Ngày nay, sở dĩ các chùa cử hành Đại Lễ Phật Ðản thống nhứt vào ngày
rằm tháng tư âm lịch, là do sự quyết định chung của Hội Nghị Liên Hữu
Phật Giáo Thế Giới, tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo Tích Lan, từ
ngày 26 tháng 5 năm 1950 đến ngày 7 tháng 6 năm 1950. Từ đó trở đi, tất
cả các chùa Phật giáo Bắc Tông đều tổ chức đại lễ Phật Ðản vào ngày rằm
tháng tư âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, hiện nay có một số chùa ở thôn
quê vẫn còn giữ lệ cúng tắm Phật vào ngày mùng 8 nầy.
Người Phật tử ở thôn quê họ chơn chất thật thà lắm. Họ đi chùa phần
nhiều là theo tục lệ truyền thống ông bà nhiều hơn. Kỳ thật, ít có mấy
ai thâm hiểu giáo lý Phật giáo sâu xa. Thậm chí, việc tụng niệm hay mặc
áo tràng đối với họ cũng thật là xa lạ và bỡ ngỡ. Song có điều họ rất
thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Trong xóm làng gia đình nào có hữu sự,
thì những gia đình khác họ đều quan tâm và cùng nhau chung lo. Quả đúng
với câu nói của người xưa: “Nhất gia hữu sự bá gia ưu”. Nghĩa là một nhà
có việc, thì trăm nhà cùng lo. Ðó là một tập tục rất hay, rất đẹp và
rất cao quý của người dân quê.
Ðến công việc chùa cũng thế. Khi chùa có việc, thì họ kéo nhau đến phụ
giúp, gọi là làm công quả. Dù cho có bận rộn việc nhà đến đâu, họ cũng
cố gắng thu xếp để đến lo công việc cho chùa. Vì họ quan niệm, chùa là
ngôi nhà chung của họ, mà mọi người đều phải có trách nhiệm chung lo.
Khi giúp chùa, họ không bao giờ có ý tính toán nạnh hẹ so đo. Tùy theo
khả năng sức khỏe mà họ làm. Nhất là quý bà quý cô, trước lễ chánh thức
một ngày, họ kéo nhau về chùa rồi xúm xít nhau làm, kẻ việc nầy, người
việc nọ để chuẩn bị đãi đằng cho ngày đại lễ. Họ cật lực làm việc trong
tinh thần hài hòa cởi mở và tận tình giúp đỡ cho nhau. Họ nói chuyện vui
cười với nhau một cách rất là thoải mái tự nhiên. Có sao nói vậy, họ
không thích sống bề ngoài. Họ rất sợ tội lỗi và lúc nào họ cũng muốn
chắt mót bòn thêm phước đức. Ðó là nét đặc thù chơn chất mộc mạc thật là
dễ thương quý mến và rất quý kính của người dân quê.
Thông thường, trước thời khóa lễ chánh thức, thì có lễ tắm Phật. Người
ta chuẩn bị rất chu đáo và rất trang nghiêm cho buổi lễ tắm Phật nầy.
Một tượng Phật sơ sanh được đặt vào chính giữa thau nước. Nước mưa, họ
lọc rất kỹ. Dĩ nhiên, trước đó người ta đã lau chùi tượng Phật rất kỹ
lưỡng sạch sẻ. Một thau nước lớn để trên một cái bàn nhỏ. Cái bàn cũng
được thiết trí rất xinh xắn trang hoàng. Người ta rải nhiều thứ bông
trong thau nước. Những bông hoa đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, nổi lều
phều trên mặt nước. Những tràng hoa được kết thành đủ loại màu sắc tuyệt
đẹp. Những tràng hoa nầy, người ta choàng lên thân hình tượng Phật sơ
sanh, trông rất xinh lịch đẹp mắt. Ðồng thời, bên cạnh thau nước lớn,
người ta còn để hai cái gáo tròn nhỏ xinh đẹp để cho mọi người múc nước
tắm Phật.
