Sự hài
hòa giữa văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo sẽ là cơ duyên thuận tiện
cho chúng ta thực hiện sự truyền bá đạo Phật, đó cũng là lý do mà
chúng tôi muốn bàn luận về “Văn Hóa Lễ Hội Dân Tộc Là Cơ Duyên Hoằng
Pháp”. |
|
Văn hóa lễ hội là linh hồn của một dân tộc, là sức sống, là nét đẹp,
là thuần phong mỹ tục chứa đựng những giá trị nhân văn răn dạy các thế
hệ về đạo đức, văn hóa truyền thống cội nguồn của tổ tiên. Nên việc giữ
gìn và phát huy các giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển đất nước
một cách vững mạnh.
Từ khi có mặt tại Việt Nam, đạo Phật đã sớm
hòa nhập với văn hóa bản sắc dân tộc con rồng cháu tiên, đồng thời điểm
tô thêm cho văn hóa dân tộc càng sâu sắc và nhân văn hơn, nên đạo Phật
đã được người dân Việt đón nhận một cách tự nhiên. Từ đó đạo Phật đã
thấm sâu vào nếp sống sinh hoạt thường nhật của người dân, đi vào ca dao
tục ngữ, nêu cao nét đẹp tinh hoa của dân tộc Việt.
Văn hóa
Phật giáo và văn hóa dân tộc hòa quyện vào nhau, văn hóa Phật giáo chính
là văn hóa dân tộc, mái chùa là “mái chùa của dân tộc”, để từ đó trở
thành nếp sống muôn đời của tổ tông. Đây chính là sự thành công của chư
liệt vị tiền bối tổ sư đã ứng dụng đạo Phật vào văn hóa dân tộc Việt
Nam.
Sứ mạng thiêng liêng nhất hiện nay của Phật giáo chính là
sự nghiệp Hoằng Dương Phật Pháp, là đưa đạo Phật vào đời. Và muốn sự
nghiệp này được ngày càng phát triển lớn mạnh, thì không thể không quan
tâm đến Văn hóa lễ hội truyền thống của nước ta, chính sự hài hòa giữa
văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo sẽ là cơ duyên thuận tiện cho chúng
ta thực hiện sự truyền bá đạo Phật, đó cũng là lý do mà chúng tôi muốn
bàn luận về “Văn Hóa Lễ Hội Dân Tộc Là Cơ Duyên Hoằng Pháp”.
Các lễ hội văn hóa chính diễn ra trong năm
- Tết truyền thống của dân tộc
- Rằm tháng giêng
- Lễ hội Phật Đản
- Lễ hội Vu Lan Báo Hiếu
- Lễ hội vía Bồ-tát Quan Thế Âm
- Lễ hội vía Phật A-di-đà
- Lễ hội vía Đức Phật Thành Đạo
Nhìn
một cách tổng quát về 7 lễ hội thường được các chùa quan tâm tổ chức,
thì giá trị và tầm ảnh hưởng của lễ hội đối với quần chúng rất lớn. Vì
một khi các lễ hội này được tổ chức, thì không ai bảo ai, tham gia một
cách tích cực và đông đảo, điều đó nói lên tầm ảnh hưởng của đạo Phật
trong lòng văn hóa lễ hội của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn
một cách cặn kẻ thì các lễ hội của Phật giáo hiện nay vẫn chỉ là một
hình thức sinh hoạt khá cũ, và chưa thực sự đáp ứng và thu hút các giới,
nhất là giới tri thức và thanh thiếu niên.
Bây giờ chúng ta thử
lấy lễ hội Tết truyền thống của dân tộc để thấy Tăng Ni và Phật tử
chúng ta đã ứng dụng đạo Phật vào lễ hội này được gì?
a.Lễ tất niên cuối năm
Vào
dịp cuối năm có lễ tất niên ở các gia đình, lễ thăm mồ mả ông bà tổ
tiên. Ở điểm này, chúng ta thấy các chùa chỉ dừng lại ở việc làm lễ tất
niên một cách có lệ cho Phật tử ở chùa, mà chưa đi sâu vào nội dung của
lễ hội này. Vì cuối năm thì đa phần nhà nhà dọn dẹp nhà cửa, thăm mồ mả
tổ tiên, là một nét văn hóa rất đẹp, sao chúng ta không biết uyển chuyển
nâng việc này thành một lễ hội cầu siêu cho tất các Phật tử quá vãng ở
nghĩa trang.
