11/05/2013 16:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 196582
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1- Có một thời, gia đình chúng tôi có duyên lành ‘ở từ’ chùa làng. Ba mẹ tôi bận bịu chuyện ruộng đồng nên việc chùa giao hết cho tôi. Khi mới học lớp ba, lớp nhì, tôi đã thủ vai ‘ông từ’ trông coi mọi việc, từ cúng kính đến sửa soạn từ trong ra ngoài sân vườn chùa.


Hoa than duc Phat

 Đi học về cất cặp, tôi vội bắt tay vào việc chùa; từ quét tước, nhổ cỏ, tưới cây trồng tỉa, đến chăm sóc hoa màu hơn cả sào đất trong vườn chùa. Sáng tối hai thời tôi lo hương đèn bàn thờ Phật, thờ Thánh, thờ âm hồn. Váo những ngày sóc vọng, tôi có thêm việc lo hoa quả bày lên các bàn thờ. Các ngày lễ lớn như Phật đản, Vu-lan, Nguyên đán… các bác trong Hội Phật học đến cúng kính, nhưng tôi phải chuần bị trước mọi thứ chén bát, nước sôi, hương hoa quả phẩm. Cúng kính xong, các bác trong Hội họp bàn Phật sự, ăn uống xong mọi người ra về…tôi thu dọn sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy. Chạy lui, chạy tới phờ cả người nhưng tôi thấy vui vì sinh hoạt trong chùa rộn rã mà đầm ấm. Đúng hơn , vào những dịp ấy, nhà tôi đỡ lo bữa ăn mà ai nấy đều no nê. Mạ tôi bảo “nhờ lộc Phật” nên dù có mệt tôi cũng không nề hà nặng nhọc! Đêm đêm ai cũng sợ đạn từ đốn Tây bắn qua nên phải tìm chỗ núp. Tôi chui vào gầm bàn thờ hậu tự yên tâm đánh một giấc ‘thẳng cẳng’. “ Nằm ngay sau lưng Phật còn sợ gì đạn”, mạ tôi thường nói! Ngày ngày hai buổi thắp hương cúng Phật, bao lần tôi nhìn ngắm Phật. Đôi mắt từ bi của Phật đem lại cho tôi niềm tin và sự an ổn  Tôi thầm khấn , cầu Phật phò hộ cho gia đình bớt khổ , cha mẹ anh chị tôi mạnh khỏe.Tôi tin Phật đã nghe, đã thấu hiểu nên Phật đã đáp ứng lời cầu nguyện chí thành của tôi ! Bằng cách nào tôi không hiểu. Nhưng có điều chắc chắn là niềm tin đó hằng ngày tôi siêng năng cuốc cỏ, bón phân tưới nước …khiến cây trái vườn chùa xanh tốt nhiều hoa trái . Mấy vụ đậu phụng , khoai sắn …mùa nào cũng trúng , trái củ sum suê không những đủ cúng  mà còn dư một phần bán phụ giúp gia đình . Mấy lớp học do tôi dạy tại chùa giúp tôi tự túc sách vỡ mấy năm học trung học . Như cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám , mỗi khi bị hành hạ , Tấm cầu Bụt hiện lên kêu cứu . Cũng thế , bản thân tôi hay nhà tôi khi gặp khó khăn , trục trặc , tôi cầu nguyện và Phật luôn đáp ứng ! Nếu không làm sao gia đình tôi tai qua nạn khỏi , vượt bao khó khăn. Phật của tôi là ông Bụt hiền từ luôn che chở ai cầu đến Ngài !

