Khá khen thay, cách đây những hơn
2.500 năm, Lão Tử cũng đã nhìn thấy tính hai mặt của cái gọi là “năng động”,
của cái gọi là “văn minh” của nhân loại. Cũng như Kinh Thánh xem “quả
cây tri thức” là loại cấm, Lão Tử ở phương Đông xa xôi này cũng kịch liệt phủ
nhận cái gọi là “tri thức”, “trí tuệ”: “Trí tuệ xuất hiện, sinh ra vô vàn
điều giả dối” (trí tuệ xuất, hữu đại ngụy/ 智慧出, 有大伪 - Đạo đức kinh, chương 18).
Cho nên Lão Tử khẳng định rằng:(1) “Vứt bỏ những
cái gọi là thông minh, lanh lợi, vứt bỏ cái gọi là trí tuệ thì dân chúng sẽ
được lợi gấp trăm lần.” (Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội/ 绝圣弃智, 民利百倍 - Đạo
đức kinh, chương 19)(2) .
Nếu đã vứt bỏ thông minh, trí tuệ
thì học hành còn có ý nghĩa gì nữa kia chứ? Khuyến học phỏng được ích gì? Học
hành chỉ làm cho người ta càng thêm lo âu, phiền muộn mà thôi. Cho nên “chấm
dứt học hành thì không còn lo âu, phiền muộn.” (Tuyệt học vô ưu/ 绝学无忧 - Đạo đức kinh, chương 19).
Lão Tử luôn “dị ứng” với “tinh năng
động”, với cái gọi là “văn minh”. Lão Tử cho rằng “tính năng động” của con
người đã bị xã hội làm cho méo mó đi, khuyên con người hãy từ bỏ xã hội đầy giả
dối, ưu tư, phiền muộn, quay về với tự nhiên. Chẳng trách không ít người cho
rằng Lão Tử đã “chạy trốn” vào tự nhiên, tìm lẽ sống thụ động, vô tư trong tự
nhiên. Nhận định như vậy e rằng không hoàn toàn đúng với tinh thần của Lão Tử.
Lão Tử phát hiện ra rằng con người tìm mọi cách bẻ đôi sự vật: thiện-ác,
đúng-sai, hay-dở, họa-phúc, khôn-dại… rồi ra sức giữ bên này, bỏ bên kia. Điều
đó hoàn toàn trái với Đạo (Xem Đạo đức kinh, Chương 1). Lão Tử cho rằng
“tính năng động” của con người chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên chứ không
phải trong xã hội. “Hữu vi” của xã hội không thể sánh kịp với “vô vi” của tự
nhiên. “Vô vi” là không làm, là thụ động, nhưng “vô vi nhi vô bất vi”, nghĩa là
“không làm” nhưng không phải là “không làm”, mà làm bằng cách không làm. “Vô
vi” không phải là biểu hiện của tiêu cực mà chính là sự thống nhất giữa “tính
thụ động” và “tính năng động” trên cơ sở của “tính thụ động”. Cho nên “biểu
hiện của Đạo là mềm mỏng, là thụ động, hướng vận động của Đạo là quay về với tự
nhiên”. Quay về với tự nhiên là quay về với “tính thụ động”, quay về với “tính
thụ động” là quay về với bản tính của con người. Bản tính là cái vốn có, là tự
nhiên, không thiện cũng không ác. Tự nhiên làm gì có thiện, ác. Thiện, ác chỉ
là sản phẩm năng động, chủ quan của con người. Đạo đức và trí tuệ là hậu quả
tai hại nhất của “tính năng động”. Cho nên: “Người có đạo đức chân chính thì
cần gì phải nói đến đạo đức, kẻ vô đạo đức thì mới hay nói đạo đức”.
(Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức, hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức/上德不德,是以有德, 下德不失德,是以无德 - Đạo đức
kinh, chương 38)(3).
Tự nhiên, tự nó đã là đạo đức rồi
cho nên đâu cần phải nói đến đạo đức nữa; xã hội con người thất đức quá nhiều
cho nên mới cần nói nhiều đến đạo đức. Trí tuệ chỉ đem lại giả dối và ưu tư
phiền muộn cho con người mà thôi. Có trí tuệ nào của con người có thể sánh kịp
với trí tuệ của tự nhiên đâu?
