27/06/2012 07:48 (GMT+7)
Số lượt xem: 137487
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chuyên đề 1:
Ăn và nhịn ăn

Tác giả : GS. HOÀNG BẢO CHÂU
Thông thường khi đói chúng ta thấy muốn ăn. Khi ăn đủ sẽ có cảm giác no. Cảm giác ăn, cảm giác no do trung khu ăn, trung khu no chỉ huy. Thức ăn con người vẫn dùng trước nay là ngũ cốc (gạo, mì, ngô, khoai, sắn), rau, quả, thịt, cá với các cách chế biến khác nhau tùy theo thời đại, tập quán của từng khu vực, từng tộc người.

 

Thức ăn qua quá trình tiêu hóa, chuyển thành các chất dinh dưỡng có cấu trúc đơn giản, vào máu để đến các tế bào, chuyển thành các thành phần đặc trưng của tế bào giúp ta tồn tại và phát triển, hoặc để phân giải vật chất giải phóng năng lượng cho cơ thể hoạt động và thải các sản phẩm chuyển hóa ra ngoài cơ thể, cũng như tạo ra các tế bào con giống hệt tế bào mẹ để bù vào số đã chết đi do sinh lý hay bệnh lý.
NÊN ĂN VỪA ÐỦ

Nên ăn vừa đủ, không nhiều quá cũng không ít quá. Thông thường người ta khuyên: ăn đủ cả chất bột, rau quả, thịt nhằm cung cấp cho cơ thể đủ các chất glucid, lipid, protid, các vitamin, muối khoáng và các chất vi lượng; và khi đã có cảm giác no thì ngừng ăn. Hải Thượng Lãn Ông còn khuyên "Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau", ý nói là ăn đến sắp no thì ngừng. Ðiều này nếu chú ý thì ai cũng có thể thực hiện được.

Các nhà dinh dưỡng ngày nay cho rằng: Ăn vừa đủ có nghĩa là năng lượng do thức ăn đưa vào cơ thể vừa bằng năng lượng mà cơ thể phải tiêu hao để duy trì các hoạt động (nằm, ngồi, đi, đứng, lao động...). Năng lượng được tính bằng calo. Người ta đã tính được ở 1 người nặng 55kg, khi nằm yên cần tiêu hao 1.400Kca; Khi ăn, thêm 180Kca; Khi ngồi tiêu hao 1.800-2.000Kca; Khi làm việc chân tay cần 5.000-6.000Kca (gấp 3-4 lần so với khi nằm yên); Khi lên gác cần gấp 17 lần khi nằm yên. Trẻ em đang tuổi phát triển cần nhiều hơn người lớn, bà mẹ mang thai cần nhiều hơn phụ nữ bình thường để có đủ năng lượng cung cấp cho thai... Như vậy, vấn đề ăn đủ tùy thuộc vào từng người và trạng thái hoạt động của họ theo hướng: cần năng lượng nhiều thì ăn nhiều; cần năng lượng ít thì ăn ít.

Người ta cũng thấy rằng, thường một nửa số calo ăn vào được dùng cho chuyển hóa cơ bản (nằm nghỉ hoàn toàn và không ăn trong 24 giờ...). Người lao động dùng 40%, nếu là lực sĩ dùng 50% hoặc nhiều hơn, và 10% dùng cho việc tiêu hóa.

Nếu ăn quá lượng cần thiết thì khối mô tế bào sẽ tăng lên, glucid thừa sẽ chuyển thành acid béo, một số amin để dự trữ. Nếu quá mức thì dẫn đến béo phì. Còn ăn không đủ lượng thì khối mô tế bào sẽ giảm đi vì glucid thiếu, cơ thể sẽ tiêu mỡ và protid dự trữ để bù đắp phần năng lượng thiếu.