2- Thời niên thiếu của tôi gắn liền với sinh hoạt ở chùa. Vào năm học đệ thất, đệ lục gì đó tôi được người bạn cho mượn cuốn Ánh đạo vàng của tác giả Võ Đình Cường. Tôi đọc say mê, tràn trề niềm tôn kính Đức Phật và hân hoan mong đợi ngày Phật Đản. Những năm 55-58 , bầu trời Huế khắp nơi từ phố đến quê đâu đâu cũng rợp đèn, cờ, hoa, pa-nô rực rỡ trước mọi nhà hai bên đường, trước cổng hay trên sân chùa. Cùng bọn trẻ trong xóm, tôi theo đoàn xe hoa rước Phật diễu hành khắp phố phường , từ chùa Diệu Đế qua cầu Gia Hội theo đường Trần Hưng Đạo qua cầu Trường Tiền dọc sông Hương qua Nam Giao lên chùa Từ Đàm, Từ Hiếu… Theo sau đoàn xe hoa, sa đà ngắm nhìn nhũng pa-nô diễn tả cảnh như trong sách Ánh đạo vàng với Đức Phật hài đồng chân bước trên bảy hoa sen, một tay chỉ lên trời tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chẳng hiểu ý nghĩa gì nhưng chăng có gì quan trọng khi lòng tôi tràn ngập niềm sung sướng và tự hào ! “Cuộc đời Đức Phật khác nào trang huyền thoại”! Chư thiên xiêm y rực rỡ ca múa nghênh đón Phật đản sinh.. rổi cảnh Thái tử Tất-đạt-đa dám rời bỏ kinh đô , bỏ lại mọi vinh hoa phú quý tột đỉnh , rời vợ đẹp , con ngoan …phi ngựa vào rừng . Đến sông A-nô-ma, Ngài xuống nâng kiếm cắt tóc giao cho Xa-nặc, người hầu cận , đem về dâng vua cha cùn với thông điệp : “Quyết tìm cho được con đường giác ngộ giúp chúng sinh giả thoát khổ đau”. Bỏ lại tất cả của cải vàng bạc, bộ hoàng bào quý giá cũng đổi cho tên thợ săn lấy chiếc áo sa-môn. Ngài với hai tay không một mình giữa rừng hoang . Sáu năm một mình giữa rừng tu khổ hạnh với bao gian nguy, thử thách: nhịn đói, chịu rét, sống chung với thú dữ , đối diện ma chướng… Cả một trang bi hùng ca đầy ấn tượng, gây xúc động sâu sắc tâm hốn non trẻ của tôi! Say sưa đi hết chùa này đến chùa khác tôi quên cả đường xa sáu, bảy cây số đi bộ, quên cả đói và mệt  Về tới nhà đói lả người , hai chân rã rời nhưng lòng đầy háo hức mừng ngày Phật đản sinh. Trước đó cả tuần , cả tháng tôi cũng chuẩn bị mọi thứ để đón mừng Phật đản tại chùa nhà. Tự làm lồng đèn trái ú, đèn ngôi sao trang trí lễ đài, dựng cổng tam quan bằng thân tre kết lá ngâu với cành thên tuế. Trên cổng chùa cũng đèn khung với chót vót trên cao tượn ‘Phật hài đồng’ ! Tôi đã nhịn mọi thứ chi tiêu kể cả ăn sáng, dành dụm suốt mấy tháng để có chi phí . để đêm Phật đản đèn lồng được thắp sáng, ánh nến lung linh tỏa sáng cả vùng trời. Ai đi ngang qua cũng ngắm nhìn và trầm trồ. Đổi lại, có gì sung sướng và thích thú hơn khi ngôi chùa quê u tịch trở nên rực rỡ, chẳng khác bất kỳ công trình kỳ vĩ nào với chùa to, Phật lớn mà tôi có dịp chiêm ngưỡng! Cuộc đời Đức Phật khác nào một huyền thoại đêm đêm đem lại cho tôi giấc mơ đẹp: “ Học hành đạt kết quả tốt , rồi thi đỗ được đi làm”. Có đủ tiền , tôi sửa lại căn nhà cũ nát , sắm sửa thức ăn thức uống, áo quần cho cha mẹ anh chị …Phật của tôi là con người sinh ra bình thường nhưng nhân cách phi thường với lòng từ bi và ý chí nghị lực tuyệt vời !

3- Những năm lên đệ nhị cấp, nội dung chương trình học cùng với các tạp chí như Văn , Bách Khoa , Văn Học …các sách triết học hiện sinh của các tác giả phương Tây như jean Paul Satre, Albert Camus …tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện .. dấy lên những vấn đề triết lý một thời gây xôn xao trong lớp trẻ học sinh , sinh viên. Tuy thế ai nấy mãi lao vào con đường học hành thi cử đỗ đạt để có công danh . sự nghiệp. Tôi cố thi vào Sư phạm để giải quyết khó khăn gia đình , cũng là tránh khỏi đi lính . Ra trường đi dạy , tưởng đã yên . Ngờ đâu cuộc sống đầy biến động bắc trắc …Cuộc chiến bạo tàn và dai dẳng cuốn hút tâm sức mọi người. Chiến tranh bao người chết như mơ ! Chiến tranh vấn đề sống chết , thân phận bi đát con người là những vấn đề bức xúc nổi cộm. Phật, Chúa, Khổng Tử, Lão Tử…các trào lưu triết học đều được đặt lên bàn mổ, tranh luận , bàn cải trong lớp học, sân trường, vỉa hè, quán cà phê, bàn ăn. Nhưng tất cả đều bế tắc ! Tôi ngấu nghiến sách của Edward Conze, Krishnamurti, Suzuki … triết Đông, triết Tây hầu tìm câu trả lời cho số phận , định mệnh . Giáo lý tính Không, vô ngã, vô thường … uyên thâm của Phật như là một khai mở cho bế tắc của các trào lưu triết học tôn giáo phương Tây; một chân lý làm nao núng các nhà bác học lỗi lạc không hiểu thấu nhưng cuối đầu khâm phục. Nhưng càng phân tách, luận bàn tấm gương trong sáng cao đẹp , hình ảnh gần gủi của Phật ngày nào của tôi xa dần …Phật của tôi là một đại minh triết nhưng cao siêu khó nghĩ, khó bàn, khó với tới !

