10/03/2011 21:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 2484
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Con người có quyền chọn lựa cuộc sống hạnh phúc về vật chất và tâm linh cho mình. Khi họ tìm thấy nơi đâu đáp ứng nhu cầu thì họ đi theo là chuyện không có gì lạ.

Tuy nhiên, hậu quả trước mắt và lâu dài của việc cải đạo cần phải phân tích rõ ràng để mọi người cùng thấy. Ba vấn đề chúng ta cần quan tâm là liệu rằng cải đạo có đem đến: chia rẻ tình đoàn kết dân tộc, phá vỡ nền văn hóa Việt và đánh bậc gốc rễ thế hệ trẻ không?! Mỗi người hãy cùng suy ngẫm.

Khái niệm ‘cải đạo’ được hiểu một cách phổ quát là bỏ đạo mình đang theo để chấp nhận một đạo mới. Hiện tượng ‘cải đạo’ chỉ có thể xảy ra khi có ít nhất hai đạo cùng tồn tại trên cùng một lãnh thổ nào đó.

Theo hiến pháp Việt Nam, việc theo hay không theo một tôn giáo[1] là quyền tự do của công dân và không ai có quyền xâm phạm quyền ấy. Điều đó có nghĩa là, công dân được quyền quyết định niềm tin của mình một cách tự nguyện mà không bị áp lực từ bên ngoài. Những hành vi hay thủ đoạn mua chuộc, ép buộc, lừa đảo bằng bất cứ hình thức nào đều được xem là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng. Vậy thì, sự ‘cải đạo’ cũng có thể xem là quyền tự do của con người và nó đã xảy ra khắp nơi trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Không ai có quyền cấm người khác cải đạo khi họ có những lý do chính đáng, nhưng chúng ta có quyền tư vấn, can thiệp và thậm chí phản đối khi những động cơ đưa đến sự cải đạo không lành mạnh xuất phát từ một trong hai phía hay cả hai.

Cũng như bác sĩ chẩn đoán bịnh nhân để tìm căn nguyên của nó, việc tìm hiểu động cơ cải đạo là ta đang chẩn đoán nguyên nhân của hiện tượng này. Nhận thức rõ tướng trạng của động cơ cải đạo thì ta mới hy vọng sẽ tìm ra giải pháp ‘cứu chữa’ hay ít nhất là ngăn chặn không cho chúng lan tràn thêm nữa. Dĩ nhiên, vi khuẩn mầm bịnh thì luôn luôn thay đổi nên công viêc ‘chẩn đoán’ cũng phải không ngừng hoạt động. Có thể nói rằng, đây là công việc không của riêng giới nào mà là công việc chung của mọi giới – những người đang quan tâm theo dõi sự thay đổi hàng ngày của hiện tượng cải đạo và những hậu quả đáng lo ngại cho đất nước Việt Nam chúng ta. Do vậy, mọi người đều có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình bằng những khả năng và phương tiện có thể. Trên phương diện truyền thông, việc xuất bản và phổ biến những thông tin về động cơ của việc cải đạo và hậu quả của nó gây ra được xem là một đóng góp tích cực mà nhiều vị đã và đang thực hiện, và mọi người đều có thể làm được. Những nhân chứng cụ thể và những sự kiện lịch sử chứng thực sẽ hiển lộ những động cơ không trong sáng của việc cải đạo và do đó sẽ bị đối phương phán ứng bằng nhiều hình thức quy chụp, đã kích khác nhau. Tuy nhiên, kết của tích cực của những thông tin chính xác sẽ giúp cho những người đang bị cải đạo hiểu rõ được bản chất của nó và thoát khỏi cạm bẫy. Âu cũng là việc nên làm vậy.

Theo lịch sử Việt Nam, tất cả các tôn giáo được nhà nước công nhận đều có nguồn gốc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Phật giáo được truyền vào Việt Nam rất sớm và phát triển rõ ràng nhất là vào hạ bán thế kỷ thứ II khi trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành.[2] Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam chứng tỏ thực sự là một đạo từ bi vì không hề khởi xướng tranh giành quyền lực, tín đồ dẫn đến đến cảnh đau thương, chết chóc, chia rẽ, thù hận, v.v…như các tôn giáo khác đã và đang làm. Ngay cả dưới hai thời đại Lý và Trần khi Phật giáo là quốc giáo, Phật giáo cũng hòa đồng với các giáo phái khác và do đó mới có câu nói ‘tam giáo đồng nguyên.’