Người ta cho rằng nếu sút cân do tự ý thay đổi chế độ ăn hoặc luyện tập thì không bao giờ phải lo lắng, vì thường là do mất thể dịch nên sút cân nhanh. Ðã có một nghiên cứu cho 13 người ăn mức 1070Kca/ngày trong 24 ngày, thấy 3 ngày đầu sút cân nhanh, trong đó 70% là do mất nước, còn các giai đoạn sau là mất lipid và protid.

 

 

 

Ngày nhịn ăn

Sút trọng lượng TB/kg/ngày

Nước %

Chất béo %

Protid %

1-3

 

11-13

 

22-24

0,80

 

0,23

 

0,4

70

 

19

 

0

25

 

69

 

85

5

 

12

 

15

 

 

Qua đó có thể thấy nhịn ăn ở người không có bệnh dẫn đến sút cân là quy luật sinh lý, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn là phục hồi được. Còn sút cân do bệnh gây nên thì cần phải điều trị, vì đó là nguyên nhân của sút cân.

Nhịn ăn (chủ động hoặc bị động) là không ăn uống gì hoặc ăn không đủ no, không đủ năng lượng để bù vào năng lượng đã được tiêu hao.

Chúng ta từng biết những cuộc nhịn ăn hoàn toàn (tuyệt thực) của các nhà chính trị chống lại chế độ hà khắc của quân thù. Họ có thể nhịn ăn dài ngày, ngắn ngày, song không có tử vong (nếu không có yếu tố gây tử vong tác động) và sau đó vẫn phục hồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đói ăn, nếu cho ăn một lúc quá nhiều có thể dẫn đến tử vong (Hải Thượng Lãn Ông có câu: Chết vì bội thực cũng nhiều, ngờ đâu lại có người nghèo chết no). Còn nếu khi đói lả, cho dần từng thìa nước cháo để tỉnh lại, rồi cho cháo loãng, ít một, rồi cháo đặc... thì cứu được.

Nhiều bệnh nhân sốt cao, trong giai đoạn phát nặng thật sự không có cảm giác đói, no và miệng đắng không muốn ăn gì, có thể kéo dài vài ngày. Sau khi hết sốt, dần dần mới cảm thấy đói và thèm ăn. Nhịn ăn trong giai đoạn bệnh cấp tính là một phản ứng của cơ thể, đó là do toàn cơ thể tập trung vào công việc bài tiết độc tố, chứ không chú trọng vào việc hấp thu thức ăn.

Tôi đã gặp nhiều phụ nữ ăn kiêng chống béo đến thăm bệnh với triệu chứng hoa mắt chóng mặt. Sau khi bắt mạch thấy mạch nhỏ, ấn xuống sức cản yếu (mạch tế, hư). Tôi hướng dẫn bệnh nhân tự xem mạch của mình để thấy rõ mạch nhỏ, sức cản yếu là do trong mạch không có nhiều máu (y học cổ truyền gọi là khí huyết hư). Ngoài cho thuốc bổ khí huyết, tôi nhắc bệnh nhân nên ăn đủ để giữ sức khỏe.
HẬU QUẢ CỦA NHỊN ĂN VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

Những người kiêng ăn không hoàn toàn để chữa hoặc phòng béo nếu nhịn quá mức dễ có trạng thái hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, có người thấy tối sầm, có thể ngất xỉu.

Cách phòng các chứng này thường như sau: Không đứng dậy đột ngột mà đứng từ từ, nếu thấy hoa mắt, chóng mặt thì nhắm ngay mắt lại, vịn vào một điểm cố định, chờ một lúc mở mắt ra và hoạt động bình thường. Chớ nên vẫn mở   mắt tiếp tục đi vì có thể dẫn đến tối xầm và ngất xỉu. Nếu bệnh nhân ngất xỉu thì cho nằm đầu thấp, uống nước đường nóng. Có nhiều người lúc nào cũng có kẹo trong túi, nếu thấy hơi đói thì ngậm kẹo ngay nên chủ động tránh được trạng thái hoa mắt, chóng mặt.

