12/07/2013 21:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 1727
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Gần đây, nhiều thông tin của báo mạng đã tạo ra dư luận, bức xúc cho người đọc. Trong đó, lỗi từ phía phóng viên cũng nhiều, do sự  lệch lạc các thông tin khách quan, do đưa tin thiếu chính xác bóp méo cả nghị định - thông tư

Sáng nay, báo Thanh Niên Online đã đăng tải bài “Người đưa tin sai đã xin lỗi”. Chiều ngày 11.7, một phóng viên báo điện tử đưa tin sai lệch về vụ "33 tuổi không được mang thai" đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Tp.HCM.  

Nếu một phóng viên non trẻ, thiếu kinh nghiệm phỏng vấn thì có thể làm đổ gãy danh dự của một nhà khoa học hoặc một nghệ sĩ lớn tuổi. 

Tôi đã gặp nhiều tình huống tác nghiệp nửa khóc nửa cười. Một phóng viên trẻ đi phỏng vấn một tiến sĩ, tôi là người thứ ba theo dõi cuộc phỏng vấn ấy. Sau khi bạn phóng viên trẻ cắt xén, biên tập, thì hậu quả là ông tiến sĩ kia phát biểu nông cạn, thua xa cái học vị tiến sĩ. Sự thực là do bạn phóng viên trẻ không nắm bắt được và không hiểu lời nói, tư duy của vị tiến sĩ kia. 

Đó là lỗi của truyền thông xã hội. Còn truyền thông Phật giáo thì sao? Nếu Truyền thông Phật giáo “ăn theo”, đăng lại các bài viết chưa được kiểm chứng tính xác thực của báo ngoài xã hội, đặc biệt là của các báo lá cải thì còn gây hậu quả nhiều hơn nữa. 

Gần đây, truyền thông Phật giáo có đăng tải những bài viết về NSND Bạch Tuyết. Xuất phát điểm là bài viết của tạp chí Mốt & Cuộc sống. Cá nhân tôi đã đọc các bài lên án nghệ sĩ trên các trang mạng Phật giáo, nhưng chưa thấy nội dung bài nào mà tác giả liên hệ với nghệ sĩ Bạch Tuyết để kiểm chứng xem nội dung bài báo trên có trích dẫn đúng ý trả lời của nghệ sĩ hay chưa? 

Nếu phóng viên đó phản ánh sai trả lời của nghệ sĩ, thì chẳng lẽ chúng ta các trang mạng Phật giáo lại đua nhau công kích nghệ sĩ Bạch Tuyết?

Giả sử nghệ sĩ Bạch Tuyết bắt buộc người phóng viên kia phải đưa ra bản gốc thu âm cuộc phỏng vấn, nói chuyện giữa phóng viên và  nghệ sĩ Bạch Tuyết, thì không biết chừng bạn đọc báo mạng sẽ vỡ lẽ ra nhiều thứ?!
 NSND Bạch Tuyết. Ảnh: Giác Ngộ Online

Nhiều bạn đọc bức xúc vì nghệ sĩ Bạch Tuyết có phát ngôn “vô đối”.  Nhưng sự bức xúc ấy xuất phát từ nội dung bài viết trên báo mạng, website Phật giáo là cộng đồng mạnh mẽ nhất lên tiếng mà chưa thấy có ai chịu khó kiểm chứng và trực tiếp hỏi lại nghệ sĩ xem nội dung đó có đúng là do nghệ sĩ trả lời, hay bài báo được phỏng vấn theo kiểu cắt, xén, chế tác theo kiểu "phóng sự xa lông"?!

Một số tác giả khác lại căn cứ vào chính bài báo của Tạp chí Mốt & Cuộc  sống, để viết bài về nghệ sĩ Bạch Tuyết. Như vậy thì không thể đảm bảo tính khách quan của thông tin. Nếu những tác giả viết sau, tiếp cận nghệ sĩ Bạch Tuyết để phỏng vấn trực tiếp, hoặc tiếp cận bạn bè, người thân của nghệ sĩ Bạch Tuyết để phỏng vấn thì bài viết sẽ khách quan hơn, đáng tin cậy hơn. Đó là nguyên tắc, là đạo đứcbáo chí, truyền thông.

Chúng tôi chưa vội vàng kết luận nội dung trả lời phỏng vấn của nghệ sĩ Bạch Tuyết trên tạp chí Mốt & Cuộc  sống là sai hay đúng. Do chúng tôi cũng chưa liên hệ được với nghệ sĩ, song chúng tôi có sự cẩn trọng cần thiết để không vội vàng kết luận một vấn đề chưa được kiểm chứng?! 

Ở đây, chúng tôi chỉ đưa ra ví dụ, để khuyến cáo bạn đọc, những người làm truyền thông Phật giáo nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin báo mạng. Hơn ai hết các trang online Phật giáo hãy tự rút ra các bài học trong công tác truyền thông. 

Nếu sự bức xúc phát sinh do nội dung truyền thông, đồng nghĩa là bạn đọc bị nổi sân. Như vậy cả tác giả - bạn đọc – ban biên tập của trang Phật giáo đều bị tổn phúc, đó là những điều vi tế mà ít ai để ý.

Bạch Tầm Xuân

Nguon: http://phatgiao.org.vn/y-kien/201307/Loi-cua-truyen-thong-11408/

Âm lịch

Ảnh đẹp