Ðến giờ hành lễ, vị thầy trụ trì và một vài ông đạo (ở quê người ta
thường gọi những vị mới vào chùa tu bằng ông đạo) lên chánh điện để làm
lễ. Bổn đạo thì lên trước kẻ đứng, người ngồi. Bên nam thì đứng, bên nữ
thì ngồi. Còn bọn trẻ như chúng tôi, thì ngồi đứng không yên, muốn đứng
thì đứng, muốn ngồi thì ngồi, không ai thèm để ý đến. Chúng tôi còn chọc
ghẹo khều móc với nhau, giống như những con khỉ nhảy nhót. Tuổi trẻ vì
ham vui mà đi chùa, chớ nào có biết lễ lạy, tụng kinh bái sám gì đâu!
Nhiều khi thấy mấy ông đạo cạo trọc đầu láng o, bọn tôi còn trêu chọc
cười đùa ngạo nghễ cho vui nữa. Thật nào có biết tội phước là gì! Tuổi
trẻ thơ ngây cứ lấy sự vui đùa làm sở thích. Nghe nói đi chùa có nhiều
chè xôi bánh trái, lại thêm có các cô thiếu nữ trẻ đẹp. Nghe thế, bọn
chúng tôi rất vui thích đến chùa để được ăn chè xôi bánh trái và lại
thêm có cơ hội để trêu chọc mấy ả cho vui. Tâm trạng đi chùa của bọn trẻ
chúng tôi hồi đó chỉ biết có ngần ấy, thế thôi…
Ðiều mà tôi hơi lấy làm lạ, nhiều bà đi chùa lại có mang theo chay
không để đựng nước. Kể cả mẹ tôi cũng thế. Có lần, tôi hỏi mẹ tôi, mẹ đi
chùa mà mẹ đem theo chay không để làm gì? Mẹ tôi nói: Mẹ đem theo để
lấy nước tắm Phật về cho mọi người trong nhà uống để được mạnh khỏe.
Uống nước nầy có chư Phật, Bồ Tát gia hộ, nên suốt năm không có ai bệnh
hoạn và có nhiều việc may mắn đến với mình nữa. Nghe mẹ nói, thì tôi chỉ
biết vậy thôi. Chớ tôi đâu có biết nghĩ ngợi suy luận gì hơn. Mà giả
như, tôi có lý luận về lý nhân quả báo ứng đi nữa, thì chắc gì bà nghe.
Chẳng những không nghe thôi mà trái lại, bà còn la rầy tôi nữa.
Khi lớn lên, nhờ có chút duyên lành học hỏi Phật pháp, nhất là giáo lý
Ðại thừa, thì tôi mới thấy điều nầy quả thật là quá mê tín dị đoan.
Nhưng đối với những người đó cũng như mẹ tôi thì họ rất là tin tưởng. Ðó
là một niềm tin rất đơn thuần chất phác và không được điều hướng bởi lý
trí. Người dân quê, nhất là phái nữ đại đa số đều có niềm tin như thế.
Làm sao họ có thể hiểu và tin sâu vào lý nhân quả! Cho nên, ta cũng
không lấy gì làm ngạc nhiên mà trách họ được. Thậm chí, như hiện nay,
vẫn còn có một số Phật tử nữ sau khi làm lễ tắm Phật xong, họ vẫn lấy
nước tắm Phật về nhà uống. Ðó cũng là một niềm tin theo thói quen. Nếu
uống nước đó mà hết bệnh, thì mỗi ngày ta mỗi tắm Phật để lấy nước uống.
Thế là khỏi phải đi bác sĩ và khỏi phải tốn hao tiền mua thuốc.
