Bí ẩn từ hàng nghìn viên xá lợi long lanh như ngọc
Điều
khiến cho các nhà khoa học nghiên cứu về cơ thể con người hiện nay rất
chú ý là việc xuất hiện một loạt những điều bí ẩn ở di hài của các tăng
ni phật tử: Xá lợi, da thịt không rữa nát, toả ánh sáng hào quang, cuống
lưỡi vẫn còn y nguyên... Những hiện tượng trên xuất hiện ngày càng
nhiều và trở thành tư liệu nghiên cứu của các ngành khoa học duy tượng.
Một vấn đề được đề cập nhiều là bí ẩn của xá lợi.
Nhiều
người định nghĩa rằng, xá lợi là những vật cứng rất khó vỡ, màu sắc
long lanh, được kết lại do những tro xương từ các di thể của các tăng ni
phật tử sau khi hoả táng. Một số hạt nhỏ có thể trông giống ngọc trai
hoặc pha lê, với màu sắc khác nhau.
Một số dạng tinh thể được cho là xá lợi của đức Phật và các vị cao tăng sau khi viên tịch.
Theo
nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Bình (Tháp chùa Trấn Quốc – Hà Nội), các
sách của Phật giáo có ghi rõ, sau khi đức Thích Ca Mâu Ni tạ thế, thi
thể ngài được phủ cờ phướn có ghi kinh Phật, các loại hương liệu quý rải
khắp xung quanh và được khâm liệm trong quan tài vàng. Sau khi hoả
táng, di thể ngài kết thành nhiều viên cứng như sắt, trong suốt, long
lanh như ngọc. Người ta gọi đó là xá lợi. Phật giáo Trung Quốc trong các
lịch đại đều có hiện tượng “xá lợi” của các chư tăng.
Những
thập kỷ gần đây, hiện tượng này cũng rất nhiều. Buổi chiều ngày
13/2/1975, cao tăng Quang Âm đã viên tịch tại Đài Loan, hưởng thọ 95
tuổi. Sau khi hoả táng, di thể ngài để lại hơn 1.000 viên xá lợi màu nâu
lấp lánh, viên to nhất có đường kính tới 4cm, hơn 30 viên có đường kính
3cm.
Cao tăng Hồng Thuyên, quốc
tịch Singapore gốc Hoa, viên tịch tháng 12/1990. Sau khi hoả táng, người
ta phát hiện có tới 450 viên giống như thuỷ tinh các màu: hồng, trắng,
bạc, vàng, nâu, đen. Có viên có tới năm màu, quan sát kỹ còn thấy có
viên sáng lấp lánh như đá hoa cương.
Theo
sử sách ghi chép, trước đây, chỉ có các cao tăng viên tịch hoả táng mới
để lại xá lợi. Sau này còn ni sư Thích Khoan Năng trụ trì tại am Tây
Sơn Tiển Trạch, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc viên tịch tối
29/9/1989 (thọ 93 tuổi). Sau khi hoả táng được hơn 1.000 viên xá lợi
màu xanh ngọc. Đây là nữ ni sư đầu tiên sau khi hoả táng có xá lợi. Sau
đó còn có hai ni sư là Thông Hiền, Phó Chủ tịch hội Phật giáo Quảng Tây
(hoả táng di hài thu được hơn 11.000 viên xá lợi năm màu) và ni sư Thích
Hựu Quỳnh, tỉnh Quảng Đông (sau khi hoả táng phát hiện những viên xá
lợi to bằng hạt đậu xanh có màu ngọc nhạt, lấp lánh).
Ở
Việt Nam, dân gian cũng thường đồn thổi về ngọc xá lợi với thực hư lẫn
lộn. Chẳng hạn một vị chân tu 64 tuổi đã ngồi thiền 49 ngày rồi viên
tịch tại chùa Vĩnh Bình thuộc huyện Kim Sơn, Ninh Bình nên có nhiều xá
lợi.
