28/04/2018 18:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 1989
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kiếp sống của mỗi con người sinh ra ở thế giới Ta Bà này, dù thọ mạng dài hay ngắn, nhìn chung có thể phân chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng nhiều phấn đấu, tranh đua, lo âu và phiền não.

Thich Nu Hang Nhu

Ngoại trừ thời gian mới lọt lòng Mẹ, đứa bé chưa biết suy nghĩ, chưa biết phán đoán. Chỉ cười khóc theo bản năng đòi hỏi của cơ thể, và em bé thường được Cha Mẹ đáp ứng đầy đủ.

          Giai đoạn kế, nếu may mắn được sinh trong gia đình khá giả các em được cắp sách đến trường. Nếu không may sinh ra trong gia cảnh nghèo nàn, khó khăn, dù còn rất nhỏ, ngoài giờ học ở trường các em vẫn phải bương chải ra ngoài xã hội kiếm sống phụ với gia đình. Đó là chưa nói có rất nhiều em phải nghỉ học nửa chừng hoặc không được đến trường vì Cha Mẹ không có khả năng tài chánh. Thời gian này nỗi khổ đã hiện diện trong cuộc đời của người trẻ dù được sanh trong gia đình giàu hay nghèo.

          Tiếp theo tạm gọi là giai đoạn của người lớn, lập gia đình, sinh con đẻ cái, làm việc quần quật kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi dạy con thơ cho đến khi chúng trưởng thành. Cuộc sống gia đình có lúc vui vẻ hạnh phúc nhưng đa phần trải qua những phiền não lo âu từ trong nhà ra ngoài cộng đồng xã hội. Thời gian này con người sống trong căng thẳng vì lúc nào cũng nỗ lực, bon chen tranh đấu... hết sức của mình. Có thể những nỗ lực đó là để hướng tới một mục đích cao thượng, cũng có thể là vì tham vọng muốn được sự giàu sang về tài sản và danh lợi cho bản thân mình, gia đình mình. Dù mục đích tốt hay xấu, ít người nào chịu dừng lại ở một mức độ nào đó, bởi tiền tài danh vọng nhiều bao nhiêu cũng không lấp đầy túi tham của lòng người.

          Rồi tuổi già đến lúc nào không hay, bệnh hoạn kéo tới hoành hành thân xác. Có nhiều người mang căn bệnh thể xác kéo dài dù tuổi đời rất thọ, có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại đột quỵ sớm.

          Khi giai đoạn cuối cùng đến, người ta nằm một chỗ thoi thóp thở. Đến lúc thở hơi ra, mà không hít vào được nữa, thì trở thành một cái xác bất động, cứng đờ, lạnh lẽo, vô tri giác. Lúc bấy giờ những người xung quanh dù không muốn cũng đành phải tuyên bố là người đó đã "chết" rồi, đã "mất" rồi! Khi nắp quan tài đậy lại, từ giây phút đó trở đi, không ai còn thấy người đã "chết" rồi, đã "mất" rồi đó còn hiện diện ở cõi Ta Bà này nữa, bởi cái xác đó đã được thân nhân chôn vùi dưới lòng đất lạnh, hoặc đã thiêu đốt thành tro bụi.

          Chúng ta, ai cũng trải qua những giai đoạn nêu trên, nhưng có giây phút nào chúng ta chạnh lòng tự hỏi: "Mình là ai, từ đâu đến và sẽ về đâu khi một ngày nào đó mình chết đi?" hay bứt rứt vì câu: "Tại sao con người lại có mặt trên thế gian này để một ngày nào đó con người lại phải chết. Chết là chấm dứt là biến mất khỏi thế gian này, hay còn có một nơi nào khác để người chết trở về ?". Để tìm câu trả lời chúng tôi mời quý vị hãy cùng với chúng tôi chia xẻ đề tài:"Con người từ đâu đến và chết đi về đâu? " 

CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ NGUỒN GỐC CON NGƯỜI

          Có nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau về sự hiện diện của con người ở trên thế gian này.

          - Những người tôn thờ chủ nghĩa duy vật thì cho rằng con người đến từ vật chất và chỉ sống duy nhất một đời hiện tại. Sau cái chết sẽ không còn gì nữa nên họ sống hưởng thụ không quan tâm gì đến đạo đức, bởi có gây ra tội ác hay sống thiện lành, sau cùng cũng đi đến sự chấm dứt là cái chết. Chết là hết thì cần gì phải lo.