4- Kịp đến thời kỳ khó khăn lao đao sau ngày giải phóng. Hiện thực cuộc sống kéo con người trở về những vấn đề thiết thực. Công ăn việc làm, cơm áo gạo tiền trở nên bức xúc. Không ai còn hơi sức, thì giờ để băn khoăn chuyện triết học, chuyện tâm linh. Phật không còn chỗ trong tâm thức mọi người. Bản thân tôi với hoàn cảnh đặc biệt , giáo viên lưu dụng, gia đình đông con khó khăn. Để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho bản thân, sinh hoạt học tập của con cái mà giữ được nếp nhà, tôi đã thừa cực nhọc và không thiếu lao đao! Bấy nhiêu để hoàn thành công việc tư, tôi phải trả giá đắt và hệ quả tất yếu là bệnh. Viêm đại tràng mãn, phổi nước, viêm khớp…bệnh nan y. Hết thầy hết thuốc, hết tiền mà bệnh vẫn không chuyển , chỉ còn bế tắc! Thất vọng nhưng tôi không tuyệt vọng vì biết rằng mình có Phật ! Lời Mạ tôi dặn “ Niệm Phật khi gặp rủi ro bất trắc” và lời mấy bác trong Hội Phật học “ Nhân nào quả nấy” tôi còn nhớ ! Sách Phật pháp tôi đọc trước đây ý nghĩa ra sao hồi đó tôi còn lờ mờ nhưng nay đã rõ ! Bệnh là biểu hiện của nghiệp , thọ bệnh là trả quả mà nhân đã gieo từ trước , có thề nhiều đời nhiều kiếp . Bệnh không những do thân mà còn bởi tâm. Vì thân tâm là một , nhất như ! Do duyên khởi nên nghiệp cũng vô thường thì bệnh sẽ không còn . Thấm thía được điều đó tôi kiên trì tìm cách hóa giải , không than van trách cứ số phận hay than vãn với vợ con. Sách Phật pháp tôi còn nhớ cho rằng thiền là cách điều hòa thân và tâm. Và ăn chay không giết hại sinh vật lại dễ tiêu. Hai yếu tố này khéo kết hợp có khả năng làm thuyên giảm bệnh tùy mức độ hành trì. Hoặc giả, không chữa đực có chết cũng không quá buốn phiền lo lắng vì chỉ trở về ! Có gì mất đâu? Bệnh đúng là cơ duyên xui tôi quay về tìm lại Phật trong tôi mà bấy lâu vô tình bỏ quên. Phật dạy Tứ diệu đế là bốn lẽ thật mà trong đó đế thứ nhất là Khồ – một sự thật không chối cãi, không ai thoát khỏi – gọi là Tập đế . Nhận ra nguyên nhân của khổ là có khả năng chấm dứt khổ đó là Niết-bàn, gọi là Diệt đế. Và con đường để chấm dứt khổ là Bát chánh đạo, hay Trung đạo gọi là Đạo đế. Phật cũng dạy tham sân si là ba đầu mối dẫn đến mọi khổ đau, và muốn chấm dứt khổ đau con người phải nhận chân được lẽ thật rằng bản thể vạn hữu do duyên sinh duyên khởi hình thành nên vô tự tính, tức là Không ! Mọi sự vật , hiện tượng lớn nhỏ , có hình tướng hay không đều do nhiều duyên tương tác qua lại – thuật ngữ Phật giáo gọi là trùng trùng duyên khởi – đưa đến sinh thành hay hoại diệt. Không có nguyên nhân đầu tiên , độc nhất tạo nên bất cứ gì! Vì vô minh chấp trước huân tập nhiều đời, nhiều kiếp chúng sanh nhận lầm cho rằng có ngã là ngã sở.Đây là đầu mối dẫn chúng sanh vào sáu nẻo luân hồi. Con người, Phật dạy vốn sẵn có Phật tính là khả năng giác ngộ để giải thoát khổ đau bằng tự tu, tự chứng ! Bệnh tôi giảm dần cho đến hết hẳn . Phật của tôi từ bi nhưng đầy trí tuệ.

Mỗi thời kỳ đời tôi có một vị Phật. Vâng, mỗi thời kỳ trong đời, tôi đã gặp được một hóa thân của Đức Phật, và tất cả đều là Phật phóng chiếu từ tâm, nên Phật của tôi bao giờ cũng vừa gần vừa xa. Tôi chỉ khởi lên một ý thiện, nói hoặc làm một điều lành thì tôi rất gần với Phật. Trái lại , khi tôi khởi lên một ý xấu, hoặc làm một việc ác, tức thì Phật rất xa tôi. Tôi biết rõ Phật luôn từ bi và trí tuệ, do đó, Phật là nơi nương tựa vững chắc cho tôi quay về. Tôi tập làm lành lánh dữ , thanh tịnh tâm ý , giảm dần tham sân si.  Tôi đã bớt bệnh, bớt khổ và đang trên con đường đến an vui, hạnh phúc. Điều mà ai cũng có được nếu biết nỗ lực hành trì theo đúng lời Phật dạy.

    ( Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 128 )


Âm lịch

Ảnh đẹp