Người nhịn ăn không hoàn toàn để chống béo đều nhằm mục đích chủ động làm tiêu hao các chất dư thừa (nước ứ đọng, mỡ), loại thải các chất độc hại, tái tạo cơ thể, vẫn giữ cho cơ thể có đầy đủ sinh lực để sống và làm việc. Song cũng cần lưu ý, nếu nhịn đói quá mức, năng lượng đưa vào thấp hơn năng lượng yêu cầu quá nhiều thì cơ thể bắt buộc phải tự tiêu hủy các mô lành để duy trì sự sống, dẫn đến suy kiệt cả phần khối mô tế bào và phần sinh lực.   Lúc đó đã chuyển sang giai đoạn đói ăn, tự hủy, dễ bị yếu tố gây bệnh tấn công. Vì vậy nếu bắt đầu cảm thấy người chóng mệt mỏi, dễ hoa mắt chóng mặt thì cần tăng ngay khẩu phần ăn đầy đủ để cơ thể chịu đựng được quá trình giảm ăn.

Lại có những người mắc một số bệnh mạn tính đã qua điều trị bằng các phương pháp Ðông Tây y không kết quả nên tự nhịn ăn để chữa, hy vọng thông qua việc tiêu hao các chất dư thừa, loại thải các chất độc hại trong cơ thể, tái tạo lại cơ thể của quá trình nhịn ăn để phục hồi sức khỏe.

Trong số những bệnh nhân này, có người không bị sút cân do bệnh đang có (như hen suyễn, viêm phế quản mạn, sỏi bàng quang, xơ cứng mạch, phì đại tuyến tiền liệt, tăng huyết áp, sa dạ dày...). Họ vẫn có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Loại thứ hai là những bệnh nhân đã có sút cân do bệnh gây nên (u bướu đòi hỏi tăng tổng hợp protid vào u, cơ thể phải tiêu protid toàn thân để cung cấp cho u, ăn không đủ bù, suy mòn.).

Ở trường hợp thứ nhất, nếu dùng cách nhịn ăn để chữa thì có thể đạt hiệu quả như chữa béo phì. Tuy nhiên, các bệnh nhân thường được dùng cách nhịn hoàn toàn 10 ngày hoặc hơn (20 ngày, 30 ngày) tùy người, tùy bệnh và kết quả có được.

Ở trường hợp thứ hai, vì cơ thể đã bị suy mòn do bệnh, nay lại nhịn ăn nữa nên sẽ có tác dụng không tốt do làm cơ thể suy kiệt thêm. Vì vậy khi bệnh đã đến giai đoạn suy kiệt thì không nên nhịn ăn vì lợi bất cập hại. Có tác giả khuyên các phụ nữ không nên dùng phương pháp nhịn ăn trong thời kỳ cho con bú (vì sẽ không có sữa) và những người không tin vào nhịn ăn hoàn toàn dài ngày có thể đem lại kết quả tốt cho mình.

Trong đời sống của mỗi người, có lẽ ai cũng đã có lúc nhịn ăn; chẳng hạn khi ốm không thấy đói, miệng đắng, nhỡ độ đường không có gì ăn, nhịn ăn không hoàn toàn để nhẹ cân... Tuy năng lượng thức ăn đưa vào không đủ bù cho năng lượng đã tiêu hao, song cơ thể có thể tự điều chỉnh, tiêu hao bớt dự trữ, loại trừ độc hại, tiêu các mô lành khi cần thiết, giữ lại tối đa các yếu tố cần thiết và cơ thể vẫn hoạt động bình thường; Nhưng nhất thiết không nên nhịn ăn khi cơ thể đã ở trạng thái suy kiệt khó phục hồi.
Chuyên đề 2: Chữa bệnh bằng các loại gia vị
Khi bị cảm mạo, nhức đầu, có thể lấy củ hành tươi 30 gam, gừng 10 gam sắc uống; hoặc cho 3 củ hành sống, 3 lát gừng, 10 gam tía tô, ít muối, 1 quả trứng gà vào bát cháo nóng để ăn giải cảm.