Lão Tử phủ nhận đạo đức và trí tuệ,
sản phẩm của tính năng động bao nhiêu thì Khổng Tử lại ra sức đề cao nó bấy
nhiêu. Học thuyết của Khổng Tử chẳng phải là học thuyết về đạo đức hay sao? Cho
nên chữ “nhân” (仁) được xem là
hạt nhân của học thuyết Khổng Tử. “Nhân” là yêu người, thương người. Khổng Tử
cho rằng con người ta muốn tồn tại lâu dài trên thế gian này thì chỉ có thể tồn
tại với nhau bằng tình thương chứ không phải bằng lòng hận thù. Cho nên đạo đức
là lẽ sống còn của con người.
Trí tuệ, theo Khổng Tử, cũng chỉ là
trí tuệ về đạo đức chứ không phải về khoa học. Trí tuệ chỉ là phương tiện của
đạo đức, đạo đức mới là mục đích của trí tuệ: “Phàn Trì hỏi Khổng Tử về đạo
đức, Khổng Tử đáp: đạo đức là yêu người. Phan Trì lại hỏi Khổng Tử về trí tuệ,
Khổng Tử đáp: tuệ là hiểu biết về con ngưới”. (Phàn Trì vấn nhận, Tử viết:
ái nhân. Vấn trí, Tử viết: tri nhân/ 樊迟问仁, 子曰爱人,问知,子曰知人 - Luận ngữ,
Nhan Uyên).
Như vậy, tiêu điểm của đạo đức và
trí tuệ là con người. Hóa ra ý thức hệ của xã hội phong kiến phương Đông tỏ ra
năng đông hơn là ý thức hệ phong kiến phương Tây. Nhà thờ hướng trí tuệ của con
người về Thượng đế (Knowledge of God) chứ không phải về con người. Một bên là
từ trên trời đi xuống đất, một bên là từ dưới đất đi lên trời. Hai hướng khác
nhau này làm cho các nhà tư tưởng thới kỳ Ánh sáng ở phương Tây như
Montesquieu, Diderot và Voltaire không ngần ngại dựa vào ý thức hệ của xã hội
phong kiến phương Đông để chống lại ý thức hệ phong kiến phương Tây. Nếu Nhà thờ
trung thế kỷ ở phương Tây đi từ dưới đất lên trời là một tôn giáo, thì Nho giáo
của Khổng Tử đi từ trên trời xuống đất đương nhiên không phải là tôn giáo mà
chỉ là học thuyết về đạo đức-trí tuệ. Tuy nhiên, tính năng động đạo đức-trí tuệ
của Nho giáo cũng không phải là vô hạn. Con tuấn mã đạo đức-trí tuệ này cho dù
được động viên, cổ vũ đến đâu đi chăng nữa cũng phải dừng lại trước tường thành
thụ động, huyền bí của mệnh trời. Chẳng phải Tử Hạ đã bộc bạch
rằng tôi nghe nói rằng: “sống chết có số mệnh, giàu sang là do trời.”
(Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên/死生有命, 富贵在天 - Luận ngữ, Nhan Uyên).
Trong sách Luận ngữ có cả
thảy 21 chữ “mệnh”, không nhiều, không ít, nhưng cũng đủ để các nhà vô thần học
xem Nho giáo như là một tôn giáo. Có nghĩa là Nho giáo thừa nhận đấng chúa tể
an bài mọi việc trên đời. Như vậy là do “tính năng động”, “thụ động” mà Nho
giáo nhìn bên này là phi tôn giáo, nhìn bên kia lại là tôn giáo. Mặc Tử cũng đã
từng chế nhạo Khổng Tử rằng Khổng Tử đã lúng ta lúng túng, tự mâu thuẫn như gà mắc
tóc. Mặc Tử nói Khổng Tử “khuyên thiên hạ học hành nhưng lại chủ trương
người ta ai cũng có số mệnh.” (Giáo nhân học nhi chấp hữu mệnh/ 教 人 学 而 挚 有 命), “chủ trương không có quỷ, thần nhưng lại dạy người
ta học tế lễ.” (Chấp vô quỷ nhi học tế\lễ/ 执 无 鬼 而 学 祭 礼)… thì có
khác gì không có mũ mão mà dạy người ta bới tóc, không có cá mà dạy người ta
đan lưới, không có khách mà dạy người ta học lễ tân (Mặc Tử, Công
Mạnh).
