh lờ mờ của chúng tôi trong ấy. Còn tất cả đều lặng lờ trong tịch mịch (như thơ ông): “Vì con mắt một lần kia đã ngó/Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời/Đài vũ trụ hồn nhiên bao rạng tỏ/Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi”.
Hôm sau 7.10.1998, cũng đôi mắt ấy, đã không bao giờ còn mở ra lần nữa.
Thích Nhuận Châu |