Tỏi, hành, ớt... là các món gia vị hầu như không thể thiếu trong bữa cơm. Chúng không chỉ có tác dụng trang trí, tạo mùi thơm hay kích thích sự ngon miệng mà còn có chức năng chữa bệnh. 

Theo từ điển Cây thuốc Việt Nam của tác giả Võ Văn Chi, hành vị cay, tính ấm, có tác dụng làm toát mồ hôi, lợi tiểu, tiêu viêm... Tây y cho biết hành có tính chất lợi tiêu hóa, chống thối, chống ung thư. Hạt hành có tác dụng bổ thận, làm sáng mắt. Không những thế, hành còn có công dụng chữa bệnh cảm lạnh, đau đầu, nghẹt mũi, khó tiêu và các bệnh lên men đường ruột hoặc nghẽn ruột do giun đũa. Hành dùng ngoài (nghiền nát, bôi ngoài da) chữa chứng giảm niệu, phỏng, viêm mủ da, chứng phát ban và làm các vết thương mau liền sẹo. 

Ngày nay, y học đã chứng minh hành và tỏi có thể trị bệnh ung thư. Tỏi cũng thuộc họ hành, vị cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, giải độc, lợi tiểu và có thể dùng để trị bệnh cảm mạo, lỵ amíp, lỵ trực khuẩn, viêm ruột, ăn uống không tiêu, mụn nhọt. Tỏi là chất kích thích cơ thể và điều hòa các chức năng chủ yếu như rối loạn gan và tuyến nội tiết. Vì vậy nó được dùng điều chế thuốc   chữa bệnh tiểu đường, phòng ngừa ung thư, trị xơ cứng động mạch, cao huyết áp... Từ nhiều thế kỷ trước ở Ai Cập, người ta đã dùng rượu ngâm tỏi để uống chữa bệnh thấp khớp, bệnh tim mạch (huyết áp cao hoặc thấp, hở van tim), bệnh phế quản (viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản), bệnh tiêu hóa (ăn khó tiêu, viêm tá tràng, loét dạ dày). Rượu tỏi không có tác dụng phụ mà lại có hiệu quả cao. 

Ớt cũng được dùng chữa bệnh. Theo từ điển Cây thuốc Việt Nam , ớt thuộc họ cà, vị cay, tính nóng. Quả ớt có tính chất kích thích dạ dày và lợi tiểu, có thể dùng trị tiêu chảy, sốt rét. Lá ớt vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu nên thường dùng để trị sốt, trúng phong bất tỉnh và phù thũng. Rễ ớt dùng ngoài trị bệnh nẻ da. Trong Tây y, ớt thường được chỉ định trong các trường hợp lên men ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, nôn mửa không cầm được, xuất huyết tử cung, viêm thanh quản... 

Về mặt dinh dưỡng, theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP HCM, các gia vị như hành, tỏi và ớt... giúp tăng tiết acid dịch vị, làm cơ thể tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, những người có hệ tiêu hóa yếu, bị viêm loét dạ dày - tá tràng không nên dùng.

Các bà nội trợ nên dự trữ các gia vị trên để điều trị bệnh cho   gia đình trong những trường hợp sau:

- Bệnh viêm mũi, nghẹt mũi: Giã vài củ hành để vào ly. Chế nước sôi vào, trùm loa giấy lên, hít vào mũi.

- Ung nhọt, áp xe viêm tấy: Giã dập tỏi, đắp 15-20 phút (không nên để lâu làm bỏng da). Có thể trộn với ít dầu vừng để đắp. 

- Ho lâu không khỏi: Tiêu 6 hạt tán nhỏ, quả thận lợn 1 đôi cắt miếng. Nấu lấy nước uống.

