08/01/2012 18:49 (GMT+7)
Số lượt xem: 86604
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Một đóa Phù Dung trồng trên đá của Thiền sư Đạo Giai đến bây giờ vẫn còn lung linh sắc xuân: "Ngộ sắc ngộ thinh như thạch thượng tài hoa/ Kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết".
Tạm dịch:
Gặp sắc gặp thinh như trồng hoa trên đá,
Thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt.



Ai bảo thiền sư không biết trồng hoa chứ! Các Ngài còn trồng hoa trên đá nữa kìa. Mắt thấy sắc tai nghe tiếng mà không dính là trồng hoa trên đá. Do không dính nên không cần phải gỡ. An nhàn tự tại. Đóa hoa tâm mặc sức mà sắc sắc không không giữa muôn hồng ngàn tía, biến hóa khôn lường, không đóa hoa nào dám sánh cùng. Thiền sư không để cho danh lợi làm hoen mờ đôi mắt, thấy là phủi liền. Cho nên các Ngài có đôi mắt sáng, không bị nhậm nên không cần phải đeo kính viễn kính râm. Sự vật vì thế không bị đổi màu, nhãn quan vì thế không bị chinh nghiêng.

Chúng ta cũng thích an nhàn tự tại nhưng lại sợ cô đơn, thanh đạm. Quanh quẩn bên mình có một chút sắc thinh danh lợi thì đời dường như vui hơn, khởi sắc hơn. Cho nên con người đã không ngần ngại dệt gấm thêu hoa nơi chốn trần gian lắm mộng. Con mắt là một cơ quan, chức năng của nó là để nhìn thấy. Chúng sanh nhìn thấy sanh chuyện, Bồ-tát nhìn thấy không sanh chuyện, khác nhau ở chỗ tâm phan duyên. Mắt em xanh thẳm những trời xanh… Quá! Thi nhân cho đó là hồn thu thủy, mặc sức mà bơi lội chìm nổi trên đầu sóng thức lô xô. Phật gia thì bảo điên đảo vọng tưởng, dẹp quách cho rồi. Sống bình thường dễ thấy bình an.

Tâm là tiếng Tàu, dịch qua tiếng Việt là tim. Vì là tim nên nó quyết định mạng sống của mình. Chỉ cần tim ngừng đập là chúng ta chết. Thiên hạ ai không từng đứng tim khi chạy theo tài sắc danh thực thùy, vậy mà vẫn cứ mê chạy theo nó, cho nên chết điếng liên miên. Càng theo đuổi càng mệt mỏi, dù được hay không cuối cùng cũng mất trắng, bởi vì nó có thật đâu mà được. Nắm ngũ dục trong tay chưa chắc là đã có hạnh phúc, đôi khi còn khổ hơn chưa nắm. Thử tưởng tượng ta nắm một cục nước đá trong tay, khi nó còn mình lạnh buốt, khi nó tan mình trắng tay. Thế thôi. Hợp tan là luật của duyên sinh vô thường, không phải chuyện con người định đoạt.

Thiền sư thấu đạt lẽ này nên thích trồng hoa trên đá, thưởng hoa trên đá, không trồng trên ngũ dục như chúng ta. Hoa nở thì biết hoa nở, hoa tàn biết hoa tàn chứ không tàn nở theo hoa. Ngũ dục chỉ là những thứ ảo giác chóng đổi thay, nhưng nó lại có một sức hấp dẫn kinh người. Ngẫm mà xem, cái ảo mà làm cho ta đau ta khổ mới thật vô lý, nhưng con người vẫn cảm thấy có lý. Thật ra các pháp tựu tán không làm cho chúng ta khổ, mà tâm tham ái chấp trước làm mình khổ. Tất cả các pháp trên thế gian là vô thường mà ta muốn nó còn hoài là ta đi ngược với luật vô thường. Chống lại một quy luật không thể chống là tự đưa mình vào con đường cùng, vào nỗi khổ cùng đường.