Nếu bảo uống nước đó thì được may mắn, vì có Phật, Bồ Tát gia hộ như mẹ
tôi nói, thì khi uống xong, tôi vào sòng bài đánh bài thua sạch túi,
vậy sao Phật Bồ Tát không gia hộ cho tôi hốt tiền của thiên hạ. Hoặc tôi
ra đường giựt đồ người ta, lúc đó bị cảnh sát bắt, sao Phật, Bồ Tát
không gia hộ cho tôi khỏi bị cảnh sát bắt? Như vậy, uống thì uống mà nếu
tôi làm việc bậy bạ phi pháp, thì tôi vẫn bị luật pháp trừng trị đích
đáng. Còn nếu tôi không uống nước đó, mà tôi làm việc đàng hoàng, chánh
đáng, không vi phạm luật pháp, thì thử hỏi có ai dám bắt bớ hành phạt
tôi không? Ðiều buồn cười hơn nữa, là khi mẹ tôi đem nước tắm Phật về
uống, thì cách mấy ngày sau, anh tôi bị bệnh. Như vậy, thì Phật và Bồ
Tát không có linh thiêng gia hộ cho anh tôi rồi. Nói lên điều nầy, thì
hơi khó nghe đối với những người mê tín, nhưng rất đúng với lý nhân quả
Phật dạy. Thiết nghĩ, người Phật tử khi tin tưởng một điều gì, ta cần
phải có sự sát nghiệm của lý trí. Không nên tin tưởng một cách mù quáng.
Như đã nói, nhờ có chút kiến thức học hỏi về Phật pháp, nên nay khi đọc
tụng lại bài kệ tắm Phật, tôi mới thấy nghĩa lý của bài kệ thật quá
thậm thâm vi diệu. Ngày xưa, tôi cũng đã từng tụng thuộc lòng bài kệ nầy
như ăn cháo, nhưng thú thật, tụng thì tụng mà không hiểu mô tê chi cả.
Bài kệ tắm Phật chỉ vỏn vẹn có 12 câu bằng chữ Hán Việt. Có lẽ, một phần
vì chữ Hán Việt, nên khi tụng đọc ít có người hiểu được. Phần khác, vì
nghĩa lý rất thâm huyền nên cũng thật khó hiểu. Nội dung bài kệ nêu ra
hai phần rõ rệt: Bản môn và Tích môn hay còn gọi là Chơn đế và Tục đế.
Về phần bản môn, là nêu rõ lý pháp thân. Nói cách khác là chỉ rõ mỗi
người đều sẵn có tánh Phật. Bản là gốc, là cái sẵn có không do tạo tác
mà có. Ðó là chỉ cho chơn như. Một thực thể không nằm trong phạm trù
duyên sinh nhân quả. Vì nó vượt ngoài đối đãi nhị nguyên. Một thực thể
không hình, không tướng, mà trong Kinh Bát Nhã gọi là “Thật Tướng”.
Nghĩa là tướng “Không” của vạn pháp. Cho nên thực thể nầy không sinh
không diệt. Phần nầy, chúng ta thấy rất rõ trong 8 câu đầu của bài kệ:
“Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Ðồng chứng Như Lai tịnh pháp thân
Già Da thành lý bất tằng sanh
Ta la thọ gian bất tằng diệt
Bất sanh bất diệt lão Cù Ðàm
Viễn ly huyễn tướng vô ngôn thuyết”
Cần nói rõ, sở dĩ có buổi lễ tắm Phật nầy, là vì người ta dựa theo
truyền thuyết cho rằng, khi đức Phật ra đời, cung trời Phạm Thiên có mưa
thơm tắm Phật. Do noi theo truyền thuyết đó, mà hằng năm trong ngày đại
lễ Phật Ðản, có cử hành nghi thức tắm Phật. Và nghi thức nầy đã trở
thành một tục lệ truyền thống.
Ðọc qua 8 câu trên, ta thấy hoàn toàn không có đề cập gì đến tắm ông
Phật ra đời ở Ấn Ðộ cả. Mà tượng Phật sơ sanh chỉ là một biểu trưng nhằm
thức nhắc người Phật tử chúng ta hãy xoay về nội tâm để mỗi người tự
quán chiếu và dùng nước thanh tịnh để tắm cho ông Phật pháp thân của
chính mình. Ðã là Phật pháp thân thì làm gì có hình tướng để chúng ta
tắm rửa? Bởi Phật pháp thân vốn thanh tịnh sáng suốt, có cấu bợn gì đâu
mà phải tắm? Ðây quả là mang một ý nghĩa biểu trưng, tức nương “Sự” để
hiển “Lý” hay ngay nơi “Tướng” mà nhận lại “Tánh”. Nương ngón tay để
thấy mặt trăng.
