- Nghỉ, anh
Tư ơi, chiều rồi! Có tiếng ai đó trên bờ gọi vọng ra sông.
- Nhậu anh Tư
ơi! Người trên bờ lại gọi. Người đàn ông quay đầu vào cười, nét mặt nhăn nhúm.
- Anh em nhậu
đi. Tui đang bận.
Ông Tư vừa
đáp lại, vừa đưa tay vớ lấy một đám lục bình to tướng mới trôi dạt vào xuồng.
Người đàn ông trên bờ vẫn tiếp tục giọng khiêu khích:
- Nghỉ sớm
một bữa không được sao? Làm hoài cũng vậy thôi! Hay là sợ bà xã rầy?
Ông Tư không
nói gì nhưng dường như có chút khó chịu, vẫn lẳng lặng tiếp tục công việc của
mình, đoạn ngẩng đầu lên nói:
- Lúc này bận
lắm. Anh em đừng rủ tui nữa. Ông tỏ vẻ dứt khoát.
Có lẽ thái độ
của ông Tư làm cho đám tửu đồ bạn của ông ngạc nhiên lắm. Ông vốn là một đệ tử
trung thành của Lưu Linh, chưa bao giờ khước từ một tiệc nhậu nào với bè bạn.
Đối với ông, rượu là lễ nghĩa, là tình bằng hữu, và “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Ông
uống rượu đến mức xem rượu như là nước lã và có thể uống trừ cơm (bỏ cơm, không
cần phải ăn cơm), thay nước (dùng rượu thay nước). Hôm nào không có rượu vào là
tay chân ông bủn rủn, không có sức làm gì cả. Có khi mồi nhậu chỉ là vài trái
cóc, ổi mà ông cũng uống ngon lành, thậm chí không có mồi ông cũng uống được.
Dân miệt vườn uống toàn rượu đế, mồi nhậu cũng không có gì, thỉnh thoảng mới có
một vài chầu nhậu với mồi ngon, cho nên các tửu đồ người nào cũng xanh xao gầy
guộc, thân chỉ còn da bọc lấy xương.
Các bà vợ của
mấy ông thì khổ sở vì niềm vui say sưa ấy, than trời trách đất cũng không thấu.
Có bà thì bầm mình bầm mẩy vì ông chồng có tật đánh đập, chửi mắng vợ con mỗi
khi đi nhậu về. Có bà đem giấu hết đồ đạc trong nhà khi ông chồng say về, bởi
ông có thói nhậu vào thì đập phá. Các bà vợ của mấy ông, bà nào cũng gớm cái
mùi “hèm” do mấy ông ói mửa. Nhưng điều làm mấy bà đau khổ nhất là mấy ông nhậu
quên cả đường về, quên cả vợ con đang ngồi ở nhà trông đợi, quên cả công việc
làm ăn. Thời buổi củi quế gạo châu, cứ ăn rồi nhậu thì làm sao gia đình no ấm
được. Đi suốt ngày, về lại lăn ra ngủ, làm sao có thời gian dạy dỗ và quan tâm
việc học hành của con cái. Hễ mấy ông bước ra khỏi nhà là mấy bà thấp thỏm lo
âu từng giây từng phút. Mấy bà sợ mấy ông nhậu vào rồi cãi vã đánh nhau. Sợ mấy
ông say xỉn rồi chạy xe loạng choạng ngoài đường dễ gây tai nạn. Sợ rượu vào dễ
nhiễm gió máy mà sinh bệnh…
Nhiều lần ông
Tư đi nhậu về, vợ ông và mấy đứa con ngồi ôm nhau khóc, khi thì nhà hết gạo,
khi thì đứa con nhỏ ốm đau mà không có tiền mua thuốc, khi thì chủ nợ đến đòi
vì ông vay tiền quá lâu mà không đóng lãi… Mấy ngày trước ông Tư đi nhậu tới
khuya mới về. Sáng hôm sau thức dậy đã thấy mấy đứa con quỳ trước mặt ông mà
khóc. Đứa con gái lớn nói:
- Nếu ba còn
thương mẹ thì từ nay ba đừng uống rượu nữa. Mẹ đã khổ nhiều rồi. Gia đình mình
nghèo, thiếu trước hụt sau, nợ nần chồng chất, một mình mẹ làm sao gánh nổi cả
gia đình. Mẹ vừa lo cho ba, vừa lo cho chị em con, khổ thân mẹ lắm.
Đứa con thứ
hai khóc sụt sùi:
- Nếu không
may ba có mệnh hệ gì, chị em con biết sống sao đây? Uống rượu nhiều dễ mắc bệnh
xơ gan. Ba thương tụi con thì đừng uống nữa.
Đứa con gái
lớn lại nói:
- Ba ơi, ba
có nghĩ đến tương lai của chúng con không? Các em con cần phải ăn học đến nơi
đến chốn, con cũng cần có một tấm chồng để nương tựa tấm thân. Người ta sẽ
không kết thân với những người không có tương lai, không có cuộc sống tốt như
chị em chúng con, người ta sẽ e dè, lo ngại. Ba ơi, bà con thân thuộc, hàng
xóm, chúng bạn sẽ chê cười gia đình mình không biết phấn đấu để vươn lên, để
thoát khỏi cái nghèo cái khổ. Người ta chê cười mình sống không có mục đích,
thả trôi thả nổi cuộc đời…
Ngồi nghe các
con nói mà ông Tư chết lặng. Những lời than khóc, van xin hết sức chân thành,
thiết tha xuất phát từ những tâm hồn thơ dại đã khiến cho ông giật mình thức
tỉnh. Hai hàng nước mắt bỗng ứa ra chảy dài xuống hai gò má khô gầy của ông.
Ông Tư đã khóc.
Từ hôm đó ông Tư không uống rượu nữa. Bạn bè rủ đi
nhậu ông cũng khước từ. Dù ai có rủ rê, khiêu khích ông cũng mạnh dạn từ chối.
Ông ở nhà chăm lo ruộng vườn, phụ việc nhà cửa với vợ và con cái. Mỗi ngày ông
đều chống xuồng đi cắt lục bình về phơi khô để đánh dây bán cho các cơ sở làm
hàng mỹ nghệ. Ông muốn làm một người chồng, người cha gương mẫu và là niềm tin
yêu của gia đình.