Chùa Bửu Minh, tâm huyết một đời tu .


Tác giả: Nguyễn Phúc Nguyên
31/01/2011 21:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 19173
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần, Tháp chùa Bửu Minh
Muốn cho nghệ thuật mãi mãi tồn tại trong cuộc đời này người nghệ sĩ phải sống hết mình cho nghệ thuật. Luôn khám phá tìm tòi, tư duy sáng tạo,


 Không rập khuôn, dễ dãi, không xưa bày nay làm, mà phải luôn đột phá, không đi trên con đường sáo mòn của cổ nhân. Có quyền làm hay hơn cổ nhân nhưng tuyệt đối không lập dị. Với ý tưởng đó tôi đã đi rất nhiều, đi hành hương đi du lịch tìm kiếm cái mình đang cần. Một ngày đẹp trời tôi đã tìm đến phố núi Pleiku, tìm thăm những ngôi chùa cổ, chùa nổi tiếng. Được biết có một ngôi chùa cổ cách  thành phố Pleiku 15 km, có tượng Phật nằm sơn màu lam tím mà nhiều người khen là nghệ thuật. Tâm trạng háo hức, tôi nghĩ nên tìm thăm một lần cho biết, biết đâu nghệ thuật lại ẩn tàng trong cô tịch, trong thâm sơn cùng cốc thì sao?

Đường đến chùa :
 
Một: Từ thành phố Pleiku đi về tỉnh Kon Tum, quốc lộ 14, về hướng bắc du khách đi đến cây số thứ 13 thì dừng lại, nơi đây có công ty chè Biển Hồ, rẽ về phía mặt trời mọc khoảng 2 km thì đã thấy tháp chùa Bửu Minh vươn lên cao như đầu chim phượng hoàng khổng lồ trong bầu trời trong xanh, có chút mây trắng vờn quanh, từ đầu thôn 02 ( trước đây thôn này gọi là xóm Trại Mộ) đi khoảng 1 km nữa thì đến chùa Bửu Minh.

Đường đến chùa BM.jpg
Đường đến chùa
Góc mái chùa Bửu Minh.jpg
 Một góc chùa Bửu Minh
Đầu đao mái chùa BM.jpgĐầu đao mái chùa
Mặt hông chùa Bửu Minh.JPG
Mặt hông chùa Bửu Minh

Hai :
Cũng  từ Thành Phố Pleiku du khách đi về hướng Kon Tum , đến cây số mười rẽ phải, vô
đường Lê văn Sĩ vài trăm mét sẽ gặp một cây cầu bê tông, nhìn về bên phải cầu là hồ TơNưng, du khách đến Pleiku mà không ghé thăm hồ TơNưng thì cũng như chưa đến, Từ cầu bê tông nếu đi thẳng sẽ gặp một cây cầu treo, du khách không qua cầu treo, mà rẽ sang tay trái đi trên bờ đập , đi vài trăm mét sẽ gặp một hàng thông, được trồng từ thời Pháp đến vùng này thành lập đồn điền trà Biển Hồ, tuổi của hàng thông khoảng 90 năm, có lẽ trong tỉnh Gia Lai, còn lại con đường này cổ xưa và đẹp nhất, đi dưới hàng thông không khí mát rượi như đi dưới trời Đà Lạt.Từ đầu hàng thông du khách đã thấy tháp chùa Bửu Minh sừng sững vút cao, có những nhánh thông loà xoà ở tiền cảnh, trông tháp chùa như một một ngôi tháp chùa Nhật.
Trước khi tìm hiểu về ngôi chùa cổ Bửu Minh, chúng ta cũng nên biết qua một chút tiểu sử của vị Sư Trụ Trì, người đã đem hết cả tâm huyết  đời mình để trùng tu xây dựng chùa trở lại.

Một chút tiểu sử Sư Trụ Trì:

Sư là đệ tử Hòa Thượng Thích Từ Hương, viện chủ chùa Bửu Nghiêm, thành phố Pleiku, quê quán tỉnh Bình Định, sinh trưởng tại xóm Trại Mộ, xã Biển Hồ, nhà cách chùa non cây số. Đi tu năm 14 tuổi cũng tại chùa Bửu Minh này, vắng chùa khoảng 15 năm để du phương học đạo, sau đó trở về chùa chèo chống, vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, để hoàn thành tâm nguyện mình là trùng tu kiến tạo lại, nơi đầu tiên mình đến tu học. Đàm đạo với Sư, tôi cố tìm hiểu nhưng Sư không nó rõ tuổi của mình, Sư nói Sư trên năm mươi, và dưới sáu mươi ( năm 2010). Sư có làm thơ, viết văn, biên tập chính cho trang nhà http://www.chuabuuminh.vn . Sư không học kiến trúc, điêu khắc chính quy, chỉ tự học, nghiên cứu ở sách vở, thư tịch và trong thực tế. Tuy vậy Sư đã có một kiến thức khá vững chải về kiến trúc, toàn bộ công trình xây dựng chánh điện chùa Bửu Minh và các pho tượng Phật lộ thiên, tượng phù điêu trong chùa là do Sư chỉ đạo, hướng dẫn phương cách cho thợ làm, bằng niềm đam mê, kỹ tính, yêu thích nghệ thuật Sư đã để lại cho chùa Bửu Minh những tác phẩm hết sức giá trị. Chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt các công trình, nhưng trước hết là tìm hiểu tiểu sử chùa.

