Thông cáo báo chí là gì?
Các phật tử làm
truyền thông nên tham khảo loại hình này. Thông cáo báo chí là bản tóm tắt sự thật sẽ diễn ra của một chương trình, mà bạn muốn giới báo chí quan tâm đến.
Thông cáo báo chí không phải là một bài viết để đăng lên báo chí, mục đích là gửi cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Họ sẽ căn cứ vào thông tin ghi trong thông cáo báo chí để tác nghiệp. Như vậy, thông cáo báo chí là một công cụ khuyến khích giới báo chí tham gia truyền thông Phật giáo.
Cách viết một
thông cáo báo chí rất đơn giản, nội dung ngắn gọn, ngôn từ giản dị mang tính chất thông báo: Ai? Ở đâu? Hoạt động gì? Như thế nào?
Lợi ích của Thông cáo báo chí?
- Cung cấp thông tin sớm cho giới báo chí, thúc đẩy việc truyền thông có hiệu quả.
- Cung cấp thông tin sớm cho giới phật tử, mạnh thường quân, vận động sức người, tịnh tài tham gia đóng góp, xây dựng chương trình, sự kiện Phật giáo.
- Tạo kỹ năng quan hệ công chúng, phong cách truyền thông chuyên nghiệp.
Khi nào cần viết Thông cáo báo chí?
- Các nghi lễ tâm linh: Lễ cầu quốc thái dân an; Lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ; Trai đàn chẩn tế, cầu siêu, giải oan cắt kiết; Lễ động thổ, trùng tu chùa, thiền viện, Học viện Phật giáo; Lễ cầu siêu cho các hương linh chết nước, vong linh thai nhi..
- Các hoạt động xã hội: Hoạt động
từ thiện; Hoạt động trồng rừng; Hoạt động bảo vệ môi trường..
Nội dung của Thông cáo báo chí?
Nội dung thông cáo báo chí chuyển tải đầy đủ thông tin theo cấu trúc sau đây:
1. Who: Ai
2. What: Cái gì
3. Where: Ở đâu
4. Why: Vì Sao
5. When: Khi nào
6. How: Như thế nào
Đây là công thức 5W+1H. Với công thức này thì mức độ quan trọng của thông tin trong một bản TCBC giảm dần. Phần đầu là thông tin có mức độ quan trọng nhất. Phần tiếp theo kém quan trọng hơn, đó có thể là sự chi tiết hóa phần đầu, hoặc những lời trích dẫn... Cuối cùng là thông tin liên hệ.
Viết thông cáo báo chí không phải là việc khó. Tuy nhiên, một người viết giỏi thì có thể thu hút sự quan tâm của báo giới, thuyết phục họ tin tưởng và dùng thông tin làm cơ sở cho một bài viết được đăng tải.
Hình thức, trình bày Thông cáo báo chí?
Thông thường, nội dung thông cáo báo chí nên ngắn gọn trong 1 trang. Nếu nội dung dài hơn, sang trang thứ 2 cũng được. Cuối bài phải có phần “Trân trọng cảm ơn” và cung cấp thông tin liên hệ, địa chỉ, số điện thoại, email.
Mở đầu thông cáo báo chí, bao giờ cũng có thông tin Liên hệ (chữ nghiêng, cỡ chữ nhỏ hơn phần nội dung chính); Sau đó viết Tiêu đề (chữ in hoa, nghiêng, đậm); Ngày… tháng… năm; Và tiếp theo là nội dung chính.
Ví dụ mẫu trình bày như sau:
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Phát hành ngày.. tháng.. năm..
Để biết thêm chi tiết xin liên hệ:
Thượng toạ..
Trụ trì chùa..
Địa chỉ..
Điện thoại..
Email..
Website…
--------------------------------------------------------
Chương trình “Hội xuân trồng cây”
Bắc Ninh, ngày… tháng… năm…
(Bắt đầu viết nội dung chính trong khoảng 1 trang)….
- Ai?
- Cái gì?
- Ở đâu?
- Vì Sao?
- Khi nào?
- Như thế nào?
Xin trân trọng cảm ơn!
Ai có thể nhận Thông cáo báo chí?
Nên gửi thông cáo báo chí cho Thư ký toà soạn; hoặc gửi đích danh người phụ trách chuyên mục văn hoá – xã hội, có thể là chuyên mục khác có liên quan đến Phật giáo; hoặc gửi phóng viên, biên tập viên có mối quan hệ với nhà chùa.
Có thể gửi thông cáo báo chí qua email, qua bưu điện hoặc gửi trực tiếp. Góc trái phong bì nên ghi rõ tên của người chịu trách nhiệm về thông tin, và địa chỉ liên lạc. Ví dụ bạn là người viết thông cáo báo chí, người chịu trách nhiệm thông tin, duyệt nôi dung là Thầy trụ trì, chùa A. Như vậy, góc trái phong bì sẽ ghi tên Thầy trụ trì, địa chỉ chùa A.
Ngoài ra, có thể đăng tải thông cáo báo chí lên các
website Phật giáo, để cung cấp thông tin cho giới tăng, ni, phật tử hoặc giới báo chí có nhu cầu về thông tin Phật giáo.
Trong phần 4, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ nội dung: Kỹ năng viết sa–pô (sapo) và kỹ năng biên tập.
Bạch Tầm Xuân