Không yêu thương cha mẹ thì mình còn có thể thương ai? Tôi
vẫn tự hỏi như thế khi có ai đó bảo “tớ ghét ba mẹ mình, vì…”. Vì bất cứ lý do
gì thì “ghét” (nặng nề hơn không thương) cũng đều là mất gốc, là thiếu gốc rễ
để làm người và để nói thương yêu ai khác.
Bạn trẻ tụng kinh Vu lan mùa Báo hiếu - Ảnh minh họa
Thầy Thích Thanh Từ, trong nhiều bài giảng của mình, ngài đã
nói, người Việt mình rất từ bi, có tình thương dạt dào lắm. Bằng chứng chính
là… xem cải lương, xem phim thì hầu hết đều mủi lòng, khóc. Nhưng, người Việt
lại thiếu sự nhẫn nhịn để yêu thương một cách đúng đắn, trọn vẹn.
Nhẫn để yêu thương là mệnh đề để ta phải nghĩ suy. Rằng, có
khi ta cũng “nhận” được từ cha mẹ mình những điều không như mình mong muốn. Bởi
cha mẹ cũng là người, còn tham-sân-si. Nhưng nếu ta hiểu được như thế để cảm
thông, thứ tha, để vượt lên trên những phản ứng thường tình mà tiếp tục thương
cha, kính mẹ ngay cả khi cha mẹ mình có lỗi lầm lớn lao - thì đó mới đích thực
là hiếu kính. Bởi vì sao? Bởi vì cha mẹ ta dẫu có lầm lỗi gì, thì tương quan xã
hội, huyết thống vẫn là người sanh ra mình, nuôi mình lớn lên…
Chúng ta đạp đổ cái ơn ấy, đặt mình vào vị trí “người dưng”
để giận cha, oán mẹ thì làm sao ta còn đủ vững chãi và đủ năng lượng yêu thương
ai?
Đó là chưa nói, khi quán sát trong chiều sâu nhân quả, nếu
quả tình cha mẹ mình lầm lỗi thì rồi cái quả ác ấy sẽ thị hiện; một người bình
thường, không có ân với mình mà khi họ gặp quả báo xấu, hoạn nạn ta còn thương
thì người có ân trọng với mình như cha mẹ (dẫu chỉ là ân sanh thành không thôi,
chưa nói tới dưỡng dục) ta sao có thể đứng nhìn, vô cảm, thậm chí còn… đáng
đời, trách móc?
Vu lan, ta học hạnh của Ngài Mục Kiền Liên sẽ thấy, lòng
hiếu thảo của Ngài chính là ở chỗ vượt lên cái thường tình thế gian. Cụ thể, mẹ
Ngài là bà Thanh Đề đã tạo ác nghiệp trùng trùng, phỉ báng Tam bảo nên đọa địa
ngục. Mẹ phạm lỗi thì chịu nghiệp, Ngài đâu có để tự nhiên cho thân mẫu chịu
trả quả đời đời mà tìm phương cách cứu mẹ, đó là thương. Và Ngài là bậc Thánh,
chứng đắc A-la-hán nên hiểu cứu mẹ không gì khác là làm lành, và việc lành tối
thượng là theo lời dạy Đức Thế Tôn thiết lễ Vu lan Bồn, cúng dường mười phương
Tăng chúng, hầu hồi hướng cho mẹ phước báo. Nhờ đó mà mẹ Ngài mới được thoát
khỏi cảnh địa ngục đớn đau…
Trở lại chính mình, ta đã từng đau đớn, hất hủi, giận lẫy,
bỏ mặc cha mẹ mình chỉ vì cha mẹ lầm lỗi, vì ta không vừa ý, vì ta đòi hỏi mà
cha mẹ không đáp ứng… Cứ nghĩ về ta và nhớ tới Ngài Mục Kiền Liên đi, rồi ta sẽ
thấy mình bất hiếu cỡ nào. Và, nếu ai chạm vào điều đó bây giờ, thì hãy nhớ tự
nhắc mình là “hãy thương yêu cha mẹ của mình”, bằng cách thứ tha, bằng cách bao
dung lầm lỗi, sống tốt, giữ gìn bản thân khỏe mạnh, cao thượng trong kiếp người
này.
Và nếu được, hãy nguyện đi trên đường giải thoát vô lượng kiếp sau nữa,
rồi nguyện bằng niềm tin sâu vào con đường giải thoát, như tiền thân của Ngài
Địa Tạng Bồ-tát (lúc là Thánh nữ Bà-la-môn, Quang Mục) đã từng cứu mẹ bằng cách
nguyện cứu độ chúng sanh chúng sinh. Học Phật, niệm Phật, niệm những bậc Bồ-tát
ta phải hành như thế, cụ thể, chứ không phải là van xin được ban bố…