hinh9.jpg
Sư Trụ Trì (năm 2000)

Một chút tiểu sử chùa:


Chùa toạ lạc tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai. Chùa thường được gọi là chùa Biển Hồ Trà.        Chùa nguyên là “Chùa Phật học” do ông Nguyễn văn Khanh vận động thành lập và thỉnh Hoà Thượng Thích Từ Vân ở tỉnh Kon Tum xuống khai sơn vào khoảng năm 1935 -1936. Năm 1961, chùa được Phật tử địa phương xây dựng lại, mang tên “Chùa Bửu Minh”. Từ năm 2003, Sư đã tiến hành đại trùng tu. Ngôi chùa kiến trúc hiện đại, quy mô to lớn, diện tích ngôi chánh điện mới là 520m2, cao 47m25, mái chùa có dáng dấp mái nhà rông Tây nguyên.

Kiến trúc ngôi chánh điện:

Bên ngoài

Từ đầu thôn 02 ( xóm trại mộ cũ ) nhìn về chùa Bửu Minh ta chỉ thấy tháp chùa, vươn lên trời xanh, như đầu con chim phượng hoàng, đến gần mới thấy giống hơn nữa. “Chùa Byodoin (Bình Đẳng viện) được xây dựng vào năm 1053 cách Kyoto chừng 50 km, cũng có lầu phượng hoàng”. Quan sát kỹ ta thấy ba mái tháp khoảng cách cân đối, tuy mái bằng bê tông cốt thép nhưng rất mềm, mái cong mềm như mũi chiếc ghe độc mộc, cả ba mái tháp độ cong mềm giống nhau. Chùa hình chữ nhật 23m x 27m do vậy gần như hình vuông, chỉ có một đòn giông, nên mái xoè ra rất to, và mạnh, thoáng trông giống như kiến trúc chùa Nhật Bản. Chùa Nhật thường là mái xoè ra rất nhiều, dù là kiến trúc gỗ. Độ dốc mái chùa Bửu Minh 45 độ, dốc khá nhiều trông tựa mái nhà rông Tây Nguyên, kiến trúc cổ chùa Việt Nam không có kiểu này. Chùa hai gian, ba gian, năm gian, thậm chí có cả chùa trăm gian, nên thường có rất nhiều đòn giông, chia nhiều gian và nhiều đòn giông nên mái chùa nhỏ, không thấy được cái hoành tráng đồ sộ của ngôi chùa. Mái chùa Bửu Minh, bộ mái phơi ra, đứng gần vẫn thấy toàn bộ mái. Từ sáu trụ góc chính, mái chìa ra 3m, chùa Việt  ít có chùa nào đổ bê tông và đưa mái ra 3m. Trong thời gian chùa Bửu Minh thi công Hoà Thượng Thích Giác Viên, viện chủ chùa Pháp Lâm (tỉnh hội Đà Nẵng) đã đưa kỹ sư, kiến trúc sư từ Đà Nẵng vào tham quan tìm hiểu mái chùa Bửu Minh. Chính mái chùa có độ dốc như nhà rông, cọng với  sáu đầu đao góc vươn ra nhiều nên rất giống thân chim phượng hoàng.
Các đầu đao không khắc chạm nguyên con rồng như chùa Huế, mà chỉ điêu khắc đầu rồng, kiểu đầu rồng chùa Tây Phương - Hà Tây. Đầu rồng độ cong rất mềm, kế đầu rồng là cá hoá long, mô típ giống góc mái chùa Một Cột Hà Nội. Xung quanh cổ lầu Sư trang trí chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng (chữ Phạn) nằm trong hoa sen.
Tháp vuông ba mái nằm phía sau đòn giông, mọc vút lên cao, từ xa nhìn chỉ thấy ba mái tháp, tháp và chùa cùng liên kết với nhau hài hòa.Tính từ mặt đất lên đến đỉnh tháp thờ xá lợi Phật chiều cao là 47 mét 25. Tổng thể chùa Bửu Minh hoành tráng, nhưng cân đối, được như vậy ta mới thấy sự lao nhọc, bền bỉ đeo đuổi sáu năm trời của Sư Trụ Trì đối với công trình xây dựng. Bản vẽ là ý tưởng của Sư, tìm tòi lục lạo trong nhiều tài liệu kiến trúc, trong nước, ngoài nước, tổng hợp rất nhiều tư liệu để nảy sinh ra một ý tưởng, một kiểu dáng rất lạ so với truyền thống kiến trúc cũ của chùa Việt Nam, nhưng không lập dị một chút nào. Chùa Bửu Minh không giống một ngôi chùa nào trong nước, lại càng không giống những ngôi chùa ở các nước Phật giáo Á Đông. Và tôi đã hiểu được vì sao Sư điêu khắc trong phòng khách của Sư bốn câu thơ, Sư nói Sư chỉ sưu tầm thôi, bài thơ đó là của cổ nhân:

