13/02/2014 12:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 1909
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


     Nhân dịp xuân về, người Phật tử hân hoan đi chùa lễ Phật, cúng dường cầu nguyện cho bản thân và gia đình gặp nhiều thiện duyên, mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, muôn loài được an lạc.

Một năn cũ đi qua, với nhiều nỗ lực, cố gắng lăn lộn trong trường đời để cuộc sống gia đình được ấm no hạnh phúc, mỗi Phật tử tùy theo hoàn cảnh và nhân duyên đều tinh tấn hành trì Phật pháp để chuyển hóa thân tâm, tăng trưởng phước đức và hộ trì Tam Bảo.

Một năm mới lại đến, chúng ta lại thêm một tuổi, người Phật tử lại càng tinh tấn hơn vì cuộc đời vô thường và biến chuyển theo nghiệp lực. Mọi người nói chung và người Phật tử nói riêng đều lo lắng, băn khoăn về năm tuổi và sao hạn của mình trong năm mới. Ngay từ ngày mùng tết cho đến hết tháng giêng, ai ai cũng đi cầu phúc, xem tuổi và dâng sao giải hạn ở các chùa và đền miếu khắp mọi miền đất nước.
Mùa xuân là mùa lễ hội, hòa trong khí trời ấm áp và mát dịu của tiết xuân, dòng người đi chùa lễ Phật, cúng dường, nghe pháp...đã tạo nên một nét đẹp, thiêng liêng và bình an. Tận dụng cơ hội này, chư vị giảng sư của ban Hoằng pháp các tỉnh thành đã biên soạn bài giảng về chủ đề xuân và đạo pháp, xuân trong cửa thiền... đặc biệt là vấn đề sao hạn trong năm và phương pháp tu tập để chuyển hóaNhìn chung các Phật tử rất hoan hỷ với bài giảng sao hạn trong năm vì nó đáp ứng nhu cầu tinh thần của họ vào đầu năm mới. Điều làm cho người Phật tử phấn khởi và tinh tấn tu tập để chuyển hóa nghiệp lực là được hiểu một cách khoa học về sao hạn dưới lăng kính tâm lý học và triết học Phật giáo qua cái nhìn của nhân quả và duyên khởi. Trên nền tảng ấy, bài tham luận này xin chia sẻ một số ý kiến tham khảo như sau:
 1. Các vị giảng sư của ban Hoằng pháp hoặc chư tôn đức trụ trì cần phải đẩy mạnh hoằng pháp trong mùa lễ hội với những chủ đề đáp ứng nhu cầu tâm linh của đại đa số quần chúng để đưa họ vào quỹ đạo của chánh pháp.
2. Mạnh dạn đầu tư lớn cho truyền thống rằm tháng giêng, biến thành lễ hội dâng đèn cúng Phật, cầu phúc đầu năm, tu tập để tăng trưởng phước đức và chuyển hóa nghiệp lực, nhằm thay đổi quan điểm của Phật tử về khái niệm dâng sao giải hạn theo tín ngưỡng dân gian. Điều này đã được một số chùa, thiền viện thực hiện rất thành công và cần phải phát triển đồng bộ trên toàn quốc. 
3. Nếu Phật tử đã có thói quen dâng sao giải hạn theo truyền thống vào những ngày nhất định hằng tháng trong năm khi gặp hạn xấu và sao xấu thì chư tôn đức trụ trì có thể tổ chức lễ dâng đèn cúng Phật và tụng kinh Dược Sư vào ngày mùng 8 cho những Phật tử bị sao La hầu chiếu mạng, ngày 15 cho sao Thái bạch, ngày 18 cho sao kế đô, v.v… Hiện nay một số vị trụ trì trẻ đã mạnh dạng tổ chức mô hình này cho Phật tử đến chùa tu tập vào những ngày ấy và được Phật tử hưởng ứng rất đông. Như vậy, ngoài những ngày sóc vọng, Phật tử đến chùa lạy sám hối, làm lễ trưởng tịnh, chúng ta lại tổ chức thêm những ngày theo sao hạn để Phật tử có duyên lành đến chùa thực hành Phật pháp. 
Qua sự phỏng vấn và tham khảo ý kiến của Phật tử ở một vài đạo tràng thí điểm thì 100% Phật tử đều hoan hỷ, tán thành việc tổ chức dâng đèn cúng Phật và tụng kinh Dược sư tu tập ở chùa thay thế cho việc dâng sao giải hạn, đốt hình nhân thế mạng ở nhà. Nếu chư tôn đức trụ trì mạnh dạn tổ chức thì quý Phật tử sẽ hưởng ứng. Tất cả Phật tử chúng ta đều mong muốn giữ gìn tín ngưỡng truyền thống nhưng phải đi vào quỹ đạo của chánh pháp, thực hành theo giáo lý của bậc Giác ngộ nhằm tăng trưởng phước đức và hóa giải được bất thiện nghiệp mà mình đã gieo trong quá khứ, không còn lo sợ khi gặp sao xấu, hạn xấu trong năm. Vì Phật tử chúng ta đều nhận thức rằng:
“Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn
 Không gì bằng trí tuệ của đời ta
Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà
Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả”.
Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

 

Nguon: http://www.banhoangphaptw.com/thoi-su/tin-tuc/1073-hong-phap-vi-truyen-thong-dang-sao-giai-han


Âm lịch

Ảnh đẹp