15/06/2011 07:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 2394
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lễ tưởng niệm ngày Vãng sinh cố đạo hữu Phật tử Hoàng Văn Phương pháp danh Phúc Minh (10.05.Canh Dần – 10.05.Tân Mão). Tối mồng 09 có hàng trăm người đến tụng kinh và niệm Phật do Thích Vân Phong chủ lễ.

Van Phong photo 041.jpg

Thuở sinh tiền, đối với bổn phận làm con : Đạo hữu đã trọn đạo làm con thảo cháu hiền, đối với bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại, Ấm lạnh quạt nồng, Dâng cơm hầu nước giữ lệ đôi ngày thường lui tới viếng thăm.

 

Đối với bổn phận làm chồng làm rễ:

Đạo hữu đã vẹn toàn tình Thủy chung, thờ kính gia đình bên vợ không khác gia đình cha mẹ ruột của mình, luôn luôn tròn bổn phận đạo nghĩa.

 

Đối với xã hội  nhân luân : Đạo hữu sống hài hòa gắng bó, thân cận người hiền, biết tìm nơi rèn dưỡng tâm mình trở thành người hiền đức. Và tùy duyên cảm hóa những thanh thiếu niên lầm đường lỡ bước trở về đạo đức chân chính. Xứng danh là một quan chức mẫu mực và một Phật tử thuần thành.

 

Đạo hữu Hoàng Văn Phương sinh năm Ất Mão (1975) – Nguyên Thành ủy viên Tp. Hưng Yên, Trưởng phòng Văn hóa Tp. Hưng Yên.  Tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2003. Một đoạn phần mở đầu của đề tài :

 

“Phố Hiến thuộc Thị xã Hưng Yên cách Thủ đô Hà Nội 30km đường chim bay về phía đông nam, vốn là một đô thị cảng tấp nập của những hoạt động công thương nghiệp ở Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII – XVIII và đã đi vào trong câu ca dao quen thuộc “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Theo sử sách lưu truyền, Phố Hiến đã từng một thời phố xá dọc ngang, nơi tụ hội những phường thủ công, những phiên chợ náo nhiệt, những thương điếm hoạt động sầm uất. Phố Hiến không chỉ đóng vai trò giữa các miền trong nước mà còn là một trung tâm xuất nhập khẩu có quan hệ mua bán với nhiều quốc gia trên thế giới như : Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha . . .

 

Qua thời gian Phố Hiến đã khẳng định cho mình một vị trí khá nổi bật trong hệ thống đô thị Việt Nam thời bấy giờ - chỉ đứng sau Kinh Kỳ Thăng Long. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng với sự biến đổi của tự nhiên, Phố Hiến ngày nay chỉ còn lại một quần thể di tích, kiến trúc nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, cùng những thuần phong mỹ tục, những làng nghề thủ công, những nét nghệ thuật dân gian độc đáo. Có thể xem đây là một tụ điểm của nghệ thuật xứ Đông.

 

Phố Hiến hiện nay không còn sầm uất nhộn nhịp như phố cổ Hà Nội, cũng không còn quần thể di tích nằm tập trung nguyên vẹn như ở Hội An, nhưng Phố Hiến vẫn còn được đánh giá là một trong ba khu phố cổ nhất ở Việt Nam với một quần thể di tích có tầm cở quốc gia.

 

