Buổi làm việc kéo dài đến quá trưa, sau buổi làm việc anh
bạn người Thái Piyachok Piyangsu (trợ lý Phó Tổng Giám đốc) nghe và nói rất
rành tiếng Việt, rủ tôi ra một quán ăn gần nơi làm việc ăn trưa. Chúng tôi vừa
ăn vừa trò chuyện.
Một lúc khá lâu sau, có hai người một già một trẻ mà tôi phỏng
đoán họ là hai cha con. Cháu trai khoảng 8 tuổi người gầy gò, đen đủi đi chân
đất, mặc chiếc áo ngắn tay, chiếc quần đùi đã bạc màu, dắt người đàn ông (chừng
trung niên) mù đang tự đệm đàn hát nghêu ngao đến não lòng điệu nhạc bolero
nghe đượm buồn giữa trưa hè nắng gắt. Cháu trai một tay dắt người đàn ông, một
tay cầm xấp vé số đến từng bàn mời thực khách mua ủng hộ.
Tôi
vốn không thích trò chơi đỏ đen, cho dù đây là cuộc chơi công khai với các công
ty xổ số của Nhà nước, nên tôi đã từ chối và rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi
móc ví lấy ra mấy ngàn đưa cho cháu trai như một hành động bố thí cho kẻ bất
hạnh. Cháu bé lắc đầu quầy quậy và lẳng lặng dắt người đàn ông bỏ đi qua một
bàn khác với thái độ “im lặng đáng sợ”. Anh bạn người Thái buột miệng nói một
câu rất chuẩn xác đầy tính cách ngoại giao nhằm gỡ rối cho tôi: “Nhân cách,
lòng tự trọng của cháu trai thật đáng quý anh ha!”. Tôi nghe lỗ tai mình lùng
bùng, mặt nóng ran bởi lẽ quá ngượng với anh bạn người Thái Lan này. Nhưng
trong lòng tôi cũng rung lên niềm tin vui pha lẫn sự kiêu hãnh, tự tôn dân tộc
vì thái độ trong sáng, tự trọng phản diện qua hình ảnh đời nghèo của hai cha
con người bán vé số dưới con mắt tôi và cả người nước ngoài.
Câu
chuyện trên đã gián tiếp nhắc nhở “kẻ hèn” là tôi và người đời ôn lại bài học
“vỡ lòng” về nhân cách và lòng tự trọng. Sự tế nhị trong đối nhân xử thế, trong
ca dao tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” hoặc “Đói cho sạch, rách cho thơm”
vẫn còn nguyên giá trị cao đẹp. Trong một phần đời phải mưu sinh kiếm sống bằng
bán vé số dạo, một cái nghề được coi là rẻ rúng trong xã hội, được nhìn với ánh
mắt đầy cảnh giác của người đời mà mới là một trẻ thơ, cháu đã làm sáng trong
bài học làm người, đó là: Nhân cách!
Trong khi đồng tiền đang làm tha hóa nhân cách, đẩy
con người đến độ ham mê vật chất, lún sâu vào tội lỗi một cách mù quáng, chà
đạp lên mọi giá trị, nhân phẩm, đạo đức, lòng tự trọng..., quên cả “ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, một bi
kịch, mặt trái của thời hội nhập thì tấm gương trên đã chứng minh sự sáng trong
những giá trị truyền thống cao đẹp, như câu tục ngữ “Gần bùn mà chẳng hôi tanh
mùi bùn”.