Về sự hình thành của xá lợi,
nhiều học giả giải thích đó là sự kết thạch vì các vị tăng ni ăn chay
lâu ngày nên cơ thể thu nhận một lượng lớn xen-lu-lô và chất khoáng, qua
sự trao đổi chất đã hình thành một lượng lớn các loại muối. Chúng trầm
tích trong cơ thể dưới dạng kết tinh rồi từ đó dẫn đến sự kết thạch. Đó
cũng chỉ là một giả thiết. Bởi trên thế giới, lượng người ăn chay tương
đối đông, những người tu hành trong các đạo khác cũng rất kiên trì ăn
chay, song họ không có xá lợi mà chỉ các vị cao tăng mới có?
Ngọc
xá lợi của Đại lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn, nguyên Phó chủ tịch thường
trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Công an TP.
HCM)
Hơn
nữa, những viên được cho là “xá lợi” của người bình thường thì chỉ qua
độ nóng mấy trăm độ đã biến thành tro. Còn xá lợi của các vị tăng ni tại
sao qua nhiệt độ 1.000oC vẫn không tan chảy. Giả sử trong cơ thể của
một người có hàng ngàn viên cứng như sắt đá ấy thì nhất định hoạt động
sinh lý trong cơ thể sẽ rối loạn và dẫn tới bệnh tật. Còn ở các vị cao
tăng có xá lợi này, họ đều đến bệnh viện khám sức khoẻ định kỳ nhưng tại
sao khi chiếu X- quang hay siêu âm lại không phát hiện ra các dị vật
cứng này? Tại sao xá lợi có màu sắc quá long lanh.
Sự thật về xá lợi
Trên
báo Công an TP.HCM, TS. Đỗ Kiên Cường đưa ra một hướng phân tích: Hiện
có ba giả thuyết chính về xá lợi là sức mạnh tinh thần và lòng đại từ,
đại bi của các vị cao tăng kết thành xá lợi; do thói quen ăn chay, ngồi
thiền và do tình trạng bệnh lý (sỏi).
Đầu
tiên là giả thuyết sức mạnh tinh thần của các vị cao tăng biến thành xá
lợi. Nói cách khác, đó là quá trình tinh thần biến thành vật chất. Đây
là cách giải thích thường thấy khoảng vài ngàn năm trước, khi hiểu biết
của loài người còn rất hạn chế. Tuy nhiên, theo khoa học, điều đó không
đúng. Nếu như thế thì các vị cao tăng ai cũng có xá lợi, và đạo đức càng
cao thì càng nhiều xá lợi, nhưng chúng ta không thấy điều đó trong thực
tế.
Theo giả thuyết ăn chay, các
cao tăng thường xuyên sử dụng nhiều chất xơ và chất khoáng, nên quá
trình tiêu hóa và hấp thụ dễ tạo ra các muối phốt-phát và các-bo-nát.
Những tinh thể muối đó tích lũy trong cơ thể dần biến thành xá lợi.
Những
viên được cho là “xá lợi” của người bình thường thì chỉ qua độ nóng mấy
trăm độ đã biến thành tro. Còn xá lợi của các vị tăng ni tại sao qua
nhiệt độ 1.000 độ C vẫn không tan chảy? Vậy lí do là gì? Ảnh: Internet
Nhiều
người không đồng ý với giả thuyết này, cho rằng nhiều người ăn chay
nhưng không có xá lợi khi hỏa táng. Tuy nhiên nếu thêm yếu tố ngồi thiền
thì giả thuyết này cũng có một phần sự thật. Ngồi thiền nhiều (như các
cao tăng) sẽ làm tăng khả năng hình thành tinh thể muối trong cơ thể.
Người ăn chay hoặc phật tử bình thường không có nguy cơ đó, vì thời gian
ngồi thiền không nhiều.
