16/10/2012 13:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 81462
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Câu chuyện được Đức Phật kể lại khi ở trong một rừng cây gần thị trấn Desaka thuộc nước Sumedha. Chuyện kể rằng, có một tù nhân bị giam giữ lâu ngày trong ngục tối, đã rất lâu anh ta chưa hề thấy bóng dáng của bất cứ một người con gái nào. Anh ta đã thỏ thẻ ước nguyện thầm kín của mình cho người quản ngục, và người quản ngục tốt bụng ấy đã đệ trình nguyện vọng chính đáng của tù nhân lên đức vua.


Một độ nọ, vương quốc tổ chức một cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia, tất cả người đẹp trong mọi miền đất nước đều tụ hội về kinh đô. Là một người tinh nghịch và lắm chiêu trò, nhà vua nhớ lại lời đề nghị của người quản ngục và đã chấp thuận khát vọng của người tù kia chỉ với một vài điều kiện nho nhỏ. Đó là khi đi xem hoa hậu, tù nhân phải cầm trên tay một bát đầy dầu và phía sau có một đao phủ với kiếm tuốt trần, sáng loáng. Nếu như dầu sóng sánh tràn ra khỏi bát, hoặc thậm chí chỉ cần một giọt dầu rơi xuống đất, thì người đao phủ kia có quyền hành quyết tù nhân.

Sau khi dẫn tù nhân rảo quanh cuộc thi sắc đẹp, không một giọt dầu nào sóng sánh hay rơi xuống đất và tù nhân được bảo toàn tính mạng trở về chỗ của mình. Được bạn tù vây hỏi, cuộc thi ra sao và gái đẹp thế nào? Vị tù nhân bất hạnh thở dài bảo, chỉ thấy nguy hiểm chứ có thấy gái đẹp gì đâu. Vì với ông ta, sinh mạng thì chỉ có một và quý hơn tất cả mọi thứ trên đời, dù đó là gái đẹp.
    (Phỏng thuật theo, Kinh Tương ưng, tập 5, Thiên đại phẩm, chương 3, tương ưng niệm xứ, phần a, phẩm Ambapali, kinh Quốc độ (hay Ekantaka); Xem thêm, Kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Bát dầu, số 96. Bản dịch tiếng Việt của HT.Thích Minh Châu).

Bàn thêm:

Quán tâm trên thân, chánh niệm và tỉnh giác là thông điệp được chuyển tải từ pháp thoại này, từ trong kinh điển gọi là pháp quán thân hành niệm.

Thân hành niệm là một pháp tu quan trọng được Đức Phật đề cập trong nhiều kinh điển và được thể hiện trong nhiều cách thức luận, diễn khác nhau. Theo kinh Thân hành niệm, số 119 thuộc kinh Trung bộ, thì thân hành niệm được xem như là một pháp tu bao hàm cả sáu pháp quán căn bản. Thứ nhất là quán 32 uế vật trong thân ta, từ chuyên môn gọi là quán bất tịnh. Thứ hai là quán tứ đại. Thứ ba, quán mười giai đoạn phân rã của tử thi. Thứ tư, quán bộ xương qua nhiều giai đoạn đến khi thành bột trắng. Thứ năm, quán sát về bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thắp sáng tỉnh thức trong từng hành động cụ thể của thân. Thứ sáu, là niệm hơi thở.

Thân hành niệm là một pháp quán được Đức Phật đánh giá cao vì đem lại nhiều lợi ích trong hiện tại và ngay cả tương lai. Trong kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Thiền định, Đức Phật dạy rằng: Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A-la-hán. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm.
Chỉ một pháp quán mà thôi nhưng có thể dẫn đến nhiều kết quả tối thắng, đủ thấy pháp quán ấy có giá trị đến mức nào. Có thể chúng ta khó đạt đến kết quả cao thắng, tột cùng của pháp môn thân hành niệm theo kinh văn vừa dẫn. Tuy nhiên, trong hiện thực đời sống, từ những gợi mở, liên hệ của câu chuyện vừa nêu, nếu như khéo léo vận dụng pháp môn thân hành niệm trong hoàn cảnh của riêng mình, thì có thể gặt hái những hoa trái thiết thực.

Từ hiện thực đời sống có thể nhận ra, có vô vàn những nỗi khổ đau xuất hiện do vắng mặt chánh niệm. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, tùy theo tính chất, cấp độ vắng mặt của chánh niệm mà sự thể hiện của khổ đau, của băn khoăn lo lắng vơi, cạn hay thâm sâu. Với một bà mẹ đoảng, sự vắng mặt của chánh niệm khi quên tắt bếp gas trong lúc đi ra ngoài, có thể chỉ là sự hỏng, khét một bữa ăn. Với một chàng trai khi đưa người yêu dạo phố, thì đôi khi sự vô tâm trong hành động có thể dẫn đến sự hờn giận và được cứu vãn bằng một lời xin lỗi nhẹ nhàng. Tuy nhiên, trong một số ngành nghề đòi hỏi sự tập trung tỉnh giác cao độ như: người lái xe đua đang trên đường về đích, các bác sĩ đang thực hiện các ca mổ phức tạp, nhân viên không lưu đang điều hành các chuyến bay… thì sự vắng mặt của chánh niệm trong hành động chuyên môn, sẽ dẫn đến thảm họa. Và do vậy, tỉnh giác trong mỗi hành động của thân còn mang ý nghĩa sống còn, như câu chuyện tù nhân bưng bát mật đi xem hoa hậu.

Trong liệu pháp y khoa, pháp tu thân hành niệm là một gợi mở trong phương pháp điều trị. Vì lẽ, sự vận dụng pháp tu thân hành niệm có thể góp phần chữa trị bệnh đãng trí của người già và nâng cao khả năng ghi nhớ cho những ai có một trí nhớ không tốt. Có thể khó thắp sáng ngọn đèn chánh niệm trong suốt mọi hoạt động của thân, tuy nhiên sự có mặt của chánh niệm trong một số hành động, việc làm quan trọng của thân, là điều kiện cơ bản để con người vượt thoát khỏi mọi lo âu và an tâm vui sống.

Bằng khái quát đúc kết từ thực tiển, pháp tu thân hành niệm không những chỉ dành riêng cho những đệ tử Phật trên bước đường tịnh hóa thân tâm; mà trên thực tế cần được ứng dụng cho tất cả mọi ngành nghề trong xã hội, trong mọi mối quan hệ đời thường, trong tương giao ứng xử, trong nghiên cứu, học tập… Bởi lẽ, một khi ai cũng tỉnh giác, ý thức về bản thân mình và việc làm của mình, thì sẽ hoàn thành tốt phận sự mà xã hội giao phó và sẽ không gây ra những bất hạnh, khổ đau cho mình hay tha nhân.

* A Lan Nhã (theo: Nguyệt San Giác Ngộ - số 199)

Âm lịch

Ảnh đẹp