- Mừng bác trở lại Hà Nội! Mừng hơn nữa là bác đã có mặt đúng lúc cháu đang cần gặp!
- Cuốn sách là một phần, nhưng điều khiến cháu muốn gặp bác đó là
rất nhiều câu chuyện thời sự giáo dục vừa qua đang rất cần một lời bình
giá trị và thẩm định từ bác - một nhà văn hóa rất nặng lòng với sự
nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà…
- Những chuyện tương tự thế, tôi cũng từng nói nhiều rồi, nhiều người
cũng đã nói rồi, nhưng có thay đổi được là bao! Cho nên, nói thật là
tâm trạng nhiều lúc cũng buồn và lo lắm. Vậy nên mới luôn phải cố ngăn
mình đừng nản, vì quả thật là rất dễ nản. Bởi nỗi, nền giáo dục nước
mình, tôi thấy nó vẫn còn có vẻ “nghênh ngang” lắm, thế nên mới khó dịch
chuyển…
- Vụ clip gian lận thi cử tại trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) theo bác mà không là thay đổi đáng kể sao?
- Đáng mừng là đằng khác! Điều đó
chứng tỏ rằng giờ đây thầy Đỗ Việt Khoa đã không còn đơn độc trên trận
tuyến chống tiêu cực trong ngành giáo dục, và đáng nói là những “chiến
hữu” của thầy lại là những công dân nhỏ tuổi nhưng đã dám làm những việc
không hề nhỏ, lại không phải cho mình…
- “Mượn tay trẻ con” liệu có là
điều người lớn nên làm, nhất lại là một thầy giáo, khi biết đâu cái mất
đi ở đây là sự trong trẻo?
- Vậy theo cô, giữa việc tố cáo sự giả
dối và tập trung vào bài thi, cái nào quan trọng và cần thiết hơn cho
xã hội? Và một khi đã tố cáo thì phải có bằng chứng mới thuyết phục được
chứ! Thử hỏi, nếu như không có thầy Khoa, không có hai em học sinh đó,
thì sự thật sẽ chìm xuồng tới mức nào? Sẽ lại là điệp khúc: “Kỳ thi đã
thành công tốt đẹp” chứ gì? Cố nhiên, phải làm cái việc “cực chẳng đã”
đó thì đúng là đau đấy! Nhưng dẫu sao, tôi vẫn cho rằng việc làm đó là
cần được biểu dương. Bởi theo tôi, để làm được việc đó, các em ấy không
dại đâu, mà thậm chí, còn khôn hơn người lớn chúng ta một cái đầu!
- “Cái đầu của người lớn” đôi khi
cũng muốn vỡ tung ra! Đấy, con cháu năm nay chuẩn bị vào lớp 1, lúc đầu
tính xin vào trường Thực Nghiệm hy vọng thoát được vụ “học thêm”, vậy mà
cuối cùng có xin được đâu bác! Thế là cả hè lại phải rát mặt đưa con đi
học thêm, đến khổ bác ạ!
- Chưa vào lớp 1, vậy học thêm cái gì mới được chứ?
- Ôi, cứ gọi là vô thiên lủng bác
ạ: tập viết, toán, vẽ, tiếng Anh, rồi thì cả bộ sách trắc nghiệm Chim Đa
Đa Đeo Đeo gì đó nữa… Nhiều món mà ngày xưa bọn cháu ít nhất phải học
xong lớp 1 mới gọi là tạm biết…
- Vậy thế ở lớp 1 người ta dạy gì?
Chưa gì đã dạy hết thế thì còn gì là lớp 1? Còn gì những giây phút đầu
tiên được ngồi trên ghế nhà trường?
- Nhưng khổ nỗi, không cho con
học, thì tới khi vào lớp 1, làm sao theo kịp được các bạn khi chỉ có
mình con mới là “kẻ chậm tiến”. Vậy nên, con nhà cháu phải dùi mài từ
lớp… mẫu giáo lớn kìa?
