Chúng con có quyền hy vọng và luôn cố gắng, bằng khả năng hạn hẹp nhỏ bé nhưng nhiệt huyết rực cháy của mình, thực hiện chương trình "Hoa hồng xuống phố nhân mùa Vu Lan" này, để mỗi năm được phát triển hơn.
Chương trình HOA HỒNG XUỐNG PHỐ tại thành phố Nha Trang năm nay, tiếp nối bước đầu triển khai năm ngoái 2011. May mắn, nhờ mạng truyền thông facebook, chương trình đã được các bạn trẻ hưởng ứng thực hiện ở các thành phố lớn: Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Bình... Có bạn còn biết tùy cơ thay đổi thành "Hoa hồng công sở", "Hoa hồng xuống làng", v.v.
Không dám nhận mình là "tác giả" hay là "người chủ xướng" của sự kiện này như một số bạn sau khi tham gia chương trình đã viết cảm xúc, bởi vì chúng tôi biết trước đây lâu rồi, hoặc ở nhiều địa phương, các chùa có âm thầm tổ chức đưa hoa hồng ra khỏi phạm vi ngôi chùa, nhưng vì chưa có truyền thông mạnh, hoặc không duy trì đều nên bị gián đoạn và chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, với những gì đã làm, trực tiếp điều hành kế hoạch lâu dài này, chúng tôi nghĩ mình cũng nên ghi lại đôi dòng chia sẻ, để mong muốn mở rộng tầm liên kết, thực hiện tốt hơn trong những năm sau.
So với năm ngoái, việc thực hiện Hoa hồng xuống phố năm nay rõ ràng là có biến chuyển tốt. Từ phạm vi một gia đình bé nhỏ đã được sự tham gia của nhiều hơn một đoàn thể. Từ phạm vi một thành phố nhỏ miền trung đã được sự hưởng ứng của các bạn Phật tử trẻ nơi các thành phố lớn. Điều này cho thấy rằng, công tác đưa Hoa hồng xuống phố nhân mùa Vu Lan là một sự kiện văn hóa Phật giáo được số đông chấp nhận, được nhiều Phật tử tán thành, được các bạn trẻ yêu thích và sẵn sàng tham gia một cách nhiệt tình.
Chúng tôi không phải là nhà tổ chức sự kiện tốt, nên rất mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm của các bậc cao niên, các bạn trẻ Phật tử. Nhờ mạng internet, nhớ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, chúng ta dễ bắt nhịp hơn, sự kiện được lan tỏa nhiều hơn. Bằng chứng cho thấy, như đợt vừa rồi, trước khi tiến hành sự kiện vài ngày, chúng tôi đã tổ chức tọa đàm cho sự kiện này. Qua tọa đàm ấy, nhờ đài truyền hình đưa tin, nhờ báo chí thông tri, các đoàn nhóm thực hiện sẽ dễ dàng thống nhất, có thêm niềm tin và sức mạnh ý chí để thực hiện; quần chúng thì cũng có cơ hội được nắm bắt trước tình hình, và có ý niệm về những gì sắp diễn ra.
Nói vậy, cũng không phải hoàn toàn thuận lợi trong việc mở rộng hoạt động. Một số bạn trẻ còn có ý niệm hơi cục bộ, mong muốn sự việc diễn ra theo trạng thái bất ngờ. Một số khác thì chưa thấy rõ được ý nghĩa thiêng liêng quan trọng của sự kiện này, khác với những sự kiện thông thường. Bạn đọc phattuvietnam.net thấy thông tin Hoa hồng xuống phố năm nay diễn ra ở "các tỉnh thành", nói thật ra, ở các tỉnh thành ấy cũng chỉ có những nhóm nhỏ, hưởng ứng tự phát theo sự kiện trên facebook, chứ chưa phải tổ chức có kế hoạch chỉ đạo từ Giáo hội hay các tự viện nơi các tỉnh thành đó.
Phản hồi từ các comment của bài viết "Hoa hồng xuống phố - Nha Trang", một số vị tán thán ca ngợi, một số vị tiếc nuối vì không được tham gia, cũng có một số góp ý mà chúng tôi rất trân trọng. Ví dụ như comment của nick HaBa ThienLoi: "Nếu các bạn mặc đồng phục đồng loạt hết thì rất dễ gây ấn tượng. Còn lẻ loi vài bạn trông rất "nổi". Việc này mà để Gia Đình Phật Tử làm thì hay hơn. Họ có đồng phục rất dễ nhận, nhất là các em Oanh Vũ mà đi gắn hoa hồng giữa phố thì ý nghĩa được nhân đôi." Xin chia sẻ đôi dòng quanh ý kiến của bạn:
Thứ nhất, ở Nha Trang có chủ trương cho các đoàn mặc đồng phục của mình, và đồng phục ấy cũng có tuổi thọ khá lâu (hơn 20 năm), tuy không bằng tuổi thọ của chiếc áo lam GĐPT cao quý, nhưng cũng không đến nỗi chỉ vì mục đích làm "nổi" như bạn nghĩ đâu. Trong việc thực hiện đồng phục, chúng tôi hết sức thông thoáng, để các đoàn thể, các gia đình tự do phát huy chiếc áo của gia đình mình trong trạng huống "trăm hoa đua nở". Dĩ nhiên, trăm chiếc hoa ấy sẽ phải đồng nhau tỏa hương hiếu hạnh, đồng nhau thể hiện hình thức của mình theo tổ chức. Bên cạnh đó, chúng ta nên để sự kiện này phát triển theo hướng văn hóa dân tộc, không giới hạn trong phạm vi Phật giáo, nghĩa là ai cũng tham gia được, như đoàn thanh niên, sinh viên, học sinh... vì ai mà chẳng có cha mẹ, ai chẳng muốn phổ trương đạo hiếu đến với mọi người?
