23/01/2014 20:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 1371
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong những ngày này người dân nên ý thức để giữ gìn nếp sống văn hóa một cách tích cực. Không để những tình trạng phóng uế, bừa bãi, làm mất cảnh quan môi trường, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa đã được lưu truyền từ xa xưa đến nay. 


Sự tích ngày ông Công ông Táo

Phong tục thờ cúng ông Công, ông Táo đã có từ bao đời nay. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, khi không khí mùa xuân đang náo nức đổ về trên mọi miền Tổ quốc, nhân dân ta lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời; đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam về ngày lễ ông Công, ông Táo được lưu truyền trong dân gian. 

Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất đai phong thổ.

Ở nước ta, sự tích Táo Quân là một hiện tượng văn hóa được lưu truyền cho đến ngày nay. Do đó có cũng có sự khác biệt về tình tiết so với truyền thuyết Táo quân Trung Quốc.

Nội dung chính được tóm tắt như sau:

“Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không có con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên ông Trời. Ông Trời thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:

- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.

- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.”

Phong tục thờ cúng

Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ Táo quân được đặt ở nơi trang nghiêm nhất, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu Trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công".

Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

Một lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng khi dâng lên ông Táo là cá Chép. Theo truyền thuyết kể lại rằng: “Cá Chép là một loại động vật sống ở trên Thiên đình. Khi xưa do phạm vào giới cấm của Thiên đình nên Ngọc Hoàng đã đày xuống trần gian để tu hành chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra. Sau khi tu hành đắc thành chính quả, chính giác thì cá Chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên trời. 

Còn Táo quân là do ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người. Để mỗi năm cứ vào ngày 23 hàng năm lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.

img_29177_jpg.jpg

 
Đằng sau những tín ngưỡng

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp người dân từ thành thị đến nông thôn lại nô nức đi chợ sắm lễ và  mua cá Chép về cúng tiễn ông Công, ông Táo về Trời. Đó là một nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa luôn được nhân dân ta tôn trọng, giữ gìn và phát huy, và đó cũng là một phong tục không thể thiếu được vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Những túi cá sáng nay được người dân mua về với giá 25 hoặc 30 nghìn đồng một túi. Khi làm lễ xong cá được thả về các ao, hồ, sông, suối; cá được những người giao bán vớt lên cho vào túi bóng và bơm ô xy vào rồi bán ra thị trường. Nằm trong túi mấy tiếng đồng hồ do quá trình vận chuyển cá cũng bị va đập và trớt vảy. Khi thả cá về nguồn nước sạch thì cá còn có khả năng sống sót, nhưng nếu thả vào những nguồn nước bị ô nhiễm thì cá không có khả năng sống là bao.

Bên cạnh đó cảnh người dân thả cá và ném túi bóng bừa bãi làm ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa và ô nhiểm môi trường trầm trọng. Người đứng trên cầu thả cá, dưới dòng sông một số người lại dăng lưới và đánh kích để bắt cá trở lại. Như vậy có những chú cá may mắn thì sống xót, được đưa ông Táo về với Thiên đình trọn vẹn. 

Trong những ngày này người dân nên ý thức để giữ gìn nếp sống văn hóa một cách tích cực. Không để những tình trạng phóng uế, bừa bãi, làm mất cảnh quan môi trường, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa đã được lưu truyền từ xa xưa đến nay. 

Nguyễn Văn Tuấn

Nguon: http://phatgiao.org.vn/phong-tuc-tap-quan/201401/Su-tich-ong-Cong-ong-Tao-va-hanh-dong-cua-ban-13459/


Âm lịch

Ảnh đẹp