THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH TW GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHỨNG MINH BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH AN GIANG
NGUYÊN TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH AN GIANG NHIỆM KỲ I – NHIỆM
KỲ III
VIỆN CHỦ CHÙA AN PHƯỚC - XÃ ĐA
PHƯỚC – HUYỆN AN PHÚ
I. THÂN
THẾ:
Hòa thượng
Thích Chánh Đạo, thế danh Nguyễn Minh Đăng tự Nguyễn Đến, sinh năm 1910 (Tân Hợi),
tại làng Thọ Xuyên, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hòa thượng
sinh trong một gia đình trung nông, nhiều đời kính tin Tam bảo, thân phụ là Cụ ông
Nguyễn Văn Sang, thân mẫu là Cụ bà Đào Thị Thở. Hòa thượng có hai anh em, một
nam một nữ, Hòa thượng là con trưởng
II. XUẤT
GIA HỌC ĐẠO:
Thiếu thời,
Hòa thượng thường theo song thân đến chùa lễ Phật, nghe Pháp. Sớm ảnh hưởng những
tinh hoa Phật học, nhân chuyến theo phụ thân đi tham quan đất phương Nam, một hôm
đứng bên bờ sông Hậu, nhìn sang bên kia trông thấy một ngôi già lam uy nghi hùng
vĩ, tĩnh mịch và tiếng chuông chùa ngân vang đã khiến Hòa thượng phát chí xuất
trần.
Trở về quê
hương xứ Quảng, chí xuất trần ngày thêm mãnh liệt, Hòa thượng xin phép song thân
bỏ tục xuất gia. Trước ý chí và tâm thành xuất gia học đạo, năm 15 tuổi, Hòa thượng
được song thân cho phép thế phát với Hòa thượng Thích Minh Trí tại chùa Bảo Thọ,
huyên Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, làm Bổn sư được ban pháp hiệu là Chánh Đạo.
Sau khi xuất gia, tuy tuổi còn nhỏ nhưng với chí hiếu học cần tu, Hòa thượng được
Thầy bổn sư cho phép trở lại đất phương Nam để tham học với vị cao Tăng miền
sông nước Cửu Long.
Khi trở lại
đất phương Nam, vốn sẵn túc duyên Sư Đồ nhiều đời, nơi chốn Tổ An Phước, Hòa thượng
đã đắc pháp với Hòa thượng Thích Hồng Năng – hiệu Chơn Ý, được truyền phú pháp
với pháp danh là NHỰT ĐĂNG, pháp tự là
CHÁNH ĐẠO, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia phổ đời thứ 41.
Nhận thấy
chí tu học, sáu thời thiền tịnh tinh nghiêm, khả dĩ tiến xa đạo nghiệp, có thể
kế thừa tâm ấn của Thiền phái Lâm Tế, là bậc đống lương của Phật pháp sau này,
Hòa thượng được Hòa thượng nghiệp sư gởi sang đất nước chùa tháp để nghiên cứu
và học tập giáo điển Phật giáo Nam truyền. Và tại đây, năm 1927 được sự cho phép của Hòa thượng Bổn
sư, Hòa thượng đăng đàn cầu thọ Sa di giới.
Sau một
thời gian nghiên tầm giáo điển Nam
truyền, Hòa thượng trở về Việt Nam
để hầu thầy. Khi Phật học đường Lưỡng Xuyên được thành lập, Hòa thượng theo học
Phật pháp tại đây và các Phật học đường khác tại Nam bộ bấy giờ.
Sau khi
tham học, nghiên tầm giáo điển tại các Phật học đường, nghĩa lý đã tinh sâu, Hòa
thượng trở về chốn tổ An Phước tiếp tục hầu thầy. Dưới sự giáo huấn của Hòa thượng
nghiệp sư, Hòa thượng càng tinh cần tinh tấn trong tu học, nghĩa lý ngày thêm
tinh tường và đủ khả năng dụng báo Tứ ân, bạt tế tam hữu.
Năm 1929,
Hòa thượng Bổn sư nhận biết Hòa thượng là pháp khí đại thừa, có thể kế thừa Tổ ấn,
đã cho phép Hòa thượng đăng đàn thọ cụ túc giới tại đại giới đàn chùa Phước Hòa
– Trà Vinh do đai lão Hòa thượng Thích Khánh Hòa – bậc cao Tăng đương đại làm Hòa
thượng đàn đầu.
