Tháng Tư vì thế là tháng vô cùng trọng đại của những người
con Phật. Nhiều mùa hạ đi qua trong đời Thế Tôn và chúng Tăng, để lại những dấu
ấn khó phai. Đó là công đức giáo hóa của Như Lai, là niềm vui tinh khiết, niềm
khinh an lớn nhất của chư Tăng từ sự ứng dụng giáo pháp Phật dạy. Vâng lời Như
Lai, tất cả chư Thánh đệ tử ở yên một chỗ trong ba tháng mùa mưa, nỗ lực thiền
định, thành tựu Thánh quả, cứu mình cứu người ra khỏi trầm luân sanh tử. Tháng
Tư trở thành tháng của ánh sáng giác ngộ, tháng của những mùa hạ ngạt ngào
hương sen vươn lên từ đất bùn hôi tanh.
Năm ấy, mùa hạ thứ 9, Đức Phật cùng chư Tăng đi đến
Kosambi, an cư tại tinh xá Ghositārāma. Māgandiyā vốn chờ đợi Thế Tôn ở đây từ
trước. Bà hận Phật. Bởi vì Thế Tôn đã
nói lên một sự thật, tuyệt sắc giai nhân cũng chỉ là đãy da hôi thối. Thứ hậu
cho mướn côn đồ mắng chửi Đức Phật khi Ngài vào thành khất thực. Thế Tôn vui vẻ
im lặng và bảy ngày sau mọi chuyện đều qua đi. Hùng lực của vô thinh đã khiến
cho mọi âm thinh tan biến vào hư không. Diệu lực của từ tâm đã giúp cho những
con người cùng khổ nhận ra được đâu là chốn nương về. Bằng tình thương, Thế Tôn
đã hóa giải hận thù, đem niềm vui đến cho mọi người, dù người có biết hay
không.
Đức Phật tu tập thành tựu được nhất thiết trí, bỏ hết gánh
nặng, bỏ cả lời khen tiếng chê. Phật mà còn bị miệng đời thị phi, huống là
chúng ta? Cho nên đừng mong muốn quá phước lượng của mình. Chúng ta muốn nhẹ
thì phải bỏ hết gánh nặng. Phật dạy bỏ gánh nặng thì qua được đường hiểm ba
cõi, diệt vô minh thì được chân minh, nhổ mũi tên tà, đoạn dứt khát ái, thành
thuyền pháp, đánh trống pháp, dựng cờ pháp. Muốn thành thuyền pháp, đánh trống
pháp là phải nhổ tên tà và đoạn dứt khát ái. Bởi vì chính ái dục là nguyên nhân
dẫn chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử, do đó Phật bảo người xuất gia giữ
giới trọng nhất là giới dục. Hàng cư sĩ tại gia có thể thư thả qua lại trong ba
đường lành, đừng đi ba đường dữ, còn người xuất gia nhất định phải dứt khát ái.
Chữ “ái” trong nhà Phật gồm luôn cả hai nghĩa thương và
ghét. Lục Tổ nói: “Tắng ái bất quan hoài, trường thân lưỡng cước ngọa”, nghĩa
là “Thương ghét đừng để lòng, duỗi thẳng hai chân ngủ”. Chúng ta muốn khỏe thì
đừng để lòng chuyện thương ghét, được mất, hơn thua. Biết khổ, muốn ra mà chưa
ra nổi còn có thể tha thứ, biết khổ mà vẫn không chịu ra mới là kỳ! Cho nên
ngài Triệu Châu nói chúng sanh “biết mà cố phạm”. Nghiệp lực chúng ta mạnh quá
cho nên không đủ sức thắng. Biết đối đãi là nguyên nhân dẫn chúng sanh đi trong
luân hồi sanh tử nhưng lúc nào chúng ta cũng sống trong đối đãi. Nên nói chúng
sanh không ngăn lấp đường tà, không mở đường chánh, còn Đức Phật và các vị
Bồ-tát thắng được nghiệp lực, làm chủ thân tâm, tự do tự tại nên lìa các nghiệp
ác, thành tựu vô lượng phước đức.
Đức Thế Tôn suốt 49 ngày đêm ngồi dưới cội bồ-đề, đêm cuối
cùng là lúc quyết định. Thời gian ấy so với một đời người thật là ngắn. Thế mà
Thế Tôn đã hoàn thành đại nguyện viên mãn, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Thật ra không phải Đức Phật chỉ tu một đời này, mà đã nhiều đời nên bây
giờ mới đạt đạo quả nhanh chóng như vậy. Có thể chúng ta cũng đã tu nhiều đời,
tuy nhiên mình tu không nghiêm túc như Đức Phật. Một quãng nào đó bỏ tu đi
chơi, quậy phá người ta nên bây giờ bị quậy phá lại. Tuy nhiên sự rong chơi nào
cũng chỉ tạm thời thôi, rồi ta cũng trở về nhà, trở về nguyên bản gốc của mình.
