24/12/2010 18:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 2803
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đến mùa Giáng sinh, đường phố Sài Gòn và các tỉnh lại tưng bừng nhộn nhịp với hình ảnh ông già Noel và đèn hoa lộng lẫy. Mọi người, nhất là lớp trẻ, kéo nhau ra đường dự hội một cách tự nhiên và vui vẻ.


Tôi cũng không phủ nhận niềm vui chung của xã hội, nhưng tôi lại có chút trăn trở, băn khoăn.

Tại sao chúng ta không có một mùa Giáng sinh cho Đức Thích Ca Mâu Ni tưng bừng như thế, không có một “biểu tượng” nào của PG thật gần gũi với quần chúng nhân dân như ông già Noel duyên dáng kia?

Dĩ nhiên, Đức Phật Thích Ca là một biểu tượng lớn nhất, nhưng dù sao vẫn còn mang đậm “chất tôn giáo”, trừ các gia đình Phật tử ra thì không dễ tiếp cận với mọi thành phần khác trong xã hội.

Chúng ta phải có một biểu tượng gần gũi hơn, vượt qua khỏi ranh giới đạo-đời. Ông già Noel là một biểu tượng như thế.

Từ lâu, nhiều người đã “quên” ông già Noel thuộc “bản quyền” của Thiên Chúa giáo, mà thấy ông trở thành “của chung” đối với mọi thành phần dân chúng. Ngay cả nhiều Phật tử chúng ta cũng sử dụng biểu tượng này một cách vô tư, cho con cháu gặp gỡ, chụp hình với ông và nhận quà từ ông.

Ông già Noel chính thức đại diện cho tình thương con người và niềm vui trẻ thơ. Cũng như Noel đã trở thành lễ hội chung của cả nước không phân biệt ranh giới.

Chính điều đó khiến PG chúng ta phải suy nghĩ và học tập để tìm cách xã hội hoá PG rộng rãi hơn nữa.

Thiết nghĩ, ông Bụt cũng chính là ông Phật đó thôi, nhưng đã được dân tộc VN “mềm hoá” thoát khỏi phạm trù tôn giáo, trở thành nhân vật gần gũi với mọi người, đặc biệt trẻ em.

Tại sao chúng ta không kế thừa sáng tạo đó của ông cha, và phát triển hơn nữa để ông Bụt có thể xâm nhập vào đời sống hiện đại?

Tôi đề nghị thiết kế ông Bụt râu tóc bạc phơ, mặc áo vàng (giống màu áo của nhà sư), tay cầm phất trần đến từng nhà trẻ em và…hô biến ra những món quà xinh đẹp.

Chắc chắn các em vui mừng không thua gì với ông già Noel.

Nhà chùa có thể phụ trách “dịch vụ” này, coi như một hình thức hoằng pháp. Các cư sĩ có thể tiếp tay với chùa, hoặc có thể độc lập tổ chức. Không có gì khó! Chỉ trong một đạo tràng thôi đã có bao nhiêu là phụ huynh đăng ký tặng quà cho con em mình. Và đó cũng là cách mà cha mẹ Phật hoá gia đình.

Cũng xin nói thêm, chúng ta cần nêu ý kiến, đề đạt lên các cấp chính quyền để được ủng hộ, cho phép hoạt động. Bởi những hoạt động vừa kể trên không hề vi phạm các quy định về tổ chức tôn giáo. Nếu cần thì có thể so sánh với hoạt động của đạo Thiên Chúa, sẽ thấy được sự công bằng hay không.

Xin quý vị hãy thực hiện ngay vào mùa Phật Đản này. Chúng ta chậm một năm là bao nhiêu tuổi thơ sẽ trôi qua, chúng ta không còn nhiều cơ hội đem con em mình về với đạo!

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/3/12704.html


Âm lịch

Ảnh đẹp