04/02/2014 19:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 1924
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN Xuân – Tuệ Trung thượng sĩ khi nói đến mùa xuân đã dùng từ phương ngoại phương (trời phương ngoại) – chẳng phải Tô Châu hay Thượng Hải, hay bây giờ là New York, Sydney… Phương ngoại ở đây là khi chúng ta không còn bị giới hạn trong kiếp nhân sinh, trong vòng thời gian sinh diệt, có-không-còn-mất, hơn-thua… với bao định kiến sai lầm và phiền não ê chề…


Image00003.jpg
Làm sao giữ được mùa xuân?
Xuân Diệu ngày xưa đã yêu mùa xuân đến nỗi phải thốt lên “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Nhưng cũng chính người thi sĩ ấy cũng phải than thở: “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ hai lần không trở lại?”. Tôi chợt nghĩ, nếu nhà thơ thấm tư tưởng của Phật, chắc không đến nỗi băn khoăn, trăn trở như vậy:
           Thỉ vô như bất
 
           Thỉ bất như vô
 
           Thị vi vô đắc
 
           Diệc vô hữu tư
         (Bài kệ 7, phẩm Nê-hoàn, kinh Pháp cú)
Không có cái gì bắt đầu (beginning) thì cũng không có cái không bắt đầu (non-beginning).
Ta giữ  tuổi trẻ làm sao hay níu lại mùa xuân được? Vì thời gian vẫn trôi đi… Làm sao nhốt lại cái không khí mùa xuân đang rộn rã ngoài kia, nắm trong tay chút nắng mùa xuân, khi mọi thứ vẫn  không ngừng tuôn chảy như sông ra biển. Thế nên có Big bang  thì phải có cái gì trước Big bang? Nói như thi sĩ họ Bùi thì “Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”…
Nhưng hiểu đạo, hiểu được quy luật của sự sống thì không băn khoăn mùa xuân đang đến hay đã đến và sẽ đến như lời thơ người xưa cho dẫu xuân tàn, hoa rụng hết, vẫn còn đó một cành mai luân hồi sinh diệt.
121.jpg
Làm sao tận hưởng được mùa xuân?
Con người thật ra không biết thưởng thức, hưởng thụ mùa xuân của mình nên mải mê chạy theo những thú vui vật chất, phần đông thích sắm sửa, ăn nhậu, say sưa chè chén mà xuân qua rồi tiếc nuối vì “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…”. Người ta chào đón, nhận diện mùa xuân qua lễ hội mà  ngày càng thiên về “hội” hơn “lễ”, với cảnh bát nháo, rồi tệ nạn mê tín dị đoan, cảnh bày bán thịt tươi sống phản cảm ở hai bên lối vào chùa như ở chùa Hương – một danh lam của đất nước.
Chúng ta chạy đi tìm hạnh phúc, mà nói như một nhà văn nước ngoài, “Hạnh phúc là một loài chim mắc cỡ”, khi ta tìm, nó sẽ bay  đi. Hạnh phúc nào khi mùa xuân chỉ là mùa mua sắm, du lịch, ăn chơi…, vậy hóa ra chỉ người giàu ắt có mùa xuân, còn người nghèo thì làm sao?
Chúng ta quên câu “Vô sở lạc vi khổ tế” (kinh Pháp cú, kệ số 8). Chúng ta đang có hạnh phúc trong tay, trong tâm mà không biết. Người viết đã nghiệm ra điều này khi nằm trong bệnh viện chờ giải phẫu tim . Khi nhận ra mình đã có những điều kiện để hưởng mùa xuân trọn vẹn trước đây mà không biết, khi ta còn sức khỏe, phổi còn thở mạnh, tim chưa bị hẹp mạch vành hay hở vale…, khi ta còn đi dạo qua phố phường mùa xuân không thấy mệt, còn thức khuya thoải mái không sao. “Vô sở lạc” hay “vô sở nhạo” (aimlessness), vì sao? Cần chi mục đích khi ta là chính  mình, không cần phải có đủ điều kiện như người khác mới có hạnh phúc. Bận ngắm hoa mai trước nhà mình hay nhà ông hàng xóm thì có khác gì nhau? Có ai khen cây mai của ông này đẹp hơn ông kia đâu? Nó cũng sẽ tàn nhanh chóng. Sao ta phải cứ giành giật mua về để lo sợ nếu mồng một không ra hoa thì xui xẻo cả năm! “Tại ái dục vi tăng thống”. Chính ái dục, hay đam mê, làm niềm đau chúng ta tăng lên vì sự mê đắm.
Image00002.jpg
Làm sao kiến tạo mùa xuân trong ta?
Mùa xuân đến rồi đi hay ở lại tùy vào tâm thức của ta. Chính nhà thơ “đời” như Xuân Diệu còn phải thú thực khi ông biết yêu đời và yêu người.
           Xuân của đất trời nay mới đến
 
           Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
 
           Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
 
           Trong vườn xanh ngát của hồn tôi.
Còn Nguyễn Bính vì tương tư nên than thở:
           Vui xuân chung cả một trời
 
           Sầu xuân riêng nặng một người tương tư.
Dưới con mắt nhà thiền thì sao? Tuệ Trung thượng sĩ khi nói đến mùa xuân đã dùng từphương ngoại phương (trời phương ngoại) – chẳng phải Tô Châu hay Thượng Hải, hay bây giờ là New York, Sydney… Phương ngoại ở đây là khi chúng ta không còn bị giới hạn trong kiếp nhân sinh, trong vòng thời gian sinh diệt, có không, còn mất, hơn thua… với bao định kiến sai lầm và phiền não ê chề. Trời phương ngoại hay nói cách khác là Niết-bàn trong ta, thế nên thượng sĩ đã viết: “Chống gậy rong chơi, chừ trời phương ngoại” (Sách trượng ưu du hề phương ngoại phương). Rồi người rảo bước thong dong:
Mi lộc y dã
Điểu y hư không
Pháp quy kỳ báo
Chân nhân quy diệt.
           Hươu nai nương đồng quê
 
           Chim chóc nương trời mây
 
           Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện
 
           Các bậc chân nhân nương vào Niết-bàn để sống thảnh thơi.
Vậy thì tìm thiên đường ở đâu nếu không phải nơi chính cái giờ phút hiện tại, chính khoảnh khắc này khi ta sống trong chánh niệm. Và hãy nhìn thêm nữa: mọi sự mọi vật đều tương quan lẫn nhau mà sinh và tương quan lẫn nhau mà diệt. Thiền sư Nhất Hạnh dùng động từ inter-be, inter-are mà chuyển ý khi phải diễn đạt bằng Anh ngữ. Màu hồng nơi đóa hoa kia, màu xanh của lá nào có phải tự nó mà có nếu không có ánh nắng, không có cơn mưa, mà mưa từ đâu đến? Trả lời câu hỏi ấy cũng chính là hiểu lý duyên sinh , ý nghĩa tương tức của sự vật.
Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia cũng không. Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt. Hiểu như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết phiền não hay vô thường vốn nằm trong bản chất cuộc đời như muối mặn nằm trong biển. Sinh lão bệnh tử nằm sẵn trong kiếp người mà ai cũng phải trải qua. Xuân hạ thu đông và xuân… là vì thế.
Niết-bàn là hết khổ, mà hết khổ là chuyển hóa phiền não chướng và sở tri chướng, đó chính là giai đoạn Diệt đế. Hiểu theo nghĩa bất nhị thì Diệt đế và Đạo đế không thể tách rời nhau. Người có đủ khả năng để vượt lên trên chính mình. Trong lịch sử, chúng ta thường nghĩ hôm nay mình hiện đại hơn người xưa vì tiến bộ khoa học bay cả lên không gian, liên lạc bằng viễn thông vô tuyến rồi internet… nhưng vẫn không là điều kiện  đủ để đem lại hạnh phúc như nhân loại vì hạnh phúc là cảm xúc bên trong như Đức Đạt-lai Lạt-ma từng nhắn nhủ: “Những vấn đề của chúng ta, dù đến từ bên ngoài, như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ bên trong dưới hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra giải pháp chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta”.
Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở đâu khác hơn là trong chính tâm hồn mình. Mà muốn mở được cánh cửa tâm hồn thì phải quán chiếu bên trong bằng thiền định. Nói cách khác, phải đủ tín, nguyện, hành của người tu pháp môn Tịnh độ. Niềm vui hay hạnh phúc theo Phật giáo đến từ  Bát Chánh đạo, con đường giúp ta vượt qua tam độc tham, sân, si, thực hiện Tứ vô lượng tâm. Khi chúng ta huân tập tâm Từ bi hỷ xả, sẽ thấy mùa xuân miên viễn như Nguyễn Du tâm sự:
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự
Tứ thời tâm kính tự như như.
           Ta nhìn lá rụng hoa sinh,
 
