30/12/2011 19:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 110463
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hãy để cho nhân gian hiểu rằng Bồ Tát Di Lặc không chỉ như ông Bụt an vị một chỗ để cho mọi người đến vái lạy cầu lộc. Mà Bồ Tát Di Lặc sẽ hội nhập với đời sống Phật giáo hơn, gần gũi hơn, phù hợp hơn với sự phát triển Phật giáo trong giai đoạn Phật lịch đã bước sang 2556.


Khi con gái tôi chưa lên cấp 2, dĩ nhiên cái tuổi ấy rất thích quà. Trong một lần vào dịp Noel, mở tivi kênh nào cũng thấy bài hát về Giáng sinh hoặc nhạc của các bài hát Noel, bỗng con tôi làu bàu “Lại hát Noel hoài à. Nghe riết phát ngán”.


Tôi bật cười cái giọng rất “bà cụ” của nó. Gần một đời người, chưa bao giờ thấy ai thốt lên câu đó, mà ở cái tuổi lên 10 đã “ngán” các bài hát ấy. Chưa hết, tôi lại nghe con hỏi: “Mẹ, ông già Noel và ông Di Lặc có giống nhau không?”.





Ờ, câu này không khó mà cũng khó nha. Nhưng mà biết nói sao nhỉ? Tôi hỏi lại:


-  Sao con lại hỏi vậy là ý gì?


-  Bạn con nó nói. Người ta theo chúa thì có ông già Noel tới cho quà. Còn má nó đi chùa thì  ai sẽ cho quà, mẹ?


Hồi đó tôi chưa giác ngộ nên chẳng biết gì mà nói. Nhưng trong lòng dấy lên chút thương cảm cho tâm hồn non trẻ mà đã có suy nghĩ khiến cho người làm cha mẹ phải bận tâm.


Câu hỏi ấy đã xuyên qua 9 năm, giờ nghĩ lại thấy 9 năm ấy chưa đáng là bao so với mấy ngàn năm từ khi có Phật Di Lặc ở trên đời.


Nay đã theo Phật, mới biết rằng đã có bao câu thơ hay, những bài viết về nụ cười, tiếng cười, về tấm lòng hỷ xả, về lòng thương yêu con người của Bồ Tát Di Lặc. Một nhân vật lịch sử của Phật giáo như vậy mà hàng năm chỉ an vị một chỗ trong chùa sao?


Lâu nay, Việt Nam chỉ biết hình tượng Bồ Tát Di Lặc đầu nhẵn không tóc, bụng phệ. Nhưng thực tế, các tượng Phật Di Lặc tại Ấn Độ lại khác nhiều. Vậy hình tướng của Bồ Tát Di Lặc như thế nào là đúng?


Nên chăng các thời thuyết Pháp của các giảng sư phân tích nhiều hơn về các kinh Pháp của Phật Di Lặc. Cần thiết có triển lãm các loại tượng Phật Di Lặc qua từng thời kỳ lịch sử Phật giáo khác nhau thế nào để rộng đường hiểu biết trong giới Phật tử, để thấy Bồ Tát Di Lặc có ý nghĩa đặc biệt thế nào trong đời sống Phật giáo.


Mỗi mùa xuân đến, tôi vẫn tưởng tượng một vị Phật Di Lặc hiền từ xuất hiện trên hè phố với cái túi đầy quà vắt vai đến từng nhà chia quà cho các cậu bé, cô bé. Và… trong ánh đèn đỏ quạch đêm khuya, những tấm thân lạnh nằm qua đêm dưới mái hiên nhà cô quạnh, Phật Di Lặc nhẹ nhàng đắp trên người họ tấm áo mới hay món quà gì đó.


Bản thân người được nhận và những ai đó đã chợt nhìn thấy hình ảnh sẽ trở thành câu chuyện mới cho gia đình và bạn bè. Tiếng lành đồn xa về những tấm áo ấm, những món quà của Bồ Tát Di Lặc sẽ chắp nối thông điệp nhân ái lan toả trong nhân gian, sẽ nhân lên những tấm lòng đồng cảm thì túi quà của Bồ tát Di Lặc luôn luôn đầy và Ngài sẽ liên tục đi khắp mọi nẻo đường để mang nụ cười xuân cho tất cả 12 tháng trong năm dành cho người nghèo.


Đối với người nghèo, khi nào có áo lành, trong nồi có gạo được no lòng là khi đó trong nhà sẽ có niềm vui như ngày tết vậy.


Rồi sẽ có rất nhiều Bồ Tát Di Lặc ở mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt tuổi tác, giới tính cũng khoác túi quà vắt vai đem niềm vui đến mọi nhà.


Từ thủa hồng hoang đi mở đất, cũng từ bao đời cha ông ta dựng nước đã vượt qua biết bao khó khăn lớn mà các thế hệ con cháu đều nối tiếp truyền thống tổ tiên vượt qua được.


Huống chi trong thời an bình thế này, chỉ cần chúng ta cùng chung một ý tưởng, cùng chung một việc làm thì việc đó sẽ được diễn ra một cách dễ dàng khi mà chúng ta cùng muốn thực hiện.


Hy vọng rằng mùa xuân 2012, trong cuộc sống của chúng ta sẽ xuất hiện nhiều bóng dáng của Bồ Tát Di Lặc trên đường phố, trong các bệnh viện, trong trường học tình thương, trên các nẻo đường quê ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo, đem tiếng cười hoan hỉ và những món quà thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn thì tính nhân văn của những người tu hành Phật giáo sẽ càng nhân lên nhiều tầng ý nghĩa đẹp đẽ. Đó cũng là một cách quốc gia hoá Bồ Tát Di Lặc trong Phật giáo. Là một loại hình hoằng Pháp không lời trong việc phát triển Phật giáo trong cộng đồng.


Hãy để cho nhân gian hiểu rằng Bồ Tát Di Lặc không chỉ như ông Bụt an vị một chỗ để cho mọi người đến vái lạy cầu lộc. Mà Bồ Tát Di Lặc sẽ hội nhập với đời sống Phật giáo hơn, gần gũi hơn, phù hợp hơn với sự phát triển Phật giáo trong giai đoạn Phật lịch đã bước sang 2556.


Bạn thấy vui không khi thấy có một đoàn Bồ Tát Di Lặc đi xe, hoặc đi bộ trên đường phố?. Hoặc cả gia đình nào đó cùng khoác áo Di Lặc đến chùa? Trong một ngày hội xuân có nhiều Di Lặc xuất hiện.


Rồi sẽ có một Hội thi ai sẽ hoá trang là Di Lặc giống nhất? Ai sẽ có tiếng cười hỷ xả giống Di Lặc nhất? Ai sẽ có áo giống của Di Lặc nhất? Ai có hình tướng giống Di Lặc nhất? Giữa tiếng cười rộn rã trong tiết xuân ấm áp, sẽ reo trong tâm mỗi người niềm tin yêu cuộc sống đầy ắp ngôn ngữ đẹp của văn hoá Phật giáo Việt Nam.



Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/diendan/17531.html



Âm lịch

Ảnh đẹp