          - Ở nước Ấn Độ cổ xưa, người ta tin rằng bên trong thể xác con người có linh hồn trường cửu. Sau khi chết tiểu ngã hay tiểu hồn của họ sẽ hoà nhập vào đại ngã Phạm Thiên. Để đạt mục đích đó, ở Ấn Độ có pháp môn tu khổ hạnh là pháp tu hành hạ thân xác. Họ cho rằng càng khổ hạnh nhiều chừng nào thì càng sớm đạt được thượng tâm. Đức Phật cũng đã từng tu theo pháp môn khổ hạnh này 6 năm dài, thượng tâm thượng trí Niết Bàn đâu không thấy, chỉ thấy suýt chút nữa thì mất mạng nếu không nhờ nữ mục đồng cứu sống bằng một chén sữa cừu.

          - Các nhà tôn giáo theo thần quyền thì cho rằng con người là sản phẩm của Thượng đế. Thượng đế là đấng tối cao, toàn năng, toàn quyền chẳng những tạo ra con người mà còn sáng tạo cả thế gian, vũ trụ. Con người sau khi chết chỉ có hai cảnh giới để đến. Đó là được lên Thiên đàng nếu ai tin và nghe theo lời dạy của Thượng đế. Ngược lại kẻ nào thắc mắc không đặt trọn vẹn đức tin vào Kinh Thánh thì bị xem là con chiên lạc đàn, sau khi chết sẽ bị đày xuống hoả ngục và bị thiêu rụi đời đời.

          - Còn quan điểm của Phật giáo thì như thế nào?  Là người Phật tử chúng ta đã học qua "Tiến Trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca". Trong đêm cuối của tuần lễ thứ Tư là đêm Bồ Tát thành đạo. Vào canh Một, Ngài chứng quả Túc Mạng Minh, đạt Trí tuệ hiểu biết về quá khứ nhiều đời nhiều kiếp của chính Ngài. Canh thứ Hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, đạt được Trí tuệ hiểu biết về sự luân hồi sinh tử của chúng sanh nhiều đời nhiều kiếp là do Nhân Quả nghĩa là đời quá khứ họ tạo Nhân xấu thì đời này họ sẽ thọ Quả xấu, nếu đời quá khứ họ sống thiện lương thì đời này họ hưởng Quả tốt. Canh thứ Ba, Ngài chứng Lậu Tận Minh, là Trí tuệ biết rõ nguyên nhân của luân hồi sanh tử là lậu hoặc. Lậu hoặc là những thói quen, những đam mê huân tập từ nhiều đời quá khứ cho đến hiện tại và tiếp diễn trong nhiều đời ở tương lai. Lậu hoặc cũng có nghiệp tốt và nghiệp xấu nhưng đa phần là xấu ác khiến cho con người cứ phải luân hồi sanh tử.

          Qua sự chứng ngộ ba Minh của Đức Phật, cho thấy cái chết của chúng sanh không phải là dấu chấm hết. Cái chết chỉ là sự bắt đầu cho một sự sống mới. Sự sống đó được mô tả qua thuyết "Thập Nhị Nhân Duyên" hay thuyết "Nhân Quả" như sau:

          - Thế nào là Nhân Duyên? Nhân là nguyên nhân, là cái Nhân chính trực tiếp sanh ra vật khác. Thí dụ như hạt mè là Nhân trực tiếp sanh ra cây mè, hạt đậu là Nhân trực tiếp sanh ra cây đậu. Duyên là sự trợ duyên, chỉ cho những vật có tính cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho Nhân thành hình. Thí dụ như đất, nước, phân bón, ánh sáng mặt trời và sự chăm sóc của người làm vườn. Những thứ này đã trợ duyên, giúp đỡ cho các hạt nêu trên nẩy mầm thành cây.

          Vậy "Thập Nhị Nhân Duyên" là mười hai Nhân cũng là Duyên, mà Nhân này có mặt sẽ sanh ra Nhân kia. Mười hai Nhân Duyên đó là: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử.