           Bốn mùa đối ảnh tâm mình như như. (N.C dịch )
Có cái gì đó bất biến (như như), vượt lên trên mọi biến đổi, mọi xao động của thiên nhiên và hồn người. Vẫn cảnh ấy, nhưng với con mắt thiền, vạn vật trở nên lắng đọng, tịch mịch, thanh thoát…
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền.
           Cảnh không tìm tướng ở đâu?
 
           Tâm này thường định chẳng cầu thiền xa.  
           (HT.Thích Thanh Từ dịch)
Một bài thơ xuân nổi tiếng thường được nhắc đến là bài Mỗ Ni Ngộ Đạo Thi:
Tận nhật tầm xuân  bất kiến xuân
Mang hài đạp biến lũng đầu vân
Qui lai tiếu niệm mai hoa khứu
Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. (khuyết danh)
           Tìm xuân ngày trọn thấy xuân đâu
 
           Giày cỏ đạp mây khắp núi cao
 
           Quay lại ngắt hoa mai cười ngửi
 
           Trên cành xuân đến đã từ lâu.  
                                            (Nguyễn Khuê dịch)
Hình ảnh một ni cô tất tả cả ngày xuân đi tìm xuân khắp cả non cao mây phủ nhưng vẫn không sao thấy xuân được như thể đi tìm bản thể chân như của mình theo đường đạo. Thế nhưng khi quay trở về trong vô vọng thì  đột nhiên gặp xuân trên cành hoa mai, một mùa xuân viên mãn. Phải chăng khi quay về tự tâm, xuân cũng như đạo nào phải nhọc công kiếm tìm như gã cùng tử trong kinh Pháp hoa chẳng hay ngọc mani nằm trong tay áo.
Mọi chuyện vẫn đang diễn ra trước mắt. Hãy sống và hãy biết mình đang sống. Thiền sư không than vãn vì sự vật trôi qua mà ông chỉ nêu lên như là sự kiện. Nó đấy, nó vẫn đang qua như chúng ta sẽ già như tóc trên đầu sẽ bạc. Thế thôi! Giản dị như đời.
Hãy cùng đọc một bài tanka của Shotetsu:
           Không có hoa nơi này!
 