Ðó chẳng qua là chư Tổ khéo dùng phương tiện mượn hình ảnh tắm Phật để
nói lên ý nghĩa siêu thoát. Vì mỗi người cần nên gột rửa những phiền não
ô trược ở nơi tự tâm, hầu phát huy bản thể sáng suốt ở nơi tâm mình.
Hai chữ “Như Lai” ở câu đầu của bài kệ, là chỉ cho thể tánh hay pháp
thân bất sanh bất diệt. Chớ không phải là hình ảnh đức Phật ở bên ngoài.
Nếu chỉ một bề hiểu tắm Phật ở bên ngoài, thì chúng ta bị dính kẹt ở
nơi “Sự” mà không hiển được “Lý”. Ðó là chúng ta mắc vào cái lỗi thiên
kiến. Phật dạy “Sự và Lý” phải viên dung vô ngại.
Có xa lìa ngũ trược tức năm thứ ruỗng mục suy tàn, thì chúng ta mới
nhận được thể tánh, tức đồng chứng pháp thân. Nói một cách dễ hiểu hơn,
khi nào phiền não không còn, thì chừng đó Phật tánh sẽ hiện bày. Mây tan
thì trăng sáng, sóng dừng thì nước lặng. Ðiều quan trọng là làm cho mây
tan và sóng dừng. Còn trăng và nước vốn sẵn có, không cần phải tìm cầu.
Mây và sóng là những hiện tượng phù hư giả dối không thật. Vì chúng
không thật nên tan biến bất thường. Vô minh phiền não cũng thế. Vì phiền
não không có thật tánh, nên ta mới chuyển hóa chúng được. Trong Chứng
Ðạo Ca Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác có nói:
Vô minh thực tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức pháp thân.
Ðó là cái thấy bằng tuệ giác của người chứng đạo. Không phải cái thấy
tầm thường như chúng ta. Cái thấy của chúng ta là cái thấy bằng nghiệp
thức. Do đó, nên lúc nào chúng ta cũng bị kẹt mắc trên hữu tướng. Vì
dính mắc trên hữu tướng, nên không thấu suốt được vô tướng. Chỉ thấy vô
minh mà không thấy được Phật tánh. Thực tế, thì vô minh và Phật tánh
không hai. Nhưng bảo rằng một cũng không đúng. Ðó là lý “Bất Nhị Pháp
Môn” mà trong Kinh Duy Ma Cật đã nói. Nói một là sai mà nói hai thì
không đúng. Rời cái thân ảo hóa ngũ uẩn nầy, mà tìm cái pháp thân, thì
làm sao có được? Ngay nơi cái thân ảo hóa nầy mà nhận ra cái không thân
hay pháp thân. Lý nầy thật không phải dễ hiểu. Như toàn nước chính là
sóng. Nhưng thực tế, thì sóng không phải là nước. Nhưng nếu rời nước thì
làm gì có sóng? Khi sóng đang nổi lên, thì nước cũng không rời sóng.
Cho nên mới nói toàn sóng chính là nước. Câu nói phiền não tức Bồ đề hay
sanh tử tức Niết bàn là thế. Nói cách khác, phiền não dụ như bóng tối,
bóng tối vốn không có thực thể, nên khi có ánh sáng thì bóng tối không
còn. Vô minh hết thì tánh giác hiện bày.
Bốn câu kế là nói lên cái lý bất sanh bất diệt. Sanh mà không thật
sanh, diệt mà không thật diệt. Sanh diệt, diệt sanh giống như trò ảo
hóa. Khác nào như hoa đốm giữa hư không. Hoa đốm vốn không có trong hư
không, nhưng vì bị bệnh nhặm mắt mà thấy in tuồng như có hoa đốm. Cũng
thế, pháp thân vốn không sanh, không diệt, tại vì mê lầm nên chúng ta
mới thấy có sanh, có diệt. Ðến chỗ cứu cánh tuyệt đối, thì không thể
dùng ngôn ngữ để luận bàn. Có luận bàn ngôn thuyết thì đó chỉ là làm cái
chuyện trò đùa hư huyễn mà thôi. Ðó là hết 8 câu nói vể Bản môn hay
Chơn đế.
