"Mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ giáo dục”


Tác giả: Trần Thị Hồng Hạnh thực hiện
03/03/2011 22:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 2968
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư là đồng sáng lập và là Phó Hiệu trưởng Trường SaigonTech - phân hiệu chính thức và duy nhất của Đại học Cộng đồng Houston tại Việt Nam.

 Sau chuyến du học Mỹ với học bổng Fulbright do Chính phủ Hoa Kỳ cấp vào năm 2003, tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư hoàn thành một vòng tròn trong việc học hành, hoạt động giáo dục và kinh doanh của mình, đã thay đổi và nhận thức thêm nhiều điều từ những cú va chạm văn hóa. Trước khi đến với giáo dục Hoa Kỳ, chị từng du học sáu năm tại Nga rồi làm việc ở Việt Nam một thời gian dài. Cha mẹ đều là nhà giáo, cá nhân được sống và hoạt động trọn vẹn trong lĩnh vực giáo dục cả công lẫn tư trong quãng thời gian gần ba mươi năm, nên Anh Thư có nhiều trăn trở về giáo dục Việt Nam hiện tại, về sản phẩm giáo dục, nguồn nhân lực trẻ của nước ta...

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu vào buổi trưa tại văn phòng của chị trong Trường SaigonTech đặt trong Công viên Phần mềm Quang Trung. Trên bàn làm việc của chị có một bài báo tổng kết những hiện tượng tiêu cực nổi trội của giáo dục Việt Nam năm 2010 và bạo lực học đường được đặt lên vị trí số 1.

Bạo lực học đường đúng là vấn đề nóng bỏng của năm 2010, được cả xã hội quan tâm và cảnh báo, nhưng dường như vẫn chưa có thuốc đặc trị. Là nhà giáo, chị nghĩ gì về hiện tượng này? Đâu là căn nguyên và làm thế nào để chữa trị chứng bệnh ấy?

Đầu tiên, tôi thực sự rất lo lắng về điều này. Hiện nay, bạo lực học đường đang lan rộng. Điều đáng buồn là các em sẵn sàng "xử nhau" vì những lý do rất... vớ vẩn. Thế nhưng, công bằng mà nhận định, đó chỉ là một hiện tượng phản ánh tấm gương hiện thực xã hội. Ngoài đường, người ta chỉ cần va quẹt nhẹ với nhau, hoặc thậm chí, có người "nhìn đểu" người khác là đã lao vào ăn thua đủ... Căn nguyên sâu xa của bạo lực học đường chính là bạo lực ngoài xã hội đang lan tràn. Những hành xử của trẻ em phản ánh những gì chúng nhận thức về thế giới người lớn. Đây là câu chuyện rất dài nhưng tôi cho rằng mọi căn nguyên xuất phát từ việc giáo dục mà ra. Tôi rất trăn trở và đau lòng khi giáo dục của chúng ta hiện nay đã bỏ quên mất một khía cạnh là nuôi dưỡng văn hóa cho con trẻ, và khi chúng không được xây dựng một nền tảng văn hóa tốt thì việc ứng xử theo kiểu bạo lực là tất nhiên.

Thêm vào đó, trẻ không được hướng dẫn kỹ năng bày tỏ ý kiến của mình bằng lời nói để thuyết phục người khác, mà không nói được thì sẽ... động chân động tay. Để chữa căn bệnh này cần có sự phối hợp của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Nhưng quan trọng nhất, chính là gia đình cần tiêm vắc-xin cho con mình. Dạy con sự khiêm nhu, ôn hòa, biết phản ứng đúng cách, đúng lúc và bày tỏ chính kiến của mình rõ ràng chứ không đụng chuyện gì cũng dùng hành động.

Thật ra, bạo lực học đường không chỉ là học sinh đánh nhau, mà còn ở mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cùng với những hình thức tế nhị khác: giáo viên "đì" học sinh, học sinh bị áp lực tinh thần và stress hoặc trở nên cư xử không đúng với gia đình, trút giận lên bố mẹ... Chị nghĩ như thế nào về điều này?

Tôi xin kể cho bạn nghe một chuyện có thực. Tôi có cháu trai học lớp 8 ở Hà Nội, tên ở nhà là Nghé. Kỳ thi môn Anh văn học kỳ I vừa rồi, cô giáo quy định là trong thời gian các cháu làm bài kiểm tra thì không được cho tay vào cặp. Thế nhưng, bạn ngồi sau của Nghé bị hư bút và hỏi mượn Nghé. Cậu bèn thò tay vào cặp lấy bút cho bạn mượn thì bị cô giáo bắt gặp, đánh dấu bài và trừ điểm của Nghé. Cậu không nói gì với cô giáo, nhưng về đến nhà thì khóc lóc với mẹ vì sao cô giáo bất công như vậy, không hỏi Nghé rõ ràng mà cứ thế trừ điểm của Nghé.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư. Tranh: Hoàng Tường.