           Những cây thông thức giấc
 
           Trên đỉnh đồi ban mai
 
           Hoa đào đêm xuân mộng
 
           Cũng chỉ là mây bay.
(Nhật Chiêu dịch)
Vẫn là một sự  ráp nối vô thủy vô chung. Thế nhưng, là thiền sư, ai lại không biết:
           Muôn pháp từ xưa lại
 
           Tướng thường tự vắng lặng.
Thấy được tướng vắng lặng là thấy được tánh vắng lặng. Không có tướng nào mà không phải là tánh. Không có chúng sinh nào chẳng phải là Phật.
Và cũng cái thấy ấy nên sau này Nguyễn Du mới chuyển dịch thơ Thôi Hộ:
           Trước sau nào thấy bóng người
 
           Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Hoa đào năm ngoái cười, chứ nào phải hoa năm nay. Cũng theo dòng lý sự ấy, ông viết “Quên mất hoa để dựa vào nở, dựa vào tàn là dựa vào cửa ngõ nhà người ta,… Hãy trở về nhà của mình, và ngay khi thấy điều đó thì vụt một cái:
           Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Một chấm ánh nắng mùa xuân thôi, một chấm thôi, cả vũ trụ hoa nở. Chỉ có thơ mới diễn đạt được cái chỗ không thấy…
Nói như HT.Thích Thanh Từ: Phật pháp là thiết  thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy.
Niết-bàn nơi đâu? Phải chăng đấy chính là mùa xuân thường tại, mùa xuân miên viễn – cái giây phút, cái sát-na mà lòng ta chánh niệm. Phải chăng có một bản ngã đang thưởng thức một tách trà, một tiếng chuông trong chiều vắng, tiếng kinh vang vọng giữa khuya, một áng mây bay qua bầu trời, một chiếc lá rụng ngoài hiên…?
Đấy là con đường về với Đạo.
Image00001.jpg
Phải làm mọi việc với cái tâm vắng bặt sự phân biệt giữa tự ngã và các pháp mới có thể bước vào nhà Như Lai (tức tánh Không). Chỉ khi ấy ta mới tìm thấy mùa xuân thường tại.Rất gần ta mà lại rất xa ta. Ta sẽ quên đi cái mùa xuân thiên nhiên ấm nồng theo thời tiết mà sẽ thấy hoa vàng không chỉ là một độ. Như người xưa từng nói:
           Bất đạp kim thời lộ
 
           Thường du kiếp ngoại xuân.
 
           Chẳng đi theo bước đương thời
 
           Mùa xuân kiếp ngoại thảnh thơi dạo hoài.                                                                                                                  
           (HT.Thích Thanh Từ dịch)
Đấy chính là mùa xuân ngoài thời gian, còn gọi là mùa xuân miên viễn:theo Thiền sư Nhất Hạnh , nếu phải dịch thì đó là the sky or the space of the ultimate, rong chơi trong bản môn, không sinh không diệt, không phiền não, như chim về với mây trời, hươu nai về đồng nội.
           Ra đi hẹn với xuân đầu
 
           Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân.(B.G)
 Một mùa xuân không lệ thuộc thời gian vì chúng ta đã lánh xa con đường danh, lợi, sắc, tài. Hãy vui trong một mùa xuân kiếp ngoại không còn ràng buộc khổ đau vì ngoại cảnh, dưới bóng vô thường. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh là “…nhận diện cái bất diệt ở trong sinh diệt, và chúng ta có thể nhận diện bằng chánh niệm”.
           Giờ phút linh thiêng
 
           Đóa bất diệt nở giữa vườn hoa sinh diệt. 
           (Khúc nguyện cầu – Nhất Hạnh)
Hãy sống từng sát-na hôm nay trong chánh niệm, nhìn đời  bằng con mắt thiền đón chào một mùa xuân miên viễn không trở trăn băn khoăn Giáp Ngọ hay Ất Mùi…
Và cùng nguyện cầu cho mười phương an lạc! Như một đoạn kinh xưa:
Đô khí như diệt độ
Chúng đạo trung tư thắng
Phật dĩ hiện đế pháp
Trí dũng năng phụng trì.
           Buông bỏ hết, đã qua bờ diệt độ
 
           Trong các con đường, đây là con đường đẹp nhất
 
           Bụt đã diễn bày pháp chân đế
           Kẻ có trí và có dũng có thể làm theo.
.


Âm lịch

Ảnh đẹp