Bốn câu kệ tiếp, nói về Tích môn :
Kim triêu tứ nguyệt thập ngũ nhựt
Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Ðạt
Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai
Cử bộ liên hoa tùng địa phát.
Tích môn là nói về những hiện tượng xảy ra theo thế tục đế. Nghĩa là,
đức Phật sanh ra nhằm ngày trăng tròn tháng tư ở trong cung vua Tịnh
Phạn tên của Ngài là Tất Ðạt Ða. Trong khi Phật ra đời có chín con rồng
phun nước và chư thiên hiện đến tung hoa chào mừng. Khi đó, đức Phật đi
bảy bước và mỗi bước đèu có hoa sen từ đất hiện ra nở dưới chân Ngài. Ðó
là diễn tả những hiện tượng khi Phật ra đời. Tuy nhiên, trong phần tích
môn nầy, ta lưu ý là hiện tượng Phật bước trên hoa sen. Tuy rằng đây là
một truyền thuyết, nhưng nó mang một ý nghĩa tiêu biểu rất siêu thoát.
Hoa sen có nhiều đặc tính, nhưng đặc tính tiêu biểu nhất, đó là mang yếu
tính thanh tịnh. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ðó là nói lên cái
ý nghĩa cư trần bất nhiễm trần vậy.
Tóm lại, khi múc nước tắm Phật, ta nên giữ chánh niệm và quán chiếu
thật sâu vào nội tâm. Ðể nhận diện từng tâm niệm dấy khởi của mình và
mỗi một muỗng nước thanh tịnh từ trên vai Phật tưới xuống, ta coi như
trút bỏ những thứ phiền não cáu bợn rối rắm trong lòng, theo dòng nước
thanh tịnh mà trôi chảy đi hết. Ðó là những thứ phiền não tham lam, sân
hận, tật đố, si mê, ngã mạn v.v… tất cả đều được chuyển hóa thành những
dòng nước suối nguồn thanh tịnh, từ bi, trí huệ, vị tha, bình đẳng …
Những dòng nước thanh tịnh nầy luân lưu theo dòng thời gian chảy xuyên
suốt từ Phật truyền đạt đến chư Tổ và tới tất cả chúng ta. Ðó là những
dòng nước thanh tịnh để rửa sạch những ô nhiễm ngũ dục lục trần. Tâm
Phật và tâm ta cùng hòa quang trong cùng một nhịp điệu phá tan những mê
lầm từ vô lượng kiếp. Hãy nhìn vào tượng Phật sơ sanh đang hiện diện
trước mắt ta, như thầm nhắc nhở ta phải luôn luôn sống trong tỉnh thức.
Có hằng sống trong tỉnh thức thì đời ta mới có an lạc và giải thoát. Ðó
là ta khéo biết trở về nhận lại cái kho tàng quý báo ( bảo sở ) vô giá
của ta. Mà lâu nay, vì si mê tăm tối, ta mãi đắm nhiễm theo duyên trần,
rồi tạo ra bao nhiêu thứ nghiệp ác, để rồi phải chịu trầm luân mãi trong
vòng sanh tử khổ đau.
Nay đây, một duyên lành rất lớn là ta được múc nước thanh tịnh để tắm
Phật. Phật bên ngoài cũng như ông Phật trong tâm ta. Mỗi muỗng nước ta
tưới là ta quyết tẩy sạch trôi đi những não phiền cáu bợn, hầu để cho
ông Phật pháp thân của ta hiện bày. Ðó là ý nghĩa Phật xuất thế. Cứ mỗi
một niệm mê lầm là có một niệm giác chiếu soi. Vô minh ở đâu thì có Phật
xuất thế ở đó. Hãy để cho ông Phật tự tâm ta ra đời trong mọi thời gian
và nơi chốn. Có thế, thì đời ta mới thực sự chấm dứt khổ đau. Và ta hãy
cương quyết phát đại thệ nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chùa Quang Minh