06/06/2011 07:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 2177
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 - Chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình, nhưng rất ít khi được giáo dục để trở thành cha mẹ tốt. Ở trường được học nhiều môn nhưng chúng ta chưa hề học những môn "để trở thành cha mẹ tốt". Môn học này là cả một nghệ thuật mà chúng ta sẽ phải áp dụng cả cuộc đời kể từ khi có con...

Bài 1:Cách mẹ Việt ở Bắc Mỹ dạy con

Con có cần nhất nhất tuân lời?

Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, nhịp sống thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những mâu thuẫn, khác biệt của hai thế hệ đang ngày càng tăng. Trong nhịp quay quá nhanh ấy, những gì gọi là kinh nghiệm của cha mẹ chúng ta có còn là kim chỉ nam chăng? 


Ảnh có tính chất minh hoạ (Nguồn Internet)

Liệu con cái có phải nhất nhất tuân theo mọi lời chỉ dạy ấy? Câu trả lời đó với nhiều người hình như đã có chiều hướng ngập ngừng, đắn đo…

Theo tôi, sự giáo dục con trẻ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng và đầy đủ với các bậc phụ huynh. Tại Bắc Mỹ, một số phụ huynh Việt Nam còn có thêm những thử thách khi phải làm quen với cách suy nghĩ, ứng xử của trẻ con trong một xã hội hoàn toàn mới. Trẻ con thường ngại trò chuyện với cha mẹ, chúng rất bực mình khi phải nghe thuyết giáo hay chỉ trích, phê bình và chúng cho rằng bố mẹ nói quá nhiều…

Thế nhưng, liên hệ giữa cha mẹ và con cái, nhất là với các con đang tuổi thiếu niên, ít khi suôn sẻ. Thông thường, cha mẹ không chịu  tìm hiểu lắng nghe các con của mình, và mặc dù rất yêu thương tận tụy lo cho chúng, đôi khi cha mẹ có thái độ xa cách con cái hoặc xa hơn nữa là buông lời quở trách, phê bình và thuyết giảng luân lý với con cái.

Bắt đầu lớn là con cái không thích đi cùng cha mẹ nữa. Đi đám cưới họ hàng, du lịch, ăn giỗ ông bà... nếu không có biện pháp cứng rắn là các cậu ấm, cô chiêu diện đủ các lý do để “không đi được”. Điều này là bước đầu tiên khiến các cha mẹ bỗng thấy con mình tuột khỏi vòng tay.

Hầu hết các gia đình ở hải ngoại ngày nay chỉ có 1 đến 2 con nên mọi tình cảm, vật chất được trao hết cho chúng. Xã hội đang phải đối mặt với hiện tượng mới, đến tuổi đi học, cha mẹ lại sợ con không ăn sẽ ốm không học được. Mắng nhiều quá con cái sẽ căng thẳng thần kinh không tiếp thu bài vở.

Đến trường, đồ dùng, quần áo, tiền ăn vặt không bằng bạn bằng bè sợ con tủi thân, mặc cảm, bạn bè xa lánh, dẫn đến trầm cảm. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết phụ huynh đều than thở: “Dạy con bây giờ sao khó quá, phải tự mò mẫm, vừa dạy vừa chỉnh sửa...”.

Theo tôi có 3 khuynh hướng dạy con ở xã hội mới ngày nay...

Khuynh hướng thứ nhất: ép buộc

Theo truyền thống Á Đông, cha mẹ thường hay quan tâm quá mức về con cái. Một phần muốn có cuộc sống khá giả hơn của họ ở Việt Nam ngày xưa, một phần muốn nở mặt nở mày với thiên hạ, nên họ tạo rất nhiều áp lực vào con cái để chúng học những ngành mà có thể các em không thích, miễn cưỡng hay không có năng khiếu chuyên môn như – kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, luật sư...

Chúng ta phải thừa nhận là con cái ngày nay rất năng động và có tính tự lập hơn chúng ta trước kia, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không bỏ thói quen áp đặt cách sống của mình lên con cái. Chính cha mẹ đã mất thời gian trải nghiệm cuộc sống để đúc ra những kinh nghiệm quý giá mà con họ chưa có được.  

Đa số phụ huynh đều kỳ vọng rất cao để con cái phải cố gắng, thế nhưng có ít ai tìm hiểu khả năng thực sự của bọn trẻ thế nào. Các em không thể vượt quá khả năng tự nhiên do yếu tố di truyền quy định.

Sức ép từ cha mẹ vì thế có khi gây ra tác động tiêu cực, khiến con cái lo lắng mỗi khi chúng không đạt được các "kỳ vọng” mà cha mẹ chúng áp đặt cho chúng. Sẽ rất phức tạp nếu ta không kịp thời nhận thấy trẻ chưa sẵn sàng hoặc chưa thể đáp ứng được sự trông đợi của cha mẹ.

