25/10/2010 17:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 4752
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mục đích của tôi không nhằm thay đổi quan điểm người đọc, cũng không định hù dọa, làm sờn lòng những người trong nước đang mong mỏi xuất ngoại.

 Tôi chỉ mong các bạn đọc bớt hy vọng về một thiên đường ở Mỹ và thêm thông cảm cho sự nghèo khó của quê hương.

Dạo gần đây diễn đàn đang nóng hổi về đề tài cuộc sống ở Mỹ. Tôi thường xuyên theo dõi thì nhận thấy đa số bài viết là của các cô, chú đã có gia đình, sang Mỹ vì tương lai của con. Ít có bài viết nào từ các bạn trẻ. Là một thanh niên 24 tuổi sang Mỹ từ lớp 12, tôi xin góp chút ý kiến cùng các cô, chú, anh, chị, và các bạn, để ta có một bức ảnh bao quát hơn về đời sống ở Mỹ dưới những góc độ chụp khác nhau.

Tôi sẽ không lặp lại những mô tả về chi tiêu cuộc sống, nhà cửa, tiền bảo hiểm…, vì những điều đó đã được các cô, chú khác kể lại rất cụ thể trong những bài trước. Tôi xin được nói về những điều hay và chưa hay khác của nước Mỹ mà ít ai đề cập đến.

Tôi hiều được quan điểm của những người ca ngợi Mỹ. Không cần phải khẳng định thì ai trong chúng ta cũng biết Mỹ là cường quốc số một thế giới, và ắt hẳn phải có lý do để nó được gọi với danh hiệu đó. Cuộc sống vật chất của Mỹ, không cần bàn cãi, vượt trội Việt Nam. Đường phố rộng và sạch, xe cộ tuân thủ luật giao thông, những thư viện công cộng của nhà nước được trang bị đầy đủ sách vở, máy vi tính để hỗ trợ việc học. Một phần ngân khố được đầu tư vào an sinh xã hội, quỹ trợ cấp người nghèo, thất nghiệp, hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo. Những sự trợ cấp ấy đóng góp một phần đáng kể trong cuộc sống và sự thành công của nhiều người di dân tại Mỹ.

Tuy nhiên, những thuận tiện vật chất ấy không hoàn toàn làm cuộc sống ở đây dễ dàng hơn. Bài viết của chú Danny Nguyễn bị nhiều độc giả hiểu lầm là than thân, trách phận, không chịu cố gắng để vươn lên. Thưa độc giả, bài viết của chú không phải để than vãn, mà là để nói lên những giọt nước mắt khô đằng sau cánh gà của người nghệ sĩ mà khán giả không thấy được trên sân khấu. Nhiều người cho rằng, đánh đổi tất cả mà được đến đất nước phát triển, chiêm ngưỡng “nền văn minh nhân loại” thì đáng lắm chứ; nhưng họ quên cân nhắc mình đã được gì và mất gì.

Nhiều người hài lòng với những gì ít ỏi mà mình có, “Một ngày đi làm đã có đủ tiền để đi chợ ăn một tuần cho gia đình 4 người. Y tế thì đắt đỏ, nhưng ai đi làm cũng có thể mua bảo hiểm được, thất nghiệp thì xin bảo hiểm của nhà nước. Học hành thì free”. Tôi tự hỏi, không biết những độc giả này đã mất mát gì để đến Mỹ. Có lẽ không nhiều, vì ở Việt Nam, cuộc sống của họ là mức lương ít ỏi, không đủ cho họ có cuộc sống thoải mái như ở Mỹ; thế nên, đi Mỹ, đối với các độc giả này là được hơn mất. Trái lại, đối với những người đã từng có vị trí, địa vị xã hội ở Việt Nam, sang Mỹ là 1 tổn thất. Khi qua đây, vì lớn tuổi, họ không có khả năng tiếp thu ngôn ngữ nhanh, không thể kiếm được những việc làm văn phòng, mà phải chấp nhận làm những công việc tay chân nặng nhọc. Đau và nhục lắm chứ! Cái đau cái nhục không phải chỉ đơn giản là mất nhà, mất việc làm tốt ở Việt Nam, mà là mất cả một chỗ đứng xã hội, sự thành đạt, tự hào về bản thân, và sự nể phục của những người khác. Thay vào đó, công việc mới phải làm là bưng phở, cắt cỏ, phụ hồ, mà một số bạn đọc không hiểu rõ cho đó là những “việc đơn giản mà chỉ những người không có ý chí” mới làm.

