TẾT XƯA


Diệu Liên Lý Thu Linh
11/02/2018 18:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 1992
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

                       
                                                                                   

Tết Xưa


   Với tuổi thơ, Tết bao giờ cũng là những ngày tuyệt vời nhất trong năm.  Nhất là ở một tỉnh nhỏ như quê tôi, chẳng có gì để giải trí ngoài hai cái rạp hát nhỏ.  Một rạp chuyên hát tuồng Ấn Độ mà mỗi lần đi xem, em gái tôi đều khóc nức nở như bị ai đánh.  Một rạp gần ga xe lửa mới cất sau, tối tân hơn, có ghế nệm và hay chiếu phim cao bồi cởi ngựa rượt đuổi mấy người da đỏ chạy trối chết.  Xem ra chúng tôi chỉ có chửng ấy cái để giáỉ trí suốt năm dài, nên Tết là một sự kiện mà anh chị em chúng tôi luôn đợi chờ. 

   Gần Tết là thấy vui rồi.  Sự sửa soạn chờ đón một điều mình ước mơ chắc chắn sẽ đến là điều hạnh phúc hơn cả. Má tôi còn làm chúng tôi nôn nao thêm với sự chuẩn bị của bà.  Tám đứa con, tiền bạc thì tỉ lệ nghịch với số con, nên má phải lên kế hoạch đàng hoàng.  Trước hết má soạn coi quần áo chúng tôi còn gì, thiếu gì -kiểu người ta kiểm kê hàng hóa cuối năm như bây giờ.  Quần áo mấy đứa lớn cái nào còn ‘mơi mới’ là được má tuyển dụng liền.  Và như thế có nghĩa là sẽ có đứa không được có đồ mới.  Đứa trẻ thiếu may mắn đó sẽ được má tôi an ủi, “Cũ người mới ta.  Con mặc ra đường có ai biết đâu.  Còn mới lắm.  Để dành tiền, Tết má lì xì nhiều hơn cho...”  Là đứa đứng thứ năm trong gia đình, tôi thường phải lo không có áo mới ăn tết.  Tôi luôn ‘vái’ trời Phật cho mình được có áo mới.  Đúng là tuổi thơ, những ao ước sao mà bé nhỏ vô cùng.  Mà hạnh phúc cũng đâu thua kém chi những ước mơ to lớn hơn sau này như được bằng cầp, có xe hơi... 

   Không những xài đồ ‘sida’, má tôi còn lo trừ hao cho bao mùa Tết sặp tới nữa, nên bà dặn dò mấy cô thợ may trong xóm: “Cô may rồng rộng để năm tới em nó cũng còn mặc được.  Tết sau khỏi sắm.  Tết lo cái quần, cái áo cho tụi nó mệt lắm...”  May xong, mặc thử đứa nào cũng phụng phịu buồn.  Có nhiều cái áo mặc đến ba cái Tết mới thấy vừa, thì áo đã cũ.  Sau này khi anh Hai tôi đã có công ăn việc làm, nhà khá hơn, má tôi cũng không quen xa xỉ.  Khi nghe cô hàng vải khuyến mãi: “Cắt một lúc ba áo thì lợi hơn bác à”.  Má tôi ừ liền.  Kết cục là ba đứa con gái lúc nào cũng đỏ chót hoặc xanh lè, hoặc là một đống bông di động, ra đường ai cũng biết là chị em một nhà.  Không biết có lợi hay không nhưng đơn điệu và bị trêu chọc là điều chắc chắn. 

   Đi chợ Tết cũng là một thú vui.  Tôi luôn giành đi theo chị Tư để xách giỏ phụ, vì ngày Tết không thể đi một giỏ được, ít nhất là hai hay ba.  Chị tôi lựa hàng, trả giá hay làm gì –mặc, tôi tha hồ ngó quanh quất ngắm người qua kẻ lại.  Những dãy nhà che tạm dưa chất đống, xanh rờn, mấy quả dưa bổ làm mặt, đỏ au.  Các gian hàng bánh mứt phất phới dây đủ màu sắc.  Mà cũng lạ, hằng ngày chợ vắng, bỗng nhiên mấy ngày Tết thì người mua đông đã đành mà người bán cũng thêm ra, như thể họ chỉ  dành những sản phẩm của mình cho ngày Tết.  Ai cũng có việc phải mua sắm.  Lúc nào thì nhịn được chứ tết thì dù nghèo cũng phải ráng có cặp dưa chưng trên bàn thờ, dăm miếng mứt để đãi bà con.  Ôi sao mà vui!  Tôi có cảm tưởng như bao nhiêu người lớn, nhỏ đều hóa trẻ con, chơi chung một trò chơi có tên là ‘ăn Tết’.

