29/10/2013 21:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 1764
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ở khắp đạo tràng, có rất nhiều phật tử biết mình chỉ là hạt bụi giữa thế nhân, và họ thầm lặng làm từng việc tốt nhỏ nhất hằng ngày, cho đến những chuyến đi từ thiện tập thể


Một câu hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: ”Sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”

                             “Thắp lên ngọn lửa hồng
                                Ấm áp giữa trời đông
                                Giữa cõi đời lạnh lẽo
                                Cần nhau một tấm lòng”

Một tấm lòng rộng mở để ôm ấp mọi nỗi khổ niềm đau của chúng sinh, để lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, bao dung và tha thứ. Đó là con đường chấm dứt khổ đau, thành tựu được chân, thiện, mỹ.
    
Hòa cùng truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của người Việt, tinh thần từ bi của đạo Phật đã giúp xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, mang lại an lạc ấm no cho tất cả mọi người. 

Đức Dalai Lama cũng chọn từ bi làm tôn giáo. Trong đạo Phật, pháp bố thí luôn đứng đầu trong Tứ nhiếp pháp, Lục độ ba la mật, Thập thiện. Công đức của pháp bố thí vô lượng vô biên, bất khả tư nghì, nên tùy hỷ công đức bố thí cũng có phúc đức lớn không kém phúc đức của sự bố thí. 
    
Vậy nên, có thể coi, phúc đức của sự bố thí như một ngọn đuốc sáng, tùy hỷ công đức ấy là truyền mồi lửa để thắp sáng những trái tim còn chìm trong vô minh, để sưởi ấm những cảnh đời bất hạnh. Như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đã dạy, tùy hỷ công đức không làm giảm đi phúc đức của việc thiện, cũng giống như truyền lửa giữa những cây đuốc không làm lửa tắt. Tại sao lửa không tắt khi đi được truyền đi? Vì sao phúc đức không giảm đi khi tùy hỷ? Lửa không tắt vì cây đuốc nào cũng có chất bắt lửa, cũng như phúc đức không mất đi khi tùy hỷ công đức bằng Tâm thiện lành, vô tư và khiêm hạ. Tâm như thế mới có thể theo gió để lan tỏa hương thơm vào đời.
     
Làm thế nào để có được một tấm lòng như thế? Vì đâu mà những người con Phật có thể cảm thấy hoan hỷ an lạc từ trong Tâm, ngay khi âm thầm cho đi mà không cần nhận lại dù chỉ một lời khen ngợi hay cảm ơn? Vì Tâm thiện của bạn đã được thể hiện hàng ngày trong từng thái độ và cử chỉ nhỏ nhất, để làm cho mọi người xung quanh hạnh phúc, từ đó tâm thiện dần dần được nuôi dưỡng thành Tâm Từ Bi sẵn sàng ban vui cứu khổ, khi đó, chỉ cần thấy người khác hạnh phúc, Tâm Từ cũng đủ mang lại niềm hoan hỷ lớn lao không kém cảm giác được khen ngợi hay cảm ơn.
 Ảnh minh họa
    
Vậy nên trong cuộc sống này, vẫn có những người âm thầm cho đi đến khi cuối đời mới được biết đến. Kính xin dâng nén tâm hương đến tấm lòng từ bi, mật hạnh vi tế, lượng cả bao dung của cố Đại lão Hòa thượng Thích Chí Tín. Khi Ngài còn tại thế, từ khi Ngài còn trẻ, mỗi buổi sáng 5 giờ, sau khi xả thiền, Ngài vẫn ra sau hè nhóm lửa cơm nước, chuẩn bị bữa sáng cho các thầy, kể cả các chú. Ngày nào cũng thế, ba lần nấu cơm cặm cụi hoan hỷ. Ngài đường đường là Như Lai sứ giả “Nhập Như Lai thất, tọa Như Lai tòa, hành Như Lai sự”, vậy mà Ngài kiêm nhiệm vai trò anh nuôi, ngày đêm cần mẫn, chăm chút trong ngoài, không một lời than vãn. 