Ví dụ: năm qua chùa Hoa Nghiêm ở Cư Mga tỉnh Đăk
Lăk, đã vận động bà con Phật tử quét dọn, tô đắp sơn mới lại mồ mả ông
bà, đồng thời tổ chức đại lễ kỳ siêu cuối năm thật là ấm áp. Việc này
rất thiết thực, phù hợp với tinh thần tri ân và báo ân đối với tổ tiên.
b. Hóa thân Di Lặc trong ngày đầu năm
Ngoài
tết truyền thống của dân tộc, Phật giáo chúng ta có xuân Di Lặc. Cho
nên các chùa thường treo băng rôn “Mừng Xuân Di Lặc”, và Kinh điển cũng
ghi rõ đức Phật Di Lặc sẽ đản sanh vào mùa xuân, từ đó Phật giáo chúng
ta có một lễ hội mùa xuân Di Lặc. Phật Di Lặc là một biểu tượng của lòng
hỷ xả, từ bi và niềm hoan hỷ với gương mặt luôn cười tươi như đóa hoa
xuân, là tổng hợp tất cả những điều mong muốn hạnh phúc an lạc đầu năm
của người dân Việt.
Hóa trang hình ảnh Di Lặc du xuân với túi
càn khôn đựng đầy Phúc Lộc Thọ, với xâu chuổi dài an lạc, mừng tuổi, lì
xì phát lộc đầu năm cho Phật tử. Hình ảnh đức Phật Di Lặc làm cho không
khí mùa xuân thêm vui tươi và ý nghĩa.
Ứng dụng lễ hội để đưa đạo Phật vào đời
Trong
phần ứng dụng này, chúng tôi chỉ nêu ra một số lễ hội mà lâu nay các
chưa áp dụng để đưa đạo Phật đến với mọi tầng lớp, nhất là giới trẻ. Lễ
hội Trung Thu và lễ hội Ngày Nhà Giáo là hai vấn đề mà các ban ngành
đoàn thể đều quan tâm ủng hộ và thu hút rất nhiều người tham gia, nhất
là giới học sinh, sinh viên.
a.Lễ hội Trung Thu
Đây
là lễ hội dành cho thanh thiếu niên không phân biệt Tôn giáo sắc tộc,
nhờ thế hầu như các em bé đều háo hức chờ mong được vui chơi, múa hát
dưới ánh trăng rằm và được chị Hằng và chú Cuội tặng quà. Vậy chúng ta
ứng dụng như thế nào để đưa đạo Phật vào lễ hội này?
Ngoài những
phần quà và đèn trung thu, chúng ta có thể hóa trang hình ảnh chị Hằng,
chú Cuội, đặc biệt là hình ảnh ông Bụt. Ông Bụt râu trắng với cây phất
trần hóa phép, là tượng trưng cho tình thương môi khi mọi người gặp
chuyện chẳng lành. Nên việc hóa thân ông Bụt rất gần gũi với sự hiểu
biết của các em qua truyện cổ tích dân gian như truyện Tấm Cám. Mà ông
Bụt là gì? Là hóa thân của đức Phật, với tình thương bao la che chở cho
mọi người trong lúc hoạn nạn, từ do danh từ Bụt gần gũi thân thương như
một ông Tiên.
Nên việc hóa trang ông Bụt, chị Hằng, chú Cuội
trong tết trung thu để gần gũi và chuyển tải giáo lý tình thương của đạo
Phật, xây dựng đạo đức văn hóa cho giới trẻ là một phương thức hoằng
pháp thiết thực và dễ tiếp cận với giới trẻ.
Đạo Phật là của mọi
tầng lớp, nhưng lớp trẻ là tương lai của đạo Pháp, đất nước và dân tộc.