 
Chuyên đề 3: Chữa cảm mạo, nhức đầu bằng xoa bóp 
Xoa bóp là phương pháp rất hiệu quả trong phòng và trị một số bệnh. Khi xoa bóp, lực của bàn tay sẽ qua các cơ quan cảm thụ của da thịt tác động đến hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa... Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả với người bị cảm mạo hoặc nhức đầu.

Sau đây là các hướng dẫn cụ thể:

1. Chữa cảm mạo

Người bị cảm mạo thường đau nhức toàn thân, nhất là các cơ và xương khớp. Cách xoa bóp:

- Cho bệnh nhân nằm sấp, đứng sát vào người bệnh nhân, dùng gan bàn tay xát dọc hai bên cột sống và đường chính giữa (từ vai đến thắt lưng). Có thể dấp nước gừng hoặc bôi dầu xoa vào gan bàn tay. Làm 3-5 lần.

- Tiếp tục đấm dọc hai khối cơ lưng 3 lần, rồi véo da dọc hai bên cột sống từ thắt lưng đến bả vai, mỗi bên 2 lần. Sau đó bóp cơ hai bên cổ, xuống đến vai.

Trong quá trình làm động tác xoa bóp, nếu phát hiện điểm đau đặc biệt thì ấn day điểm đau cho đến khi hết cứng (điểm này thường xuất hiện dọc hai bên cột sống ngang với xương bả vai; khi ấn vào, cơ co cứng thành một cục hoặc thành những sợi dây rất căng, đau hơn so với những điểm khác). Sau khi xoa bóp, nên cho người bệnh uống một cốc nước chè đường thật nóng có pha thêm vài lát gừng, hoặc ăn cháo giải cảm.

2. Chữa nhức đầu

Chứng nhức đầu thường xuất hiện khi bị cảm hoặc suy nhược thần kinh. Cách xoa bóp:

- Cho bệnh nhân ngồi. Ngồi bên cạnh bệnh nhân, dùng 2 ngón tay miết phân và miết hợp vùng trán (miết phân là dùng hai ngón tay miết ngược chiều nhau, miết hợp là dùng hai ngón tay cùng miết đến một điểm). Tập trung miết vào huyệt ấn đường (điểm giữa hai lông mày).

- Véo lông mày từ trong ra ngoài. Nếu có chỗ da dày cứng và đau thì kết hợp day đến khi hết cứng, hết đau.

- Tiếp tục véo huyệt ấn đường 10 lần rồi ấn day huyệt thái dương hai bên, miết vòng trên tai ra phía sau gáy 5-10 lần.

- Một tay phía trước đầu, một tay đặt phía sau (đối diện), vỗ nhẹ vòng quanh đầu 2-3 lần. Sau đó bóp da đầu và giật nhẹ từng mảng tóc.

- Tiếp tục bấm huyệt bách hội (ở đỉnh đầu, thẳng chóp hai vành tai   lên). Cuối cùng là bóp cơ sau gáy và hai bả vai 10-15 lần.

 
Chuyên đề 4: Dinh dưỡng cho người viêm xương khớp
Có gần 100 loại viêm xương khớp khác nhau, được chia thành 2 nhóm chính là thoái hóa và viêm. Đối với người bị thoái hóa khớp và viêm đa khớp dạng thấp, cần cung cấp lượng đạm nhiều hơn. Bệnh nhân nên ăn các loại thịt gia cầm, cá biển, tôm, cua, nhiều rau và quả tươi.

Thoái hóa xương khớp (hay viêm khớp thoái hóa): là bệnh phổ biến nhất, tỷ lệ bệnh tăng theo tuổi. 70% bệnh nhân trên 65 tuổi có biểu hiện thoái hóa khớp trên X-quang. Bệnh thường gặp ở những khớp lớn, chịu sức nặng của cơ thể như khớp cột sống, khớp gối, khớp háng, đôi khi xuất hiện ở khớp bàn tay. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là sụn khớp mất dần, có hiện tượng mọc xương mới ở viền khớp, gọi là gai xương. Lúc đầu, bệnh gây đau khi mang vác nặng, sau đau dần cả khi vận động nhẹ và lúc nghỉ ngơi.