Nhiều
người không đồng ý với giả thuyết bệnh lý (xá lợi là sỏi bệnh lý), do
hỏa táng người bị bệnh không thấy xá lợi và các cao tăng thường khỏe
mạnh, ít bệnh tật. Tuy nhiên, chỉ có thể công nhận hay bác bỏ giả thuyết
này khi tiến hành thử nghiệm hỏa táng trên rất nhiều người bệnh. Riêng
TS. Cường cho rằng, nếu có thì đây cũng chỉ là một nguyên nhân thứ yếu.
Sự
thật về ngọc xá lợi đã được hé lộ khi theo ba nhà vật lý Holden, Phakey
và Clement thuộc đại học Monash, bang Victoria, Úc, thấy rằng trong quá
trình tinh thể hóa xương do hỏa táng, các tinh thể hình dạng khác nhau
sẽ được hình thành nếu quá trình hỏa táng ở nhiệt độ thích hợp.
Trên
tạp chí Khoa học pháp y quốc tế số tháng 6/1995, họ cho biết đã dùng
kính hiển vi điện tử quét để theo dõi quá trình tinh thể hóa xương đùi
của những người từ 1 tới 97 tuổi trong dải nhiệt độ 200 - 1.600°C trong
khoảng thời gian 2, 12, 18 và 24 giờ.
Kết
quả là sự tinh thể hóa các khoáng trong xương (chiếm 2/3 trọng lượng
xương) bắt đầu xuất hiện từ nhiệt độ 600°C với nhiều hình dạng khác
nhau: hình cầu, lục giác, hạt nhỏ và hình dạng không đều. Các hạt nhỏ đó
có thể kết tinh thành các khối lớn hơn trong khoảng 1.000 - 1.400°C. Và
khi nhiệt độ đạt tới 1.600°C, các khối tinh thể bắt đầu tan rã. Như
vậy, nếu điều kiện hỏa táng thích hợp, xá lợi có thể xuất hiện do quá
trình tinh thể hóa các khoáng vốn có rất nhiều trong xương người.
Như
vậy việc hình thành xá lợi có thể là sự kết hợp của cả ba giả thuyết:
ăn chay và ngồi thiền; sỏi bệnh lý; và sự tinh thể hóa xương khi điều
kiện hỏa táng phù hợp. Ảnh: Internet
Vậy
tại sao người bình thường không có xá lợi? Chúng ta có thể trả lời bằng
cách hỏi ngược lại: Vậy tại sao không phải cao tăng nào cũng có xá lợi?
Câu trả lời là nếu nhiệt độ hỏa táng ban đầu khoảng 600°C, sau đó tăng
lên 1.000°C, nhiều khả năng các khối tinh thể sẽ xuất hiện, miễn là
nhiệt độ không quá cao. Hiện các lò hỏa táng thường có giới hạn nhiệt độ
khoảng 1.200°C, khá thích hợp để xương được tinh thể hóa. Theo Quỹ
Forshang thế giới thuộc Trung tâm Phật giáo Forshang thế giới tại Đài
Loan (hiện đã có cơ sở tại Mỹ, Canada và Hồng Kông), xá lợi chứa các yếu
tố hóa học của cả xương và sỏi.
Như
vậy việc hình thành xá lợi có thể là sự kết hợp của cả ba giả thuyết:
ăn chay và ngồi thiền; sỏi bệnh lý; và sự tinh thể hóa xương khi điều
kiện hỏa táng phù hợp. Theo TS. Cường, đây là giả thuyết thuyết phục
nhất mà chúng ta có hiện nay. Tuy nhiên cần nhấn mạnh tính “may rủi” của
sự kết hợp này: Đó là một quá trình ngẫu nhiên mà sự xuất hiện tùy
thuộc vào nhiều yếu tố đôi khi không kiểm soát được. Có lẽ vì thế mà
không phải vị cao tăng nào cũng có xá lợi.
Theo Đời sống và Pháp luật