Gốc của mình là gốc Phật. Cho nên chúng ta hãy tự vui lên, tự quyết định đời
mình. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa có giai
thoại Long nữ dâng châu thành Phật như thế này: Ngài Xá Lợi Phất không tin Long
nữ có khả năng thành Phật, vì Long nữ là rồng cái. Rồng thuộc về súc sanh và nữ
giới có năm điều chướng: Một chẳng được làm Phạm Thiên vương, hai chẳng được
làm Đế Thích, ba chẳng được làm Ma vương, bốn chẳng được làm Chuyển luân Thánh
vương, năm chẳng được làm Phật. Thế mà Long nữ lại tuyên bố với Xá Lợi Phất tôi
có thể thành Phật và thành Phật rất mau nữa là khác. Khi Long nữ dâng hạt châu
lên Đức Phật, Đức Phật nhận hạt châu. Long nữ hỏi Xá Lợi Phất rằng:
- Tôi hiến châu báu, Đức Thế Tôn nạp thọ, việc đó có mau
chăng?
Đáp:
- Rất mau.
Long nữ nói:
- Lấy sức thần của các Ngài xem, tôi thành Phật lại mau
hơn việc đó.
Nói xong, Long nữ chuyển nữ thành nam, liền bay qua nước
Vô Cấu ở phương Nam, ngồi tòa sen báu thành bậc Đẳng Chánh Giác.
Có khi nào chuyện Long nữ thành Phật không phải chờ bay
qua nước Vô Cấu, vì như vậy cũng mất một vòng, chưa thể gọi là “rất mau”. Lúc
dâng hạt châu Phật nhận, ngay khi đó đã xong hết rồi. Có thể vì giải nghi cho
Tôn giả Xá Lợi Phất trên tướng nam nữ không thể thành Phật, nên buộc lòng Long
nữ phải bay qua nước Vô Cấu chuyển thân nam thành Phật. Một vòng như vậy cũng
là phương tiện mà thôi. Đi một vòng để thấy được diệu dụng của một chúng sanh
khi đã thành tựu Vô thượng Bồ-đề, trong sạch làu làu, không chút bợn nhơ (vô
cấu). Bấy giờ muốn hiện nam thì hiện nam, cần hiện nữ thì hiện nữ, chứ việc
thành Phật đâu có tướng nam nữ.
Chuyện ấy chẳng lẽ bậc đại trí như Tôn giả Xá Lợi
Phất không biết sao? Không phải. Tôn giả
thị hiện vấn nạn như thế để răn nhắc những chúng sanh nghiệp chướng còn nhiều
phải thận trọng, nhất là trong công phu tu hành. Người nữ nếu không khéo tu thì
sẽ bị chính nghiệp chướng của mình làm trở ngại con đường tiến đạo. Công phu
chưa tới nơi mà lòng đã tự mãn tự đại là một điều tối kỵ đối với hành giả tu
Phật. Kẹt ở nạn này thì khó thành tựu được giác ngộ giải thoát. Vì vậy thánh
nhân thường đưa ra những lý do khiến người nữ khó thành Phật, để giúp nữ nhân
bỏ đi những tập khí nhỏ nhen chấp chặt của mình, mở rộng tâm lượng trượng phu.
Tâm lượng trượng phu không phải là của nam hay nữ, mà là tâm lượng rộng lớn.
Nhưng vì người nữ thường hay mang tâm lượng ích kỷ hẹp hòi nên các ngài phá tâm
ấy.
Khả năng giác ngộ của chúng sanh bình đẳng, nhưng vì
nghiệp lực sai biệt nên kết quả cũng sai biệt. Do đó Phật đưa ra nhiều pháp môn
tu tập, tùy căn cơ mà chúng sanh chọn pháp tu thích hợp để đạt được kết quả tốt
đẹp nhất. Song dù tu bất cứ pháp môn nào, đạo Phật cũng lấy trí tuệ làm gốc.
Bởi vì nó là thứ vũ khí sắc bén nhất. Tuy nhiên kiếm dù bén đến đâu mà không
chịu dùng, không bao giờ cầm tới thì có khác gì thanh thép lụt. Gươm trí tuệ
cầm rồi cũng không chịu chém thì chặt đứt được cái gì? Học pháp, hiểu pháp mà
không ứng dụng pháp vào trong cuộc sống thì học để làm chi? Cho nên bắt buộc
người tu phải thường xuyên dùng trí tuệ quán chiếu.
Nhờ trí tuệ mà ta buông tất cả để được an lạc. Trí tuệ
chiếu soi tới đâu, bóng tối si mê tan tới đó. Có siêng năng dùng trí tuệ quán
chiếu thì phiền não nghiệp chướng mới lui tan. Nếu chúng ta không siêng, tuy
học pháp, hiểu Phật, nhưng năng lực công phu không có. Gặp cảnh chạy theo cảnh
quên tâm, như vậy hiểu mà không có lợi ích, không thể gọi là người trí tuệ.
Phật dạy không buông lung, tức là siêng năng tỉnh giác. Nếu thường tỉnh là rút
ngắn thời gian trôi giạt trong sanh tử. Ngay khi không phiền não, tâm bình an
như nhiên, thấy được vậy là thấy Phật.
Và như thế những tháng Tư đi qua cuộc đời Phật lịch sử là
những tháng Tư đi qua cuộc đời của chúng ta. Ánh sáng tỏa chiếu chan hòa, cả
trần gian là tòa Kim cương báu, cung đón vô lượng vô lượng đấng Như Lai cùng
nhau xuống trần.