Xin thưa, đó là những công việc lao động cực khổ mà người làm phải trải qua hơn 10 tiếng một ngày để làm, chỉ đổi lại tiền công bằng tiền một người với mức lương tối thiểu làm 5-6 tiếng. Đơn giản là những người lao động đó không thể nói tiếng Anh, không thể đậu phỏng vấn để làm những công việc khá hơn. Đó là những giọt nước mắt của bố, mẹ tôi trên đường lái xe khuya đi làm về; đau, nhưng phải bảo nhau cố lên để cho tương lai của tôi. Bố mẹ tôi (từng làm trưởng phòng, kỹ sư ở Việt Nam) cũng từng phải làm phụ hồ, vú em cho người khác.

Bây giờ bố, mẹ đã may mắn “lên chức” assembler sau “nhiều năm nỗ lực” mà nhiều người tự hào, cho là đủ có tiền để đóng bảo hiểm. Nhưng thương thay, cái chức vị này ở Mỹ là chức vị của người lao động mà hầu như rất ít người bản xứ (đặc biệt là người da trắng) có đủ “tiêu chuẩn” để làm. Chỉ cần nhắc tới chức vụ này là người khác sẽ hiểu vị trí xã hội của bạn là gì - một lao động tay chân, không hơn, không kém. Chỉ có ai không bao giờ “lên voi” mới không hiểu nỗi đau “xuống chó.” Mà nỗi đau đó được nhân lên gấp bội khi tổ trưởng của bố mẹ là một chú chưa từng học tới lớp 3, khi “than phiền” nhân viên thì “tặng kèm” những lời chửi bậy tục tĩu.

Ngậm đắng nuốt cay, nhiều người mong mỏi một tương lai tươi sáng. Dĩ nhiên cuối cùng cuộc sống có khá lên thật. Nhưng khi cái nghèo vật chất vơi đi thì tôi lại có thêm thời giờ để nhận thấy cái nghèo ngày càng lớn trong tình cảm giữa người và người ở đây. Nhiều bậc cha mẹ già (người Việt Nam di dân) ở nhà chung với con cái đã lớn và thành đạt, phải trả tiền phòng hàng tháng, không thì phải giữ cháu, nấu ăn, chăm sóc nhà cửa. Đi đâu thì thỉnh thoảng con các cụ chở đi, thi thoảng các cụ phải tự đón xe buýt.

Ngoài ảo tưởng về một cuộc sống sung túc với những mất mát không đáng kể của nhiều bạn đọc, tôi còn nhận thấy nhiều hy vọng sai về một nền văn minh bình đẳng, tuyệt hảo đến mức “dù bạn sáng đi bưng bê, chiều mặc quần thủng tới casino, bạn cũng được tiếp đãi như người ta tiếp đãi với mọi người khác”. Tôi thấy nhận định này còn thiếu nhiều hiểu biết và sự tinh tế với thái độ cư xử của những người chung quanh. Mặc dù có nhiều người bản xứ rất thân thiện, sự phân biệt giai cấp và kỳ thị chủng tộc vẫn tồn tại trong xã hội. Ngay cả tổng thống Obama còn bị đem ra chế giễu trong những vở hài kịch buổi tối, còn bị đem ra công kích bằng những từ ngữ mang tính chất kỳ thị giữa các chính trị gia, thì các bạn đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng mình là ngoại lệ của việc kỳ thị này.

Sự coi thường, mỉa mai của người Mỹ không được thể hiện một cách toạc móng heo, mà được truyền tải một cách khéo léo nhưng vẫn giữ được cái chua, cay của từng lời nói. Ấy vậy mà nhiều người chúng ta vẫn hiểu lầm, cho là họ đang cười với mình chứ.

