04/01/2014 21:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 1918
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hãy vui vẻ sống những ngày tháng "chưa thành công" như đón nhận cơ hội để  đào luyện sức chịu đựng và chuyến hóa tâm tình của mình.


Ai cũng sợ thất bại

Dường như ai cũng sợ thất bại. Bởi nó có thể làm cho ta hao tổn tài sản, năng lực, niềm tin và cả hy vọng nữa. Nói chung sự thất bại nào cũng mang lại cảm xúc xấu, trong khi bản năng con người thì chỉ yêu thích cảm xúc tốt. Nhưng cũng tùy vào quan niệm sống và thái độ phản ứng của mỗi người đối với sự thất bại, mà cảm xúc xấu ấy sẽ biểu hiện và ảnh hưởng đến phẩm chất đời sống như thế nào. Nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ thất bại vì tài năng và bản lĩnh có thừa, thậm chí ta còn nghĩ thất bại là điều rất xấu xa thì khi bất ngờ đối đầu với nó chắc chắn ta sẽ hốt hoảng và chống trả quyết liệt. Ta phải lo thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau cuộc thất bại, rồi phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện, và còn lo nghĩ đến thảm cảnh đáng thương của ta trong tương lai. Chính những thái độ ấy đã biến sự thất bại thành nỗi khổ niềm đâu, nhấn cuộc đời ta chìm xuống.

Cũng có thể vì ta chưa quen mùi thất bại, hoặc chưa bao giờ bị thất bại nặng nề như lần này, nên ta rất dễ lúng túng rồi bám víu hết đối tượng này đến đối tượng khác. Một người vừa mất việc thì kiếm ngay việc khác để làm. Một người vừa lỡ tay làm hư một tác phầm kỳ công thì vội vàng bắt tay vào các tác phẩm mới. Một người vừa bị phụ tình thì mau chóng tìm kiếm đối tượng khác để được thương yêu. Nhưng phần lớn những gì ta cố bám víu trong khi đang trải qua cảm xúc thất bại đều là sự lầm lẫn đáng tiếc. Sự thật là ta chỉ đang tìm cách xoa dịu vết thương hoặc khẳng định giá trị của mình, chứ ta chưa có sự đầu tư nghiêm túc và đúng đắn để nắm chắc thành công. Bi kịch luôn xảy ra trong những lần cảm xúc bùng vỡ như thế, bởi những lựa chọn ấy không hề có sự soi sáng của lý trí.

Không ít người vì thất bại quá lớn nên đã đi tìm cái tôi của mình ở con đường tâm lịnh. Đáng lẽ, những phương pháp thực tập chuyển hóa có thể giúp họ chữa trị và hồi phục rất nhanh chóng. Nhưng vì vết thương chưa kịp lành, họ lại vội đặt mình những mục tiêu chuyển hóa to tát phải sớm đạt được. Họ lầm tưởng đó là thái độ quyết tâm hướng thượng, nhưng thực chất là họ đang củng cố giá trị của mình. Họ phải làm một điều gì đó để thấy được tài năng hay sự tồn tại của mình. Trong tình trạng năng lượng cạn kiệt mà lại đặt thêm một tham vọng mới, dù tham vọng ấy được coi là chính đáng, thì họ lấy sức đâu mà tiếp tục tranh đấu. Càng cố gắng quyết liệt, họ càng đốt sạch năng lượng; và thất bại thảm hại cũng là lẽ đương nhiên. Cũng như cục tuyết lăn từ trên đỉnh núi xuống thường cố bám vào tuyết trên suốt đoạn đường. Nên khi xuống tới chân núi thì nó trở thành quả cầu tuyết khổng lồ, sức tàn phá rất ghê gớm. Đó là hiệu ứng quả cầu tuyết.

Chỉ là chưa thành công

Ta nên biết rằng mỗi thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, và không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay. Dù điều kiện quyết định cho thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ nắm bắt, nhưng nếu thiếu kinh nghiệm và thiếu sáng suốt thì ta cũng không biết phải thêm bớt như thế nào cho vừa đủ điều kiện để kết quả xảy ra. Đây cũng là lẽ đương nhiên. Nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới sự thành công, thì con người đã không còn là con người và thế gian này đã biến thành cõi thiên đường mất rồi. Vì vậy khi sự việc bất thành, ta hãy hiểu rằng những điều kiện đưa tới sự thành công chỉ là chưa hợp lý. Nó có thể dư hoặc có thể thiếu, chứ không hẳn là hoàn toàn trống rỗng hay vô nghĩa.

Chữ "thất bại" thường dễ khiến ta hiểu lầm là không được gì cả hay không còn gì cả. Trong khi những gì ta đã tạo dựng vẫn còn đó, dù có khi nó chưa biểu hiện ra một cách cụ thể. Những kỷ năng tập luyện, những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng trong những công trình kế tiếp. Cho nên, khi thành công ta phải hiểu rằng sự thành công này đang đứng trên vai của bao thất bại trong quá khứ. Đó chính là ý nghĩa của câu nói mà ai cũng nằm lòng "Thất bại là mẹ của thành coongI". Không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Vì vậy, từ bây giờ ta nên tập gọi là "chưa thành công" thay vì gọi là thất bại. Cách gọi này sẽ giúp ta không dễ dàng suy sụp tinh thần, vì ta ý thức rằng cơ hội vẫn chưa chấm dứt. Thua keo này ta vẫn có thể bày keo khác. Bởi không bao giờ có sự tách biệt tuyệt đối giữa cái trước và cái sau.