Quần thể di tích Phố Hiến bao gồm các công trình kiến trúc công cộng, những di tích tín ngưỡng tôn giáo, nhà thờ họ, dấu tích của phố phường, bến sông, thành và thị (nơi sản xuất hàng hóa thủ công), nghĩa địa người nước ngoài, bia ký và những cổ vật lưu trữ tại các công trình kiến trúc. Hiện nay những dấu vết về các thành quách, những khu phố cổ, nhà dân, thương điếm và các cơ sở sản xuất thủ công đánh dấu một thời kỳ vàng son của Phố Hiến còn lại rất ít và mờ nhạt. Song, cái hiện còn nơi đây là các công trình tôn giáo tín ngưỡng – một quần thể kiến trúc độc đáo chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa hết sức giá trị. Trong số này đã có 11 di tích được nhà nước công nhận là di tích lịch sử  -  văn hóa của quốc gia. Tuy vậy, theo chúng tôi vẫn còn nhiều di tích chưa được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là hiện trạng những di tích này hiện nay ra sao ? Và, những giá trị lịch sử, văn hóa hiện còn được lưu giữ trong những di tích này là những gì ? Tất cả những vấn đề này cần thiết phải được tiến hành nghiên cứu nhằm mục đích bảo tồn và có kế hoạch quản lý, khai thác phát huy trong giai đoạn hiện nay.

 

Quần thể di tích Phố Hiến – một tài sản văn hóa lớn của dân tộc, một nguồn tài nguyên quý giá của địa phương. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này vẫn chỉ đang ở dạng tiềm năng, công việc bảo tồn chưa được tiến hành kịp thời nên hầu hết các di tích ở đây có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng. Mặt khác, công tác đầu tư khai thác, phát huy các giá trị của di tích chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Trước tình hình đó, việc tăng cường công tác bảo vệ, quản lý khai thác quần thể di tích Phố Hiến hiện nay là một yêu cầu cần thiết. Đúng với chủ trương chính sách của Đảng ta là nâng cao, đẩy mạnh công tác gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.

 

Xu hướng đô thị hóa, cùng với công việc quy hoạch lại thị xã Hưng Yên đã và đang có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng không nhỏ đến các di tích thuộc quần thể di tích Phố Hiến, làm giảm đi giá trị của các di tích theo đúng như khuyến cáo của UNESCO với các thành viên.

 

Việc nghiên cứu, xác định rõ các giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích Phố Hiến trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cấp bách và hết sức cần thiết, ngoài việc góp phần tích cực vào việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc nói chung nó còn có ý nghĩa thiết thực góp phần tổ chức khai thác phát huy tác dụng một cách có hiệu quả và nâng cao khả năng phát triển kinh tế của địa phương.

 

Xuất phát từ những yêu cầu khách quan trên, bằng kiến thức về chuyên ngành Bảo tồn – Bảo tàng đã được học, cộng với tình yêu quê hương sâu sắc và có nhiều điều kiện khảo sát thực tế, chúng tôi đã chọn đề tài : “GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA QUẦN THỂ DI TÍCH PHỐ HIẾN”. Với mong muốn góp một phần nhỏ bé sức mình vào việc bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa của quê hương. . . “

 

Cố Phật tử Hoàng Văn Phương pháp danh Phúc Minh vô cùng ngưỡng mộ tư tưởng và sự nghiệp của Minh Châu – Hương Hải Thiền sư và Phật tử Lê Đình Kiên một danh tướng, đệ tử cư sĩ ưu tú của Tổ đình Nguyệt đường, danh tướng Lê Đình Kiên đã làm nên câu nói mà được nhân gian hậu thế mãi truyền tụng câu : “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Cố đạo hữu Phật tử là người có công góp phần để tác động Chính quyền Thành phố, Tỉnh Hưng Yên để tiến hành lập dự án Phục dựng ngôi Tổ đình Tứ Nguyệt Đường. Trong Luận văn Thạc sĩ có đoạn viết về ngôi Cổ tự này :

 