Đời ta, ta sáng tạo,
Lập chí như núi cao.
Vạch một thiên lịch sử,
Sung sướng biết là bao.
( cổ nhân )

Toàn cảnh chùa BM.jpg
Toàn cành chùa Bửu Minh

Bên trong


Khi đi tham quan các chùa miền Bắc, Sư thấy thờ quá nhiều tượng, nên không gian nội điện đã choán rất nhiều diện tích, vài chục người tham dự lễ đã thấy chật chội. Nội điện chùa Bửu Minh Sư không thờ nhiều: Gian chính thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bằng đá cẩm thạch trắng cao hơn 3m, phía trước và thấp hơn là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, phục chế lại từ nguyên mẫu tượng Bồ Tát chùa Bút Tháp - Bắc Ninh, bằng gỗ mít, cao gần 3m. Pho tượng này làm tại làng Sơn Đồng - Hà Tây. Sư đã đi ra Hà Tây nhiều lần để trò chuyện, động viên thợ điêu khắc, tóm lại nói theo cách nói của Sư là thổi hồn cho tượng. Hai gian bên tả hữu là thờ tượng Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Quan Âm bằng gỗ mít, một tượng làm tại làng Sơn Đồng, một tượng làm tại làng Võ Lăng (Hà Tây) chiều cao mỗi tượng cao gần 4m. Hai phía bên vách trước tượng Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Địa Tạng là hai pho tượng Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền điêu khắc nổi bằng xi măng, cốt thép, làm theo kiểu âm tường nên không chiếm diện tích xử dụng. Phía trước tiền sảnh Sư cho điêu khắc nổi tượng Hộ Pháp, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ. Không hiểu Sư đã tìm mẫu tượng Tiêu Diện Đại Sĩ ở đâu, từ đâu, mà không giống tượng Đại Sĩ nào trong nước. Trông rất oai vệ như một võ tướng, na ná giống tượng Thiên Vương của các chùa Nhật Bản. Hai pho tượng Tiêu Diện Đại Sĩ và Hộ Pháp, Sư thiết kế ban thờ ép sát vô nên vẫn không chiếm diện tích sử dụng.
Màu sắc Sư sử dụng để sơn trụ cột, kèo, xiên, trính, đều sơn bằng màu nâu, màu gỗ, tường màu  ruốc nhạt nên trông chùa sáng, không u tịch. Những bức hoành phi, bao lam,cửa võng, rồng ngậm bảo cái che trên đầu Phật, phù điêu chạm trổ…. sơn màu truyền thống theo chùa miền bắc là màu đỏ sẫm, màu vàng. Màu sắc Sư dùng bên trong chánh điện không loè loẹt, sặc sỡ, nên khách thập phương có cảm giác ấm cúng.
Điểm rất lạ, rất khác là bên trong nội điện, sau lưng pho tượng Đức Thế Tôn là một con rồng, thân uốn lượn trong tư thế rất duyên, đắp nổi trong tường, rồng ngẩng cao đầu, hả miệng ngậm bảo cái che trên đầu Phật, bảo cái hình lục giác, hai mái, điêu khắc bằng xi măng, có sắt thép nhỏ bên trong, bảo cái thực hiện rất kỳ công, tỷ mỷ từng chút một, thoáng trông giống như bằng gỗ. Đây là một ý tưởng rất lạ, treo bảo cái trên đầu Phật, đây đó chúng ta có thấy, còn để rồng ngậm bảo cái có lẽ xưa nay chưa ai thực hiện. Trần dưới của từng tháp thứ nhất Sư điêu khắc một Mạn Đà La Tây Tạng, có chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng.
Sư có nói: “Chánh điện mà thờ phượng không đúng cách, sẽ không có sự linh thiêng. Thờ phượng trang trí, xử dụng màu sắc, ánh sáng trong nội điện phải có sự nghiên cứu. Phải cẩn trọng khi bắt hào quang, thắp sáng, vị trí của từng pho tượng, nếu đúng cách, thập phương phật tử lễ bái, chiêm ngưỡng sẽ tập trung tinh thần, lời cầu nguyện  sẽ được giao cảm”. Nghe sư giảng giải, tôi mới ngộ ra, thật là tử công phu khi xây dựng một ngôi chùa theo cung cách  của Sư.