Phần nhiều các bậc cha mẹ thuộc khuynh hướng này mong muốn và giáo dục con cái sao để chúng có thể kiếm được nhiều tiền khi trưởng thành mà quên rằng đó chỉ là một phần trong toàn bộ đời sống của trẻ. Điều đáng lưu ý hơn là những bậc cha mẹ này phải hiểu là chúng ta chỉ muốn dạy cho con trẻ làm cách nào để sống một cách hạnh phúc chứ việc học không phải chỉ đơn giản là để kiếm tiền.

Việc cố gắng ép con vào khuôn khổ để có thể vượt trội trẻ em khác đồng lứa tuổi xem ra không phải là phương pháp tốt trong việc nuôi dạy con theo quan niệm khoa học ngày nay. Cha mẹ thuộc hạng này quá bảo thủ ý kiến của họ theo kiểu:

“Thời của ba mẹ đâu có như bây giờ”.

Thay vào đó, họ không cần biết hay chấp nhận những mặt tốt do sự tiến bộ đem đến. Chúng ta luôn tự hỏi tại sao họ không cùng tham gia học hỏi những tri thức mới để kịp bắt nhịp với con cái và dễ dàng cảm thông, chia sẻ với chúng hơn.

Nên bắt con vào khuôn khổ từ bé

Những người con trong khuynh hướng này khi vào đời sẽ rất biết ơn công lao của cha mẹ chúng đã "lo lắng quá độ" để lo cho tương lai các em. Để các em có 1 tương lai sáng chói, một nghề vững chắc và được rất hãnh diện với đời.

Nhân đọc cuốn sách "Battle Hymn of The Tiger Mother" của bà giáo sư Tiến sĩ ĐH Yale - Amy Chua, người Mỹ gốc Trung Hoa và cho biết rằng nhiều bà mẹ Tây phương cũng khắt khe trong việc dạy dỗ con cái, nhưng chỉ khắt khe tới một mực nào đó thôi. Giáo sư Amy Chua đã liệt kê những luật lệ dành cho 2 đứa con bà ở lứa tuổi 14 và 16 là không được ngủ lại nhà bạn, không được có bạn trai, phải thực tập dương cầm hay đàn vỹ cầm một ngày 3 tiếng, không được xem ti vi hay chơi games trên computer, và phải đạt điểm từ A trở lên cho các môn học ở trường…

Bà Amy Chua đưa thí dụ như việc tập đàn vĩ cầm hay dương cầm thì một tiếng đồng đầu chỉ là tập cho quen tay với đàn. Hai tiếng đồng hồ sau đó mới giúp con cái đạt được những thành quả hơn người. Vì vậy bà cho biết cha mẹ Tây phương không dùng kỷ luật chính đáng để dạy con và theo dõi kỹ càng cho con thành công đến nơi đến chốn. Bà Amy cũng cho biết, "rất nhiều cha mẹ Tây phương đã tự hỏi là sao những bậc cha mẹ gốc Trung Hoa có nhiều con cái thành công trong nhiều lãnh vực như toán, âm nhạc, và họ không biết cách dạy con của người Trung hoa ra sao? Tôi có thể nói cho họ biết, vì tôi cũng trải qua những việc dạy dỗ hai đứa con tôi".

Theo bà Amy Chua thì lòng thương yêu của các bà mẹ Á châu có thể hy sinh nhiều cho con cái, họ có kiên nhẫn hơn, để nhiều thời gian dạy dỗ con không mệt mỏi, trong khi các bà mẹ Tây phương tuy cũng thương con, nhưng họ tôn trọng quyền tự do cá nhân, tự lập của con cái hơn…khuyến khích nhưng không mạnh bạo và trực tiếp bằng các bà mẹ Á châu. Các cụ ngày xưa vẫn thường nói: "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi".

Trong thời đại mới, chúng ta không đồng ý đến việc dùng roi dạy con cái, nhưng qua sự thành công dạy dỗ của bà giáo sư Amy Chua cũng như hàng triệu bà mẹ Á châu khác ở khắp nơi trên thế giới, thì một điều chúng ta học hỏi được là bắt con cái vào khuôn khổ từ lúc còn bé, thì việc này sẽ giúp rất nhiều cho chúng trong tương lai.

Nhưng trong thâm tâm có bao nhiêu em vui vẻ, hạnh phúc và hài lòng với số phận của mình.

TIN BÀI KHÁC
Rèn con mà không cần "vitamin roi"
Mẹ Việt chọn roi mẹ Hổ hay kẹo chú Sam?
Mẹ Hổ dạy con: Đông hay Tây không gì hoàn hảo
Mẹ Hổ dạy con làm nước Mỹ sửng sốt
Cắt cơn "muốn chết" của cậu con cá biệt
Mẹ Việt "trị" con cá biệt kiểu Thụy Điển
Uốn nắn con theo chiến thuật nhà binh

Nguyễn Hồng Phúc (Canada)
Bài 3: 
Để con tự quyết khi đến tuổi trưởng thành

 

Nguon: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/24227/the-he-chung-ta-day-do-con-nhu-the-nao-.html


Âm lịch

Ảnh đẹp