Mẹ cháu gọi điện thoại cho tôi và nhờ tôi "xử lý" giùm. Tôi gọi điện thoại cho Nghé hỏi cháu vì sao lúc đó không nói ngay với cô giáo, nói rằng con mở cặp để lấy bút cho bạn mượn, cô giáo nghe xong rồi xử lý như thế nào là việc của cô giáo. Cháu cho biết đã cho cô biết cháu không quay cóp và tự nhận thấy rằng việc cháu giận cô giáo mà lại trút sang mẹ là điều không tốt.

Từ câu chuyện nhỏ này cho thấy, chúng ta hiện đang thiếu sự giáo dục cho trẻ kỹ năng biết bày tỏ bản thân mình, biết tự bảo vệ mình và biết ứng xử trong những hoàn cảnh tế nhị. Tôi vẫn dạy con tôi rằng sẽ rất khó có sự bình đẳng tuyệt đối, nhất là trong môi trường giáo dục, vì giữa thầy và trò là trật tự trên dưới, và quan điểm quân - sư - phụ đã thành nếp nghĩ. Nhưng, học sinh hoàn toàn có quyền phát biểu ý kiến của mình và nói rõ ràng mọi việc để thầy cô giáo hiểu mình. Ngoài cuộc sống, cháu cũng sẽ phải đối mặt với sự không công bằng; những lúc như vậy, cách để tự bảo vệ mình là làm cho người khác hiểu mình và mình hiểu người khác, sống theo lẽ "bên trong lẽ phải có người có ta".

Từng theo học cả ba nền giáo dục - Việt Nam, Nga và Mỹ - chị cho rằng giá trị tinh thần nào là quan trọng nhất với một con người mà chị muốn và đã dạy cho con cái cũng như học trò mình? Bản thân chị đã rèn luyện những giá trị sống đó như thế nào?

Giá trị tinh thần nào cũng quan trọng trong việc hình thành nhân cách một con người. Nếu được chọn lựa, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là sự trung thực và lòng tử tế. Có được hai giá trị này, mọi thứ khác sẽ tự động đến. Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong một môi trường khá đơn giản. Khi còn là một cô bé, tôi đi sơ tán, lớp học diễn ra khi trên đầu là máy bay Mỹ bay vù vù và dưới chân là hầm trú ẩn. Lúc đó, tôi chỉ có một nỗi sợ là... mình bị chết! Tôi nghĩ, được sống một ngày là một ngày hạnh phúc nên không chỉ riêng tôi mà cả thế hệ của tôi đều cố gắng học hành, không bị các giá trị vật chất chi phối.

Gia đình tôi khá nền nếp và gia giáo nên bố mẹ cũng dạy dỗ các con rất kỹ. Những quyển sách như Không gia đình của Hector Malot, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài... đã cho tôi những bài học đầu đời về lòng trung thực, sự tử tế. Tôi rất thương các con và thế hệ của chúng khi phải đối mặt với quá nhiều hấp lực khác nhau từ xã hội. Mỗi hấp lực kéo trẻ về một hướng và nhiều lúc, những hấp lực của cái xấu lại hợp lực với nhau tạo thành một lực cực mạnh kéo trẻ rời xa sự trung thực, tử tế. Bởi thế, muốn giáo dục và giữ cho trẻ hai giá trị sống là tử tế và trung thực trong thời nay, cha mẹ và nhà trường phải cực khổ hơn rất nhiều so với ngày xưa.

Chị sẽ nói chuyện với con như thế nào nếu các cháu nói rằng thời nay "thật thà thẳng thắn thường thua thiệt" và không thể có sự công bằng tuyệt đối trong cuộc sống xã hội hiện đại, khi con chị chứng minh điều đó bằng những điều xấu nhan nhản quanh ta?

Đó là một vấn đề đau đầu không chỉ cho tôi mà còn cho nhiều bậc cha mẹ khác nữa. Vòng tay của người mẹ quá nhỏ và yếu ớt so với những hấp lực từ những vòng tròn cạm bẫy ngoài xã hội. Chính vì thế, tôi muốn nhắc lại ý kiến của Bill Gates, cựu chủ tịch Microsoft và là nhà hoạt động thiện nguyện giáo dục lớn nhất của Hoa Kỳ: "Mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ giáo dục". Trẻ ở trường đến sáu tiếng một ngày hoặc có thể hơn nữa, nên môi trường giáo dục lành mạnh là nhu cầu bức thiết. Tìm cho con một môi trường học tập tốt rất quan trọng.

