11/01/2012 11:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 110032
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trời đất có bốn mùa luân chuyển, xuân hạ thu đông. Con người cũng thế, có bốn mùa riêng, sinh lão bệnh tử, vận hành theo dòng nhân duyên tương tục, hết sanh lại diệt, hết diệt lại sanh. Vì thế không có gì mất đi, cũng không có gì còn mãi. Đời người chỉ là hạt bụi trong cõi hằng sa, có nghĩa lý gì đâu?


 Do vậy, nếu biết sống trong mỗi phút giây hiện hữu của đời mình, bằng trái tim chung nhịp đập với tha nhân, thì mùa xuân là bất tận đối với thiên nhiên và nguồn tâm là bất diệt đối với dòng sinh diệt huyễn mộng.

Trên ý nghĩa đó, tại sao chúng ta không thể tương kính nhau mà sống, đến với nhau bằng tình thương vô nhiễm vô ưu. Quên hết đi những thu úa đông tàn ở trong lòng, để hương xuân mãi mãi vẫn thanh tân. Phật bảo niềm an vui chỉ có khi tâm chúng ta chấm dứt phiền não khổ đau. Tâm xuân chính là một mùa xuân miên viễn an vui, vì không còn bóng dáng khách trần phiền não nhiễu loạn thân tâm. Vì thế để có một mùa xuân đúng nghĩa, không gì hơn là chúng ta dẹp sạch hết những mầm mống gây đau khổ cho mình, cho người. Muốn thế, chỉ có một con đường duy nhất, đó là nỗ lực tu tập để nhận và tin cho được tâm chân thật ở ngay nơi chính mình.

Tam Tổ Tăng Xán trong bài “Tín Tâm Minh” đã dạy rất rõ về việc tin tâm mình, tức tin vào tâm chân thật không hai của chúng ta. Nó ở ngay đây, trong từng hơi thở, từng ánh mắt, nụ cười tinh khôi. Ai tin được tâm đó thì hiện tiền sống Phật, làm việc Phật, hít thở Phật, việc gì cũng là việc Phật. Từng bước đi nở hoa sen, ở đâu cũng là cõi tịnh lạc, lúc nào cũng thấy một trời xuân tươi thắm.

Ngày xưa thiền sư Linh Hựu khi được sư phụ đưa về núi Quy, ngài thấy chung quanh hoang dã, là hang động của cọp beo rắn rít rất dễ sợ, mọi người chẳng ai dám lai vãng đến đây. Nghĩ rằng cứ ở như vậy tu sẽ không làm lợi ích nhiều, nên một hôm ngài đi lần xuống núi, với tâm cả quyết Ngài nói rằng: “Nếu ta có duyên với nơi này thì xin các loài thú dữ hãy nhường chỗ cho lão tăng mở đạo tràng, tiếp độ tứ chúng. Nếu không đủ duyên hoằng pháp lợi sinh thì ta sẽ chống gậy đi nơi khác”. Nói xong, cọp beo rắn độc v.v… thảy đều biến mất hết. Từ đó ngài trở thành Tổ của núi Quy, dưới hội lúc nào cũng có trên dưới cả 1.500 chúng đến tham học. Đó là do tâm cả quyết mà thành tựu được vậy. Nếu buổi đầu Tổ Quy Sơn nhút nhát, sợ chết, sợ cọp, sợ beo, không tin chắc vào tâm chân thật của mình, nhất định không làm được việc ấy. Người tu phải có lòng tin mãnh liệt mới làm được việc lớn.

Chúng ta trước nhất phải tự tin tâm mình. Tự tin tâm mình rồi thì hoàn cảnh chung quanh sẽ quy thuận theo tâm chân thật ấy. Ngược lại tâm ta không thanh tịnh, ngược xuôi vọng động mãi thì bị các pháp, các cảnh chung quanh xoay chuyển, chúng cuốn hút khiến ta mất mình mà không tự hay biết. Từ đó việc tu hành không thể có kết quả như sở nguyện. Điều này chúng ta phải suy nghĩ và có định hướng cho mình thật dứt khoát, rõ ràng trên con đường tu học.

Với người tu thiền, mùa xuân là tâm xuân. Tâm xuân thì miên viễn, sáng tỏ, thông suốt vô ngại. Người sống với tâm xuân thì các giác quan luôn sáng tỏ, rõ ràng, tinh nhuệ, không đóng cứng ở bất cứ một giác quan nào. Ngồi thiền mà lấy bông gòn nhét lỗ tai lại thì không đúng với thiền tông. Phải ngay nơi các căn mà sống, mà nhận được việc của mình. Ngược lại, ngay đó không nhận, cứ lăng xăng ngược xuôi theo những hình bóng bên ngoài thì ngàn đời không vào cửa được. Cho nên các thiền sư nói ăn cơm, mặc áo, đi nghỉ là thiền. Phải biết nói đến thiền tức là nói đến cái tự mình, nói cái ngay nơi đây, rất gần gũi, rất thân quen, chứ không hề xa xôi thâm viễn ở núi cao rừng sâu.

Đạo Phật đi vào cuộc đời như một nhiệm vụ thiêng liêng, đưa tất cả chúng sanh từ bờ mê lên bến giác, chuyển hóa cõi Ta bà thành cõi nước tịnh lạc. Đức Phật đâu không từng nói “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm đã thanh tịnh thì đâu đâu cũng trang nghiêm tuấn nhã. Tâm nếu nhiễm ô thì dù ẩn thân nơi hang sâu núi thẳm cũng chỉ là nhốt mình trong mộng tưởng mà thôi. Thế cho nên Quốc sư Phù Vân đã cầm tay vua Trần Thái Tông nói rất thật lòng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật. Nay Bệ Hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài”. Để từ đó vua Trần Thái Tông bước lên ngai vàng với một tâm Phật ngự giữa cuộc đời bể dâu.

Đức Phật từng nhắc các đệ tử “Điều duy nhất ta có thể trao cho các ông là sự thúc đẩy niềm khát khao trở nên tỉnh sáng nhận biết, để sống cuộc sống của chính mình một cách có ý thức”. Phật giáo là tôn giáo không xây dựng trên uy quyền, mà xây dựng bằng trí tuệ và từ bi. Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy giác ngộ làm mục đích, lấy giải thoát làm chỗ cứu cánh viên mãn và lấy từ bi làm hạnh nguyện. Người học Phật, tu Phật, vì thế càng trở nên sáng suốt hơn, dũng mãnh hơn trong thực tại.

Đạo Phật với đời sống con người từ ngàn xưa mãi tới bây giờ luôn gắn bó chân thiết. Đạo hòa vào đời để đạo mãi mãi làm tươi đẹp cho đời. Đời tựa vào đạo để đời luôn luôn thăng hoa đến đỉnh cao của đạo. Sự có mặt và tồn tại của Phật giáo trên nhân gian đã nói lên thật trọn vẹn ý nghĩa sức sống đó. Sức sống của nguồn tâm bất tận. Tâm xuân vượt qua mất còn, hoàn thành bất diệt, mặc cho trời đất bốn mùa thay đổi, vận thế ngửa nghiêng.

 

Xuân vì thế bao giờ mà chẳng là xuân.

HT Thích Nhật Quang

http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thuat/xuan-va-phat-di-lac/3094-xuan-trong-long-nguoi-con-phat.html


Âm lịch

Ảnh đẹp