Nếu các bạn nghĩ người nhập cư như chúng ta được đối xử công bằng, không phân biệt chủng tộc thì hãy đọc truyện “Catfish and Mandala” của tác giả Andrew Phạm nhé. Đọc để chúng ta thấy cái nỗi đau, sự hoang mang mà một người Việt lớn lên ở Mỹ phải chịu, khi chính những người da trắng anh cho là đồng hương với mình, gọi anh là da vàng, đuổi anh về Việt Nam vì “người Việt Nam chúng mày đã xâm chiếm cả Santa Ana của tao”. Mặc dù chuyện xảy ra đã lâu, nhưng cái hơi hám phân biệt chủng tộc thì vẫn còn phảng phất ở Mỹ.

Trong chúng ta vẫn còn nhiều người chê trách quê hương mình. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, ô nhiễm, thiếu ý thức, y tế nghèo nàn… Tôi đồng ý tất cả.

Nhưng các bạn ơi, biết bao nhiêu nhân tài của đất nước đã quá thần tượng hóa Mỹ mà một đi không trở lại. Vì mất những nhân tài đó mà đất nước mới trì trệ. Chúng ta không thể hy vọng cả một hệ thống, xã hội thay đổi khi mỗi cá thể chúng ta không tự mình thay đổi trước. Hãy bớt xả rác, đừng vượt đèn đỏ… những việc tuy nhỏ nhưng khi nhiều người làm sẽ có tác động lớn. Tham nhũng vẫn còn ư? Vậy bạn hãy là người trước tiên đừng nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ. Không thể thực hiện? Đó là cách duy nhất, và nếu chúng ta không làm được, thì xin đừng lên án cỗ máy trì trệ, bảo thủ của đất nước.

Và các bạn cũng đừng nghĩ rằng Mỹ không có tham nhũng nhé. Hãy đánh “American Greed” vào Google, bạn sẽ thấy hàng loạt những thông tin về tham nhũng của cấp cao trong những tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Gần đây nhất là vụ Bernard Madoff, quân sư của một công ty tài chánh đã “thành công” lũng đoạn hơn tỉ đô.

Chợt nhớ lại một bài thơ của Nguyễn Khuyến, bài “Hội Tây”. Thấy buồn khi nghĩ tới bài thơ sao giống hiện trạng của mình và nhiều người Việt ở Mỹ quá:

“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo

Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo!

Bà quan tênh hếch xem bơi trải,

Thằng bé lom khom ghé hát chèo.

Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún;

Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.

Khen ai khéo vẽ trò vui thế,

Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu.”

Cái vui của “hội Tây” ở Mỹ thì đã rành rành, còn cái nhục, cái tủi thì quá thâm thúy nên không phải ai cũng nhận ra.

Còn nhiều vấn đề muốn chia sẻ, nhưng tôi nghĩ nói đến thế là đủ. Với những ai có cùng tâm trạng, đọc đến đây là đủ tay bắt mặt mừng. Còn với những ai không hiểu, thì nói thêm cũng thế. Hơn nữa, mục đích tôi không nhằm thay đổi quan điểm người đọc, cũng không hề khen/chê Mỹ/Việt Nam để hù dọa, làm sờn lòng những người trong nước đang mong mỏi xuất ngoại.

Tôi kể về nhận xét của mình chỉ mong các bạn đọc bớt hy vọng về một thiên đường ở Mỹ và thêm thông cảm cho sự nghèo khó của quê hương.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ người đồng hương một điều: ở giữa xứ người mênh mông, trơ trọi này, thì chỉ có lòng tự hào dân tộc và tự trọng của bản thân mới là sức mạnh duy nhất để chúng ta tạo dựng chỗ đứng, không những trong xã hội mà còn trong mắt những người bản xứ ở Mỹ.

Nguyễn Kỳ Ngọc

Nguon: VnExpress


Âm lịch

Ảnh đẹp