Lão giáo và Nho giáo cũng được cho rằng truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ I – II nhưng vai trò ảnh hưởng của hai đạo này không lớn đối với xã hội Việt Nam mãi cho đến thế kỷ XI khi mà Nho giáo có vai trò chính yếu trên vũ đài chính trị kéo dài tới thế kỷ XIX. Lão giáo và Nho giáo nên xem là hệ thống triết lý hơn là tôn giáo và do đó từ ‘đạo’ có vẻ thích hợp với hai giáo phái này. Lão giáo thì không có hệ thống tổ chức giáo hội và tồn tại chỉ là các ‘hội quán’ hay nhóm nhỏ thực hành đạo lý hướng về cõi thần tiên. Nho giáo thì chủ trương thực hành thuyết ‘tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’ nên chú trọng vào đời sống hiện thực thay vì đề cập đến thế giới bên kia. Đặc biệt, Nho giáo đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống chính trị phong kiến ở nước ta từ thế kỷ XI cho đến đầu thế kỷ XX. Cả hai giáo phái này đều không có đề cập về việc cải đạo.

Thiên chúa giáo lấy năm 1533 làm mốc lịch sử truyền giáo vào Việt Nam.[3] Suốt 361 năm kể từ khi truyền vào Việt Nam đến năm 1884, Thiên chúa giáo có nhiều nỗ lực trong việc truyền giáo nhưng kết quả thật khiêm tốn. Thậm chí, tôn giáo này còn bị nhà nước cấm hay hạn chế sự truyền đạo. Tuy nhiên, sau khi triều đình Huế phải ký hòa ước công nhận Pháp đô hộ Việt Nam vào năm 1884, Thiên chúa giáo tại Việt Nam được tự do và công khai truyền đạo. Dưới sự ủng hộ của thực dân Pháp, Thiên chúa giáo phát triển rất mạnh về cơ sở vật chất lẫn tín đồ. Đặc biệt, dưới thời Ngô Đình Diệm, được sự bảo trợ của chính quyền, Thiên chúa giáo đã gây nhiều tổn thương cho Phật giáo nhằm mục đích phát triển tín đồ. Sau khi đất nước độc lập, Pháp và Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, Thiên chúa giáo Việt Nam vẫn còn là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Roma (Roman Catholic Church) và tồn tại đến ngày nay.

Một tôn giáo khác cũng có nguồn gốc từ Cơ Đốc giáo là Tin lành. Tin lành là phong trào kháng cách (Protestantism) tách ra từ Giáo hội Công giáo Roma xảy ra vào thế kỷ XVI ở châu Âu. Sau đó, tôn giáo này được truyền đi các châu lục khác và hiện nay rất thịnh hành ở Hoa Kỳ. Tin lành là tôn giáo sau cùng được truyền vào Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX trong thời kỳ Pháp đô hộ. Đầu tiên là các mục sư Tin lành thuộc Giáo hội Tin lành Pháp và sau đó là các mục sư đến từ tổ chức CMA thuộc Bắc Mỹ. Hiện nay, hệ thống tổ chức của các Giáo hôi Tin lành ở Việt Nam không phụ thuộc vào tổ chức Tin lành ở nước ngoài nhưng được hậu thuẩn rất mạnh về tài chính nhất là từ Hoa Kỳ. Cả Thiên chúa giáo và Tin lành đều có chủ trương và áp dùng nhiều hình thức để cải đạo nhằm mục đích phát triển tín đồ và nhiều lý do khác.

Một tôn giáo nhất thần khác cũng có chủ trương cải đạo rất ráo riết trên khắp thế giới là Hồi giáo. Tuy nhiên, Hồi giáo ở Việt Nam chiếm tỷ lệ tín đồ rất ít nên chiến lược cải đạo chưa thấy biểu hiện rõ ràng cho đến hiện tại.

Hai đạo còn lại là Cao Đài và Phật giáo Hòa hảo được thành lâp tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, giáo lý của hai đạo này gần gũi với truyền thống Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Họ cũng có những quy định để bảo vệ và phát triển tín đồ. Tuy nhiên, phần lớn tín đồ theo hai đạo này là tự nguyện hơn là vì vật chất hay mua chuộc.

