27/05/2012 14:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 93450
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tại Hội sách TPHCM năm 2012, khách tham dự đều được phân phát một quyển sách nhỏ, nhan đề “Lời trí tuệ”, tác giả là Duy Tuệ, với hình bìa là chân dung bán thân của Duy Tuệ.


Sách “Lời Trí Tuệ” không in tên nhà xuất bản, không có trang thủ tục, không có những thông tin xuất bản.
 
Sách “Lời Trí Tuệ” là tập hợp nhiều câu ngắn, trình bày dưới dạng danh ngôn.
 
Phần lớn nội dung những câu trong sách đều phảng phất những ý tưởng đã được trình bày bởi nhiều tác giả, rải rác ở nhiều sách khác nhau, trước hết là kinh Phật. Nay được thể hiện lại có khác đôi chút, và được coi là của tác giả Duy Tuệ.
 
Để ví dụ, xin phép lấy 2 câu đầu tiên, ở phần đầu ngay trang 1, phần có nhan đề “Tỏ tường”:
 
Sinh tử luôn hồi giống như xuân, hạ, thu, đông, nên không thể tu để hủy diệt nó.
Không làm sao để tu giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, vì luân hồi sinh tử là chuyện tự nhiên của trời đất, tạo hóa”.
 
Người đọc nhiều sách thiền thì tất không ngạc nhiên với tư duy này, trừ khái niệm “tạo hóa” được thêm vào khá sống sượng.
 
Nhưng nói tác giả Duy Tuệ lấy ý tưởng, câu văn của người khác, thể hiện lại, rồi tự nhận mình là tác giả thì phải chỉ ra xuất xứ tác phẩm gốc và tác giả.
 
Ý tưởng như ở 2 câu trên có ở nhiều tác phẩm Phật giáo từ nhiều tác giả. Ở đây, chúng tôi chỉ xin dẫn bài thơ “Sinh lão bệnh tử” của tác giả Lý Ngọc Kiều, tức Ni sư Diệu Nhân, in trong Tổng tập Văn học Việt Nam, quyển 1, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980. Nguyên văn bài thơ phiên âm chữ Hán, dịch xuôi và dịch thơ như sau (sách dẫn trên trang 328 - 329).
 
“Phiên âm:
SINH, LÃO, BỆNH, TỬ
Sinh, lão, bệnh, tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phọc thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Đỗ khẩu vô nghiên (ngôn)”.
Theo Thiền uyển tập anh
Dịch xuôi:
SINH, LÃO, BỆNH, TỬ
“Sinh, lão, bệnh, tử,
Lẽ thường xưa nay vẫn thế.
Muốn thoát khỏi cảnh đó,
Nhưng cởi trói lại là buộc chặt thêm.
Mê muội mới cầu Phật,
Nhầm lẫn mới cầu Thiền.
Chẳng cầu Thiền cầu Phật,
Ngậm miệng lại không nói”.
Dịch thơ:
Sinh, lão, bệnh, tử,
Lẽ thường tự nhiên.
Muốn cầu siêu thoát,
Càng trói buộc thêm.
Mê mới cầu Phật,
Lẫn mới cầu Thiền.
Chẳng cầu Thiền, Phật,
Ngậm miệng lặng yên”.
Theo bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình”.
 
Lời giới thiệu của những người biên soạn bộ Tổng tập Văn học Việt Nam về bài thơ nói trên như sau:
 
Tác phẩm của bà hiện còn một bài kệ. Bài kệ này thể hiện quan điểm “phá chấp” của Thiền tông, nhưng về mặt khách quan lại có ý nghĩa như là sự phản ánh tinh thần của thời đại khi mà dân tộc ta đang phát huy khả năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần độc lập, tự chủ” (trang 327, khái niệm “thời đại được nói đến ở đây là thế kỷ thứ X, vương triều Lý).
 
Đối chiếu với “Lời trí tuệ” của tác giả Duy Tuệ, thì điều được nói lên rất rõ ràng. Tác giả Duy Tuệ đã lấy “lời trí tuệ” của người khác làm “lời trí tuệ” của mình.
 
Trong học thuật, người ta gọi đó là đạo văn, đạo ý. Thành tố “đạo” ở đây là “ăn cắp”, trong từ “trộm đạo” hay “đạo tặc” (tức trộm cắp). Thành ngữ tứ tự Hán văn có câu “Đạo thính đồ thuyết”, tạm dịch: nghe kiểu ăn cắp rồi ra đường mà thuyết.
 
Chuyện ăn cắp văn, với nhiều tác giả, là chuyện chẳng đặng đừng. Thường là vì bức bách quá, nên phải đạo văn, và đương nhiên tự mình cảm thấy nhục nhã. Những đoạn “đạo văn” thường được để lẫn vào tác phẩm, hầu như không kẻ ăn cắp văn nào dám để ở trang nhất, lại kiêu hãnh tự xưng là “Lời trí tuệ”.
 
Hơn nữa, từ “lẽ thường tự nhiên”, người ăn cắp văn lại thêm vào từ “tạo hóa” của nhất thần giáo. Để làm gì? Điều này xin để bạn đọc suy nghĩ và đi đến kết luận.
 
Đề cập đến việc đạo văn và trưng bày nó ở trang nhất của một quyển sách in hình mình và lại tự xưng là “Lời trí tuệ” của mình, chúng tôi muốn bạn đọc đánh giá về danh dự, phẩm giá của người làm việc đó.
 
Hiền giả không thể là một kẻ ăn cắp, lại càng không thể tự hào, khoe khoang, kiêu hãnh với đồ ăn cắp mà có với mọi người. Người tự hào, lấy làm vinh dự với đồ đi ăn cắp không thể là đạo sư, đi dạy dỗ người khác bằng cái thứ trí tuệ ăn cắp đó.
 
Nhận mặt một tên trộm đạo, thì đương nhiên chúng ta không thể gọi người đó là “đạo sư”, càng không thể nhận đó làm thầy.
 
Từ “đạo sư” ở một người ăn cắp, còn chăng, là ý nghĩa mai mỉa đến cùng tột.
 
Và chúng ta nghĩ sao, khi có kẻ tỏ vẻ dè bĩu, chỉ trích, bôi bẩn, xem là sai lầm, cần phải “thông tỏ” những giá trị từ hàng ngàn năm trước, nhưng rốt cuộc lại đi ăn cắp những giá trị đó, để rồi lại nhận đó là “trí tuệ” của mình (!).
MT


Âm lịch

Ảnh đẹp