07/01/2014 08:32 (GMT+7)
Số lượt xem: 1328
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng việc gộp tết tây – tết ta thành một không hề 'tiết kiệm hơn' như quan điểm của nhiều người.








Trước thềm Tết Giáp Ngọ 2014, trả lời phóng viên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng sẽ có lúc đón tết cổ truyền theo dương lịch vì hiện đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách đón Tết dương lịch và âm lịch. Thực tế đang có nhiều nơi đón Tết theo lịch dương vì thời gian Tết âm lịch, họ đã có lịch thực hiện các dự án hợp tác với nước ngoài.

Mang quan điểm trên tới gặp giáo sư sử học Lê Văn Lan, ông không đồng tình với việc gộp hai tết làm một vì theo ông đó là truyền thống của dân tộc cần gìn giữ.

Ốm vì tết nhưng không bỏ

Giáo sư sử học Lê Văn Lan
Giáo sư sử học Lê Văn Lan

Giáo sư Lê Văn Lan nói: “Hiện giờ tôi đang ốm vì tết, nhưng bảo gộp thì không được bởi tôi tin rằng tất cả mọi người đều muốn ốm như thế cả. Đón tết cổ truyền đã trở thành truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay”.

Do đang rất mệt mỏi trong "trận chiến" với bệnh tuổi già, nên giáo sư sử học Lê Văn Lan chỉ bình luận ngắn gọn trước lập luận của Giáo sư Võ Tòng Xuân như sau: “Người ta nói nếu gộp hai cái tết lại thành một thì sẽ tiết kiệm hơn, nhưng đó là việc của người ta, còn tôi không thấy thế. 

Mấy ngày qua, tôi cũng nhận được rất nhiều thiệp chúc mừng năm mới và tôi cũng nghĩ đó là thiếp chúc mừng cho cả tết ta lẫn tết tây. Nhưng đó là việc khác với việc ta gộp tết ta với tết tây thành một. Gửi thiếp chung không có nghĩa là họ gộp hai cái tết thành một”. 

Dân còn nghèo, sao nghỉ tết nhiều thế? 

Có cùng quan điểm với Giáo sư sử học Lê Văn Lan, chia sẻ với phóng viên VTC News, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Cựu chiến binh Việt Nam khẳng định không thể bỏ tết cổ truyền. 

“Tết âm lịch thì không thể bỏ được bởi nó là truyền thống cha ông ta để lại. Tết dương lịch chỉ có tây mới có, chứ dọc bề dày lịch sử 4.000 năm qua, chúng ta chỉ ăn tết âm lịch thôi”, Trung tướng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, chúng ta đang được hưởng kỳ nghỉ tết quá dài và đó là điều không thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. 

 
Phân tích các mặt lợi, hại từ kỳ nghỉ tết kéo dài 9 ngày này, Trung tướng nói: “Những người già như tôi đón tết quanh năm rồi nên thấy tết đến là chuyện thường. Bố trí nghỉ tết dài ngày thì có lợi cho ai trong khi nông dân mùng 1 tết âm lịch đã ra đồng làm việc rồi? 

Còn công nhân, cứ có việc là họ làm bất kể ngày đêm sáng tối chứ đừng nói gì tết. Do vậy, tôi hoàn toàn không đồng tình với việc cứ kéo dài ngày nghỉ tết ra như vậy”. 

Dẫn chứng thêm cho quan điểm của mình, Trung tướng kể, ngày xưa cha ông ta, những người giàu sang mới dám nghỉ 3 ngày tết – từ mùng 1 tới mùng 3, còn những người nghèo khó làm gì có nghỉ tết? 

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

“Giờ người ta cho nghỉ tới 9 ngày. Vậy cho tôi hỏi trong 9 ngày đó, người nghèo thực sự được nghỉ bao nhiêu ngày? Ở nhiều nơi tôi thấy chiều mùng 1 tết người ta đã đi cày, đi cấy rồi. Đất nước còn nghèo, nghỉ dài như vậy chỉ sướng công chức nhà nước thôi", tướng Thước nhấn mạnh. 

Cũng theo tướng Thước, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ nghỉ tết âm lịch đi. 

“Chúng ta vẫn tôn trọng xu hướng của thế giới là vẫn ăn tết dương lịch, nhưng chỉ 1 ngày thôi. Còn với tết âm lịch, theo tôi cũng chỉ nên nghỉ 3 ngày. Lo mà lao động để những người nghèo có thêm thu nhập. Còn ai có tiền, thu nhập cao quá thì nên làm từ thiện. 

Thực tế ở Việt Nam có rất nhiều người nghèo. Nói là 90%, nhưng tôi nghĩ con số ấy lớn hơn nhiều. Quỹ ủng hộ người nghèo, người bị chất độc da cam hay các gia đình thương binh liệt sỹ… rất cần sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhân đạo. Lao động giúp kiếm ra tiền. Do vậy tôi xin nhấn mạnh, nếu không có lao động, không kiếm ra tiền thì chẳng có gì mà ăn tết cả”, Trung tướng khẳng định. 

Nguon: http://seatimes.com.vn/gs-le-van-lan-gop-tet-khong-tiet-kiem-hon-0187649.html


Âm lịch

Ảnh đẹp