          Ý nghĩa đại cương của 12 nhân duyên như sau:

          1) Vô minh: Là không hiểu biết như thật về hiện tượng thế gian. Đức Phật dạy tất cả các pháp có mặt trên thế gian này bao hàm cả con người do nhiều điều kiện mà thành, tức không thực chất tính cho nên nó vô ngã. Các pháp chỉ có mặt khi nhân duyên đầy đủ và nó sẽ hư hoại biến thành cái khác khi không đủ nhân duyên. Đó là tánh Huyễn của vạn pháp. Người vô minh không hiểu biết như thật về hiện tượng thế gian, nên chấp chặt mọi thứ trên đời là có thật, là thường hằng nên khi những thứ đó mất đi, thì phiền não, khổ đau.

          2) Hành: Bởi vô minh nên con người thường có những ý nghĩ, lời nói và hành động tạo nghiệp. Có khi là nghiệp lành nhưng phần nhiều là nghiệp ác.

          3) Thức: Là thần thức hay tử thức, đó là những lậu hoặc, tập khí do thân khẩu ý tác tạo, gọi chung là nghiệp. Các nghiệp này huân tập tạo thành nghiệp lực. Khi chết nghiệp lực dẫn dắt thần thức đi thọ lãnh quả báo khổ hay vui ở đời sau.

          4) Danh sắc: Con người có hai phần tinh thần và vật chất. Tinh thần thì trừu tượng không có hình tướng gồm các khái niệm: thọ, tưởng, hành, thức gọi chung là Tâm, thuật ngữ nhà Phật gọi là Danh. Phần thân là thể chất có hình tướng màu sắc có thể sờ mó được gọi là Sắc.

          5) Lục nhập: Là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh hay sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì lục thức được phát sinh. Đó là nhãn thức, nhỉ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Lục thức này tác động vào tâm khiến cho tâm lúc nào cũng giao động nên gọi là lục nhập.

          6) Xúc: Là sự tiếp xúc của lục căn với lục trần. Thí dụ mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng động, thân cảm thấy mát mẻ, lưỡi nếm vị ngọt đắng, mũi ngửi hương thơm, ý thích hay không thích một đối tượng nào đó.

          7) Thọ: Cảm giác hay cảm nhận của thân hay tâm. Tâm cảm nhận vui buồn khi lục căn tiếp xúc lục trần. Thân cảm giác đau nóng khi tiếp xúc với lửa hay nước sôi.

          8) Ái: Là ưa thích. Khi lãnh thọ cảnh vui thì yêu thích ... đó là sanh tâm tham. Gặp cảnh không vừa ý, tâm khổ não, không ưa, ghét bỏ... thì sanh tâm sân hận. Tham ái, khát ái, là nguyên nhân thúc đẩy con người tạo nghiệp.

          9) Thủ: Là bám lấy, giữ lấy. Gặp cảnh tốt, thì tham cầu giữ lấy. Gặp người mình ưa thích thì muốn chiếm hữu. Thủ cũng chính là nguồn gốc của tham.

          10) Hữu: Là mong muốn hiện hữu ở đời này để hưởng thụ hay hiện hữu ở một cõi nào đó trong tương lai. Sự mong muốn này chính là Nhân đưa đến Quả là luân hồi sanh tử. Hữu cũng có nghĩa là Có. Muốn có mặt ở đời này và muốn sẽ có mặt ở đời lai sanh.

          11) Sanh: Là sanh ra đời để thọ quả báo trả nghiệp do Ái, Thủ, Hữu là nhân đời trước gây ra.

          12) Lão tử: Già rồi chết.

          Nhìn chung mười hai nhân duyên này liên kết thành một vòng tròn luân hồi sinh tử của con người. Mắt xích Vô Minh là nguy hiểm nhất. Vì Vô Minh làm cho tâm trí chúng ta mê muội, không còn sáng suốt phân biệt đâu là thật đâu là giả. Vì Vô Minh nên hiểu biết sai lầm về con người và vạn vật trong vũ trụ, do đó sinh chấp ngã. Có ngã là có Ái, Ái thì ích kỷ, tham lam muốn chiếm hữu những gì mình yêu thích, không được thì tâm sân si khởi lên... làm khổ mình khổ người, tạo nghiệp. Bất cứ nghiệp nào dù tốt hay xấu, một khi đã tạo ra, thì nó được gìn giữ mãi trong tàng thức từ đời này sang đời khác, không bao giờ bị mất.