Nội Điện.jpg
Đại Hùng Bảo Điện

Kim Thân Phật Tổ:

Pho tượng Kim Thân Phật Tổ lộ thiên tại chùa Bửu Minh được Sư và anh Bảy Cảo thực hiện trong thời bao cấp. Sư đã lấy mẫu từ hai pho tượng Phật lộ thiên đẹp nhất của đất nước về tham khảo, đó là Kim Thân Phật Tổ ở Vũng Tàu, và Kim Thân Phật Tổ ở đồi Trại Thuỷ Nha Trang. Pho tượng rất hoàn chỉnh cân đối, gương mặt Phật không khác bao nhiêu so với gương mặt Phật lộ thiên ở Vũng Tàu, điểm đáng chú ý của pho tượng này là gương mặt Phật rất có hồn, có thần. Sư kể lại thời gian thi công pho tượng này Sư đã luôn căn dặn nhắc nhở người thợ ăn chay nằm đất suốt bốn tháng, ngày đêm luôn nghĩ tưởng đến Phật. Phật lộ thiên nhưng rất tiếc hơi nhỏ. tượng chỉ cao 5m, tính cả toà sen. Toà sen Phật lộ thiên tại chùa Bửu Minh cánh sen nở ra mềm mại, chứ không ép sát vào đài như ở tượng Kim Thân Phật Tổ Vũng Tàu.

IMG_1271.jpg
Kim Thân Phật Tổ chùa Bửu Minh

Tượng Phật nằm:

Tượng Phật nằm chùa Bửu Minh thực hiện năm 2006, pho tượng có chiều dài 11 mét, bằng bê tông cốt thép, do Sư cùng với anh Bảy Cảo điêu khắc ( người thợ đã cùng Sư thực hiện pho tượng Kim Thân Phật Tổ, trong thời kỳ bao cấp). Sư kể lại rằng: “Muốn làm một việc gì, Sư có ý tưởng trước đó nhiều năm, nhìn lại Phật giáo tỉnh nhà chưa có pho tượng Phật nằm nào, nên Sư đã có ý định thực hiện, và trước hết là tìm tư liệu, đi đâu mà gặp được mẫu tượng Phật nằm ưng ý thì Sư thỉnh về, Sư đã có bốn mẫu tượng Phật nằm thỉnh ở các nơi về. Mẫu tượng nào cũng có ưu điểm khuyết điểm và Sư đã tổng hợp cái đẹp từ bốn tượng nhỏ để đắp, điêu khắc lên tượng Phật lớn”. Sư nhắp một ngụm trà rồi tiếp: “Khi làm tượng Phật tôi luôn thổi hồn cho tượng, bằng cách luôn nói về nhân cách của Đức Phật, từ bi, trí tuệ của Phật, vai trò văn hoá nghệ thuật của Phật giáo đóng góp cho nhân loại, cho thế giới. Để cho người thợ, người nghệ nhân nghe, luôn tạo niềm vui cho họ, bằng những tách nước trà ngon, miếng bánh ngon. Không bao giờ chiều ý họ, để họ ăn nhậu trong khi làm tượng. Bởi tâm tịnh thị pho tượng sẽ tịnh, tâm nhiễm ô thì pho tượng sẽ nhiễm ô. Đây đó có những pho tượng lộ thiên mà gương mặt Phật lại na na giống như người làm tượng, bởi vì người làm tượng đã không ăn chay, không thanh tịnh tâm trong thời gian thực hiện. Đừng bao giờ khoán trắng việc làm tượng cho người thợ, người nghệ nhân. Người Trụ Trì, người chủ chùa phải luôn sát cánh với thợ, ân cần nhắc nhở, bổ sung ý tưởng, hiểu biết của mình về Phật học, thổi hồn cho tượng, thổi thần cho tượng. Nghi lễ yểm tâm, hô thần nhập tượng có ý nghĩa và linh hiển với điều kiện là thời gian thi công, điêu khắc, người nghệ nhân phải tịnh tâm thanh tịnh tuyệt đối.  Không như thế, nghi lễ yểm tâm cũng chỉ cho có thôi, tượng không dễ gì linh hiển.”
Bằng cách làm như thế pho tượng Phật nằm tại chùa Bửu Minh, dáng Phật nằm thanh thản, vô sự, vô ưu, nếp y, nếp áo, mềm mại như lụa ở Bombay, Ấn Độ. Phật đi, Phật đứng, Phật nằm, Phật ngồi đều toả chiếu nghệ thuật, Phật nằm Bửu Minh cũng nghiêng trời nghệ thuật. Mặt Đức Phật thật hiền, biểu hiện được hảo tướng của Phật, đôi mắt Phật long lanh sống và thật có hồn, từng lọn tóc xoay về bên hữu, lọn nhỏ lọn to đan xen vào nhau hợp lý, với nhục kế trên đầu cân đối, khiến cho đầu Phật đẹp như tranh vẽ.
Tôi có hỏi Sư: “Sao Sư sơn Đức Phật bằng màu lam tím ?” Sư cười trả lời: “Thân Phật là thân kim sắc, trí Phật là trí hoàng kim, sao tôi sơn Phật bằng màu này đuợc, đây chỉ là màu sơn lót thôi, tôi có mong ước làm một mái che cho Phật, thuận duyên làm xong rồi thì sẽ sơn Phật lại màu vàng của Thái Lan hoặc thếp vàng”.

Phật nằm chùa BM.jpg
Tượng Đức Phật Thích Ca  nằm

Tượng Bồ Tát Quan Âm lộ thiên

Khi đau khổ, phiền não thì ta nghĩ đến vị Bồ Tát cứu khổ Quan Thế Âm, chùa Bửu Minh sau năm1975 đến 1985 vô cùng gian khổ khó khăn, Sư tưởng chừng như bế tắc, một lần đến chùa Giác Hải, Phú Lâm - Sài Gòn Sư ao ước làm sao có được một tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên để tôn thờ, Sư ngỏ ý với chị Cúc, cơ sở Lê Văn Chánh, chị nói Thầy viết một bức tâm thư vào vở con đi, con sẽ giới thiệu người cúng. Ba tháng sau chị nhắn vô thỉnh tượng về. Năm đó tỉnh Gia Lai chưa hề có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên nào, cho nên khi chùa Bửu Minh dựng tượng là một sự kiện trọng đại, ngày khánh thành thập phương phật tử tham dự rất đông.
Khi mới tôn tạo pho tượng Bồ Tát nằm ở vị trí khác, năm 2003 di dời qua vị trí khác để có đất xây dựng ngôi chánh điện, pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm hiện nay là ở vị trí mới. Diện tích chùa quá hẹp nên sư không biết phải tôn trí tượng Bồ Tát ở đâu, đành đặt ở vị trí trước Sơn Hải Miếu, mặt ngó vào chánh điện. Ở một vị trí rất hẹp, không nghĩ ra cách nào hay hơn, Sư đã cho thợ làm một bình Tịnh Thủy thật to cao khoảng 10m, đứng sau lưng Bồ Tát, trong bình cắm năm cành sen, một bông nở, một bông búp, một đài sen, một lá sen cuốn, một lá sen to che trên đầu Bồ Tát, tôn trí kiểu này ít tiền nhưng rất lạ, dường như cả nước cũng chưa có nơi nào làm kiểu này. Pho tượng Bồ Tát không có giá trị nghệ thuật, vì được đúc ra từ khuôn, nhưng với Sư là một kỷ niệm, khi tôn trí tượng Bồ Tát lộ thiên không tốn bao nhiêu tiền bạc, vậy mà kéo dài hơn một năm, ban ngày coi thợ làm (chỉ có một thợ già cụt một cánh tay, làm một tay) ban đêm cỡi xe đạp đi quyên góp. Trong thời gian thi công trên bầu trời thường xuất hiện đám mây ngũ sắc. Có một kỷ niệm Sư còn nhớ mãi, thợ thèm một điếu thuốc Đà Lạt vẫn không có tiền mua cho thợ hút, bỗng có một em Phật tử đem đến chùa 50.000 đồng, em nói: “ Tiền này là tiền con bỏ hủ hòn binh (con heo đất), con mới đập ra đem cúng cho Thầy, để Thầy mua xì dầu cho thợ ăn”. Cảm động sư đã làm một bài thơ:

Một chút tình thôi để tặng đời,
Để vầng mây bạc ngập ngừng trôi.
Để tà áo mẹ bay trong nắng,
Mát dịu lòng ai cõi luân hồi.

Nắng sớm mưa chiều mẹ đứng đây,
Chờ em mẹ ngóng mãi trời tây.
Em còn giong ruỗi, còn giong ruỗi,
Ở cuối chân trời em có hay !?

Mẹ của muôn đời mẹ của ta,
Mắt thương nhìn suốt cõi bao la.
Lắng nghe tiếng thét ngàn xa vọng,
Hóa thân mẹ đến đời nở hoa.

Bồ Tát Quan Âm lộ thiên.jpg
Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm

Nhà Thờ Tổ

Yêu thích văn thơ từ nhỏ, một buổi sáng cách đây mấy mươi năm, vô nhà sách Kim Linh ở phố núi Pleiku, tình cờ Sư mua được cuốn sách Tình người của tác giả Tâm Quán, đọc xong cuốn sách, Sư đã chọn cho mình một hướng đi, hướng đi viết lách. Sư yêu mến Thiền Sư Tâm Quán vô cùng, nên khi trùng tu nhà thờ Tổ chùa Bửu Minh, trong thâm tâm là báo đáp ơn đức của Tổ Thầy , và gần nhất là Thiền Sư Tâm Quán, Sư đã được khai tâm, mở trí  từ những cuốn sách của Thiền Sư Tâm Quán.
Ngôi nhà Tổ được trùng tu lại năm 1996 diện tích  hơn 100 m2 bằng bê tông, cốt thép, mái lợp ngói Phú Phong, do một nhóm thợ từ Quảng Nam vào làm. Ngày hoàn thành thập phương Phật tử rất vui, và khen là một tác phẩm kiến trúc đẹp ( nay thì thấy bình thường, vì đã có những ngôi nhà Tổ khác kiến tạo đẹp hơn )
Nhà thờ Tổ chùa BM.jpg
Nhà thờ Tổ (bên ngoài)
IMG_4786.jpg
Nhà thờ Tổ (bên trong)

Sơn Hải Miếu

Sơn Hải Miếu, thập phương Phật tử thường gọi là Am Bà, có mặt bên cạnh chùa Bửu Minh khoảng  1930 - 1932, xây rất nhỏ bên cạnh  một cây đa, diện tích 16 m2 .Trong Am có một bức hoành phi đại tự : Niệm tại tư, lạc khoản đề Bảo Đại Bính Tý niên. và có hai bộ liễn đối, lạc khoản đều ghi Hoàng triều Bảo Đại Bính Tý thu - 1936 .
Nhưng quý nhất cho giới khảo cổ là pho tượng  thánh mẫu trông giống Bồ Tát Quan Thế Âm, mà cũng giống Thánh Mẫu Thiên Y Na Na, của vương quốc chămpa xưa.Tượng cao 30 cm, bằng đá sa thạch. Theo tư liệu do Sư Trụ Trì cung cấp: “người Pháp đến vùng này khai hoang lập đồn điền, vào năm 1923, trong thời gian khai hoang, công nhân làm cho chủ Pháp có đào được một pho tượng bằng đá sa thạch. Rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí nên công nhân chết rất nhiều, bởi vậy khi đào được pho tượng họ rất tin tưởng, xin chủ Pháp lập một am miếu nhỏ bên cạnh một cây đa cổ thụ (vị trí hiện nay) để xuân kỳ thu tế, cúng kính lễ bái cầu nguyện. Từ niềm tin ban đầu như vậy, dần dần quy tụ lại với nhau đông đảo, lại xin chủ Pháp một lần nữa, cất lên chùa Bửu Minh (vào khoảng năm 1935 -1936). Am Bà hiện nay mới xây dựng lại với kiến trúc rất đặc thù, mái đổ bê tông, các đầu đao mái làm giống như các ngôi chùa cổ miền Bắc, do Sư Trụ Trì hướng  dẫn thợ thực hiện năm 2008. Hơn bảy mươi năm trôi qua, niềm tin thuở ban đầu vẫn còn tiếp tục, Am Bà luôn đông đảo khách thập phương đến lễ bái. Am Bà cũ có hai câu đối: “Sơn bất tại cao hữu Tiên tắc linh.Hải bất tại thâm hữu Long tắc linh”.
 Tạm dịch: “Không phải tại núi cao, nhưng bởi do có Tiên nên núi mới linh. Không phải tại Biển sâu, nhưng bởi do có rồng nên biển mới linh”.

Phần mái Sơn Hải Miếu.JPG
Phần mái Sơn Hải Miếu
IMG_4900.jpg
Sơn Hải Miếu

Cổng Tam Quan ( Đang khởi công xây dựng )

Vị trí Chùa :

Chùa Bửu Minh cách trung tâm thành phố Pleiku 15 km, về hướng Bắc. Chùa toạ lạc tại thôn 01, xã Nghĩa Hưng, Huyện Chưpăh, Tỉnh Gia lai (trước năm 1975, thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku). Trong ký ức của những bà con đã từng sinh sống ở Pleiku, phần đông đều biết đến chùa Biển Hồ trà (tên gọi của chùa Bửu Minh trong thời gian ấy). Bởi cuối tuần khu vực chùa Bửu Minh, Biển Hồ trà là nơi lý tưởng để picnic, để dã ngoại. Gần hồ TơNưng, có cánh đồng trà hơn 600 hec ta, có hàng thông mát rượi, đi dưới hàng thông không khác gì đang đi chơi ở Đà Lạt.
Chùa quay mặt về hướng Tây, lưng chùa tựa vào núi Tiên Sơn, làm Tổ Sơn, phía tay trái chùa có dòng sông chảy bọc về Biển Hồ TơNưng, trông tựa như rồng xanh (có phải là thanh long ?). Phía bên tay phải chùa là dãy núi nằm bọc chãi về phía trước (có phải đó là Bạch Hổ ?) . Trước mặt chùa là Biển Hồ TơNưng, bốn mùa nước xanh biêng biếc, trong veo, là nguồn nước uống cho cư dân thành phố Pleiku (có phải là Minh Đường ?). Có phải thiên nhiên đã un đúc, đã kết tụ lại linh khí cho cuộc đất này không, mà rất nhiều nhân tài tuấn kiệt đã sinh trưởng từ nơi vùng đất Biển Hồ này (không tiện nêu tên vì những ngưòi sinh trưởng nơi đây, thành đạt, hiện còn sống). Địa linh sinh nhân kiệt, đó là niềm mong ước lớn nhất của dân tộc.