Xét ra Mặc Tử phê phán khổng Tử như
vậy không phải là không có lý. Nếu số mệnh sống chết, giàu nghèo, sang hèn đã
định sẵn rồi thì học hành tu dưỡng phỏng được ích gì kia chứ? Theo Mặc Tử thì
“thụ động” là “thụ đông”, “năng động” là “năng động”, cái nào chọn một cái chứ
làm sao có thể bắt cá hai tay được?
Hình như Mặc Tử cũng chưa hiểu rõ
về Khổng Tử lắm thì phải? Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chữ “mệnh”, nhưng
dẫu sao thì “mệnh” cũng có nghĩa là cái tất yếu, cái mà con người khó có thể
vượt qua được. Con người chỉ có thể thụ động chấp nhận mà thôi. Nhưng chỉ chấp
nhận “thụ động” vẫn chưa đủ. Con người phải phát huy “tính năng động” để “an
bần, lạc đạo”. Trí tuệ giúp cho con người hiểu rõ mình đang ở đâu trong bậc
thang đẳng cấp xã hội (trí giả bất hoặc), đạo đức giúp cho con người lạc quan,
an phận ở đẳng cấp mà mình đang tồn tại (nhân giả bất ưu).
Khổng Tử tách “tính thụ động” và
“tính năng động” ra làm đôi, nhưng cuối cùng rồi cũng phải đặt “tính năng động”
dưới tầm kiểm soát của “tính thụ động”. Lão Tử thống nhất “tính năng động” và
“tính thụ động” ở “tính thụ động” không phải để “thụ động” mà để biến cái “thụ
động” thành cái “chủ động”. Dẫu sao yếu tố biện chứng của Đạo gia cũng vượt
trội hơn Nho gia nhiều; trong khi Nho gia thường hay bị cột chặt bởi tư duy
siêu hình.
Đỉnh cao của tư duy siêu hình này
là Tống Nho. Tống Nho triết học hóa Nho giáo, điều mà trước đây Nho giáo nguyên
thủy không quan tâm mấy. “Mệnh trời” của Khổng Tử là một dạng “mập mờ” giữa
tính tất yếu hay đấng siêu nhiên nào đấy thì nay Tống Nho đã thay vào bằng hệ
thống quan điểm “Lý” (理), “Khí” (气). “Lý” là ý niệm, là cái có trước, bao gồm toàn bộ giáo
lý lễ nghĩa, cương thường của ý thức hệ phong kiến, để rồi xã hội phong kiến
đẳng cấp cứ theo đó mà vận hành. Trước đây con người thụ động trước “mệnh trời”
thì nay lại thụ động trước “Lý”, tên gọi khác của “mệnh”, vừa có tính tôn giáo
vừa có tính triết học. “Tính thụ động” không phải được giảm đi mà ngược lại
càng bị tăng thêm gấp bội. Còn “tính năng động” học hành, trí tuệ đạo đức rồi
sẽ ra sao? Tiền đồ của nó quả thật càng ngày càng ảm đạm, không gian của nó
càng ngày càng bị thu hẹp trong phạm vi gọi là “lựa chọn”. Cũng như ông Adam và
bà Eve có quyền lựa chọn giữa việc ăn hay là không ăn quả cấm thì con cháu của
họ giờ đây lại được quyền “lựa chọn” giữa “nhân tâm” hay “Đạo tâm”. “Nhân tâm”
là “tính thụ động” do bản năng chi phối còn “Đạo tâm” là “tính thụ động” do cái
gọi là “Lý” khống chế. Khi xưa, Thượng đế còn chừa khoảng trống để con người
còn có thể lựa chọn giữa “tính năng động” và “tính thụ động”, nhưng “Hạ đế”
Tống Nho lại không muốn chừa khoảng trống nào cả. “Tính năng động” mà Tống Nho
cho phép là sự lựa chọn giữa hai “tính thụ động” mà thôi. Đối tượng mà Tống Nho
cần triệt tiêu là “tính năng động”, cho nên tuy chịu ảnh hưởng Phật giáo, Tống
Nho cũng thừa nhận trong mỗi con người có cái gọi là “tính”. Nhưng “tính” (性) ở đây không phải là chân lý mà chỉ là điều kiện để
hướng về chân lý. Cho nên những ai không hướng về “Lý” thì kẻ đó không là gì cả(4).