Sau khi sơ lược về các tôn giáo được công nhận tồn tại ở Việt Nam, chúng ta có thể xác định được tôn giáo nào có chủ trương cải đạo và từ đó tìm hiểu những mô thức mà họ đã và đang áp dụng và mục đích cuối cùng của họ là gì? Trước hết, chúng ta cần phân biệt rõ rằng tìm hiểu thêm về triết lý hay đạo đức của một truyền thống khác, ngoài truyền thống của mình không phải là cải đạo vì chúng ta không hề bỏ đạo gốc của mình; rằng hợp tác với các tôn giáo khác vì mục đích lợi ích chung (nếu có thể) cũng không phải cải đạo; và rằng ngay cả trường hợp nam nữ tiến đến hôn nhân nhưng vẫn tôn trọng truyền thống riêng của mỗi người cũng không gọi là cải đạo. Như vậy, việc cải đạo chỉ có thể xảy ra khi chúng ta chấp nhận từ bỏ đạo gốc của mình, từ bỏ truyền thống tâm linh, tổ tiên của mình để theo một cái hoàn toàn mới. Cũng cần lưu ý rằng, tiếp thu học hỏi những điều mới để làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần, và tâm linh của mình không phải là cải đạo.

Vào thời Nho giáo thịnh hành ở nước ta, nhiều người chạy theo Nho giáo để có cơ hội thăng quan tiến chức, rồi quay sang công kích Phật giáo. Tuy nhiên, họ cũng không hoàn toàn bỏ truyền thống của họ và do đó không ai cho rằng họ cải đạo. Ngược lại, thời Pháp đô hộ Việt Nam và thời Mỹ - Diệm, nhiều người cũng muốn tiến thân trên con đường tương tự nhưng họ không có quyền lựa chọn như trước. Nghĩa là họ phải chấp nhận cải đạo để theo Thiên chúa nếu họ muốn mau đạt mục đích. Và từ đây vấn đề cải đạo trở nên phổ biến với nhiều động cơ khác nhau từ hai phía. Động cơ chủ yếu của các tín đồ là hưởng lợi và một phần niềm tin cứu rỗi, còn động cơ của các nhà truyền giáo là lợi dụng sự ủng hộ của tín đồ để củng cố sức mạnh chính trị của họ. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, người ta buộc phải lựa chọn lối sống cho mình, và nhiều người đã đi theo con đường mới.

Sau khi đất nước độc lập và thống nhất, con đường quan quyền của người dân không còn phụ thuộc vào bất cứ tôn giáo nào mà nằm ở những người cộng sản. Vậy thì động cơ của việc cải đạo là gì? Đối với các tín đồ, động cơ cải đạo trước hết là con đường tiến thân vì họ được giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, điều kiện học tập, và vì đạo lý ơn nghĩa của người Việt. Kế đến là sự yên tâm, chắc chắn sẽ được cứu rỗi bởi đã được các nhà truyền giáo viện dẫn kinh thánh hứa hẹn như thế. Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp mua chuộc bằng vật chất, hù dọa về tinh thần và đặc biệt là chiến thuật ‘mạnh hiếp yếu’. Nghĩa là, nếu một vài người người Phật tử sống trong xóm đạo thì sớm hay muộn gì cũng phải cải đạo hay chuyển đi nơi khác. Làm sao có thể sống trong một môi trường mà sự tính toán cải đạo luôn là ý niệm thường trực của nhiều người.

Trường hợp của những người thuộc dân tộc thiểu số ở tây nguyên thì sao? Động cơ của họ là cần sự cứu rỗi của Chúa hay sự cứu rỗi của những nhà truyền giáo. Có lẽ họ cần cả hai nhưng sự cứu rỗi của những nhà truyền giáo thực tế hơn là sự cứu rỗi của Chúa trời vì chính những người này mới đem của cải vất chất đến để thay đổi cuộc sống nghèo khổ của họ hiện tại. Họ cũng có ‘ông Giời hay ông Giàn’ để cầu nguyện nhưng đời sống của họ cứ nghèo. Vì lẽ đó, khi được giới thiệu một đấng quyền năng hơn, có thể làm cho họ thoát nghèo qua sự trợ giúp của các nhà truyền giáo thì việc chấp nhận Chúa trời cũng là dễ hiểu. Marx nói ‘vật chất quyết định ý thức’ có lẽ là đây. Tuy nhiên, cái lợi trước mắt có thể là mối hiểm họa lâu dài khi mà ‘ông Giời’ của họ không còn đất sống (mất đi văn hóa dân tộc) thì họ trở nên mất gốc, thành nô lệ của cái mới. Đây chính là điều lo ngại của chúng ta.

