11/08/2011 19:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 176550
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Chữ hiếu có nghĩa là con cái đối với cha mẹ phải tận tâm tận lực cung phụng, hầu hạ, cúng dường. Còn gọi là hiếu thuận, hiếu dưỡng.

111111images.jpg
Ảnh minh họa

Trong nhà Phật, có rất nhiều kinh nói về chữ hiếu. Không luận là người tại gia hay xuất gia, đều được Đức Phật dạy cho biết cách hiếu thuận

Chẳng hạn như trong kinh Hiếu tử có nói: “Cha mẹ sanh con, cưu mang mười tháng, như mang trọng bệnh, đến ngày sanh nở, mẹ sợ cha lo, tình cảnh như vậy, lời không nói hết”.

Kinh Phạm võng, quyển hạ, nói: “Hiếu là pháp chí đạo, cho nên lấy hiếu làm giới”.

Kinh Đại thừa bổn sanh tâm địa quán, quyển thứ 2, phẩm báo ân, nói: “Cha có ân từ, mẹ có ân bi, nếu như có người cung kính cúng dường cho 100 vị Đại Bà la môn tu hạnh thanh tịnh, hay 100 vị Đại thần tiên đắc quả ngũ thông, hay 100 vị thiện hữu, nhất tâm cúng dường trải qua hết trăm ngàn kiếp, công đức có được cũng không bằng khởi một niệm có hiếu với cha mẹ. Vì vậy, siêng năng tu tập và hiếu dưỡng cha mẹ có phước đức như cúng dường chư Phật, không có sai biệt”.

Luật ngũ phần, quyển 20, nói: “Nếu như có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, dù cho cha mẹ đại tiểu tiện trên đó cũng không nản lòng; lấy thức ăn và y phục tốt nhất trong thiên hạ để cúng dường cha mẹ, trải qua một trăm năm, cũng không thể đền đáp được công ơn lớn như núi Tu Di của cha mẹ. Cho nên, phải tận tâm, tận lực, suốt đời cung dưỡng cha mẹ, nếu không làm được, tất mang trọng tội”.

Kinh Tăng chi, phẩm hai pháp cũng nói: “Có hai người không thể báo ơn hết được. Đó là cha và mẹ”. Rồi Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có người vai trái vác cha, vai phải vác mẹ, trải qua ngàn vạn năm, lo áo quần, cơm nước, giường nệm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, đại tiện, tiểu tiện ngay trên vai, vẫn chưa thể báo ơn hết được. Tỳ kheo nên biết, cha mẹ ân trọng, bồng bế, nuôi dưỡng, tùy lúc giữ gìn không lỡ thời tiết, xem như mặt trời, mặt trăng. Do phương tiện này mà biết ân này khó báo đáp. Cho nên, này các Tỳ kheo, phải cúng dường cha mẹ, thường phải hiếu thuận”.

Công ơn cha mẹ như thế là không thể nào nói hết, là vô lượng, vô biên. Thế nhưng sự báo hiếu, tức là sự đền đáp công ơn ấy lại hữu hạn. Hữu hạn trước hết là bởi đời người quá ngắn, cho nên tận cả cuộc đời mà vẫn chưa thể báo hiếu xong. Hữu hạn nữa là các pháp của thế gian không phải là pháp chí thiện, không đủ giá trị để đền đáp công ơn to lớn của mẹ cha. Nhưng cái hữu hạn hơn hết là sự thấy biết hạn hẹp của chúng sanh, tức là không thấy được công ơn trời biển của mẹ cha; và không biết cách báo hiếu chí thiện. 

Phật ra đời là để khai mở sự thấy biết này cho chúng sanh, trước khi khai mở tuệ giác giải thoát. Nói cách khác, Phật dạy cho chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ trước, để làm tròn bổn phận con người trước rồi mới dạy cho pháp giải thoát. Điều này được thấy rõ trong Bồ tát giới Phạm võng, ngay sau khi thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã quy định rằng: “Hiếu thuận đối với Cha mẹ, Sư trưởng, chư Tăng, đối với Tam bảo - sự hiếu thuận phù hợp Chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự, đình chỉ mọi sự tội lỗi”. Cho nên đạo Phật còn gọi là Đạo hiếu.

Đạo hiếu đó mỗi người phải tự thực hiện, phải tự báo hiếu cha mẹ mình chứ không thể trông nhờ vào người khác. Kinh Tăng nhất A hàm cho biết, khi Di mẫu của Phật, tức Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni nhập Niết bàn, chư Thiên, Trời, Rồng… muốn thay Phật thực hiện nghi lễ trà tỳ, nhưng Phật không cho phép. 

Ngài nói: “Cha mẹ sinh con, cho con nhiều lợi ích, ân trọng dưỡng nuôi, bú mớm ẵm bồng, cần phải báo ân, không được không báo ân. Chư Thiên nên biết, chư Phật quá khứ, thân mẫu sinh thành đều diệt độ trước, sau đó chư Phật Thế Tôn đều tự cúng dường trà tỳ xá lợi. Giả sử chư Phật Thế Tôn ở tương lai, thân mẫu sinh thành cũng diệt độ trước, sau đó chư Phật đều tự cúng dường. Do phương tiện này biết Như Lai nên tự cúng dường cha mẹ, chẳng phải Trời, Rồng, Quỷ thần làm được”. 

hp_11606.jpg
Vu lan tưởng nhớ mẹ cha. Cành hông sắc đỏ - màu yêu thương - Ảnh minh họa

Như vậy, chư Phật trong ba đời đều phải đích thân cúng dường xá lợi cha mẹ mình, bởi không ai có thể làm thay việc báo hiếu. Chư Phật còn thế huống là hàng phàm phu chúng ta? Cho nên, mỗi chúng ta hãy tự báo hiếu cho cha mẹ của mình, theo đúng lời Phật dạy, và đừng bao giờ vọng tưởng rằng cứ đến mùa Vu lan thì ghi tên ông bà tổ tiên cha mẹ và gởi tiền xin lễ kỳ siêu trong chùa là làm xong hiếu sự.

