04/09/2010 23:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 5027
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sỏi mật là sự kết tụ thành khối rắn của các thành phần dịch mật, tạo nên một hoặc nhiều viên giống như viên sỏi, nằm trong lòng hệ mật. Tuỳ vị trí, có hai loại sỏi là sỏi túi mật và sỏi đường mật. Sỏi túi mật có thể rơi xuống ống mật chủ, biến thành sỏi đường mật (gọi là thứ phát) nhưng không có chiều ngược lại. Sỏi túi mật và sỏi đường mật khác nhau từ nguyên nhân, chất tạo sỏi, cho đến triệu chứng và cách điều trị.

Sỏi túi mật: có thể gây ung thư!

Nguyên nhân sinh sỏi liên quan đến dư chất cholesterol, một chất chính trong thành phần sỏi túi mật. Nhiều trường hợp sỏi túi mật không gây triệu chứng gì mà chỉ phát hiện tình cờ khi siêu âm kiểm tra sức khoẻ. Một số bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng nhưng có các bệnh khác của đường tiêu hoá gây triệu chứng ở bụng, khi đó cần xác định thêm các bệnh đường tiêu hoá và điều trị thích hợp.

Bệnh cảnh điển hình của sỏi túi mật là những cơn đau dữ dội vùng dưới sườn phải kèm nôn ói. Đau có thể tự giảm trong vài giờ. Nếu kéo dài sẽ gây viêm túi mật cấp làm cho bệnh nhân sốt, đau bụng lan rộng, có khi nhiễm trùng nặng gây sốc và các biến chứng nặng nề. Sau nhiều đợt đau, túi mật viêm nhiễm kéo dài trở nên viêm mạn tính. Một số ít trường hợp có thể gây ung thư.

Chẩn đoán sỏi túi mật thường dễ dàng và chính xác. Đa số trường hợp chỉ cần siêu âm là thấy sỏi và các biến đổi bệnh học của túi mật như thành dày, teo nhỏ hay căng to, polýp, u,... Siêu âm cũng sẽ cho biết tình trạng đường mật bình thường hay có sỏi gây tắc nghẽn. Trong những bệnh nhân bị sỏi túi mật đã có biểu hiện đau, trong vòng mười năm sẽ có khoảng 7% xảy ra biến chứng. Biến chứng thường gặp là viêm túi mật cấp gây hoại tử và thủng túi mật, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng khác gồm dò mật – ruột, tắc ruột do sỏi mật, sỏi rơi xuống ống mật chủ gây viêm đường mật, viêm tuỵ cấp.

Chỉ điều trị sỏi túi mật khi có triệu chứng. Trước đây có nhiều phương pháp điều trị: dùng thuốc tan sỏi (đến nay vẫn còn lưu hành một số thuốc, phải uống liên tục mỗi ngày trong hơn 12 tháng, tỷ lệ tan sỏi hoàn toàn khoảng 50% trường hợp. Nhiều năm sau khi sỏi tan, khoảng nửa số trường hợp sẽ bị tái phát); lấy sỏi để lại túi mật (phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể... có thể lấy hết sỏi nhưng có khả năng tái phát vì túi mật là nguyên nhân sinh sỏi vẫn còn); phẫu thuật cắt túi mật (mở bụng hoặc nội soi cắt bỏ túi mật nhưng vẫn bảo tồn toàn vẹn hệ đường mật). Hiện phương pháp điều trị duy nhất được ưa chuộng trên thế giới là phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Sau phẫu thuật bệnh nhân bình phục nhanh, ít đau, chỉ cần nằm viện 1 – 2 ngày, không tái phát bệnh, không ảnh hưởng nhiều đến chức năng tiêu hoá, không di hại sức khoẻ về sau.

Sỏi đường mật: dễ bị biến chứng nặng

Sỏi đường mật dễ gây những biến chứng rất nặng dẫn đến tử vong như: sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc mật, áp xe gan, suy gan – suy thận, viêm tuỵ cấp...

