02/05/2011 10:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 2525
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dấu vết của một loài sinh vật giống người mới vừa được phát hiện trong một hang động ở Nam Phi. Sự kiện này quan trọng tới mức Tổng thống Nam Phi Zuma Jacob đã tới hiện trường để tận mắt chứng kiến các mẫu hóa thạch. Bởi chúng đã hé lộ bí mật về một giai đoạn phát triển quan trọng của loài người.


Bộ xương nguyên vẹn

Các nhà khoa học Nam Phi vừa tìm thấy bộ xương hóa thạch 2 triệu năm tuổi của một giống sinh vật họ người vốn chưa được biết tới. Bộ xương hoàn chỉnh của một đứa trẻ và nhiều mảnh xương thuộc về vài người lớn đã được các chuyên gia ở Đại học Witwatersrand tìm thấy tại hang Malapa, Nam Phi.
Giới phân tích cho rằng, loài sinh vật này có thể đã đóng vai trò trung gian trong quá trình phát triển của người tối cổ mang hình dáng giống khỉ và dòng giống đầu tiên của người hiện đại, Homo habilis. Phillip Tobias, một chuyên gia giải phẫu ở Đại học Witwatersrand, người nằm trong nhóm xác định Homo habilis là một giống người mới hồi năm 1964, cho biết phát hiện nói trên hết sức thú vị. “Việc tìm thấy cả một bộ xương như vậy chứ không phải vài chiếc răng hay một mảnh xương cánh tay là chuyện cực hiếm” - giáo sư Tobias nói - “Thêm vào đó, tiến sĩ Lee Berger và các cộng sự còn phát hiện những mảnh xương thuộc về vài cá nhân khác”.


Hình ảnh mô phỏng về Homo habilis, sinh vật đầu tiên thuộc chi Người

Viết lại lịch sử tiến hóa loài người?

Từ những mẫu hóa thạch bao gồm khung xương chậu và toàn bộ phần xương chi, các nhà khoa học có khả năng suy luận ra tư thế và dáng đi của giống sinh vật đã tuyệt chủng nói trên. Xương tay sẽ cho thấy sự khéo léo cũng như khả năng sử dụng công cụ của loài sinh vật lạ này. Trong khi đó, sự phát triển của ngón chân cái sẽ cho thấy liệu loài sinh vật này đã hoàn toàn từ bỏ việc leo cây để đi bộ hay chưa. Nếu loài sinh vật mới được phát hiện thực sự đóng vai trò “bước đệm” trong quá trình tiến hóa, lịch sử tiến hóa của loài người chắc chắn sẽ phải được viết lại.

Giới phân tích lâu nay vẫn tin rằng loài người đã thoát khỏi “kiếp khỉ” từ cách đây khoảng 6 triệu năm và những sinh vật giống người đứng thẳng thì xuất hiện khoảng 3,9 triệu năm trước. Tuy nhiên dữ liệu hóa thạch cho thấy những sinh vật này tiếp tục dành nhiều thời gian sống trên cây. Chỉ tới cách đây khoảng 2,5 triệu năm, những người tiền sử mang nhiều đặc điểm phức tạp của người hiện đại mới xuất hiện.

Homo habilis đã xuất hiện trong khoảng thời gian này. Đó là loài sinh vật đầu tiên được xếp vào chi Người. Xét về vẻ bề ngoài và hình thái, trong các loài thuộc chi Homo, thì Homo habilis là loài có các điểm tương tự ít nhất so với người hiện đại. Homo habilis có tầm vóc thấp, cơ thể nhỏ nhắn, cao khoảng 1m30, nặng 30 - 50 kg, và tay rất dài so với người hiện đại. Đó được cho là hậu duệ của loài Australopithecus afarensis, một sinh vật thuộc chi Vượn người phương Nam Australopithecus, phát hiện nhiều ở vùng Đông Phi. Homo habilis ăn quả, hạt, động vật nhỏ, đã biết chế tạo công cụ đá, khác so với các tiền bối chỉ biết sử dụng công cụ tự nhiên.

Mặc dù Homo habilis đóng vai trò quan trọng như vậy, tới nay nhân loại chỉ tìm thấy một số ít các hóa thạch của loài này. Phần nhiều trong số đó chỉ là vài mảnh xương vỡ. Mảnh vỡ đầu tiên, gồm phần xương hàm dưới, vài mảnh sọ và 21 mảnh xương ngón tay, bàn tay, cổ tay, được tìm thấy ở Tanzania. Người ta tìm thấy một hóa thạch khác vào năm 1973 ở Koobi Forea, Kenya, và đây được xem là mẫu xương sọ hoàn hảo nhất của loài Homo habilis cho tới nay. Không một mẫu xương chậu hoặc xương chi hoàn chỉnh nào của loài này được tìm thấy trước kia.

Trong bối cảnh đó, phát hiện vừa qua của các nhà khoa học Nam Phi là hết sức quan trọng. Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Berger sẽ lần đầu công bố thông tin về sinh vật mới phát hiện trong tuần này. Họ sẽ phải đối mặt với hàng loạt các phản biện khoa học về việc sẽ đặt sinh vật mới ở đâu trong cây tiến hóa của loài người. Tuy nhiên, với việc có cả một bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh trong tay, nhóm nghiên cứu sẽ không gặp khó khăn khi cần “phản đòn”. Điều quan trọng là việc công bố các hóa thạch sẽ giúp giải đáp nhiều bí ẩn trong quá trình tiến hóa của con người.

Simon Underdown, một chuyên gia về tiến hóa người ở Đại học Oxford Brookes, nói: “Câu hỏi đặt ra là: Từ khi nào chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của một loài sinh vật mang những đặc điểm tiêu biểu của người hiện đại, khi nào họ sử dụng công cụ đá và xuất hiện ngôn ngữ? Các hóa thạch này có thể là chìa khóa mở cửa những bí ẩn đó”.

(Theo TTOL)


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp