Tây Tạng mùa xuân


Hồ Sĩ Hiệp
22/01/2014 09:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 1368
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những năm 50 của thế kỷ trước, tuy còn ấu thơ, nhưng ở Trung Quốc tôi đã thuộc lời bài hát và đến nay vẫn còn nhớ là: “Đường lên Tây Tạng không vết người đi, đèo núi cao lưng trời”. Thời đó Tây Tạng hoang vắng, cư dân thưa thớt, đồi núi, sông suối nhiều, thảo nguyên bao la và đi lại khó khăn.

 

 Ngày nay Tây Tạng đổi mới, có đường tàu lửa chạy từ Bắc Kinh đến Tây Tạng. Đường hàng không, cao tốc từ Vân Nam, Quý Châu, Thanh Hải, Tân Cương và một vùng rộng lớn ở miền Tây nam Trung Quốc nối liền với Tây Tạng tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh cho vùng đất xa xôi này.

Tây Tạng là khu tự trị thuộc cao nguyên Thanh-Tạng diện tích 123 vạn km2, dân số gần 3 triệu người, gồm dân tộc Tạng, Hồi, Hán, Môn Ba và Lạc Ba. Thủ phủ của Tây Tạng là La Sa và thành phố lớn là Nhiệt Khách Tắc. Từ ngàn xưa Tây Tạng được coi là quê hương của Phật giáo vì tiếp giáp với các quốc gia đa tôn giáo như Ấn Độ, Nê Pan, Miến Điện và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ là Tân Cương. Tây Tạng và cả vùng cao nguyên Thanh-Tạng rộng lớn được coi là “Nóc nhà của thế giới”, có độ cao hơn 4 nghìn mét so với mặt biển. Ngày nay Tây Tạng là trung tâm du lịch Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc. Ngoài du khách Phật giáo ở các nước châu Á, ở thành phố La Sa có rất đông du khách đến từ các nước Âu-Mỹ và Trung Đông. Mặc dù ở vùng thảo nguyên, đồi núi, sông ngòi đan xen, khí hậu lạnh và mây trắng bao phủ quanh năm nhưng cơ sở hạ tầng của Tây Tạng dần dần hoàn hảo, có nhiều nhà cao tầng, cửa hàng cửa hiệu buôn bán tấp nập đông vui.

Khi mùa đông đến, xuân về, bộ mặt của Tây Tạng có nhiều sắc thái mới. Mây bao phủ trên các ngọn đồi và đỉnh núi cao, khí hậu lạnh và mọi người co ro trong những bộ quần áo; mũ, giày, ủng da lông thú có mặt khắp nơi, nhất là ở các phố thị. Cỏ cây trên cao nguyên xuân về thì xanh lá, tươi hoa, bò dê, lạc đà béo tốt ung dung gặm cỏ trên thảo nguyên. Nhiều loại hoa quý hiếm chỉ có ở Tây Tạng, xuân về nở hoa tươi tốt làm ấn tượng cho du khách phương xa. Ngoài tết cổ truyền của dân tộc Trung Hoa, ở Tây Tạng có những ngày lễ, tết, hội mang màu sắc dân tộc Tạng rất đậm nét. Vào các dịp tết, lễ, hội, các cửa hàng, cửa hiệu ở Tây Tạng bán đủ các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ do Tây Tạng sản xuất. Vải vóc, áo, quần, mũ, khăn, tất, hàng đan, thêu, dệt và các loại thảm đều là sản xuất bằng “thổ cẩm” truyền thống từ lâu đời của dân tộc Tạng. Vì là nơi có đến hơn 90% người theo đạo Phật nên các cửa hàng ăn uống ở Tây Tạng đều bán các món ăn chay rất ngon, hợp khẩu vị cho các du khách Phật giáo từ các nơi đến tham quan du lịch ở Tây Tạng.

La Sa là thủ phủ và cũng là thành phố đẹp nhất của Tây Tạng, với diện tích 31.662m2, dân số gần nửa triệu người, có lịch sử gần 300 năm, được mệnh danh là “thành phố ánh mặt trời”. Đương Nhiệt, Đoạt Để, Bắc Kinh, Sắc La là những đại lộ rộng rãi, sạch đẹp. La Sa có trường Đại học Tây Tạng, Hiệp hội Phật giáo và vô số chùa Phật mang đặc điểm của Phật giáo Tây Tạng. Đó là các chùa Sắc La, chùa Nãi Quỳnh, chùa Tiểu Chiêu, Đại Chiêu. Hai chiếc cầu lớn, hiện đại là La Sa và La Sa Hà Liễu Ngô bắc qua sông làm tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng cho thành phố. Nhà cửa ở La Sa ngày nay đổi mới, đường phố rộng rãi, sạch đẹp, vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Tạng vừa mang dáng vẻ  tân tiến, hiện đại. Nếu như trước đây La Sa đậm sắc thái Phật giáo của dân tộc Tạng thì ngày nay thành phố đã hòa nhập với Hán tộc và thế giới. Nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn ngoài ngôn ngữ Tạng còn có Hán ngữ, Anh ngữ. Hàng hóa phổ biến nổi tiếng trên thế giới đều có bày bán ở La Sa.

Một nét xuân rất đậm nét ở Tây Tạng nói chung và La Sa nói riêng, đó là không khí đón xuân ở các ngôi chùa và các danh thắng Phật giáo ở Tây Tạng. Cung Bố Đạt La là biểu trưng hùng vĩ và trang nghiêm của thành phố La Sa. Toàn bộ tòa cung Bố Đạt La đều xây uy nghiêm, sừng sững và hoành tráng trên đồi rất ấn tượng với du khách thập phương. Vào những đêm lễ, hội và tết, cung Bố Đạt La rực rỡ ánh đèn muôn màu. Đại Phật cung Bố Đạt La là nơi tôn thờ Đức Phật tôn nghiêm và linh thiêng nhất. Du khách đến La Sa không thể nào không đến chiêm bái một lần cho thỏa nguyện ở Đại Phật cung Bố Đạt La. Cung điện và chùa miếu ở La Sa đều mang đặc điểm Phật giáo Tây Tạng rất rõ nét. Nghệ thuật kiến trúc cung điện chùa miếu ở La Sa đều là nghệ thuật Phật giáo. Ngoài các công trình văn hóa Phật giáo, du khách có thể đi du lịch “Văn hóa La Sa”, “Triều thánh La Sa”, du lịch “Thần sơn thánh hồ La Sa”, hay du lịch “Thảo nguyên phong tình” mà ít nơi nào có. Không khí hội xuân ở La Sa thật tưng bừng, náo nhiệt và mang tính đặc thù Tây Tạng.

Hành hương đất Phật Tây Tạng mùa xuân không thể không đến chiêm bái một lần chùa Sắc La - một trong ba ngôi chùa lớn nổi tiếng nhất ở Thánh địa Phật giáo Tây Tạng. Đây không chỉ là một trong sáu chùa lớn nhất của Hoàng giáo (tức Cách Lỗ phái) ở Trung Quốc mà còn là một ngôi chùa có quan hệ trực tiếp với thời Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ.

Sắc La, trong ngôn ngữ tiếng Tạng có nghĩa là hoa tường vi hay là một loại mưa đá. Truyền thuyết nói rằng chùa này được xây dựng trên vùng đất vốn rất thích hợp cho hoa tường vi xanh tốt, cho nên gọi tên là chùa Tường Vi. Cũng có thuyết khác nói rằng chùa Tường Vi xây dựng vào thời nhà Minh, năm đó có một trận mưa đá rất lớn và theo quan niệm tâm linh của dân chúng nên đặt tên chùa là Bao Tử. Lúc đầu chùa có tên là Thái Thanh Lâm (theo tiếng Tạng có nghĩa là chùa lớn). Nhưng tên chùa này lại ít người biết và về sau người ta thường gọi là chùa Sắc La như tên gọi ngày nay.

Chùa Sắc La xây dựng gần lưng núi, tọa lạc cách phía Bắc thành phố La Sa gần 5km. Chùa rất quy mô, to lớn, hoành tráng; toàn bộ ngôi chùa chiếm diện tích 114.964m2, có Phật đường rộng rãi với sức chứa hàng nghìn vị Tăng. Tăng viện làm nơi hội quán và 30 khang thôn (chùa miếu tổ chức ở các nơi). Phật điện và Tăng xá được bố trí dày đặc khắp nơi làm cho chùa trở thành một thị trấn tôn giáo mà số Tăng nhân có lúc đến hơn 6.000 người. Năm 1962, chùa Sắc La được nhà nước công nhận là đơn vị bảo tồn văn vật trọng điểm của khu tự trị Tây Tạng. Năm 1982, chùa lại được công nhận là đơn vị bảo tồn văn vật cấp quốc gia.

Chùa Sắc La được xây dựng năm Vĩnh Lạc thứ 17 (1419) thời nhà Minh mà người đầu tiên có sáng kiến xây dựng chùa được Minh Thành Tổ phong là “Đại Từ Pháp Vương”. Ngài là thủy tổ của Hoàng giáo có quý danh là Thích Ca Đà Thất. Ông là một nhân vật lịch sử Phật giáo quan trọng ở Tây Tạng. Ngày nay du khách đến chiêm bái chùa Sắc La được nghe dân chúng, Tăng Ni Phật tử La Sa kể lại về con người và công trạng to lớn của Ngài trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngài là một trong “Bát Đại Đệ Tử” của Tông Ca Ba sinh năm 1354 ở phụ cận La Sa. Thuở ấu thơ Ngài thông minh, rất có duyên với việc tu luyện Phật pháp. Năm 12 tuổi Ngài xuất gia thụ giới ở chùa Thái Cống Đường, tu tập Tỳ Sa Môn. Sau năm 18 tuổi, ngài đi khắp nơi kết giao với hơn 50 vị Đại sư các tông phái.

Trải qua hơn 500 năm, qua nhiều lần biến đổi và trùng tu, ngày nay chùa Sắc La là một trung tâm văn hóa và Phật giáo lớn của Tây Tạng. Hoạt động Phật sự sôi nổi thường xuyên. Vào những ngày lễ, tết, hội và nhất là ngày Phật đản, chùa Sắc La đón hàng chục nghìn người, khói hương nghi ngút, chuông trống vang lừng.

Mùa xuân du lịch đến đất Phật Tây Tạng không thể không đặt chân đến Nhật Các Tắc - thành phố lớn thứ hai sau Thủ phủ La Sa. Thành phố ở phía Trung Nam, nằm giữa hợp lưu hai con sông là Nhã Lỗ Tạng Bố và sông Niên Sở Hà. Đây là một thành phố cổ ở Tây Tạng, thời xưa tên gọi là Niên Khúc Mạch, có lịch sử hơn 500 năm. Thành phố cũng là một trung tâm Phật giáo với diện tích rộng và nhân khẩu 10 vạn người. Kinh tế chủ yếu của thành phố là trồng trọt, chăn nuôi, du mục, sản xuất rau quả và thêu dệt sản phẩm truyền thống Tây Tạng. Cách kiến trúc nhà cửa, chùa tháp, thiền viện ở thành phố đều theo phong cách của dân tộc Tạng. Thành phố có các chùa Phật danh tiếng lâu đời như chùa Trát Ma Luân Bố và chùa Hạ Lỗ. Công viên Cống Giác Lâm là nơi vui chơi giải trí rất hấp dẫn và hữu ích của thành phố. Bắc Kinh và Giải Phóng là hai đại lộ chính của thành phố. Cửa hàng, cửa hiệu, xe cộ và người đông đúc qua lại suốt ngày đêm.

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, bộ mặt của Tây Tạng thay đổi từng ngày. Từ một nơi huyền bí, vắng vẻ, kinh tế khó khăn, đời sống nghèo khổ Tây Tạng đã mở cửa, hội nhập với toàn quốc và đi ra thế giới. Người Tạng, Hán, Hồi ngày một đông đảo. Phố phường buôn bán tấp nập. Cao nguyên bao la với những đàn dê, cừu, lạc đà béo tốt. Trên đường phố tràn ngập du khách thập phương. Ngoài quần áo và trang phục Tạng, ở Tây Tạng ngày nay có nhiều người ăn mặc Tây phục tân thời, hiện đại, nam nữ thanh niên Tây Tạng đã tiến kịp với trào lưu mới, thể hiện qua việc học tập, nghiên cứu và sinh hoạt văn hóa thường nhật. Mùa xuân này toàn khu Tây Tạng như thay một bộ áo mới. Cảnh vật, con người và cuộc sống của Tây Tạng hôm nay thật khác xa với thời xưa. Mặc dù vẫn giữ được nét văn hóa, sinh hoạt truyền thống  dân tộc Tạng, nhưng ngày nay các thành phố ở Tây Tạng văn hóa Hán tộc và Tây phương bắt đầu lan tỏa tạo nên sắc thái tân thời và hiện đại. Người Tạng ăn mặc đẹp; nam nữ thanh niên Tạng ngày nay khỏe mạnh, to cao nói tiếng phổ thông, tiếng Anh rất lưu loát. Dù trong hoàn cảnh và thời đại nào thì người Tây Tạng vẫn gìn giữ và phát huy nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, truyền thống tâm linh sâu thẳm và nhân văn. Mùa xuân về, cả vùng Tây Tạng rộng lớn như hân hoan đón chờ. Tiếng chuông của các ngôi chùa Phật thì ngày đêm vang vọng. Du khách đến Tây Tạng trong những ngày đầu xuân sẽ tràn đầy cảm xúc khó tả.

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=5164&SubID=1&ID=4


Âm lịch

Ảnh đẹp