18/06/2017 20:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 2162
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong y học cổ truyền, việc bắt mạch và xem các biểu hiện trên lưỡi là hai yếu tố quan trọng để người thầy thuốc làm căn cứ chẩn đoán cho bệnh nhân (BN).

Xem lưỡi đoán bệnh bằng y học cổ truyền


Đặc biệt, các dấu hiệu bất thường trên lưỡi có thể liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Bệnh từ stress và rối loạn nội tiết

Trung bình mỗi ngày PGS-TS Nguyễn Thị Bay, PK Đông y, cơ sở 3, BV ĐH Y Dược TP.HCM khám cho khoảng 20 BN, thì khoảng 30% trong số này mắc phải các bệnh lý bất thường ở lưỡi.

Gần đây nhất, TS Bay gặp nữ BN P.T.T., 56 tuổi, ngụ Q.8, bị stress vì mới nghỉ hưu, lại đang mãn kinh nên nội tiết tố thay đổi, tinh thần bất an.

Khoảng một năm nay, dù đã mãn kinh nhưng cứ gần đến ngày lẽ ra trước đây là chu kỳ, ở niêm mạc môi, miệng và lưỡi của bà T. lại mọc nhiều mụn nước.

Các mụn này vỡ ra, rỉ dịch, ngứa loét gây đau đớn. BN đã đi khám nhiều nơi, uống thuốc do cả bác sĩ (BS) chuyên khoa răng hàm mặt và da liễu kê, nhưng bệnh không thuyên giảm.

TS Bay xác định, bà T. bị một loại bệnh do virus gây ra là Aphthous (loét Áp-tơ), biểu hiện qua các mụn rộp mọc trên niêm mạc má, môi, lưỡi với những vết loét sâu, rỉ dịch, rất ngứa, đau.

Loét Aphthous là bệnh thường gặp ở phụ nữ trung niên vào kỳ kinh nguyệt, không điều trị cũng sẽ tự lành sau năm-bảy ngày nhưng thường xuyên tái phát.

"Tôi đã khuyên cô ấy lấy cỏ mực tươi giã ra, thêm chút muối, rồi chấm dung dịch đó lên các vết loét", TS Bay kể.

Tái khám, BN cho biết, cách của BS rất hiệu quả. Bà T. chấm dung dịch cỏ mực lên vết loét, chỉ vài giây sau là hết đau, dù trong dung dịch có muối, lúc chấm vào là bị xót. Vì thế, BN đã tự ý không cho thêm muối vào.

Nếu không thêm muối, dù hết đau rát nhưng thời gian tái phát của bệnh sẽ nhanh hơn.

Cho nên, TS Bay đã hướng dẫn BN lấy lá xoài và cỏ mực tươi sắc lên cho cô đặc rồi chấm vào vết thương. Kết quả, bệnh khỏi hoàn toàn và cũng không tái phát vào chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng nữa.

Aphthous niêm mạc miệng còn có thể do virus, gây ra những vết loét sâu hoặc mụn rộp trên môi, nếp miệng và lưỡi làm BN đau rát, chất lượng sống bị ảnh hưởng.

Dùng nước cỏ mực chấm lên vết thương sẽ kiểm soát được bệnh hiệu quả.

Lưỡi nứt bản đồ vì suy thận

Một trường hợp liên quan đến bệnh lý bất thường ở lưỡi khác là anh Đ.H.H., 49 tuổi, ngụ huyện Củ Chi. Anh đến khám không phải muốn điều trị bệnh lý ở lưỡi mà do bị suy thận mạn. BN bị chứng thận nhiễm mỡ từ bé, đang suy thận mạn độ 4 chuyển qua độ 5.

Khám Tây y, BN được yêu cầu phải chạy thận, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không đủ khả năng BN tìm đến Đông y.

Vì thuốc Đông y chứa nhiều chất vi lượng và kim loại nặng, không khéo sẽ càng khiến BN suy thận nghiêm trọng thêm nên các BS Đông y tư vấn cho BN quay lại BV để chạy thận theo yêu cầu của BS Tây y.

"Tôi thấy BN bị chứng lưỡi bản đồ (đầu và thân lưỡi có các vết nứt ngang dọc chi chít, hằn sâu như bản đồ).

Nguyên nhân của bệnh này là do stress, rối loạn nội tiết tố, biến chứng của bệnh đái tháo đường…

BN luôn thấy vị giác chát đắng, thường xuyên mất ngủ vì tiểu đêm lắt nhắt (mỗi đêm chỉ ngủ khoảng một-hai tiếng), khiến tinh thần, thể lực suy kiệt", TS Bay kể.

Ngoài việc kê thuốc thang có tác dụng lợi tiểu, an thần cho BN, TS Bay còn khuyên BN đâm lá cỏ mực, lấy nước chấm lên lưỡi. BN bị suy thận nên không được thêm muối vào dung dịch cỏ mực.

Hai tháng sau, sức khỏe BN đã cải thiện đáng kể, ngủ được năm tiếng mỗi đêm, không còn tiểu lắt nhắt, ban ngày lượng nước tiểu cũng khá hơn. Điều trị thêm một tháng nữa, lưỡi và miệng BN hết đau, lấy lại được vị giác.

Nứt lưỡi và tổn thương do cắn phải

Nứt lưỡi cũng là một trong những biểu hiện bất thường ở lưỡi. Nứt ở thân lưỡi ngoằn ngoèo, chi chít, hằn sâu còn có thể do di truyền. Nếu do di truyền, BN chỉ cần được vệ sinh lưỡi sạch sẽ, tránh để thức ăn bám vào gây viêm loét.

Lưỡi bị nứt không phải do di truyền, thì tùy trường hợp mà BS chỉ định thuốc và cho BN bổ sung vitamin B, vitamin PP.

Bên cạnh nứt lưỡi, nhiều trường hợp BN đến khám vì lưỡi bị sưng và đau, sau khi kiểm tra, BS xác định chỉ là tổn thương do tự cắn phải lưỡi.

Tổn thương này sẽ tự lành, không cần quá lo lắng. Trong trường hợp vết loét lâu lành nhưng không gây đau đớn thì BN nên đi khám vì có thể đó là một trong những dấu hiệu của ung thư lưỡi.

Bệnh lý về lưỡi thường gặp còn có bệnh nấm candida. Trên lưỡi và cả ở rìa lưỡi của BN xuất hiện những đốm trắng, cạo ra rất đau, sưng và chảy máu.

Khi đó, BN cần điều trị kháng nấm và tăng cường vệ sinh, chăm sóc răng miệng. Đôi khi, niêm mạc miệng và lưỡi có thể bị sưng viêm do đề kháng cơ thể giảm, BN bị mắc phải bệnh lý nhiễm trùng hoặc đang sử dụng thuốc gây tác dụng phụ.


theo Phunuonline

http://soha.vn/xem-luoi-doan-benh-bang-y-hoc-co-truyen-20170605164407033.htm


Âm lịch

Ảnh đẹp