Pháp Khí quý giá tại chùa:

Chùa Bửu Minh có hai quả Đại Hồng Chung, một quả nặng 300 ký do Hoà Thượng Bổn Sư Thích Từ Hương chú tạo năm 1966 (âm thanh rất hay). Còn một quả chuông mới chú tạo năm 2009, tại lò đúc Nguyễn văn Sở nặng 900 ký, do gia đình đạo hữu Trần Kỳ - Nguyễn thị Phượng ở phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, cúng dường.
Nguồn gỗ ở Việt Nam đã cạn kiệt, do vậy một số chùa trùng tu rất lớn ở Việt Nam, muốn làm cửa gỗ đã không thực hiện đuợc, vì giá quá đắc.  Chùa Bửu Minh, duyên may đã được gia đình đạo hữu Pháp danh: Nhuận Hải – Quảng Quế hiến cúng toàn bộ cửa, gỗ đặt mua từ nước bạn Lào, đóng thành phẩm tại Lào chở về. Gỗ trâm xe khai thác từ rừng già nên vô cùng quý hiếm.

DSC_8111.JPG
Đại Hồng Chung HT. Thích Từ Hương chú tạo năm 1966
IMG_4431.jpg
Đại Hồng Chung gia đình Phật Tử Trần Kỳ, PD Nhật Bích -
Cao thị Phượng , PD Đồng Hoàng phụng cúng năm 2009
IMG_4918.jpg
Toàn bộ cửa Chánh Điện gia đình PT: Nhuận Hải; Quảng Quế phụng cúng

Các đời Trụ Trì, và các vị hương đăng qua từng thời kỳ .  
 

 -  Đạo hữu Nguyễn văn Tròn

Pháp Danh: Đồng Thiệt Quê quán: Bình Định Sinh năm: 1894 Tử ngày: 20.03 năm Canh Tuất (1970) tại chùa Bửu Minh. Hương đăng tại chùa Phật Học, tiền thân chùa Bửu Minh từ năm 1938 – 1947, tiếp tục làm hương đăng tại chùa Bửu Minh từ năm 1962 – 1963. 

- Thầy Hai Đẩu

 Hương đăng từ năm 1956 – 1961  Tên thật là: Nguyễn văn Chẩn  Quê quán: An khê, Bình Định   Sinh năm: ……  Tử ngày: 08.11 âm lịch ( năm……)                           

   - Hòa Thượng Thích Từ Hương

Pháp Danh: Nhật Sanh Sinh năm 1929 (Kỷ Tỵ) Quê quán: Mỹ Phong - Phù Mỹ - Bình Định.
Đời pháp thứ 40 theo kệ phái “Tổ Định - Tuyết Phong” là đệ tử của Hoà Thượng Thích Đỗng Quang, chùa Quan Âm,Trà Bá, Pleiku. Trụ Trì chùa Bửu Minh 2 lần : Lần thứ nhất: Từ năm 1964 đến năm 1966 Lần thứ hai:  Từ năm 1970 đến năm 1977. Hòa Thượng là vị Tăng sĩ người Bình Định có mặt rất sớm ở Tỉnh Pleiku - Gia Lai. Qua hai lần Trụ Trì Chùa Bửu Minh 10 năm, Hòa Thượng đã thỉnh cho chùa một  Đại Hồng Chung, nặng 300 kg, vào tháng 9 năm Bính Ngọ 1966. Trong những năm tháng Trụ Trì chùa Bửu Minh, Hòa Thượng đã Quy y và hướng dẫn tu học cho một số đông Phật Tử. Hòa Thượng là một Tăng Sĩ  luôn luôn sống vì giáo hội, và cho giáo hội. Hiện là Viện Chủ chùa Bửu Nghiêm TP. Pleiku. Trưởng ban trị sự Phật Giáo Tỉnh Gia Lai.

 - Thầy Thích Thiện Tín


Trụ trì từ năm 1967 đến năm 1968 Quê quán: Bình Định Sinh năm: 1936 (Bính Tý)  Pháp hiệu: (……..) là đời pháp thứ (……..)  theo kệ phái của Tổ Sư “ Đạo Mân - Mộc Trần” Trong thời gian trụ trì Chùa Bửu Minh 1967-1968, Thầy có xây thêm một ngôi nhà Tổ bằng gạch táp lô bộng, mái lợp tole. Hiện ở tại Tỉnh Đaklak .

 - Thầy Thích Tịnh Viên  

Trụ trì khoảng 7- 8  tháng, trong năm 1969 )  Quê quán  : Bình Định Sinh Năm  :  1932  (Nhâm Thân)      Hiện ở tại Quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh. 

- Thượng Toạ Thích Đồng Trí

Trụ trì từ năm 1978 đến năm 1989 Sinh Năm: 1949 (Kỷ Sửu) Quê quán: Mỹ Lộc - Phù Mỹ - Bình Định   Tự là:  Giác Tuệ  Đời Pháp thứ 43 theo kệ phái “Minh Hải - Pháp Bảo”. Là đệ tử của Thượng Toạ Thích Từ Huệ, Chùa Thiền Tôn,  Mỹ Lộc - Phù Mỹ - Bình Định. Y chỉ làm đệ tử Hòa Thượng Thích Từ Hương từ nhỏ. Trụ Trì Chùa Bửu Minh từ năm 1978 đến năm 1989. Bằng đức tính điềm đạm, nhu thuận,Thượng Toạ đã lèo lái, duy trì ngôi chùa qua giai đoạn khó khăn nhất về vật chất lẫn tinh thần. Hiện Trụ Trì chùa Hồng Từ (Tỉnh Hội Phật Giáo Kon Tum) . Trưởng ban trị sự  Phật Giáo Tỉnh Kon Tum