Thật ra, thất bại chính là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại, ta sẽ thu mình lại. Mặc dù bị cảm giác rất khó chịu đè nặng, nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất là tính tự hào, háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do mà các bậc trả nghiệm luôn rất lo lắng khi thấy những người trẻ gặt hái thành công quá dễ dàng, nhất là sự thành công ấy chủ yếu dựa vào sự may mắn bên ngoài. Họ chưa nếm trả cảm giác khó chịu khi thất bại, cái tôi của họ chưa từng bị bầm dập trong những giai đoạn khốn cùng mà không biết cách xoay xở ra sao. Họ cũng chưa kịp đánh thức và nuôi dưỡng những phẩm chất quý giá trong tâm hồn như đức từ ái hay tính khiêm cung để tạo ra thế cân đối vững chãi. Vì thế, thành công lớn có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và cả mọi người xung quanh. Ta đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội, nhưng lại mau chóng rụi tàn. Đến mức họ không còn dám ngửa mặt nhìn đời, phải ấn mình mãi mãi, hoặc có khi chọn tới sự kết thúc thật thê thảm.

Vả lại, bản năng sinh tồn của con người vốn rất vĩ đại. Chỉ khi nào đối đầu với những thất bại nặng nề thì nguồn lực ấy mới hiện ra một cách trọn vẹn. Đó chính là lúc con người trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cho nên ta đừng sợ thất bại. Nếu thấy mình vẫn chưa đủ vững vàng thì đừng vội mong cầu thành công. Hãy vui vẻ sống những ngày tháng "chưa thành công" như đón nhận cơ hội để đào luyện sức chịu đựng và chuyển hóa tâm tính của mình. Chính vì thế, bậc tài trí hay từ khước những điều kiện thuận lợi mà tìm tới những hoàn cảnh khắc nghiệt để phát huy hết năng lực tiềm ẩn. Họ xem nhẹ những thành công chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn tầm thường, để chọn cái to tát hơn là chiến thắng những bóng tối phiền não trong chính họ. Đó mới chính là thành công đích thực.

Mỉm cười với thất bại

Khi đón nhận thất bại, điều mà ta nên làm và cũng khó làm nhất đó chính là nhìn lại phản ứng của mình. Ta hãy cố gắng ghi nhận những gì đang biểu hiện trong dòng cảm xúc hay tâm tướng của mình mà không dùng ý chí để đàn áp hay phủ nhận nó. Cần nắm rõ hiện trạng tâm lý để ta đánh giá chính xác nội lực của mình mà quyết định hứng chịu một mình, hay phải cần đến sự trợ giúp của người thân. Đừng cố gắng che đậy để bảo vệ danh dự hay hay dựa dẫm vào những đối tượng khác để xoa dịu sự tổn thương. Để làm được những điều này, hằng ngày ta vần phải luyện tập cho mình thói quen luôn nhìn lại tâm mình ở mọi lúc mọi nơi. Nhìn lại mình đã là một bước tiến bộ đáng nể rồi. Nhưng nếu có thể nhìn bằng thái độ không thành kiến thì cái nhìn ấy sẽ đạt tời mức thấu suốt bản chất của mọi vấn đề. Có thể ta sẽ thấy chính những phiền não trong ta mới là nguyên nhân chính dẫn đến mọi thất bại. Hoàn cảnh tuy có tác động nhưng chỉ đóng vai trò phụ.

Tham vọng là phiền não mà ta thường phát hiện ra nhiều nhất trong những lần thất bại. Ta luôn bị sự kích động quá lớn của tâm thức xã hội, nên thấy ai có cái gì thì ta cũng muốn có cho bằng được. Thực chất, ta không biết rõ mình có cần nó hay không và mình có đủ khả năng để đạt được nó hay không. Tham cọng có thể khiến cho tâm tưởng nhồi nặn ra lòng tự tin quá lớn một cách vô căn cứ. Và ta thường dễ bị năng lượng ham muốn thành công lấn át, thay vì tìm kỹ trong kinh nghiệm và kiến thức tích lũy của mình có những chất liệu nào đóng góp nên sự thành công hay không. Nếu chỉ có cái ham muốn thôi mà ta đã vội vắt kiệt năng lượng ra để đầu tư thì đó là hành động rất non nớt, bị cảm xúc chi phối trầm trọng. Những lần phát hiện ra lòng tham của mình đang vận hành, ta nên nở nụ cười thật tươi để xác nhận rằng ta đã thấy rõ mặt mũi nó. Ta không thể để nó gạt gẫm ta được nữa. Hãy duy trì sự quan sát ấy để giúp nó trở về với bản chất vô ngã của nó.

Chấp nhận được thất bại là tâm lý rất quan trọng để kéo ta lại gần với mọi người mọi loài. Nó là điều kiện không thể thiếu trong tiến trình thuần phục cái tôi đạt tới chỗ hoàn thiện. Khi vược qua được tâm lý tổn thương và mặc cảm của cái tôi yếu đuối là ta đã vượt qua hơn một nửa nổi khổ niềm đau vì thất bại, bởi bản thân của thất bại chưa chắc là nỗi khổ. Thỉnh thoảng, ta cũng nên tự hỏi có cần đeo bám mãi sự thành công bên ngoài hay không, nó có phải là điều kiện quyết định nên hạnh phúc của ta trong hiện tại không. Ta cần thu hồi những năng lượng tản mác vốn tạo nên sự mạnh mẽ phi thường trong ta. Đừng quên rằng, sự thất bại bên ngoài dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Nó không thể làm phương hại tới những giá trị mầu nhiệm mà ta đang nắm giữ trong tầm tay.

Thành bại đã bao lần
Tuổi xuân trôi lần nữa
Nụ cười trên môi chờ
Bao giờ cho nhau nữa?

 

Minh Niệm

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-19736_5-50_6-9_17-548_14-1_15-1/that-bai-minh-niem.html#detail

Âm lịch

Ảnh đẹp