          Nói theo khoa học thì những suy nghĩ hay những việc làm gây ấn tượng tốt hay xấu, mà mình lặp đi lặp lại thường xuyên thì những ấn tượng này ghi đậm trong Ký Ức Dài Hạn của mình khó mà quên.

          Khi con người chết thì ngũ uẩn tan rã, thân tứ đại đất, nước, gió, lửa trở về với tứ đại, còn nghiệp thức thì tiếp tục bám theo tử thức. Nó chính là nghiệp lực thúc đẩy, dẫn dắt tử thức đi tái sanh.

          Thuyết "Thập Nhị Nhân Duyên" mô tả sự sống của con người qua ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người bị dính chặt trong bánh xe luân hồi không thoát ra được chỉ vì Vô Minh. Vô Minh sinh ra Hành, Hành sinh ra Thức, Thức sinh ra Danh Sắc, Danh Sắc sinh Lục Nhập, Lục Nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sanh (đời kế tiếp), Sanh sinh Già Chết. Cứ thế mà cuộc sống tiếp diễn: Sống rồi chết, chết rồi sống ..., không biết chỗ nào là khởi đầu và cũng không biết chỗ nào là kết thúc.

CON NGƯỜI,  HAY SỰ SỐNG TỪ ĐÂU ĐẾN,
CHẾT ĐI VỀ ĐÂU THEO GIÁO LÝ NHÀ PHẬT?

          Khi có sự giao hợp giữa nam và nữ trong thời kỳ người nữ có thể thụ thai, hợp duyên thì thần thức của người chết sẽ thác sinh vào thai mẹ. Trong bụng mẹ, thai sinh thu hút tinh huyết làm nhục thể, và sau đó tâm thức hoà hợp cùng nhục thể hình thành Danh Sắc. Danh là tâm thức. Sắc là nhục thể. Qua thời gian Danh Sắc lần lượt tượng hình đầy đủ lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

          Khi đủ ngày tháng, thai nhi được sanh ra, lục căn của hài nhi tiếp xúc với lục trần, do đó hài nhi biết nóng lạnh đau đớn hay êm ái. Do sự xúc chạm này mà tâm hài nhi dần phát sanh ra sự phân biệt, rồi từ đó có cảm thọ vui hay khổ. Cảm thọ vui khổ này phát sanh ra những khởi niệm ưa ghét, thích hay không thích. Chính sự tham ái đó khiến nó cố thủ, cố bám lấy cái nó ưa thích và muốn đòi hỏi được thoả mãn những điều ưa thích đó, nên nó tạo ra nghiệp căn, mà tạo nghiệp thì phải chịu quả báo.

          Câu hỏi: "Con người từ đâu đến, chết đi về đâu?" có nhiều cách trả lời, nhưng hợp lý hay không hợp lý là tuỳ theo quan niệm và đức tin của mỗi người, chúng ta không bài bác.

          Theo giáo lý nhà Phật con người sau khi chết, tuỳ theo Nhân đã tạo trong đời hiện tại mà tái sanh vào sáu cõi. Nếu con người sống ở cõi đời này tạo nhiều Nhân thiện lành, biết mở lòng bố thí giúp đỡ người khác, giữ đúng giới đức, thì sau khi chết sẽ được sanh về cõi Trời hưởng phước. Cõi Người là cõi có khổ có vui. Sanh về cõi Người là để vay trả, trả vay những điều mình đã làm trong đời này hay nhiều đời trước.  Cõi A-Tu-La là cõi của những vị thần khi sống ở đời này họ tạo nhiều Nhân tốt nhưng tánh tình nóng nảy nên khi chết thì sanh về cõi A-Tu-La. Còn ba cõi kia là cõi Súc Sanh, Ngạ Quỹ, Địa Ngục, trong kinh gọi là ba đường ác, ba đường xấu. Con người sẽ sanh về những cõi ác nếu trong đời sống hiện tại họ gây ra quá nhiều tội lỗi làm tổn hại những người xung quanh, hoặc có hành động tàn ác giết người giết vật v.v...