Vị trí sỏi có thể đơn thuần ở ống mật chủ, ở đường mật trong gan hoặc vừa ở ống mật chủ vừa ở đường mật trong gan và có khi có cả sỏi túi mật đi kèm. Nguyên nhân sinh sỏi liên quan các yếu tố: nhiễm giun đường ruột (đặc biệt giun đũa từ ruột chui lên đường mật), dinh dưỡng kém, do yếu tố cơ thể bệnh nhân (hẹp đường mật, nang đường mật, bệnh hồng cầu dễ vỡ)... Một số trường hợp sỏi chưa gây triệu chứng, phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng. Tuy nhiên, khác với sỏi túi mật, ít khi sỏi đường mật tồn tại lâu mà không gây triệu chứng. Triệu chứng điển hình là đau dưới sườn phải, sốt rét run và vàng da. Tình trạng này gọi là nhiễm trùng đường mật. Nhiễm trùng đường mật dễ diễn biến nặng thành sốc nhiễm trùng với tỷ lệ tử vong rất cao.

Chẩn đoán sỏi đường mật chính cũng thường dựa vào siêu âm. Tuy nhiên độ chính xác có kém hơn so với chẩn đoán sỏi túi mật. Do đó, một số trường hợp, bác sĩ phải sử dụng chụp X-quang đường mật, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Sỏi đường mật dễ gây những biến chứng rất nặng dẫn đến tử vong như: sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc mật, áp xe gan, suy gan – suy thận, viêm tuỵ cấp... Khác với túi mật, có thể cắt bỏ, đường mật không thể cắt bỏ nên điều trị chỉ có cách lấy hết sỏi. Sỏi đường mật rất dễ tái phát. Hiện nay mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị nhưng y học thế giới cũng chỉ đạt được ở mức lấy hết sỏi chứ chưa chống tái phát sỏi có hiệu quả.

Phòng ngừa sỏi đường mật tái phát

Đến nay chưa có biện pháp chắc chắn để phòng ngừa sỏi đường mật tái phát. Một số biện pháp được xem như có khả năng giảm thiểu nguy cơ tái phát: tránh nhiễm giun đường ruột (ăn uống vệ sinh, đặc biệt lưu ý khi dùng rau xanh phải rửa đúng cách. Xổ giun định kỳ mỗi sáu tháng); dinh dưỡng đầy đủ (khẩu phần ăn cân đối các nhóm chất, ăn điều độ, không nhịn ăn bỏ bữa); điều trị rối loạn lipid máu nếu có; tăng cường vận động thể dục, thể thao…

Phương pháp phẫu thuật: phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi mở ống mật lấy sỏi (hiện đa số là phẫu thuật qua nội soi ổ bụng. Sau mổ thường có đặt một ống dẫn lưu mật gọi là ống Kehr. Nếu đã lấy hết sỏi, ống Kehr sẽ được rút sau mười ngày. Nếu có sỏi trong gan, thường không lấy sạch sỏi được trong một lần mổ nên sẽ lấy sỏi qua đường hầm ống Kehr sau ba tuần); cắt gan phần chứa sỏi (là một phẫu thuật nặng nề, chỉ áp dụng cho các trường hợp sỏi đã gây hư hại gần hoàn toàn một phần gan và hệ ống mật trong phần gan đó); lấy sỏi rồi nối mật – ruột (nhiều phương pháp nối mật – ruột để lập lại lưu thông mật ruột hoặc tạo đường hầm chờ sẵn để can thiệp dễ dàng về sau nếu sỏi tái phát). Ngoài việc lấy hết sỏi, nhiều trường hợp còn phải thực hiện các biện pháp điều trị hẹp đường mật rất phức tạp.

Phương pháp không phẫu thuật: nội soi lấy sỏi qua đường miệng (rất tốt cho đa số trường hợp sỏi ở đường mật ngoài gan, ngoại trừ một số trường hợp sỏi quá to hoặc sỏi kẹt cứng trong ống mật. Bệnh nhân gần như không đau, ăn uống trở lại sớm, thời gian nằm viện ngắn. Một số trường hợp không lấy hết sỏi một lần có thể lặp lại thủ thuật); nội soi lấy sỏi xuyên qua da (đối với sỏi đường mật trong hay ngoài gan không lấy được bằng các phương pháp đã kể, có thể sử dụng phương pháp này. Thực hiện qua một đường chọc kim xuyên thành bụng đi vào đường mật trong gan rồi nong dần lên để tạo đường hầm. Theo đường hầm đó, máy nội soi được đưa vào để lấy sỏi như cách lấy sỏi qua đường hầm ống Kehr).

TS.BS Đặng Tâm

nguồn: http://sgtt.vn

Âm lịch

Ảnh đẹp