III. HÀNH
ĐẠO:
Từ những
năm 1940, Hòa thượng đi nhiều nơi để tham học như chùa Phật Quang – Trà Ôn, chùa
Tiên Linh – Bến Tre, chùa Giác Lâm – Sài Gòn, Chùa Linh Sơn – Sài Gòn, Chùa Ấn
Quang – Sài Gòn và trở lại chùa Triều Long, chùa Gò Tháp, chùa Phước Long –
Campuchia để nghiên cứu thiền Minh sát tuệ.
Năm 1970,
trước khi lâm tịch, Hòa thượng Bổn sư đã phó chúc cho Hòa thượng kế vị ngôi trụ
trì chùa An Phước. Từ đây, Hòa thượng dành mọi thời gian để nhập thất tham thiền,
trùng tu chốn Tổ An Phước ngày thêm tráng lệ huy hoàn, tiếp Tăng độ chúng.
Những năm
1963, Hòa thượng tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài
Ngô Đình Diệm tại khu vực Châu Đốc.
Sau ngày
hòa bình lập lại (1975), Hòa thượng cùng Chư Tôn thiền đức tỉnh An Giang tích cực
hoàn thành sự nghiệp thống nhất Phật giáo tỉnh An Giang. Năm 1992, Hòa thượng được
Chư Tôn thiền đức, Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm cung thỉnh vào cương vị Trưởng
Ban Trị sự lâm thời Phật giáo tỉnh An Giang.
Năm 1993,
tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ nhất, Hòa thượng được Chư Tôn thiền đức, Tăng Ni, Phật tử suy
cử vào cương vị Trưởng Ban Trị sự và Hòa thượng tiếp tục đảm nhiệm cương vị Trưởng
Ban Trị sự liên tục ba nhiệm kỳ, từ năm 1993 đến 2007.
Năm 2007,
Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ tư, Hòa thượng
được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự cho đến ngày viên
tịch.
Năm 1992,
tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Hòa thượng được Đại hội tấn
phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.
Năm 1997,
tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Hòa thượng được Đại hội
suy tôn vào cương vị thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo
Việt Nam.
Năm 1993,
1995, 1997, 1999. 2001, 2003, 2006 Hòa thượng là Hòa thượng đàn đầu truyền trao
giới pháp cho hơn 2.000 giới tử.
Với đạo
phong, giới đức thanh tịnh, Hòa thượng luôn là hình ảnh giải thoát vô ngại, là
bậc lãnh đạo mô phạm cho Tăng tín đồ quy ngưỡng, suốt đời tận tuỵ phục vụ đạo
pháp và dân tộc, là trung tâm của sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết đạo đời. Do đó Hòa
thượng đã được:
-
Trung ương Giáo hội tặng nhiều bằng Tuyên dương công đức,
-
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng
thưởng huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết,
-
Ban Dân vận Trung ương trao tặng Kỷ niệm chương
Vì sự nghiệp Dân vận,
-
Trong sự ghiệp bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ
quốc (1976 - 1979), Hòa thượng tích cực cùng quân dân An Giang giữ vững biên cương
Tổ quốc, được tặng thưởng Kỷ niệm chương Ban Liên lạc quân tình nguyện miền Tây.
-
Và nhiều phần thưởng cao quý khác.
IV. VIÊN
TỊCH:
Sau một
thời thân tứ đại theo duyên tăng giảm,
huyễn thân ngũ uẩn đến lúc phân ly, tuy đã được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự
Phật giáo tỉnh An Giang và Môn đồ pháp quyến tận tâm chăm sóc, nhưng do niên
cao lạp trưởng, Hòa thượng đã an nhiên viên tịch tại chùa An Phươc vào lúc 11
giờ 30 phút, ngày 06 tháng 11 năm 2011, nhằm ngày 11/ 10 / Tân Mão, Trụ thế 101
năm, 81 hạ lạp.
Giáo hội
Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang từ nay vĩnh viễn vắng bóng
một bậc cao Tăng đấng lương Phật pháp, Tăng Ni, Phật tử vĩnh viễn mất đi bậc thạc
đức chân tu, môn đồ pháp quyến vĩnh viễn mất đi bậc tôn sư khả kính, đạo cao đức
trọng, nhưng thế gian hữu hạn này sẽ mãi mãi lưu lại hương thơm đạo đức và oai
nghi thánh hạnh của Hòa thượng.
Nam mô Việt
Nam Phật giáo Giáo hội, Chứng minh Hội đồng Thành viên, An Giang tỉnh, Trị sự
Ban chứng minh, An Phước đường thượng, tự Lâm Tế Gia phổ, tứ thập nhất thế, húy
Nhựt Đăng, thượng Chánh hạ Đạo, Nguyễn công Hòa thượng giác linh đài tiền chứng
giám.
thichvanphonghq@yahoo.com