Tống Nho làm cho con người thành
con người không còn tính năng động, xa lạ với chính mình. Phật giáo làm cho con
người trở thành chính mình, giải thoát con người trong quan hệ giữa cá nhân và
cộng đồng. Trí và tuệ không có gì khác hơn là để thực hiện điều đó. Học đạo để
trở thành chính mình chứ không phải để trở thành người khác. “Ehi
Passiko” tiếng Pāli có nghĩa là “Hãy đến và tự tìm hiểu” (Come
and See). Chân lý không phải là cái mà Tống Nho gọi là “Lý” bên trên áp đặt cho
mọi người, chân lý hay Phật tính, tự tính nằm ngay ở bên trong mỗi con người.
Thiền sư Mã Tổ nói: “Tâm cũng là Phật, Phật cũng là Tâm.” (Tức tâm tức
Phật). Chịu ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo, Vương Dương Minh kịch liệt phản bác
luận điểm này. Theo ông thì “Lý” hay là chân lý không phải chỉ từ trên trời rơi
xuống, mà “Lý” còn nằm ngay trong lòng mọi người. Vương nói: “Trong trời đất
này không thể có ‘Lý’ ở ngoài Tâm.” (Thiên hạ vô tâm ngoại chi “Lý”/ 天下无心外之理 - Truyền tập lục, Thượng).
“Tâm học” của Vương Dương Minh ảnh
hưởng ở Trung Quốc không nhiều như ở Nhật Bản. Chịu ảnh hưởng “Tâm học”, Nhật
Bản rất tôn trọng “tính năng động” bên trong của con người. Toàn thế
giới hết sức khâm phục tinh thần này của người dân xứ sở hoa Anh đào trong đại
nạn “kép” ở Hiroshima.
Không những người lớn mà ngay cả trẻ em cũng biết làm theo lương tâm (tính năng
động bên trong) của mình trong khi không có bất cứ sự kiểm soát nào bên ngoài
cả. Có lẽ đó cũng là yếu tố để Nhật Bản trở thành cường quốc công nghệ nhất nhì
trên thế giới chỉ sau 20 năm chịu thảm họa của hai quả bom nguyên tử ở
Hiroshima và Nagasaki.
Ở thời Lý - Trần, có bài thơ bài kệ nào của Phật giáo
mà không tìm thấy “Tâm tức Phật, Phật tức Tâm”, “chúng sinh đều có Phật tính”…
Thiền sư Trần Tung trong bài Phật tâm ca cũng đã nói rất rõ:
“Khi Tâm sinh thì Phật cũng sinh,
Khi Phật diệt thì Tâm cũng diệt”.
(Nhược Tâm sinh thời thị Phật sinh,
nhược Phật diệt thời thị Tâm diệt/ 若 心 生 时 是 佛 生, 若 佛 灭 时 是心 灭).
Nhưng có lẽ lãnh hội sâu sắc tinh thần của Phật giáo
Thiền Tông là bốn câu kệ trong bài Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân
Tông, đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm:
Nguyên văn:
居尘乐道且随缘
饥则餐兮则眠
家中有宝休寻觅
对景无心莫问禅
Phiên âm:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Dịch nghĩa:
Ở đời vui với đạo theo lẽ tùy
duyên,
Đói thì ăn, buồn ngủ thì đi ngủ.
Của báu ở ngay trong nhà
chớ tìm đâu xa,
Nếu tiếp xúc với ngoại cảnh mà không bị ngoại cảnh lôi
cuốn, thì đâu cần phải hỏi Thiền là gì nữa.
“Tùy duyên”, “tự tính thanh tịnh”
(của báu trong nhà), “vô tâm” trong bài kệ nói trên thể hiện quan niệm của Phật
giáo về quan hệ giữa “tính thụ động” và “tính năng động” của con người đối với
tự nhiên, con người đối với xã hội và con người tự thân. “Tùy duyên”
(yatha-pratysya) là sự thống nhất của “tính thụ động” và “tính năng động” của
con người với tự nhiên. “Tùy duyên” không phải chỉ biết “lạy trời”, “trông trời”,
mà cũng không phải “nghiêng đồng đổ nước ra sông” hay “sỏi đá cũng thành cơm”,
tùy tiện biến môi trường xanh thành môi trường xám, để rồi triệt tiêu cả chính
mình và cả thế hệ mai sau, mà là sự thống nhất, hài hòa giữa con người và tự
nhiên.
