23/11/2011 20:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 62927
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bóng đè được xem là hiện tượng mộng mị thường gặp ở nhiều người. Vậy đâu là nguyên nhân khiến con người rơi vào trạng thái nửa thực nửa mơ này khi ngủ?


Nhiều người thắc mắc, khi bị tỉnh giấc đột ngột rồi ngủ lại, họ có cảm giác cứng đơ thân thể, không thể cựa quậy, thậm chí như có đồ vật đè chặt hai tay và vùng vai, muốn kêu cứu và thoát khỏi tình cảnh bức bí đó. Khi họ đã mở mắt, miệng vẫn khô, ngực đau và vẫn không thể động đậy cơ thể.

Theo giới khoa học, đó là hiện tượng bóng đè, hay còn gọi là tình trạng liệt thân khi ngủ - sleep paralysis.  Những người thường có trạng thái ngủ chập chờn, hay mộng mị, khó thở do đặt tay lên ngực khi nằm ngửa hoặc cúc áo chật chội hoặc do không khí trong phòng quá nhiều CO2… đều dễ gặp hiện tượng bóng đè này.

Khi bị bóng đè, vỏ não hoạt động nhanh, các cơ bắp toàn thân không căng do luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và hành động bị ức chế, kìm hãm, khiến ngoài đôi mắt có thể cử động, những bộ phận khác phần lớn đều trong trạng thái đơ cứng. Nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra trong vài chục giây hoặc vài phút.

Bóng đè là hiện tượng thường xảy ra khi ngủ

Để tránh bóng đè, chúng ta nên tập thói quên ngủ nghỉ điều độ, tránh ngủ muộn, dậy muộn. Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng khó chịu này, cần nhờ tới phương pháp trị liệu của bác sĩ.

Tuy nhiên, dậy quá sớm, ngủ không đủ giấc cũng khiến con người rơi vào trạng thái bóng đè, gây căng thẳng thần kinh.

Một nữ doanh nhân ngoài 30 tuổi tại Trung Quốc thường có thói quen dậy sớm để đáp ứng nhu cầu công việc bận bịu trong ngày. Vào khoảng 4h, chị đã tỉnh giấc, làm vệ sinh cá nhân, uống cà phê khiến tinh thần trở nên tỉnh táo, nhưng đầu vẫn có cảm giác nặng trịch, chân mềm nhão. Nữ doanh nhân này thừa nhận, sau khi chập chờn vào giấc ngủ hoặc trước khi tỉnh giấc, cô rất hay rơi vào trạng thái mê mệt, muốn bật dậy nhưng phải mất vài phút mới thoát khỏi tình cảnh cơ đứng chân tay.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, chính sự mệt mỏi và căng thẳng trong công việc đã khiến người phụ nữ này gặp hiện tượng bóng đè khi ngủ.

Khi tới cơ quan, nữ doanh nhân này hay mắc phải tình trạng cáu giận. Bất cứ điều gì cũng khiến chị phật ý, nên thường xuyên cáu gắt đồng nghiệp, rầy la cấp dưới, thậm chí phạm những sai lầm không đáng có trong giải quyết công việc.

Stress trong công việc cũng dễ khiến con người gặp phải trạng thái bóng đè khi ngủ

Các nhà khoa học khẳng định, không nên thu nạp quá nhiều những câu chuyện hoang tưởng về ma quỷ, truyện kinh dị, đặc biệt là tránh đọc những truyện này trước khi ngủ. Ngoài ra, cần có tư thế ngủ thật thoải mái. Tốt nhất là nằm nghiêng bên phải, đầu không nghiêng vẹo, chân tay co duỗi tự do. Nên mặc đồ ngủ rộng rãi, có chất liệu vải thoáng; phòng ngủ bày biện hợp lý, giúp không khí thông thoáng trong phòng.

Ngoài ra, nên thay đổi lối sống, chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi cho thật hợp lý và tích cực tham gia các hoạt động giải trí, rèn luyện cơ thể để tăng cường sức khỏe.

Theo Mai Anh (Sina/Xinhua/ĐVO)

Nằm 'sai hướng' có thể bị bóng đè

Dù cùng một chiếc giường nhưng có người khi nằm trong thì ngủ ngon lành, còn khi nằm ngoài lại bị "bóng đè", mệt mỏi, nói mê sảng...