- Thầy Thích Giác Tâm

 Pháp Danh: Quang Đức, đời pháp thứ 41, kệ phái “ Tổ Định - Tuyết Phong”. Là đệ tử lớn của Hòa Thượng Thích Từ Hương chùa Bửu Nghiêm TP. Pleiku. Quê quán: Cát Tường - Phù Cát - Bình Định Nơi Sinh: Xóm Trại Mộ xã Biển Hồ - Pleiku. (Nay thuộc thôn 2 xã Nghĩa Hưng - Huyện Chưpăh) . Xuất gia năm: 1969 tại Chùa Bửu Minh, tu học các nơi khác 15 năm. Sau năm 1975 về lại Chùa Bửu Minh. Chính thức Trụ Trì từ năm 1989 đến nay. Hơn 20 năm Trụ Trì chùa Bửu Minh Thầy đã đem hết tâm lực, trùng tu, kiến thiết  mới  toàn bộ các công trình.

Cảm nhận về chùa Bửu Minh

Làm một ngôi chùa, ngôi tháp đẹp đã khó, làm cho nó có hồn lại càng khó hơn. Muốn làm đẹp, có tiền và cố gắng có thể thực hiện được, còn làm cho có hồn không dễ dàng chút nào. Đi vòng quanh các nước Phật giáo, ta có bắt gặp những ngôi chùa được gọi là linh thiêng, vì đâu được linh thiêng.
Thứ nhất: Vị Sư Trụ Trì ở đó phải giới  hạnh tinh nghiêm, vừa tu tập vừa hướng dẫn quần chúng tu tập, tạo nên một  năng lượng cộng đồng.
Thứ hai: Khi thi công chùa, đã đem trọn tâm tình hiến dâng, ngày đêm chỉ nghĩ tưởng làm nhà Như Lai, để thờ Như Lai, và để cho quần chúng lui tới lễ bái tu học. Tiền Tam Bảo chỉ xử dụng cho Tam Bảo không rơi rớt vào những mục đích khác. Và thêm nữa vị Sư Trụ Trì phải biết nhiều ngành nghệ thuật để khi thi công, điều phối, hướng dẫn thợ, được như vậy ngôi chùa sẽ đẹp, sẽ linh thiêng.
Tôi đam mê nghệ thuật, tôi đang đi tìm cái mình đang cần, có chút duyên nơi cửa Phật Bửu Minh, tôi viết vài dòng tiểu sử, với một chút cảm nhận tự đáy lòng, và được Sư Trụ Trì đọc lại, xin phép Sư Trụ Trì tôi kết bài viết về chùa Bửu Minh, bằng bài thơ của Sư, Sư đây là Sư Thích Giác Tâm, hiện Trụ Trì chùa:

Bửu Minh chốn cũ đi về ,
Ngàn khơi gió lộng, bốn bề trà xanh.
Cây đa rợp bóng thiên thanh,
Cho con tịnh lạc an lành đi lên.
Về đây con có mẹ hiền,
Đưa con qua tận suối miền uyên nguyên.
Con về lội khắp sơn xuyên,
Trồng hoa trên đá an nhiên ngắm nhìn.
Con về còn trọn niềm tin,
Câu Kinh Không Sắc xoá nghìn thương đau.
Về đây sương trắng mái đầu,
Chợt nghe chim hót nhiệm mầu tử sinh.
Tranh vẽ tại chùa Bửu Minh.jpg
Chuyển Pháp Luân ( tranh vẽ lưu trữ tại chùa)
cầu chùa BM.jpg
Cầu cảnh, lối vô cổng phụ chùa
Rồng cấp chánh điện.jpg
Rồng chầu, lối lên Chánh Điện
DSC_8109.JPG
Rồng cửa Chánh Điện
DSC_8110.JPG
Phù Điêu Sư Tử trụ đá Vua Asoka
Hoành phi Phật Giáo Việt Nam.JPG
Hoành phi: Phật Giáo Việt Nam
DSC_8144.JPG
Hoành phi: Đại Hùng Bảo Điện
IMG_4911.jpg
Bảng hiệu Chùa
IMG_4380.jpg
Rồng phù điêu
DSC_8112a.JPG
Rồng phù điêu
IMG_4908.jpg
Đèn đá
Đầu đao mái chùa.JPG
Đèn đá
Lễ Hội.jpg
Lễ Hội

Phố Núi, Mạnh Xuân Canh Dần (2010)

Nguyễn Phúc Nguyên

( Tư liệu tiểu sử chùa Bửu Minh do Sư Thích Giác Tâm cung cấp )

Xem thêm: Chùa Bửu Minh khi chưa trùng tu


Âm lịch

Ảnh đẹp