“Tự tính” là điều kiện để giải
thoát của một chủ thể và sự giải thoát của chủ thể lại là điều kiện giải thoát
của cộng đồng.
“Vô tâm” không phải là “vô cảm” trước khổ đau của nhân
loại. Nếu “vô tâm” là “vô cảm” thì Phật giáo chẳng có lý do gì để tồn tại cả.
“Vô tâm” là sự thống nhất của thế giới bên trong và thế giới bên ngoài trên cơ
sở của “Tâm”. Đừng để cho thế giới bên trong mất thăng bằng với thế giới văn
minh bên ngoài. Đừng để “lòng ta là con rối mà đời là kẻ giật dây”. “Vô
tâm” là Tâm chuyển Cảnh chứ không phải Cảnh chuyển Tâm.
Phật tính, Chân như, Tự tính, hay
Alaya (thức thứ tám)(5) đều có nghĩa là lẽ
phải, là chân lý. Cũng được hiểu tương tự như là lương tâm. Nói đến “Tự tính”
không thể không nói đến “Vô tự tính” (无 自 性) hay “Tính
không” (性 空).
Như vậy là từ vấn đề nhận thức chuyển sang vấn đề bản thể. Không hiểu được “Tự
tính” thì cũng không hiểu được quan niệm của Phật giáo về “tính thụ động” -
“Tính năng động” của con người. Lục tổ Huệ Năng còn lưu ý tầm quan trọng không
thể thay thế đối với giáo lý Phật giáo:“Nếu Tự tính được giác ngộ thì chúng
sinh là Phật. Nếu Tự tính bị mê hoặc thì Phật là chúng sinh”. (Tự tính
nhược ngộ, chúng sinh thị Phật. Tự tính nhược mê Phật thị chúng sinh/自性若悟众生是佛,自性若迷佛是众生 - Đàn
kinh).
Nhưng “Tự tính” và “Vô tự tinh” hay
là “Tính không” lại là vấn đề cực kỳ phức tạp, cao thâm, có thể nói là là lý
luận cao thâm nhất của Phật giáo. Vậy “Tự tính” (Avabava) là gì? Lục tổ nhận
xét: “Hết thảy mọi pháp không xa rời Tự tính… Tự tính vốn thanh tịnh, Tự
tính vốn không sinh không diệt, Tự tính vốn tự nó, Tự tính không bị lay động,
tự tính có thể sinh ra mọi sự vật”(6). (Nhất thiết vạn
pháp bất ly tự tính. Hà kỳ tự tính bản
thanh tịnh, hà kỳ tự tính bản bất sinh diệt, hà kỳ tự tính bản tự túc,
hà kỳ tự
tính bản vô động giao, hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp/ 一 切 万 法 不 离 自
性, 何 期 自 性 本 清 静, 何 期 自 性 本 不 生 灭, 何 期 自性 本 自 足, 何 期 自 性 本 无 动 摇, 何 期 自 性
能 生 万 法 - Đàn kinh).
Để dễ hiểu hơn về quan hệ giữa “tự
tính” và “vô tự tính” người ta thường lấy ví dụ về vàng và vật dụng do vàng tạo
ra, chẳng hạn như nữ trang, đồ dùng quý giá. Vàng là “tự tính”, đồ dùng do vàng
tạo ra là “vô tự tính”. Vàng là chất liệu, nó không thể tồn tại tự nó mà phải
tồn tại dưới hình thức nào đó.
Nhưng không phải ai, không phải
kinh kệ nào cũng thừa nhận cái gọi là “Tự tính”. Chẳng hạn Giải thâm mật
kinh, một trong sáu bộ kinh quan trọng của Pháp tướng tông không thừa nhận
cái gọi là “Tự tính”. Ngay cả Phật giáo nguyên thủy dựa vào thuyết duyên khởi,
cho rằng mọi sự vật hiện tượng đều không thể tồn tại độc lập (Tự tính) mà phải
do nhiều nhân duyên khác hợp lại mà thành. Ngay trong Đàn kinh cũng ghi
chép lời dạy của Phật Thích Ca: “Phật nói: Thiện căn có hai, một là
‘thường’, hai là ‘vô thường’, Phật tính không phải ‘thường’ mà cũng không phải
‘vô thường’, Phật tính không phải là ‘thiện’ mà cũng không phải ‘bất thiện’, đó
gọi là ‘bất nhị’.