Viêm khớp do viêm: điển hình là viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh xảy ra với khoảng 2% dân số, phụ nữ bị nhiều hơn nam gấp 2-3 lần. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, nhưng đôi khi trẻ em cũng có thể mắc bệnh.

Viêm khớp do viêm là một bệnh hệ thống, trong đó tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp, thường là những khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay và bàn chân, có khi ảnh hưởng đến khớp gối và khớp háng. Bệnh thường khởi phát âm thầm, gây phù nề, đau đớn, cứng khớp lúc buổi sáng thức dậy, gây hạn chế vận động và biến dạng khớp. Ngoài ra, bệnh còn gây mệt mỏi, đau cơ và khó chịu.

Gút (hay thống phong): cũng là một bệnh viêm xương khớp, do sự lắng đọng tinh thể uric trong khớp, thường gặp ở nam giới. Bệnh có biểu hiện đau cấp tính, phù nề và tình trạng kích thích cao độ tại khớp. Cơn đau đầu tiên xuất hiện ở gót chân, sau đó lan ra khắp mắt cá, khớp mu bàn chân, khớp gối, có khi cả ở khớp cổ tay, khuỷu tay và các khớp nhỏ ở bàn tay. Các khớp như khớp hông, khớp vai, cột sống ít bị ảnh hưởng. Bệnh Gút cũng là một biểu hiện của bệnh mạch vành, đột quỵ và tổn thương thận.

Do bệnh viêm xương khớp thường không thể chữa khỏi triệt để, nên chế độ ăn là rất quan trọng. Người béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp hoặc Gút cao, vì vậy cần giảm cân theo chế độ ăn kiêng từ từ, nhằm giảm tối đa những chấn động trên khớp. Người gầy yếu bị viêm đa khớp dạng thấp nên ăn nhiều bữa nhỏ để hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

- Đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp và viêm đa khớp dạng thấp, cần cung cấp lượng đạm nhiều hơn. Nên ăn thịt heo, thịt gia cầm, cá biển, tôm, cua, sò... ăn nhiều rau và trái cây tươi.

- Đối với bệnh nhân Gút, cần hạn chế đạm để giảm lượng axit uric trong máu và tinh thể uric trong khớp. Nên hạn chế ăn các loại thịt, nội tạng, cá, trứng, xúc xích, các loại đậu, măng tây, nấm, súp lơ. Đặc biệt phải tránh rượu, thuốc lá, cà phê, trà.

Để giảm đau và viêm khớp, nên sử dụng các loại dầu chứa nhiều axit béo omega-3 như dầu đậu nành, dầu hạnh nhân. Hạn chế ăn mỡ động vật, thức ăn giàu cholesterol. Người bị bệnh Gút mạn tính cần nghiêm túc thực hiện một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.

 
Chuyên đề 5: Một hơi thuốc ngắn, tác hại khôn lường

Một hơi thuốc lá ngắn cũng đủ để khiến ngưòi hút mắc bệnh

Một hơi thuốc lá ngắn cũng đủ để người hút mắc bệnh.
Có lẽ bạn nghĩ rằng chỉ những người nghiện thuốc lá mới có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.   Nhưng theo các nhà khoa học, chỉ cần khẽ rít một hơi thuốc cũng đủ gây tổn hại cho chất liệu di truyền, bước đầu tiên dẫn đến bệnh tim và ung thư.

Tất nhiên có nhiều yếu tố dẫn đến các bệnh trên, nhưng các nhà khoa học tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) rất ngạc nhiên trước khả năng "phi thường" của khói thuốc lá trong việc gây ra những tổn thương ban đầu cho tế bào.