   Nhưng Tết không chỉ có ăn, còn có bao nhiêu việc phải làm.  Quét màng nhện.  Rửa nhà.  Chùi lư.  Lau bàn thờ, Giặt mền, phơi gối.  Lặt kiệu.  Bào hành...  Tôi không hiểu tại sao người ta cứ dồn hết mọi việc vào mấy ngày Tết để bù đầu với công việc.  Má tôi những ngày ấy giống như một nữ tướng.  Bà sắp xếp tất cả.  Chúng tôi từ lớn đến bé đều có việc của mình, đúng vai của mình.  Đứa lớn đi chợ, làm bếp, mấy đứa chính giữa làm thợ sai vặt.  Nhỏ nhất thì chỉ việc ngồi im trên phản, rút chân lên để mấy anh chị khác rửa nhà.  Đi chợ thì mua bao nhiêu ký thịt, bao nhiêu mứt, bao nhiêu nấm, tất cả khít khao với số tiền trong chiếc túi áo có gài kim gút cẩn thận của má.  Nói theo ngôn ngữ hiện đại là má tôi giống như cái máy tính đang xả ‘output’, và đầu ra đầu vào giống như nhau.  Mà những ngày ấy trẻ con ngoan ngoản làm sao.  Má nói gì, chúng tôi răm rắp làm theo, không hề dám hỏi tại sao, không hề chậm trễ khi thi hành.  Chúng tôi chạy tốc độ theo âm điệu giọng nói của má để đến chiều 30 Tết, khoảng ba, bốn giờ chiều, sau khi cúng rước ông bà là bắt qua lịch kiêng cữ của má tôi: Trong ba ngày tết, không quét nhà.  Không làm bể đồ.  Không gây gỗ.  Không khóc lóc, xị mặt...  Má nói, nếu không kiêng cữ, việc xui rủi gì lỡ xảy ra thí sẽ xảy ra suốt năm.  Chúng tôi sợ phải bị đòn suốt năm, nên không dám làm gì cho má giận trong mấy ngày Tết. 

   Đêm ba mươi có ai mà ngủ được ngoài mấy đứa con nít.  Mấy đứa lớn hoặc đi chùa với má, hoặc bắt ghế ngồi trước ngõ nghe pháo nổ đi đùng tứ nhà này qua nhà khác.  Đúng giao thừa là giây phút rộn ràng nhất khi đồng loạt pháo nổ vang rần như trống trận.  Tôi thường ao ước cho giây phút đó được kéo dài mãi mãi, vì qua đi giây phút ấy thì dường như niềm vui của tôi cũng vụt tắt.  Có khi buồn ngủ díu cả mắt, nhưng tôi cũng không dám đi ngủ, tiếc mùa xuân sắp qua.  Nhưng dẫu có ngủ cũng ngủ chập chờn, ngóng tiếng má tôi đi chùa về là choàng dậy đi rửa mặt, thay đồ mới để xếp hàng chúc Tết má.  Những bộ quần áo được ủi láng cóng treo trên dây xào, được nhẹ nhàng kéo xuống, mặc vào.   Mùi vải mới, hơi xuân lành lạnh, làm mát cả da thịt, khiến mấy đứa trẻ tỉnh cả ngủ, xô đầy nhau cười khúc khích mãi.  Má tôi sẽ ngồi lắng nghe từng lời chúc, miệng mỉm cười nhẹ, hình như có đượm nét buồn, rồi rút từng từng bao lì xì đỏ đưa tận tay mỗi đứa với lời dặn dò, năm mới thêm tuổi, phải ngoan ngoản, lễ phép, chăm học, siêng năng, ý tứ, vân vân và vân vân.

   Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi chúc Tết họ hàng, bà con láng giếng.  Đi tới đâu cũng chúc người ta sống lâu trăm tuổi, làm ăn phát đạt để được nhận bao lì xì.  Cả năm chỉ có mấy ngày này là lũ trẻ chúng tôi được giữ tiền riêng, nên ai cũng gói kỹ vào khăn tay, rồi bỏ túi, cài kim gút kỹ càng.  Chốc chốc lại lấy ra đếm đi, đếm lại, như thể nếu không dòm ngó, chúng sẽ bay hơi đi mất.

   Chắc ai cũng có những kỷ niệm về Tết như thế.  Đâu có gì mới lạ để nói.  Vâng, nếu tôi không từng có những năm tháng thiếu vắng không khí ngày Tết quê nhà, chắc tôi cũng chẳng bần thần mỗi khi nhớ lại những ngày Tết xưa.  Nhưng đã có hơn 20 mùa xuân, tôi không được thực sự ăn Tết, không được hít thở không khí Tết ở quê nhà.  Ngày Tết ở quê người, lúc nào tôi cũng cảm thấy quạnh quẻ, hiu hắt, dầu sau này có đông bà con qua định cư, cũng tổ chức nhiều hội chơi xuân đình đám, cũng áo dài thướt tha, cũng nhan sắc chuốt trao, nhưng tất cả chỉ đóng khung vào một không gian chật hẹp nào đó.  Ra khỏi chỗ ấy, người chung quanh sẽ nhìn ta bằng con mắt lạ lẫm.  Ta sẽ có cảm giác của người đóng tuồng, vừa vào một vai tuồng nào đó, rồi lại bước ra cuộc đời thực.  Chúng ta có thể có tất cả ở quê người, nhưng cái không khí Tết ở quê hương có phả được hơi xuân đến những miền băng giá ấy?  Cái vui trọn vẹn là cái vui chung với mọi người.  Cái vui trọn vẹn là cái vui được ăn Tết trên quê hương của mình!

    Diệu Liên Lý Thu Linh
Tháng 2/ 1997


Âm lịch

Ảnh đẹp