          Chúng ta là người phàm phu với con mắt trần không thấy được những cõi vô hình. Đức Phật là bậc giác ngộ thấy biết giảng lại cho chúng ta. Là người học Phật, chúng ta biết rằng những điều Đức Phật giảng dạy cho chúng ta là do sự tu tập và chứng ngộ mà nói ra chứ không dựa vào học thuyết của bất kỳ ai. 

CON NGƯỜI SANH RA DO NHÂN QUẢ

          Giáo lý quan trọng của Phật giáo là Lý Duyên Khởi, là Nhân Quả, là cái này có cái kia có, cái này sinh cái kia sinh; cái này không cái kia không, cái này diệt cái kia diệt. Như vậy có nghĩa là chúng ta "gieo Nhân nào thì nhận Quả đó". Trong đời sống hiện tại chúng ta đang thọ nhận cái Quả vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau là do chúng ta gieo Nhân làm khổ người hay mang hạnh phúc đến cho người từ đời trước. Và cái Quả trong hiện tại đời này, nếu không tu tập sửa chữa thì nó chính là cái Nhân để trổ Quả cho chúng ta nhận trong tương lai. Con người cứ như thế tương tục mãi không ngừng hết đời này qua đời khác theo vòng luân hồi mười hai mắt xích.

          Từ điểm này chúng ta biết rằng con người sinh ra từ Nhân Quả và không phải chỉ sống một đời trong hiện tại này, mà đã trải qua nhiều đời trong quá khứ và trong tương lai còn tiếp nối nhiều cuộc sống khác. Như vậy chết là bỏ thân hiện tại trong đời này để có thân mới trong đời sống kế tiếp. Nói cách khác sống là thay thân cũ của đời trước để có thân mới trong đời này. Với con mắt của bậc trí tuệ thì con người của đời này và con người của đời sau không phải là một mà cũng không phải là hai.

LÀM SAO THOÁT KHỎI LUÂN HỒI SANH TỬ?

          Đạo Phật là đạo dạy con người tu tập để thoát khổ giác ngộ giải thoát. Giải thoát ở đây là thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử. Trong kinh Thánh Cầu, Đức Phật cho biết: "Sanh, Già, Bệnh, Chết, Sầu Khổ, Ô Nhiễm là những cái tự mình bị sanh." Cái Bị Sanh này đưa con người vào vòng luân hồi sanh tử. Khi biết sự nguy hại của Cái Bị Sanh, "Ngài tìm cầu Cái Vô Sanh". Cái Vô Sanh là trạng thái vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, đó là trạng thái Niết Bàn.

          Trong canh thứ Ba của đêm thành đạo, Đức Phật đã chứng quả Lậu Tận Minh, biết như thật con người bị luân hồi sanh tử là do lậu hoặc tức nghiệp thức gây ra. Như vậy muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử là phải tu tập làm sao cho sạch lậu hoặc. Trong lậu hoặc có ba căn bệnh chánh là tham sân si, chúng ta phải tu tập làm sao để không còn tam độc này ở trong tâm chúng ta nữa.

          Bắt đầu tu tập chúng ta cần phải có Trí năng tỉnh ngộ học hỏi những điều Đức Phật đã chứng ngộ và dạy lại chúng ta. Hiểu thấu đáo về những Nhận thức của Đức Phật để chúng ta có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng thế gian và chính bản thân chúng ta. Chúng ta phải nhận rõ vũ trụ hay con người đều thuộc về thế giới của thời gian và chịu ảnh hưởng của quy luật biến dịch, cho nên sự hiện hữu dài hay ngắn, đều phải trải qua chu kỳ thành, trụ, hoại, diệt (không), để trở thành cái khác.

          Qua bài kinh Vô Ngã Tướng, chúng ta hiểu con người của chúng ta là do sự tập hợp của năm uẩn. Bản thân của chúng ta có hai phần quan trọng ngang nhau đó là thân và tâm. Chúng ta cần có thân khoẻ mạnh để tâm nương náu mà tu hành. Tu hành như thế nào? Đức Phật dạy các pháp Quán, Chỉ, Định, Huệ là phương tiện để đạt cứu cánh giải thoát giác ngộ.