Bạn bảo "việc này mà để Gia Đình Phật Tử làm thì hay hơn". Chúng tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng chỉ ở vế trước, còn "hay hơn" thì có lẽ chưa chắc chắn lắm. Thực tế nó thế này: Khi tổ chức tọa đàm, điện thoại mời một số huynh trưởng tham gia, thì chúng tôi nhận ngay câu trả lời: "Chờ ý kiến chỉ đạo của ban Huynh trưởng." Nghĩa là, mọi hoạt động gì liên quan đến GĐPT, phải chờ có sự chỉ đạo của cấp trên, chứ quý thầy kêu gọi thì phải nói rằng rất khó. Tuân thủ tổ chức là điều đáng ca ngợi, nhưng chúng tôi đâu phải là người lãnh đạo tổ chức ấy. Cũng may là ngược lại, có một số anh chị trưởng lại rất năng nổ, tự quyết tham gia, như trường hợp anh Lã Thành Đạt dẫn nhóm cài hoa hồng của huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Ý kiến của bạn, tôi nghĩ là sẽ thực hiện được, khi mà giáo hội chủ trương, giao phó cho Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương chỉ đạo, rồi ban hướng dẫn GĐPT toàn quốc thống nhất thực hiện chỉ đạo của GH, thì lúc bấy giờ, người thực hiện hoa hồng xuống phố sẽ tràn ngập những chiếc áo lam thân thương. Bản thân chúng tôi mong ước điều đó từ những ngày đầu thực hiện bạn ạ.
Còn một vấn đề cuối, bạn bảo để các em Oanh vũ đi thực hiện là một ý kiến không hợp với thực tế. Oanh vũ là lứa tuổi non nớt, cần sự bảo bọc chở che của các anh chị trưởng, và các phụ huynh chưa chắc đồng ý để các bé mầm non con mình đi ra đường cả ngày trời, cũng có thể phải vào quán xá, chợ chiền, v.v. Đợt rồi, nhóm các bạn Tuệ Uyển Nha Trang khi tham gia, phải được bố mẹ đồng ý, nhất là các bạn đang học cấp 3. Trường hợp sinh viên thì có thể tự quyết, vì đã đủ khả năng trưởng thành, tham gia tình nguyện. Xin chia sẻ với bạn một quan điểm được bảo trì, thực hiện việc này chỉ có thành phần thanh, thiếu niên mới phù hợp thưa Hà bá - thiên lôi (nick không dấu, người viết đoán thế, biết có đúng chăng).
Dù sao, cũng rất cảm ơn ý kiến của bạn cũng như nhiều sự góp ý khác, trên các diễn đàn khác. Mong rằng, sự kiện này được nhiều người, nhiều tổ chức, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm hơn.
Kính bạch chư tôn đức! Chúng con biết công tác lãnh đạo giáo hội còn trăm công ngàn việc, chứ không thời giờ để lo đến mấy việc nhỏ nhặt này. Tuy nhiên, nếu được, mong các ngài chỉ đạo cho ban Văn hóa, hay có thể là ban Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, ... lưu tâm nhiều hơn, có văn bản chỉ đạo xuống các cấp ban trị sự, ban đại diện, thông tư về các tự viện, chỉ cần mỗi chùa có vài em thanh thiếu Phật tử xuống phố với vài trăm, hay vài nghìn hoa hồng, là cũng đủ rộ lên một không khí lễ hội Vu Lan vô cùng ấn tượng trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu, thấm đẫm văn hóa Á Đông này.
Không biết rồi ý tưởng và mong muốn này của chúng con có được truyền đến với các Ngài tôn túc trưởng thượng hay không. Tuy nhiên, chúng con có quyền hy vọng. Và dù thế nào đi nữa, thì chúng con cũng vẫn cố gắng, bằng khả năng hạn hẹp nhỏ bé nhưng nhiệt huyết rực cháy của mình, thực hiện chương trình "Hoa hồng xuống phố nhân mùa Vu Lan" này, mỗi năm một phát triển hơn.
Thành tâm cầu nguyện tất cả được hưởng một mùa Vu Lan đầy niềm vui, hạnh phúc. Cầu chúc đóa hồng Hiếu hạnh luôn đỏ thắm trên ngực áo của những người con Phật trong ngày lễ Vu Lan này, và mãi mãi về sau.
T.Đ.Q.