- Đương nhiên là chẳng ai muốn nhìn
thấy con mình bị lạc, giữa một thế giới mà lẽ ra phải thuộc về nó – đúng
là đau khổ thật đấy! Nhưng rõ ràng, đâu nhất thiết… phải đến trường,
như trường hợp cháu bé “học tại nhà” Vũ Tuấn Kiệt đấy thôi! Chuyện này
từng gây tranh cãi nhưng quan điểm của tôi là ủng hộ. Trẻ con, tôi nghĩ
phải để chúng nó thích thì chúng nó mới làm “nên chuyện” được. Còn thì
học đâu mà chả được, thậm chí, kể cả học lúc nào!
- Ô, cả nước mất bao năm “phổ cập
tiểu học” hòng nâng cao mặt bằng dân trí, vậy mà giờ một nhà văn hóa có
tầm như bác lại cổ súy trẻ không đến trường là sao, cứ như “cài số lùi”
vậy?
- Vậy cô xem cái cậu Kiệt kia cậu ấy
có chịu thua kém gì ai không? Vẫn vẽ tranh rất đẹp (thậm chí còn mở cả
triển lãm tranh), còn sử dụng được cả hai thứ tiếng… Đúng là người lớn
nên tạo điều kiện tối đa cho con em mình được học và phát huy được hết
những năng lực bên trong của trẻ. Nhưng đến trường hay không theo tôi
không nhất thiết, nếu như bố mẹ cháu, hay ai đó trong số những người
quen thân của gia đình có thể dạy dỗ cháu tốt hơn. Trước một nền giáo
dục chậm thay đổi và nhiều khi như… đánh đố, tôi thấy một bộ phận phụ
huynh đã tỏ ra tân tiến hơn bằng những lựa chọn sáng suốt và mạnh dạn
hơn. Nhưng bấy nhiêu, e là vẫn chưa đủ để gây ra một áp lực lớn hơn -
như nó cần có, để khả dĩ đưa đến sự thay đổi…
- Thôi vụ này bác có “xui” thế chứ
“xui” nữa, cháu cũng không dám cả gan! Thời buổi người ta lùng “gà thả
vườn”, “gà chạy bộ” không được, đây bác lại xui cháu “nuôi nhốt” là thế
nào?
- Chưa biết chừng đâu mới là “nuôi nhốt”, đâu mới là “chạy bộ”!
- Lá phiếu này có phải xuất phát từ việc bác chính là một tấm gương tự học ngoại ngữ?
- Tấm gương tự học ở Việt Nam ta, thì
phải nhắc đến đầu tiên là GS.Hoàng Tụy, chứ tôi thì ăn thua gì! Nhưng
nếu là suy từ mình thì tôi lại thấy không nên đề cao quá cái sự tự học
trong quá trình đào tạo cơ bản. Bởi một khi người ta đã thiết kế ra cả
một chương trình dạy như thế (cố nhiên phải là một thiết kế sáng suốt)
là có cái lý của người ta! Bản thân tôi cũng vì không có điều kiện được
học hành một cách hệ thống nên về sau mới phải nai lưng ra bù vào những
lỗ hổng ấy của mình, ấy vậy mà vẫn còn dấu vết. Nhưng tự học, nếu là
trong ý nghĩa học suốt đời, thì tôi phải công nhận là nó thực sự cần
thiết.
- Tự học mà gặp phải “bài toán
chặt tay” (Bài toán… kinh dị trong sách “Phép cộng trừ nằm trong phạm vi
100” dành cho HS lớp 1 của tác giả Hoàng Long, do NXB Trẻ ấn hành) là
coi như cũng bị “chặt tay” luôn đấy bác nhá!
- Ra đề kiểu đấy thì đúng là “bậy”
thật! Nhưng phải nói, gần đây, tôi thấy cũng có nhiều đề thi hay đấy
chứ, khi dám đưa những vấn đề nổi cộm của đời sống vào…
- Nhưng khổ nỗi, đúng lúc bắt học
sinh làm bài luận về “thói dối trá” thì ngay lập tức có ngay “thực tiễn
sinh động”: phao thi! Đúng là “há miệng mắc… phao”, bác nhỉ?
- Thế nên, một trong những điều tôi
phục chị Nguyễn Thị Bình đó là khi tìm một từ cần thiết nhất cho nền
giáo dục Việt Nam, chị ấy đã chọn từ: “trung thực”!
Thư Quỳnh (thực hiện)