Phật dạy rất nhiều cách báo hiếu, nhưng tựu trung thì có hai cách chính, là hiếu thế gian và hiếu xuất thế gian. 

Hiếu thế gian là cách thường tình ai cũng có thể làm được, đó là cung cấp cho cha mẹ cơm áo, thuốc thang, vật dụng, chăm sóc, thăm viếng, hầu cận… nhưng hơn hết là sự ân cần, thương yêu, kính trọng mẹ cha. 

Người ta nói "của cho không bằng cách cho", nhất là cho cha mẹ. Cha mẹ cần nơi con cái không phải là những vật chất, thứ mà cha mẹ đã từng khổ cực tìm kiếm cho con. Cha mẹ cần ở nơi con sự trưởng thành và hạnh phúc, cần nơi con tình thương và quan tâm. Cho dù vậy, cách báo hiếu này cũng chỉ báo hiếu được phần nào công ơn của cha mẹ mà thôi, chưa thể gọi là tận hiếu.

Tận hiếu phải là hiếu xuất thế gian, tức là khuyên cha mẹ làm lành, giữ giới, ăn chay, niệm Phật.
Kinh Tỳ ni mẫu, quyển 2, nói: “Nếu cha mẹ nghèo khổ bần hàn, thì trước hết phải khuyên cha mẹ thọ Tam quy, giữ Ngũ giới hay Thập thiện, rồi sau đó mới cung phụng vật thực, y áo; bởi vì chỉ có cách báo hiếu theo Phật pháp mới có thể giúp cho cha mẹ mãi mãi xa lìa khổ đau, thoát khỏi bần hàn, được vui an lạc”.

Kinh Trung A hàm có ghi lại sự kiện Di mẫu của Phật, bà Cù Đàm Di, cúng dường Thế Tôn tấm y may bằng kim tuyến, Thế Tôn không nhận mà bảo bà hãy cúng dường đại chúng. Tôn giả A Nan đã trách khéo Thế Tôn bằng cách nhắc nhở rằng Cù Đàm Di có công nuôi dưỡng Thế Tôn khi thân mẫu của Ngài qua đời. Thế Tôn đồng ý rằng Cù Đàm Di đã đem lại cho Ngài nhiều lợi ích, nhưng chính Ngài cũng đã đem lại cho Cù Đàm Di nhiều lợi ích hơn nữa, đó là nhờ Ngài mà Cù Đàm Di quy y Tam bảo, nghe pháp Tứ đế, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ… 

Đức Phật dạy: “Này A Nan, nếu có người nhờ người ấy mà được quy y Tam bảo, không nghi ngờ Tứ đế, thành tựu tín, giới…, thì người này cúng dường lại người kia suốt đời vẫn chưa thể đền ơn”. 

Như vậy, chỉ bằng cách dẫn dắt cha mẹ vào đạo, hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, giữ Ngũ giới, niệm Phật cầu vãng sanh, nghe Phật pháp… mới có thể báo hiếu đến chỗ rốt ráo, mới được gọi là tận hiếu. Hơn nữa, khi con cái dẫn dắt cha mẹ vào đạo thì không những hiếu đạo được vuông tròn mà ngược lại cha mẹ còn mang ơn con cái. Tuy nhiên, chúng ta ai cũng biết rằng, một khi mình đã biết tu tập thì không bao giờ nghĩ rằng ai đó đã mang ơn mình, huống nữa là nghĩ cha mẹ mang ơn mình sao?

Đó là nói trường hợp cha mẹ chưa biết đạo. Trong trường hợp cha mẹ đã biết đạo, đã biết tu tập thì phận làm con chỉ cần noi gương cha mẹ mà tu tập cho tinh tấn thì đã là báo hiếu rồi.
Kinh Tăng nhất A hàm cho biết, người nào có hiếu với cha mẹ thì sẽ được năm quả báo thù thắng vi diệu, đó là: 1. ít bệnh, 2. đoan trang xinh đẹp, 3. có oai thế lớn, 4. được sanh trong gia đình thượng lưu, 5. giàu sang phú quý. 

Nhưng, là người Phật tử, khi báo hiếu mẹ cha không ai nghĩ rằng mình báo hiếu để cầu năm phước báo trên. Mục đích của sự tu tập là đạt được giác ngộ giải thoát. Khi mục đích này đạt được thì phước báo đâu chỉ có năm sự như trên! 

Hiếu theo thế gian chỉ trong một đời, đó là cái hiếu nhỏ; hiếu theo Phật giáo thời gian không thể tính hết, nhờ vậy cha mẹ được sanh Tịnh độ, phước thọ vô cùng, số kiếp như cát của sông Hằng, đó là đại hiếu. Vậy nên, mọi người hãy nhất tâm mà niệm Phật để báo hiếu mẹ cha.
Nguyên Hùng (Nguyệt san Giác Ngộ số 185 - Vu lan 2011)

http://www.giacngo.vn/phathoc/luockhao/2011/08/11/577202/


Âm lịch

Ảnh đẹp