Giấc mơ
dẫn tôi đi thêm một phân cảnh khác là những cơn mưa lất phất, cũng là
tiếng nhạc xuân và người quen quanh xóm sang nhà nhau để cắn hột dưa,
thắp nhang lên bàn thờ ông bà và chúc tụng, những lời chúc hanh thông,
thành đạt, sức khỏe, làm ăn phát tài phát lợi… được gửi gắm bằng sự chân
thành của người quê làm ấm lòng ta cả trong giấc mơ.
Rồi hình
ảnh mẹ thấp thoáng trong “khung hình” của giấc mơ ấy chính là lúc mẹ lui
cui sửa lại hàng rào chè tàu, cắt gọn thiệt đẹp, tiếng cuốc xẻng, tiếng
nói cười của bà con khu xóm đi giẫy cỏ con đường quê uốn lượn sớm mai. Ở
đó, tôi nghe có tiếng mợ Bảy, dì Ba đi chợ, hỏi nhau sắm tết đủ chưa?
Biết nhiêu là đủ, khéo co thì ấm, mẹ tôi góp chuyện rồi bảo “Từ 20 tết
tới chợ 30, em đi hai lần, bán mấy nải chuối, mớ rau, mua nhang đèn là
chính, còn bánh trái thì làm hết rồi, mua ít ít thôi”. Bỗng, những hình
ảnh mẹ tôi ngồi tỉ mẩn với mấy món bánh in, bánh tổ, bánh tét… lại hiện
về vẹn nguyên trong giấc mơ đó.
Năm nào cũng vậy, truyền thống
từ lâu, tôi nhớ hồi bà tôi còn, nhà tôi vẫn thường lục tục chuẩn bị tết
từ những ngày 20 tháng chạp. Phân công người đi xay bột bánh in, bánh
tổ, người đi cắt lá chuối, còn người thì lau dọn bàn thờ để đón ông bà
về trong đêm cuối năm bằng một lễ cúng rước ông bà. Đèn dầu được chong
suốt trong ba ngày tết để ông bà ở chơi với con cháu cho ấm cúng.
Quan
niệm ông bà chết rồi nghĩa là đang ở “thế giới bên kia” vẫn thường về
chơi với con cháu trong những ngày giỗ chạp, tết nhứt cũng là quan niệm
nhân văn làm ấm lòng người. Để, rủi có mất người thân ta vẫn không quá
hụt hẫng vì ông bà mình cũng sống ở đâu đó mà mình không thấy, vẫn nhớ
con cháu mà về chơi, nhất là dịp tết với ý nghĩa sum vầy. Hai từ sum vầy
gợi nhắc những người đi xa quay về nhà nhưng chắc cũng mang ý nghĩa tổ
tiên, ông bà về chơi với con cháu sau những ngày-tháng “đi xa”.
Tôi
miên man nghĩ, và miên man chạy theo giấc mơ, thấy mình cũng đang làm
“nghĩa vụ” quét ván nhện trên trần nhà và lau dọn, dán giấy đỏ lên bàn
thờ, chưng mâm trái cây, cũng là ngũ quả nhưng toàn là trái cây nhà mẹ
trồng. Chỉ có con trai mới được ưu tiên làm công việc ấy vì người ở quê
vẫn quan niệm là phụ nữ… ô uế hơn, nên leo lên bàn thờ quét dọn thì
không nên, trừ khi bất đắc dĩ, nhà không có con trai.
Bỗng giấc
mơ dắt dẫn tôi tới những nơi khác, quen quen, đó là nơi tôi đã từng đi
qua, giữa miền cao nguyên lành lạnh ngày cuối năm. Ở đó, hình ảnh mấy
đứa trẻ người dân tộc lấm lem bụi đất đỏ, mũi dải chảy lòng thòng nhìn
ngắm đám đông người lạ một cách dò xét. Đám đông ấy toàn những người
trẻ, sinh viên có, người đi làm có, mỗi người một quê nhưng cùng về cư
ngụ, mưu sinh, học hành ở Sài thành và chung cùng khát khao chia sẻ.
Những chuyến hàng lên Tây nguyên mùa tết được vận động và vận chuyển chu
đáo.
Ai cũng tươi vui, thân thiện, đến nơi là xắn tay vào bưng
bê quà bánh, áo ấm, gạo, mì, nước tương… rồi gửi trao từng món quà, nhóm
mấy đứa trẻ lấm lem ấy lại và vệ sinh, cắt tóc để cho mấy đứa đón tết
đẹp hơn. Những chiếc áo ấm, áo thun, áo đầm… trẻ em được phát, dù là
hàng “si” nhưng thật mới, thật tinh tươm đối với những đứa trẻ miền cao
nguyên đó. Khi tết tới, những bạn bè ta vẫn thường tham gia hoặc chủ
động để đóng góp những phần tiền tiết kiệm nho nhỏ, giữa thời buổi “gạo
châu củi quế” như hiện nay là một nghĩa cử mang tên mang tết tới người
nghèo. Ấm lòng giữa giấc mơ.
Tỉnh giấc, tôi vẫn còn giữ nụ cười
trên môi. Có những hình ảnh đẹp là của quá khứ ám ảnh trong miền nhớ và
đi vào giấc mơ, nay không còn nữa, như chuyện làm bánh tết ở quê, chuyện
chợ sớm những ngày cận tết với nải chuối đèo trên quang gánh… bởi ở quê
bây chừ đón tết cũng được “công nghiệp hóa”. Để dành tiền rồi mua hết
bánh trái làm sẵn, ít ai còn tỉ mẩn gói bánh, in bánh, nấu bánh… cho “có
không khí” tết như xưa.
Một chút chạnh lòng vì sự rớt rơi những
hình ảnh quen thân, gần gụi thuở bé nhưng cũng kịp vui vì giữa dòng đời
ngược xuôi, mưu sinh khó khăn đó còn có những người trẻ biết mang mùa
xuân hiến tặng, mang niềm vui, nụ cười gửi trao…
L.Đ.L
Áo Trắng xuân Quý Tỵ 2013, ra ngày 24-1-2013