28/09/2013 17:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 1713
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Việc thành lập Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo là hết sức cần thiết, không chỉ mang trọng trách truyền bá thông tin mà còn mang sứ mệnh trở thành một kênh thông tin chính thống, thể hiện đúng tinh thần Phật giáo, cũng như trở thành cơ quan phát ngôn hợp pháp của Giáo hội.



 Ảnh minh họa

Cụm từ “Truyền thông Phật giáo” lần đầu tiên xuất hiện sau Đại hội Phật giáo lần thứ VII, Nhiệm kỳ (2012-2017). Tuy nhiên, nếu nắm rõ khái niệm này thì chúng ta thấy rằng, đây không phải là công việc mới mẻ, hay một sự sáng tạo gần đây mà nó đã có từ thuở xa xưa, ngay thời đức Phật còn tại thế, mặc dù qua từng thời đại có tên gọi và cách làm khác nhau.

Trong suốt 49 năm hoằng pháp của đức Phật, những bài kinh được Ngài thuyết ra nhằm mang đến cho hàng đệ tử lĩnh hội cũng là một công việc không nằm ngoài truyền đạt thông tin. Sau khi nhập diệt, các đợt kiết tập sau đó, các hàng đệ tử của Ngài quyết định cho biên chép lại lời Phật dạy để lưu giữ cho hàng hậu thế cũng không ngoài công việc truyền thông. Nhờ đó mà chúng ta được học, được hiểu giáo lý của Ngài và cũng nhờ đó mà đạo Phật vẫn trường tồn sau đó hơn 25 thế kỷ.

Ở Việt Nam, từ sau năm 1930 nhờ vào vai trò chấn hưng Phật giáo mà đã có nhiều trang báo, tạp chí Phật giáo ra đời như Tạp chí Viên Âm (1933), Tạp chí Đuốc Tuệ (1935), Tạp chí Tiếng Chuông Sớm (1935), Tạp chí Tam Bảo (1937), Tạp chí Liên Hoa (1951)…Tất cả đều được xem như một cách chính thức phát hành các trang truyền thông mặc dù dưới sự gây khó gắt gao của thực dân Pháp.

Từ khoảng năm 2000, với sự phát triển của các thiết bị công nghệ thông tin trong nước. Đặc biệt là các đầu hình kỹ thuật số sử dụng các đĩa VCD, DVD đã giúp cho việc sang chép, lưu trữ các bài thuyết pháp dễ dàng hơn. 

Cho đến những năm gần đây, với sự phát triển của Internet đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong vai trò truyền thông. Hàng loạt trang website Phật giáo ra đời tạo ra một "khung cảnh nhiều “màu sắc”, song không thể tránh khỏi những cái tạm gọi là “lộn xộn, rườm rà”. 

Như chúng ta đã biết, việc ra đời một trang website ngày nay không còn quá khó khăn. Chỉ cần mua một hosting và đăng ký một tên miền là có thể sử dụng ngay. Chính việc quá dễ dàng này dẫn đến hàng loạt các trang website Phật giáo ra đời mà không có đơn vị kiểm duyệt, tạo ra một khung cảnh “bội thực” website Phật giáo.  

Trong số đó, chỉ một số ít website có hoạt động bài bản, có sự kiểm duyệt bài viết và cập nhật thường xuyên, sao chép các bài ở trang khác có trích nguồn. Còn lại là những website đều mang tính chất tự phát, có những trang tạo ra rồi để đó, chỉ một vài hình ảnh và bài viết giới thiệu, khả năng tác nghiệp báo chí còn “khiêm tốn”.

Thứ nữa, nỗi lo lắng khác không thể “làm ngơ”, đó là một số ít trang có nội dung khuynh hướng không  đúng tinh thần nhà Phật, một số trang trích dẫn quá nhiều bài viết mang tính xã hội hơn là đạo pháp. 

Những bất cập trên đòi hỏi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có một đơn vị Thông tin Truyền thông mang tính “chính thống” để có những điều chính phù hợp, chính xác với việc bùng nổ thông tin hiện nay. Do đó, sự ra đời của Ban Thông tin Truyền thông trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một nhu cầu tất yếu. Dù vẫn với chức năng truyền thông là chính nhưng đã cho thấy sự đòi hỏi và quan tâm chính thức của những người con Phật trong giai đoạn giai đoạn này.

Ban Thông tin Truyền thông không chỉ mang trọng trách truyền bá thông tin mà còn mang sứ mệnh trở thành một kênh thông tin chính thống, thể hiện đúng tinh thần Phật giáo, tinh thần truyền thông trong thời đại mà truyền thông có vai trò hết sức quan trọng như hiện nay. 

Để Ban Thông tin Truyền thông đi vào hoạt động mang tính bài bản, chất lượng, vừa qua chúng ta thấy những nỗ lực của Giáo hội trong việc cho ra đời cổng thông tin chính phatgiao.org.vn, với nhiều bài viết có giá trị, phần nào định hướng tốt cho tinh thần học Phật đúng chánh pháp. Cũng như cấp thẻ Hội viên cho các Ủy viên các Ban Thông tin Truyền thông, nhằm để xác định rõ về hướng nhân sự làm truyền thông chuyên nghiệp hơn.

Hy vọng rằng, trong vai trò của những người làm công tác truyền thông Phật giáo, chúng ta cần nỗ lực để đem lại một kênh thông tin nhanh, hay và đúng để hàng phật tử có nơi đặt niềm tin. 

Xin cũng đừng e ngại trong việc nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề mang tính lệch lạc chánh pháp, những vấn đề làm mất uy tín, hủy hoại, bôi nhọ đạo pháp; nhằm giúp cho Phật pháp đi theo đúng bản chất thật sự của nó.

Thích Lệ Nhật - Ban Thông Tin Truyền Thông GHPGVN tỉnh Đồng Tháp

(*): Bài 2: Thực trạng và giải pháp truyền thông Phật giáo hiện nay

Nguon: http://phatgiao.org.vn/y-kien/201309/Ban-Thong-tin-Truyen-thong-Phat-giao-ra-doi-la-het-suc-can-thiet-12208/

Âm lịch

Ảnh đẹp