Công bằng mà nói, động cơ cải đạo của tín đồ không hẳn hoàn toàn như trên đã nói mà cũng có những trường hợp tích cực đáng suy ngẫm. Đó là khi họ không tìm thấy trong truyền thống của họ những điều họ mong muốn, những điều có thể giúp họ giải quyết nỗi khổ niềm đau của họ, nhưng họ lại tìm thấy ở truyền thống khác. Nguyên nhân là họ không gặp được thầy lành, bạn tốt cùng đạo với họ, có thể giúp đỡ họ; trong khi đó họ lại được giúp đỡ tận tình bởi những người từ tôn giáo khác. Tính thiết thực của tôn giáo đã thuyết phục họ chứ không phải những giáo lý cao siêu huyền diệu đọc thì không hiểu mà hành thì không ai hướng dẫn. Đó chính là điểm yếu của Phật giáo hiện nay. Đức Phật là một người ‘nói và làm’ thiết thực nhất trên thế gian này nhưng tiếc rằng đệ tử học và hành theo đức Thế Tôn thì quá ít. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến cho kho tàng Phật pháp vô giá khó có thể đến với quần chúng bình dân ở những nước đang phát triển và do đó không giữ chân họ lại được khi có biến cố xảy ra với họ.

Nếu động cơ của tín đồ có thể sơ lược như trên thì động cơ của các nhà truyền giáo là gì? Theo nguyên lý, các nhà truyền giáo chân chính khi giới thiệu một nền giáo lý mới cho người khác thì ắt hẳn giáo lý ấy phải có giá trị giúp đời, đem lại lợi ích cho con người. Cái giá trị ấy như thế nào thì tùy ở mỗi tôn giáo. Vì ý niệm giúp đời, các nhà truyền giáo đã không ngại gian lao dấn thân khắp nơi để truyền bá đạo lý của mình. Việc làm ấy nếu chỉ đơn thuần như thế thì còn gì cao quý cho bằng. Hẳn nhiên, động cơ giúp đời phải dựa trên nền tảng tự do và tự nguyện. Nghĩa là mình truyền giáo nhưng phải tôn trọng quyền tự do chọn lựa của người khác và nếu họ muốn theo đạo của mình thì đó phải hoàn toàn là sự tự nguyện của họ. Động cơ như thế đáng trân trọng biết bao. Ngoài ra, những sự trợ duyên vật chất và tinh thần mà các nhà truyền giáo đem đến cho những người dân còn thiếu thốn cũng là nguồn an ủi lớn lao và đáng trân quý. Với động cơ cao thượng như thế thì sẽ không có một nhà truyền giáo chân chính nào có tâm niệm tìm cách cải đạo hay mua chuộc tín đồ; sẽ không có vị nào nghĩ đến tranh giành tín đồ để thực hiện mục đích riêng cho mình. Động cơ cao đẹp này được tất cả các vị giáo chủ của các tôn giáo lớn dạy và hành như thế. Ngày này, các nhà truyền giáo nếu muốn tìm đủ mọi cách để cải đạo thì đó là hành động trái ngược với lời dạy của vị giáo chủ của mình và trái với đạo đức con người. Đem vật chất cứu giúp để tỏ ra thương hại người và lợi dụng vào đó để cải đạo thì đâu phải là động cơ của những nhà truyền đạo chân chính. Đáng buồn là nó lại đang xảy ra trên đất nước Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng trước khi Thiên chúa giáo và Tin lành truyền vào Việt Nam thì không có chuyện cải đạo hay nói đúng hơn là tranh giành tín đồ. Ngoại trừ hai tôn giáo này cộng với Hồi giáo có chủ trương và đường lối cải đạo, Phật giáo và các tôn giáo còn lại không hề có quan niệm này. Sự truyền giáo là đem đến cho tín đồ những giá trị đạo đức và tâm linh để giúp họ vượt qua nỗi khổ niềm đau, lý giải những bế tắc trong cuộc sống. Do vậy, cùng lúc họ có thể thực hành nhiều truyền thống vẫn không có mâu thuẩn gì. Tuy nhiên, khi các tôn giáo nhất thần truyền vào thì vấn đề trở nên phức tạp và đôi khi căng thăng. Từ đó, chúng ta có thể lý giải phần nào bản chất của các tôn giáo này.

Con người có quyền chọn lựa cuộc sống hạnh phúc về vật chất và tâm linh cho mình. Khi họ tìm thấy nơi đâu đáp ứng nhu cầu thì họ đi theo là chuyện không có gì lạ. Tuy nhiên, hậu quả trước mắt và lâu dài của việc cải đạo cần phải phân tích rõ ràng để mọi người cùng thấy. Ba vấn đề chúng ta cần quan tâm là liệu rằng cải đạo có đem đến: chia rẻ tình đoàn kết dân tộc, phá vỡ nền văn hóa Việt và đánh bậc gốc rễ thế hệ trẻ không?! Mỗi người hãy cùng suy ngẫm.

Trước tình trạng cải đạo không lành mạnh thì Phật giáo cần làm là gì? Phật giáo không thể làm một cách rập khuôn theo các tôn giáo khác mà hãy phát huy những giá trị vốn có của mình cộng với phương thức lãnh đạo thích hợp. Trước hết, Phật giáo cần phải có một quyển kinh nhỏ, ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về nội dung giáo lý Đức Phật để phân phát cho tất cả tín đồ. Điều thiếu sót hiện nay là rất nhiều Phật tử sau khi quy y rồi cũng không có được một quyển kinh nào để biết trì tụng huống gì những người chỉ đến chùa mà chưa quy y. Thứ hai, củng cố đoàn hoằng pháp. Phải có một nguồn tài chánh cho ban hoằng pháp để ban này có thể cử nhân sự đi khắp mọi miền đất nước thuyết pháp. Chúng ta không thể mong mỏi ban hoằng pháp làm việc tốt hơn trong khi mọi thứ họ phải tự lo từ đầu đến cuối. Hơn nữa, ban hoằng pháp cũng chỉ có thể làm tốt khi các chùa cơ sở được tổ chức tốt. Giáo hội phải quan tâm, hướng dẫn và trợ duyên cho họ thực hiện công tác tổ chức này thay vì để họ tự nguyện. Thứ ba, cải cách công tác từ thiện. Ban từ thiện phải nên hợp tác với ban hoằng pháp để vừa giúp vật chất vừa trao giáo pháp. Các dự án từ thiện phải có tính hệ thống, lâu dài nhất là vấn đề y tế, hướng nghiệp cho cộng đồng Phật giáo và người dân thay vì chỉ bố thí vật chất một cách tự phát. Tất nhiên, công việc ấy cũng có lợi ích nhưng nếu chỉ vì vật chất thì Phật giáo sẽ tụt hậu.

Việc cải đạo diễn ra phức tạp và tinh vi. Do vậy, tiếng nói của mỗi người con Phật là đang đóng góp bảo vệ và duy trì ngôi nhà chánh pháp. Hy vọng Đại hội hoằng pháp sắp đến sẽ có nhiều giải pháp thiết thực hơn.

 


[1] Tôn giáo (tiếng Anh gọi là religion) là thuật ngữ dùng để chỉ chung cho các truyền thống tâm linh, đặt biệt là các tôn giáo nhất thần phát triển mạnh ở phương tây. Trong các văn bản pháp lý, người ta gọi chung các ‘đạo’ là tôn giáo để có sự thống nhất trong công việc hành chánh hay quan hệ giao tiếp. Thật ra, từ ‘đạo’ mang nhiều ý nghĩa hơn và có thể biểu đạt nội hàm tương đối đầy đủ hơn so với từ tôn giáo, và do đó nó thích hợp với các truyền thống phương đông. Hơn nữa, từ ‘đạo’ không gây hiểu lầm về hệ thống tín điều như các tôn giáo nhất thần sử dụng.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, quyển 1.

[3] Theo Sách trắng tôn giáo Việt Nam

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/cn-xh/7095-Cai-dao-va-nhung-dong-co.html


Âm lịch

Ảnh đẹp