Trong kinh Kim Cang, Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nghĩa là không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Chúng ta có thể tạm diễn nghĩa thế này “không nên trụ nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con ngoan, công danh, sự nghiệp mà sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm”, được không? Nếu sống được như vậy là chúng ta đang bắt chước thiền sư trồng hoa trên đá. Thực tập chỗ này không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhưng đôi khi lại quá sức mình? Tại sao lạ vậy? Tại nghiệp lôi mạnh quá. Chúng sanh quen chạy theo những thứ ấy rồi, bây giờ bảo đừng chạy theo không phải chuyện dễ. Cần rất nhiều công phu, chịu khó sửa lại thói quen, dĩ nhiên là cực hơn chạy theo thói quen.

Không nên trụ tức là không nên kẹt. Không nên trụ sắc sanh tâm, là không nên mê thích sắc rồi sanh tâm muốn nó thuộc về mình. Người thế gian khi thấy sắc đẹp liền thích, muốn sắc đó thuộc về mình. Muốn không được thì đau khổ, thất vọng. Muốn được lại càng khổ hơn vì phải gìn giữ. Nếu nó mất đi nỗi khổ cứ thế nhân thêm lên. Đang thanh thản an nhiên, bỗng dưng chuốc khổ vào thân vì một chút sắc bên ngoài, rồi đổ thừa ngũ dục lôi. Hỏi kỹ lại, ta lôi ngũ dục hay ngũ dục lôi ta? Phật dạy nếu muốn hết khổ thì không nên trụ sắc, thanh, hương… sanh tâm. Tổ bảo gặp sắc gặp thinh như trồng hoa trên đá, cả hai đều không ngoài một diệu chỉ nhất như.

Việc tu sửa thật ra không phải quá sức chúng ta, nhưng vì mình ít làm, hoặc không quyết tâm làm, thành ra thấy khó. Chư Phật ra đời chỉ cho chúng sanh con đường thoát khổ, khả năng thoát khổ nằm trong tầm tay của chúng ta. Bởi ta tự buộc nên ta phải tự mở. Trong vận mệnh này chúng ta toàn quyền quyết định, tự hạ lệnh cho mình và tự hành lệnh một cách nghiêm chỉnh. Nếu không nghiêm chỉnh thì tự nhận phạt bằng cách thọ khổ. Có thế thôi. Ngày nào chúng ta chưa hết khổ là ngày đó chưa hành chánh lệnh quyết liệt, không nên đổ thừa cho ai, cũng không nên kêu cứu ai, mà phải tự mình cứu mình.

Chúng sanh khổ là do gá tâm vào các duyên rồi chấp kẹt nơi đó. Bây giờ đừng gá nữa, hoặc lỡ gá thì gỡ từ từ, đằng này chúng ta không gỡ mà còn cố cột thêm. Như vậy biết bao giờ mới hết khổ. Hồi chưa học Phật, chưa là Phật tử, chúng ta khổ mười bây giờ giảm bớt còn tám, sáu, năm, ba, hai, một, chứ không thể hồi trước khổ một bây giờ khổ hai ba. Như vậy không phải là Phật tử.

Tổ dạy “Trồng hoa trên đá” là làm tất cả việc mà không dính, tức là làm trong tâm tỉnh giác. Muốn thế phải có đạo lực rất mạnh. Nếu tâm không tỉnh chúng ta sẽ tạo nghiệp, trước tiên là tạo nghiệp trong ý tưởng. Một khi ý đã dấy rồi mà không có sự tỉnh giác, thì sẽ dẫn tới miệng, miệng nói chưa đủ sẽ dẫn tới tay chân. Thế là tam giới mở ra, ba cõi sáu đường đồng hiện bày. Người tỉnh giác, an ổn trong cái thấy nghe thì đâu có việc gì. Nhìn mắt em chỉ thấy mắt em, chứ đừng thêm một trời xanh thăm thẳm thì không chói mắt. Chỉ vậy thôi.

Căn cảnh không dính nhau, đó là trồng hoa trên đá, là đóa Phù Dung mãn khai của thiền sư năm xưa hiến tặng cho cuộc đời trong vạn kỷ niên xuân.
Hạnh Chiếu

http://giacngo.com.vn/phathoc/luockhao/2012/01/08/7BF00A/


Âm lịch

Ảnh đẹp