          Bước đầu chúng ta đặt mục tiêu gần gũi với cuộc đời phàm phu của chúng ta trước. Đó là tu làm sao để thân khoẻ, tâm an, trí tuệ sáng suốt. Rồi sau đó mới tiến tới mục tiêu cao hơn là thoát khổ, giải thoát, giác ngộ. Con đường tu tập chuyển đổi từ Tâm Phàm Phu trở thành Tâm Bậc Thánh đến Tâm Phật là con đường lý tưởng dài vô lượng kiếp. 

TU TẬP NHƯ THẾ NÀO?

          - Tu Quán, Tu Huệ: Để chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi cái nhìn về cuộc đời, về công ăn việc làm, về tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng, về của cải vật chất. Những thứ đó đang ở trong tay chúng ta nhưng biết đâu sẽ có một ngày chúng ta mất trắng. Khi chuyện đó xảy ra chúng ta hiểu biết rằng vạn pháp vốn vô thường nếu thản nhiên chấp nhận thì chúng ta sẽ không buồn khổ. Đó ta chúng ta đã có Huệ.

          Tu Quán để có cái nhìn về chính bản thân của chúng ta ngay trong sát na hiện tại này đang chịu quy luật biến dịch chi phối. Nó thay đổi từng sát na. Một lúc nào đó cái già, cái bệnh và cái chết sẽ đến với chúng ta. Chấp nhận sự thật chúng ta sẽ không cảm thấy quá lo buồn sợ hãi khi mỗi giai đoạn thời gian đời sống đến với chúng ta khi khoẻ mạnh lúc ốm đau.

          - Thu thúc lục căn: Sáu căn tiếp xúc sáu trần, thấy, nghe, xúc chạm đối tượng biết rõ ràng đối tượng nhưng không khởi tâm ưa ghét, chê khen, phản ứng gì cả, có nghĩa là đối tượng sao biết y như vậy mà trong đầu không nói thầm về đối tượng. Đó là cái Biết đang là về đối tượng. Phương pháp tu tập này còn gọi là Pháp Như Thật cũng thuộc về Thiền Huệ Vipassanà, giúp tâm yên lặng thanh thản đưa tới Định.

          - Tu Chỉ, Tu Định: Trong đời sống hằng ngày đầu óc chúng ta luôn bị giao động vì suy nghĩ nọ kia, nó đầy ấp những tham, sân, si... nên đưa đến phiền não khổ đau. Tâm cứ giao động liên tục thì không bao giờ chúng ta "giác ngộ" được điều gì. Bây giờ chúng ta tập sống trong cái Biết không Lời.

          Tu Chỉ là làm sao cho tâm chúng ta được yên lặng, thanh thản. Thực tập bằng cách làm cái gì biết chúng ta đang làm cái đó.

          Thí dụ: Quét nhà biết đang quét nhà, hút bụi biết đang hút bụi, rửa chén biết đang rửa chén.... mà trong đầu không khởi niệm gì cả nghĩa là không suy nghĩ, không nói lầm bầm trong đầu sao nhà dơ quá, sao nhiều chén bát quá .v..v....  Đó là chúng ta đang tu thiền Chỉ.

          Thiền Chỉ giúp tâm yên lặng thanh thản nhưng không vững chắc. Muốn tâm định vững chắc chúng ta phải toạ thiền. Khi toạ thiền lúc đầu xử dụng phương pháp dùng tầm tắt tứ, sau đó dùng ý tắt tầm. Tầm là tự mình nói thầm trong não, tứ là tự trong ký ức trồi lên những hình ảnh trong quá khứ, rồi tâm duyên theo đó nói thầm qua lại hết chuyện này sang chuyện khác. Khi tầm tứ yên lặng thì hành giả có định. Lúc đó lậu hoặc vẫn còn nhưng nó nằm yên, tham sân si cũng không có, chỉ còn cái Biết không lời trong tâm thì ba nghiệp được thanh tịnh. Như vậy, chúng ta tạo được Nhân thanh tịnh ngay trong bây giờ và ở đây. Đó là công đức vô lậu của chúng ta, dù chỉ năm, mười phút hay lâu hơn.