Bên cạnh đó, tôi trang bị cho con những nền tảng về văn hóa và những kỹ năng mềm về ứng xử. Tôi dạy cho con cách ứng xử trong những trường hợp cụ thể thông qua những câu chuyện cụ thể hằng ngày đọc được trên báo hoặc nghe con kể chuyện ở trường lớp, chuyện chúng thu nhặt được từ bạn bè... Trong gia đình, tôi sống cần kiệm, làm gương cho con, lời nói đi đôi với việc làm, từ việc hạn chế dùng bọc nylon để bảo vệ môi trường, đến lời ăn tiếng nói với con phải cẩn trọng, dùng lời lẽ tôn trọng con ngay cả khi nóng giận...

Nhìn lại quãng đường đã qua, chị cho rằng sự kiện nào mang tính bước ngoặt trong cuộc sống? Hoặc một sự kiện nào đó khiến chị thay đổi hoàn toàn nhân sinh quan?

Cuộc sống của tôi khá yên bình và chủ yếu gắn bó với việc dạy và học, nên ít có biến cố lớn. Năm 1978, tôi sang Nga du học, sống ở nước Nga sáu năm, học ngành Điều khiển tự động Hệ thống điện tại Trường đại học Năng lượng Moscow. Về nước, tôi làm công tác giảng dạy. Sau đó tôi du học ở Mỹ hai lần. Lần đầu tiên được tiếp xúc với người Mỹ đã cho tôi một cái nhìn hoàn toàn mới. Nếu gọi một sự kiện mang tính bước ngoặt với nhân sinh quan của tôi, có thể nói chính là hành trình học tập của tôi trên đất Mỹ.

Từ bé, tôi đã căm thù người Mỹ, tôi luôn tự hỏi họ lấy quyền gì mà trút bom xuống quê hương tôi, xuống đất nước Việt Nam. Ký ức tuổi thơ tôi cứ ám ảnh mãi những buổi học mà trên đầu là máy bay chực chờ ném bom và dưới hầm trú bom thì có một con rắn. Đứa bé gái nhỏ xíu là tôi lúc ấy đã vô cùng sợ hãi...

Tôi lớn lên cùng với định kiến đó. Cho đến khi sang Mỹ, tiếp xúc với nhiều người dân Mỹ, nhiều thầy cô giáo, trí thức, tôi nhận ra rằng những định kiến của mình khi cho rằng tất cả người Mỹ đều xấu là một sai lầm lớn. Tôi được gặp những người Mỹ tốt bụng, tử tế, chân thành, vui vẻ, sẵn lòng chia sẻ tri thức và giúp đỡ người xa xứ. Tôi được tiếp cận với một nền giáo dục đại học thuộc loại bậc nhất thế giới và dần dần thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình trước đây. Tôi hiểu rằng đại đa số người Mỹ không ủng hộ cuộc chiến của chính quyền Mỹ tại Việt Nam. Chính quyền tiến hành chiến tranh không có nghĩa là toàn bộ người dân của nước đó là người xấu và hiếu chiến...

Thương trường cũng được xem là chiến trường, nơi người ta phải "chiến đấu", đôi khi cũng phải luồn lách hay thậm chí là thủ đoạn. Chị cũng là một doanh nhân và hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Liệu có thể giữ được sự trung thực và tử tế đồng thời vẫn thu được lợi nhuận không?

Tôi không đồng ý với cụm từ "kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục", dù tôi cũng cho rằng có thị trường giáo dục. Tôi vẫn cho rằng giáo dục không phải là nơi để kinh doanh, bởi "lợi nhuận" nhà đầu tư nhận được không phải chỉ là tiền và không thể chỉ là tiền, mà phải là những giá trị gia tăng khác mà sản phẩm giáo dục đó thu nhận được.

Cụ thể ở đây là những phẩm chất cá nhân, chất lượng của nguồn nhân lực, rộng hơn là sức mạnh cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia thông qua những sản phẩm giáo dục, cụ thể là thành quả học tập và tu dưỡng của học sinh, sinh viên. Đó không phải là lợi nhuận tài chính thuần túy. Việc giữ được sự trung thực và tử tế trong đầu tư giáo dục để đảm bảo cân đối thu - chi (chưa nói đến hoàn vốn và thu lợi nhuận) là việc khó như đi trên dây vậy. Ngành giáo dục đòi hỏi mức độ đầu tư lớn và nhà đầu tư cần phải được bù đắp chi phí cơ hội. Đến nay, chúng tôi đang cố gắng cân đối thu - chi và chỉ có thể đạt mức lợi nhuận tương đương hoặc cao hơn một chút so với lãi suất ngân hàng sau nhiều năm nữa.