Ngủ cũng phải chọn chỗ

Anh Nguyễn Văn Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh nằm ngủ phía trong đã quen nên mỗi khi chuyển ra nằm ngoài lại không thể ngủ. Giấc ngủ không sâu, anh luôn nói mê sảng, thậm chí như bị ai đó đè lên người muốn giết mình chết... Anh thử nằm ngoài đến hai tuần thì cả hai tuần anh đều gặp hiện tượng này.

Theo tiến sĩ Vũ Văn Bằng, công ty cổ phần Nghiên cứu môi trường tia đất, cho biết hiện tượng như anh Tùng xảy ra không phải là hiếm. Nguyên nhân có thể do tia đất. Tia đất thực chất là từ trường dị thường so với các từ trường khác, do cấu trúc địa chất mà có. Nó thường mạnh và cô đặc, có trong một nhà hay khu vực nào đó do ngẫu nhiên. Tùy vào cơ địa mà có người chịu được, có người không.

Cũng theo vị chuyên gia này, từ trường tác động rõ nhất vào hệ thần kinh và hệ tuần hoàn của người. Đây là hai hệ có từ trường riêng và dễ bị từ trường của đất làm từ hóa. Lúc này, hệ thần kinh của người bị sẽ mất thăng bằng, dễ bị choáng, ngất, cáu gắt, khó chịu... Còn hệ tuần hoàn lưu thông máu kém, gây cảm giác ngạt thở, khi nằm ngủ dễ bị mộng mị, gặp ác mộng. Từ trường từ mặt đất lên có phạm vi cố định chứ không lan tỏa như khói, vì thế trên một chiếc giường nhưng vẫn có các vị trí từ khác nhau.

Hệ tuần hoàn lưu thông máu kém, cảm thấy ngạt thở... Khi nằm ngủ dễ bị mộng mị, gặp ác mộng.

Do tâm lý, thể lực kém

Còn thạc sĩ Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu con người, cho rằng việc chuyển chỗ nằm gặp ác mộng có nhiều nguyên do, trong đó liên quan đến thể trạng, tâm lý chiếm phần nhiều. Ví dụ khi chuyển chỗ nằm nhưng thể trạng không được khoẻ, cộng với các điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt thì có thể gây ra những tác động khiến giấc ngủ không sâu. Hoặc trường hợp khác, khi bị tổn thương tâm lý hay ức chế dài ngày, người sẽ mệt mỏi, thần kinh trung ương không khoẻ, dễ dẫn đến tình trạng giấc ngủ chập chờn, mộng mị.

Khi ngủ, ý thức chìm đi nhưng vô thức lại trỗi dậy. Lúc này, những người bị mệt mỏi do tổn thương tâm lý lâu ngày dễ bị ảo giác, rơi vào tình trạng ngủ hay bị bóng đè hoặc gặp ác mộng (như gặp tai nạn nặng, rơi vào hố sâu, có ai đó định giết mình bằng các cách này hay cách khác).

"Bản thân mỗi người có  một thể trạng và căn mạng khác nhau, mỗi căn mạng hợp với một hướng nằm nhất định (gọi là hướng sinh khí). Vì vậy nếu kê giường không phù hợp sẽ không lấy được sinh khí  tốt của vũ trụ, thậm chí còn ngược lại là chịu ảnh hưởng của tà khí. Khí này tác động qua môi trường thiên nhiên, hơi thở, từ trường mà ảnh hưởng đến chủ thể, vì vậy khi  chuyển chỗ nằm không hợp sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi", thạc sĩ Mai giải thích.

Thông thường, điều này hay xảy ra ở những người thần kinh nhạy cảm nhưng cũng có thể xảy ra ở người khoẻ ở thời điểm bị ức chế thần kinh. Khi nằm ở vị trí cũ, họ cảm thấy an tâm hơn, quen hơn nên không bị, nhưng khi chuyển sang vị trí nằm mới thì cảm giác này sẽ càng tăng lên.

Việc chuyển chỗ nằm gặp ác mộng nếu do tâm linh có thể áp dụng các kinh nghiệm dân gian như để con dao đầu giường hay treo các chuông gió, quả cầu bằng thủy tinh ở cửa sổ hoặc cửa ra vào phía đối diện để hấp thu các khí xấu trong phòng. Nếu do tia đất có thể đo để xác định rõ hoặc khử bằng cách sử dụng than hoạt tính đặt đầu giường, làm đệm…

Theo Hiền Dung - KH&ĐS

http://chuaphuclam.com/index.php?/khoa-hoc/lam-the-nao-de-khi-ngu-khong-bi-bong-de.html


Âm lịch

Ảnh đẹp