KẾT LUẬN

          Khi đã hiểu sanh tử như thế nào, hiểu sự sống từ đâu đến và chết đi về đâu, thì đối với sự sống, chúng ta không tham cầu bởi chúng ta biết tấm thân ngũ uẩn này không thực chất tính, nên nó sẽ không vững bền với thời gian, nó bị ảnh hưởng bởi quy luật biến dịch, nên nó vô thường từng phút từng giây. Sống hay chết, tuỳ thuộc nơi duyên hợp hay duyên tan... mà thay đổi. Và đối với cái chết, chúng ta sẽ không sợ hãi, bởi chết không phải là chấm dứt, không phải mất hẳn đi, mà chỉ là sự thay đổi cũ mới mà thôi. Sự sanh trong hiện tại chỉ là một lần sanh trong vô lượng lần sanh. Sự chết trong hiện tại chỉ là một lần chết trong vô lượng lần chết.

          Điều quan trọng là chúng ta sống như thế nào trong đời này, để đời sau chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi lần chết đi, sang một đời sống khác là một dịp tốt để chúng ta học hỏi hầu tiến hoá trên con đường tâm linh. Người đời hay nói: "Có công mài sắt có ngày nên kim", chúng ta hãy bắt tay mài thỏi sắt lớn trong tâm chúng ta ngay từ bây giờ, bằng cách tập sống theo lời Phật dạy. Giữ giới đức được trong sạch, làm việc lành tránh việc dữ, tu Huệ, tu Định để phát huy Trí huệ tâm linh. Đó là theo con đường Giới-Định-Huệ mà Đức Phật đã đưa ra. Khi ánh sáng trí huệ chan hoà, thì bóng tối vô minh biến mất. Vô minh không còn thì vòng luân hồi cũng tan rã, bấy giờ người tu được hoàn toàn thoát khổ, giải thoát, giác ngộ.

          Đã học Phật, chúng ta biết cuộc đời an lành hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta không do ai ban phát cả, mà do quy luật Nhân Quả làm chủ, nhưng Nhân Quả đó lại do chúng ta làm chủ. Chúng ta có thể tạo ra Nhân tốt hay xấu để thọ lãnh Quả lành hay dữ. Ngay cả Đức Phật cũng không cứu được chúng ta ra khỏi ba đường dữ hay ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, mà chỉ chúng ta tự cứu chúng ta mà thôi. Cho nên chúng ta phải tự chọn cho chúng ta một lối sống, để khi thân hoại mạng chung, chúng ta tự làm chủ lấy mình thanh thản ra đi với hành trang phước đức và trí huệ hay là chúng ta bị nghiệp lực nặng nề làm chủ dẫn chúng ta sanh vào những chỗ tương ưng với đời sống đầy tội lỗi tham sân si của chúng ta để thọ Quả của Nhân đã gây ra trong đời này./.

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

April 25-2018
Thư Viện Hoa Sen

Bài đọc thêm:
Người chết đi về đâu (Lạt-ma Kazi Dawa Samdup Nguyễn Minh Tiến & Nguyễn Châu dịch)
Chết Đi Về Đâu - Thích Nhật Từ
Tạng Thư Sống Chết (Thích Nữ Trí Hải dịch)
Tử Thư Tây Tạng (Nguyên Phong dịch)
Cái Chết (Đức Đạt Lai Lạt Ma)
Chết Đi Về Đâu (Thích Nhật Từ)
Chết và tái sinh trong đạo Phật (Thích Nhật Từ)
Có 49 Ngày & Thân Trung Ấm Không? (HT. Giới Đức Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Hiện Tượng Chết Và Tái Sanh (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Cầu Siêu Có Phải Là Nghi Lễ Của Phật Giáo Không? (Tâm Diệu)
Chết Do Tai Nạn Sẽ Đi Về Đâu? (Quảng Tánh)
Chết Sống (Thích Tâm Hạnh)
Chết Trong An Bình (Thích Tâm Quang)
Chết Và Tái Sinh (Thích Nguyên Tạng)
Chết và hấp hối theo truyền thống Phật giáo Tây tạng (Thích Nữ Tịnh Quang)
Chết An Bình, Tái Sinh Hạnh Phúc
Chết An Lạc Tái Sinh Hoan Hỷ
Chết là luật tự nhiên (Thích Thông Huệ)
Tống Táng Giản Đơn - Thích Chân Tính

https://thuvienhoasen.org/a29597/song-tu-dau-den-chet-di-ve-dau-


Âm lịch

Ảnh đẹp