William Saunders và cộng sự tại Đại học Pittsburgh đã tiến hành nghiên cứu tác động của khói thuốc lá đối với nguyên bào sợi, một loại tế bào phân bố tại các mô liên kết có tác dụng nối liền các bộ phận cơ thể với nhau.

Các chuyên gia đã ngâm nhiều tế bào trên vào dung dịch khói thuốc lá đã được hóa lỏng và phát hiện thấy nhiễm sắc thể mang DNA bị đứt ở cả 2 đầu.

"Việc 2 đầu sợi nhiễm sắc thể bị đứt là loại đột biến gây tổn hại cho chất liệu di truyền vì những đoạn sợi bị đứt có thể làm cho các sợi còn lại trong tế bào đứt theo. Điều đáng nói là chỉ cần một lượng khói thuốc lá rất nhỏ cũng đủ để gây ra hiện tượng này", ông Saunders nói.

Khói thuốc lá là tác nhân gây ung thư khí quản, bàng quang, thực quản và thanh quản.

 
Chuyên đề 6: Tắm chân để bảo vệ sức khỏe

Cần massage chân sau khi ngâm chân trong nước ấm.
Việc tắm chân (ngâm chân trong nước ấm) có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, ảnh hưởng rất tốt đến thần kinh và trí não. Phương pháp   dưỡng sinh cổ truyền này cũng giúp phòng và chữa một số chứng bệnh như đau đầu, mất ngủ, cảm mạo, suy nhược thần kinh...

Theo Đông y, bàn chân là gốc của cơ thể, có hơn 60 huyệt. Nó tham gia vận hành khí huyết, liên hệ với lục phủ ngũ tạng, nối liền các bộ phận quan trọng. Vì vậy, việc bảo vệ chân, nhất là ngâm chân trong nước ấm, rất hữu ích đối với sức khỏe. Trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm "dưỡng thụ hộ căn, dưỡng nhân hộ cước", nghĩa là nuôi cây thì bảo vệ gốc, nuôi người bảo vệ chân.

Y học hiện đại coi bàn chân là trái tim thứ hai, dưới bàn chân có nhiều đầu mút thần kinh thông với đại não. Chân nằm ở đầu mút của cơ thể, cách xa tim nên được cung cấp máu ít; máu được lưu thông ở đây cũng tương đối chậm. Vì vậy, hai bàn chân dễ bị lạnh, khiến cho nhiệt ở đường hô hấp và khoang bụng giảm, sức đề kháng giảm.Việc kiên trì tắm chân bằng nước ấm sẽ giúp giữ nhiệt cho cơ thể, kích thích các đầu mút thần kinh phản xạ đến vỏ   đại não, tăng tuần hoàn máu, điều chỉnh chức năng và trạng thái sinh lý của các tổ chức trong cơ thể.

Cách tắm chân

- Ngâm chân sau khi ăn một giờ. Sử dụng nước ấm 40-50 độ C (cảm thấy ấm là được). Trong quá trình tắm, thỉnh thoảng cần cho thêm nước nóng để giữ nhiệt. Nên cho thêm các cây hương liệu để chữa các bệnh như cảm mạo, cao huyết áp, mất ngủ, suy nhược thần kinh, thống kinh...

- Ngâm cả hai bàn chân trong 10-15 phút. Sau đó dùng tay massage hai chân (mu bàn chân trước, lòng bàn chân sau), động tác phải nhẹ nhàng, liên tục. Động tác này có tác dụng làm giãn nở mạch máu, giúp máu lưu thông tốt, đầu mút thần kinh được hưng phấn, tuần hoàn máu tăng nhanh, chữa đau đầu, mất ngủ, hay gặp ác mộng và các trạng thái thần kinh xấu khác.

- Dùng khăn khô lau sạch hai bàn chân. Chú ý tránh gió.

Người già, trẻ em và người ốm cần có người khác bên cạnh khi tắm chân. Trong quá trình tắm, nếu thấy người khó chịu thì phải kết thúc ngay.


Âm lịch

Ảnh đẹp