Năm 1975, dân di tản từ cao nguyên chạy xuống, miền Trung tràn vào, chùa Tỉnh Hội thành nơi tị nạn. Người đông chen chúc, bẩn thỉu, ồn ào ngay trong chính điện. Có người ngã bệnh từ trần, bơ vơ lạc lõng, Ngài mua quan quách, cho người tẩm liệm và chở xuống nghĩa trang Phật giáo mai táng. Những năm sau đó, thấy dân tình khốn khổ, bệnh tật gia tăng, Ngài chắt chiu từng từng trái cam, trái chuối, chủ nhật nào cũng mang xuống bệnh viện làm quà cho bệnh nhân, ngõ hầu xoa dịu phần nào nỗi cơ hàn khổ đau của họ. 

Vì vậy nhác thấy hình bóng Ngài trong bộ đồ nâu bạc màu dung dị, mọi người đều chắp tay “ Ông Phật đến! Ông Phật đến”; Ngài đã âm thầm gieo vào lòng người bất hạnh những hạt giống từ bi của chư Phật như vậy đó
    
Hay trên thế giới, cố tỷ phú Mỹ Steve Jobs – cha đẻ của thương hiệu Apple toàn cầu đã âm thầm làm từ thiện ở nhiều nơi, đến khi ông qua đời, những câu chuyện về quãng thời gian âm thầm làm việc thiện mới được tiết lộ.
    
Ngoài ra, ở khắp đạo tràng, có rất nhiều phật tử biết mình chỉ là hạt bụi giữa thế nhân, và họ thầm lặng làm từng việc tốt nhỏ nhất hằng ngày, cho đến những chuyến đi từ thiện tập thể.
    
Thật sự, tính chất của trí tuệ chư Phật là khiêm hạ và nhún nhường thể hiện qua những việc tốt thầm lặng như vậy. Vì họ không biết từ vô số những kiếp trước họ đã tạo tác bao nhiêu Nghiệp thiện và ác, cho nên kiếp này họ chỉ giả thiết, phúc đức của họ chỉ bằng một bát nước chứ không phải cả một dòng sông.

Vậy nên nếu lần nào làm việc tốt cũng cần cho nhiều người biết, để nhận được nhiều lời khen hay cảm ơn, tâm ngã mạn sẽ như nắm muối làm hỏng cả một bát nước công đức của mình. Tu như vậy là mới chỉ được phần lợi tha chứ chưa tự lợi, như là mới xong được cái mái nhà trước khi làm cái cột.
     
Người con Phật tu để phá tan núi ngã man, rồi mới hạ được thành phiền não, phiền não trong tâm mình bớt đi, nhường chỗ cho tâm thanh tịnh, thì việc ban vui cứu khổ mới được thành tựu. 

Pháp Bố thí có thể đem lại lợi ích cho mọi người, để lại tiếng thơm trong lòng đời, và thành tựu an lạc trong Tâm hành giả; khi hành giả bố thí với tâm vô tư, không nhìn thấy mình trong khi bố thí, không để cho nhiều người biết, và trong tâm mình không nên khởi niệm nào về việc mình đang bố thí. Vì bố thí giúp tâm khởi niệm lành, niệm lành cũng chỉ có thể cho ta tận hưởng cảm thọ hoan hỷ cho riêng mình trong một khoảng thời gian nào đó trong cuộc sống, rồi mãn kiếp lên cõi Trời hưởng phúc, chứ không giúp mình thoát khỏi luân hồi sinh tử, niệm bất thiện như ngã mạn lại càng làm mình tổn phúc. 
    
“Phật dụng cái Tâm”: của bố thí không quan trọng bằng cách bố thí, quan trọng thay, cách cho đi như thế nào để người được nhận cảm thấy tình thương yêu xoa dịu được nỗi khổ của họ, và tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam Bảo; cũng để cho người cho thành tựu chân thiện mỹ trên con đường tu hạnh Bồ đề.
                                          
Diệu Hòa

Theo Phatgiao.org

Âm lịch

Ảnh đẹp