Đầu tư số tiền tương đương 50 triệu USD mà hiện chỉ mới cân bằng thu - chi, chưa thu hồi vốn, điều này có làm các nhà đầu tư vào SaigonTech, trong đó có chị là một trong ba nhà đầu tư kiêm sáng lập viên chạnh lòng? Có khi nào các anh chị thấy... nản lòng và muốn lùi bước?

Rất may SaigonTech có những nhà đầu tư tâm huyết và muốn đi đường dài với giáo dục. Chúng tôi xác định ngay từ đầu là đầu tư vào giáo dục không thể ăn xổi ở thì, không thể keo kiệt trong đầu tư từ cơ sở vật chất đến con người. Muốn có được đẳng cấp, phải có sự đầu tư tương xứng chứ không thể duy ý chí và tự gắn "mác" vào là được. Tất cả chúng tôi có chung một giấc mơ về ngôi trường có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao - giá cao cho thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn cho thị trường lao động thế giới.

Tầm nhìn và chiến lược của SaigonTech có phải đang đi ngược với nhận định cho rằng Việt Nam đang thu hút đầu tư thế giới vì thế mạnh nguồn nhân lực giá rẻ?

Cá nhân tôi cho rằng không nên tự hào vì chúng ta có thể thu hút thế giới bằng nguồn nhân lực giá rẻ. Và hiện nay, đấy không còn là thế mạnh của Việt Nam nữa. Chúng tôi muốn tạo ra nguồn nhân lực có đủ khả năng để cạnh tranh với bất kỳ nguồn nhân lực chất lượng cao nào của thế giới và tin rằng người Việt Nam nếu được đào tạo tốt có thể đứng vững được trong mọi môi trường thử thách, cạnh tranh được với các nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nước khác. Xin chia sẻ với bạn khái niệm Giáo dục Xanh của chúng tôi. Giáo dục Xanh không làm ô nhiễm thị trường lao động, thị trường nhân lực bằng những sản phẩm giáo dục không hoàn thiện. Giáo dục Xanh tuyệt nhiên không đưa ra xã hội những con người trở thành gánh nặng của xã hội, không làm lãng phí thời gian và công sức, vật chất của người học. Bằng việc cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng tôi đang góp phần bảo vệ môi trường nhân lực Việt Nam.

Có một bài báo mới đây của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn phản biện lại giấc mơ quốc tế hóa đại học của Việt Nam bằng những luận cứ khoa học và kết luận rằng việc xây dựng một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế đang là giấc mơ xa vời... Chị có đồng ý với điều này không? Và nếu như đồng ý thì có phải là chị đang mâu thuẫn?

Nhìn ở góc độ vĩ mô, tôi hoàn toàn đồng ý với bài báo đó, vì không thể một sớm một chiều mà thay đổi và tạo một cuộc cách mạng nhảy vọt để nâng chất cả nền giáo dục. Chỉ với một hay hai trường đại học tầm cỡ quốc gia hay đặt chỉ tiêu đào tạo vài chục ngàn tiến sĩ mà cho rằng chúng ta có thể có nền giáo dục đẳng cấp thế giới là không nên và không đáng để tin tưởng hay vỗ ngực tự hào.

Thế nhưng, nhìn ở góc độ vi mô lại khác. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một trường đại học chất lượng cao được giám định và tái giám định bởi các cơ quan giám định giáo dục quốc tế có uy tín, mà SaigonTech là một ví dụ tôi cho là thành công.

SaigonTech đã được Đại học Cộng đồng Houston công nhận là phân hiệu chính thức và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay; và trong khi SaigonTech là trường do người Việt sáng lập, đầu tư, do người Việt tổ chức quản lý điều hành, do giảng viên Việt Nam và nước ngoài giảng dạy cho sinh viên Việt học tập tại Việt Nam, do cha mẹ là người Việt đóng học phí, thì bằng cấp cho sinh viên của SaigonTech lại do Trường đại học Cộng đồng Houston (USA) cấp! Điều cực kỳ quan trọng nữa là bằng cấp ấy được giám định bởi một đơn vị giám định giáo dục rất có uy tín của Hoa Kỳ là SACS. Tôi không chủ quan cho rằng SaigonTech là mô hình duy nhất, nhưng nếu có nhiều ngôi trường như SaigonTech thì cũng giống như nhiều con chim én sẽ làm nên mùa xuân cho nền giáo dục Việt Nam.

Xin cảm ơn chị.

    Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 


Âm lịch

Ảnh đẹp