“Nếu nói đến chùa cổ, ở đây chúng ta còn phải nói tới ngôi Cổ tự Tứ Nguyệt Đường tại khu vực Văn Miếu Xích Đằng hiện nay. Người dân nơi đây vẫn còn truyền lại đó là một ngôi chùa rất lớn, còn gọi là “Chùa 36 nóc”. Truyền thuyết kể lại : Chùa lớn đến nỗi, khi vào người ta phải rắc trấu thì mới tìm được đường ra. Cũng theo những người dân nơi đây thì ngôi chùa bị phá vào cuối thế kỷ thứ XVIII, do Nguyễn Hữu Chỉnh khi theo vua Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà đã cho voi kéo đổ chùa. Sau khi chùa bị phá, các đệ tử môn đồ của chùa đã xây lại một ngôi chùa mới ở cách đó không xa. Đó chính là chùa Xích Đằng ngày nay (Còn gọi là Tứ Nguyệt Đường Tự). Các dấu tích của chùa cổ hiện nay chỉ còn một số pho tượng Phật, bia ký và các ngôi tháp. Trong các ngôi tháp đó hiện còn 2  ngôi bằng đá, 2 ngôi bằng gạch xây. Đó là :

 

-          Ngôi tháp đá 3 tầng thờ Hương Hải Thiền sư – Tổ đời thứ nhất.

-          Ngôi tháp đá 5 tầng thờ Chân Lý  Hiển Mật – Viên Thông phương trượng Thiền sư, Tổ đời thứ hai.

Hai ngôi tháp gạch : một của Tăng Thống Như Nguyệt – Tổ đời thứ 3 và một tháp Tổ đời thứ sáu.

 

Ở các ngôi tháp này, chúng ta đặc biệt chú ý tới hai ngôi tháp đá : Ngôi tháp đá 3 tầng của Hương Hải Thiền Sư, được chạm trổ hoa văn rất đẹp mà người ta nhận thấy nghệ thuật của nó không thuật không thua những tháp ở Yên Tử hoặc ở chùa Phật Tích. Nó cùng một dạng nghệ thuật, mang dáng ấm áp của tâm hồn nông dân Việt. Còn ngôi tháp 5 tầng, mà như các nhà nghiên cứu Phật học thì : Tháp đá 5 tầng là tháp của đại Bồ tát hay tháp của các nhà sư đạt đến mức Hòa thượng chủ phái. Vì vậy, đây có thể gọi là một chốn Tổ của Phật giáo ở Hưng Yên. Tuy nhiên, suy cho cùng, ngôi chùa này không còn nữa, nhưng những dấu tích còn lại ở nơi đây cũng đủ để cho chúng ta biết rằng đã từng một truyền thống Phật giáo lâu đời tại Hưng Yên . . .”.

 

Đạo hữu đã tốt nghiệp Cao cấp lý luận Chính trị năm 2008. Mở đầu Luận văn có đoạn : “Vấn đề con người là một vấn đề lớn và phức tạp. Tuy nhiên, trong đề tài này, chúng tôi xin tiếp cận đối tượng nghiên cứu là con người không chỉ là nguồn lực để đầu tư, khai thác, mà còn xem con người như một chủ thể văn hóa, chủ thể sáng tạo gắn với sự phát triển nói chung và sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ ở nước ta nói riêng, với mục đích làm rõ một phần cơ sở lý luận và thực tiển để góp phần định hướng xây dựng con người Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội . . .”

 

Một năm trôi qua, tiến trình phục dựng Tứ Nguyệt Đường Tự đang chờ giải tỏa đền bù, nấm mồ xanh cỏ mọc còn đấy, mà hương linh Đạo hữu phảng phất đâu đây chẳng ai thấy, hy vọng Đạo hữu sẽ theo hạnh nguyện của mình để tiếp tục hộ quốc an dân, phụng sự Tam bảo.

 

Cố đạo hữu Phật tử Hoàng Văn Phương pháp danh Phúc Minh đã vĩnh viễn ra đi, để lại trong lòng bao trái tim vô vàn mến tiếc, và sự nghiệp văn hóa đạo đức tâm linh sẽ mãi mãi là một trong những tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ thanh thiếu niên Phật tử tiếp nối để góp phần Phụng Đạo  Yêu Nước – Tốt Đạo Đẹp Đời.

 

Thích Vân Phong


Âm lịch

Ảnh đẹp