Có thể thấy Lục tổ không khẳng định
mà cũng không phủ định “Tự tính” mà lại là phủ định - phủ định. Quan niệm của
Lục tổ cũng là quan niệm “Trung đạo” của Nāgārjuna. Công thức “không là… không
là” của “Trung đạo” cũng là công thức của Lục tổ.
Như vậy là “tính thụ động” và
“tính năng động” của con người ngay nơi Nho, Phật, Đạo cũng đã khác nhau. Nho
giáo tách chúng ra làm đôi và quy định nếu đã là cái này thì không phải cái
kia. Cho nên công thức siêu hình của Nho giáo là: “hoặc là… hoặc là”. Đạo gia
thừa nhận trong cái này có cái kia, không thể chọn một trong hai cái được. Cho
nên công thức của Đạo gia là: “Hoặc là… hoặc là”. Nếu công thức của Đạo gia
được xem là có yếu tố biện chứng thì công thức của Phật giáo phải được xem là
“siêu biện chứng”. Công thức của Phật giáo là: “Không là… không là”. Nhận thức
luận ở phương Tây thường phải trả lời câu hỏi “nó là cái gì”, thì Phật
giáo phương Đông lại thường có xu hướng xem “nó không phải là cái
gì”. “Không là… không là” có nghĩa là “phủ định - phủ định”, là quy luật phát
triển của tự nhiên và xã hôi, là “siêu việt” (transcendental) giữa hai mặt “đối
đãi”. “Khẳng định” cũng là phủ định, “phủ định-phủ định” là siêu “khẳng định”.
Nhân loại có ba vấn đề mà từ trước
đến nay, và cả từ nay đến mai sau, vẫn còn là vấn đề chưa bao giờ có thể đến
hồi kết thúc. Đó là vấn đề quan hệ giữa con người và tự nhiên, quan hệ giữa con
người - con người, và quan hệ tự thân của con người. Nếu nhân loại muốn sống
còn thì nhất thiết không thể không quan tâm giải quyết. Giải quyết đúng hay
không là tùy thuộc vào trình độ nhận thức, lý giải vấn đề quan hệ giữa “tính
năng động” và “tính thụ động” của con người. Nho, Đạo và nhất là Phật đã nhận
thức và giải quyết vấn đề quan trọng này như thế nào có lẽ cũng đáng để cho con
người sống ở thế kỷ XXI phải suy ngẫm.
Chú thích
(1) Xin tham khảo bản dịch tiếng Pháp của J.J. L
Duyvendak, Le livre de la voie et de la vertu, Paris, 1953: “Quand l’intelligence et la
connaissance se montre, il y a une grand culture artificielle".
(2) J.J L
Duyvendak dịch: “Si tu abolis la sagesse et rejettes le savoir, le peuple en
aura cent fois plus de profit”.
(3) J.J.L Duyvendak dịch: "La Vertu
superieure ne fait pas valoir sa vertu; c’est poirquoi elle a de la vertu. La Vertu inferieure
n’abandonne jqmais sa vertu; c’est pourquoi elle na pas de vertu".
(4) Xin tham khảo Hà Thúc Minh, Lịch sử triết
học Trung Quốc, t.2, Nxb.
TP.HCM, 1999.
(5 Sau Alaya thức, cũng gọi là “bát thức”, Duy
thức luận còn thêm thức thứ chín (cửu thức), gọi là thức thanh tịnh
(Amala-vijnana). Các Thiền sư thời Trần cũng đã đề cập nhiều đến thức này.
(6)
Trường phái Số luận cho rằng “Tự tính” là chất liệu cơ bản của mọi vật
(Prakrti). Xem Phật giáo đại từ điển, Ngô Nhữ Quân biên soạn, Thương vụ
ấn thư quán hữu hạn công ty xuất bản, 1992.