Trung thu là ngày chúng ta quan tâm vun xới mảnh đất xanh tươi cho mai
sau. Hoằng pháp và tuổi trẻ là mối ưu tư và quan tâm hàng đầu của chư
tôn đức Tăng ni, nhất là Ban Hoằng Pháp Trung Ương trong thời hội nhập.
Nên tết trung thu là cơ hội hội đủ các yếu tố nhân duyên cho chúng ta
hoằng pháp đến giới trẻ.
b. Ngày nhà giáo
Dân
tộc Việt Nam luôn đề cao truyền thống tri ân và báo ân, uống nước nhớ
nguồn, tôn sư trọng đạo và trong ca dao tục ngữ cũng đã nhắc nhở sự tri
ân này như:
“Muốn sang phải bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
Hay
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là Thầy, mà nửa chữ cũng là Thầy)
Thời
nay việc kỷ niệm ngày nhà giáo trở thành một lễ hội văn hóa không những
ở tất cả trường học ở đời mà trong đạo, Tăng Ni chúng ta cũng đã tổ
chức để nói lên sự tri ân của thế hệ đi sau đối với bậc tiền bối. Lễ hội
nhà giáo là sự tri ân đến những người Thầy người cô, là những “ông lái
đò” không quản bao mệt nhọc để đưa bao thế hệ đến bến bờ tương lai tươi
sáng. Nên việc quan tâm tri ân đến quý Thầy Cô chính là quan tâm đến
tầng lớp tri thức, đồng thời giáo dục học sinh về nền tảng đạo đức biết
ơn và báo ơn người cho con chữ.
Để tổ chức thành công chương
trình lễ hội này, chúng ta có thể mời thầy cô giáo của các đoàn sinh
Phật tử, thầy cô dạy các chú điệu và Sa di, đến tham dự tại bổn tự. Bên
cạnh đó điều không thể thiếu là những phần quà ý nghĩa, các tiết mục văn
nghệ giao lưu với quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh.
Nhân
buổi lễ tri ân, chúng ta có thể nói một bài pháp ngắn về sự tri ân với
thầy cô, đốt nến tri ân, tổ chức cho các em đồng loạt tặng hoa và quà
lên thầy cô giáo. Nếu kết hợp được với sở giáo dục để tổ chức một buổi
lễ lớn hơn, thì chúng ta có thể mời những người chuyên môn về các mảng
như: văn nghệ, nghệ thuật thư pháp, tranh ảnh, ẩm thực, trò chơi
v.v...tạo cho không khí buổi lễ thêm hoành tráng và ý nghĩa. Chúng ta
cũng có thể tổ chức một đêm nhạc gây quỹ cho học sinh nghèo hiếu học,
việc làm này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các ban ngành nhất là
quý thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh.
Kết Luận
Trên
đây chỉ là một số lễ hội đã có truyền thống mà chúng ta có thể uyển
chuyển tổ chức để đưa đạo vào đời. Thật ra còn rất rất nhiều lễ hội mà
chúng tôi chưa muốn đề cập đến, vì chỉ cần bàn bạc phương hướng thực thi
để áp dụng hai lễ hội ở trên trong năm nay cũng đã là một sự thành tựu
lớn lao cho sự nghiệp hoằng pháp của chúng ta.
Sự thành tựu
hoằng dương Phật pháp không chỉ đơn giản là bàn thảo mà cần tích cực ứng
dụng các cơ hội hoằng pháp vào đời sống. Sứ mạng thiêng liêng cao cả mà
đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã làm và truyền trao cho liệt đại Tổ
sư đến ngày hôm nay chính là Sự Nghiệp Hoằng Pháp, đó cũng là hoài bảo
thiêng liêng mà Tăng Ni chúng ta phát nguyện dấn thân phụng sự.
*ĐĐ. Thích Chiếu Ý (trưởng BHP tỉnh Đăk Nông)
Nguon: http://nghethuatphatgiao.com/index.php/van-hoc/tuy-but/451-van-hoa-le-hoi-la-co-duyen-hoang-phap