13/07/2011 11:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 86885
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Ngày xưa…  ngôi chùa quê, dáng liêu xiêu như bóng vị sự già trụ trì ở đó. Ngày ấy nghèo lắm. Cảnh đồng chiêm nước trũng, mỗi năm một vụ cấy còn lại ruộng đất bỏ hoang. Chùa xa làng, cái gắn liền giữa chùa với làng là tiếng chuông chiêu mộ.


>> Chào nhau ở cuối con đường...

Cả làng, từ người già đến trẻ con ai cũng mải mê với công việc của mình. Người khoẻ thì ngược xuôi kiếm bát cơm manh áo. Chùa chỉ có một mình nên sư cụ thường dặn dân rằng: “Nếu bất chợt ngày mai không nghe thấy tiếng chuông, tôi cậy dân làng lo hậu sự”.      

Tuổi thơ đứa trẻ nào mà chẳng hiếu động nghịch ngợm. Mít, na bòng, ổi chẳng mấy khi được đến ngày đem vào cúng Phật. Các vãi suýt xoa tiếc của, sư cụ vẫn thế; điềm nhiên cười, đôi mắt già nua như sáng lên một niềm hoan hỷ. “Của ăn sống người, có vía trẻ lấy may sang năm cây sẽ sai hơn” - cụ thường động viên các vãi như vậy. 

langchuong41fv.jpg

Chùa làng - Ảnh: Internet

Đất chùa rộng, tự tay cụ gieo hạt đỗ tương, vào làng xin từng ít tro về tự tay mình vun xới. Khi lấy hạt cũng một mình lom khom bóng già nghiêng trong bóng nắng. Rồi lại nghiêng nghiêng trong nắng đảo đậu phơi khô. Cụ bảo “Có như vậy hạt đậu mới già, vàng và để được lâu”.

Hôm đó, tờ mờ sáng cụ đã vào làng nhờ người chở lên phố huyện mang theo một túm gạo trắng thơm. Túm gạo được nâng niu ghì sát vào ngực, tay ôm chặt như sợ đường sóc mà rơi mất.

Như thường lệ, mỗi khi thấy cụ lên chợ huyện, ở nhà các vãi bảo nhau nghỉ buổi làm đồng. Mài dao, cắt lá thơm, gừng, nước mưa, rửa chảo thật sạch rồi nhặt củi chất bếp đợi cụ về. Ông Thỉnh tinh mắt được giao thái đường phèn. Thứ đường phải thái thật mỏng và đều tay mới mịn mới thơm. Bà Nhung pha bột phải sao cho thật khéo kẻo bột nhão hoặc vón. 

Riêng sư cụ, người tự tay rang đậu, hạt đậu rang khéo làm sao để khi ngả dần sang màu vàng óng thì cũng toả hương thơm nức ngậy… Sản phẩm cuối cùng là viên kẹo hình trứng chim tròn tròn, trăng trắng, thơm ngọt, giòn tan. Cái thưở mà khái niệm Kinh tế thị trường còn mơ hồ thì đây là món quà rất sang trong mắt con trẻ.

Như đã thành thói quen, mỗi sáng, dân làng đều thấy Sư cụ đứng dưới gốc cây Bồ Đề cổ thụ đầu làng. Bọn trẻ chúng tôi chạy ùa tới như những đứa con ngóng mẹ về chợ. Điều kiện để được một viên kẹo là phải biết niệm Phật. Mỗi câu “Nam mô A Di Đà Phật” sư cụ lại phát cho một viên, nhiều đứa khôn lanh luồn đi luồn lại năm bảy lần.

     - Dạ cụ cho con, con chưa được ạ!

     - Cháu con ông Bổng hả? Bố khỏi ốm chưa?

     - Dạ bố cháu đỡ rồi ạ! Nam mô A Di Đà Phật.

Cánh tay già run run, gầy guộc lại nhón một viên.

      - Cụ ơi cháu chỉ được ba viên thôi ạ.

      - Cha bố con nhà Thịnh đây mà, đúng là bố nào con nấy. Dạo này bố mẹ còn cãi nhau không?

      - Dạ còn ạ. Nam mô A Di Đà Phật.

      - Các con phải niệm rõ ràng. Niệm to lên cơ mà.

      - Cụ ơi, cụ ơi, thằng này nó cướp của cháu, nó cấu cháu.

      - Khổ thân con… gầy quá… gầy quá, năm nay nhà có phải ăn độn nhiều không con?

      - Dạ, mẹ cháu bảo vẫn còn hơn nhà hàng xóm ạ, cháu chỉ thèm cơm thôi ạ.

      - Cụ ơi, thằng này nó chen hàng… thằng kia niệm láo…. Nó niệm chưa hết câu cụ ạ… cụ ơi… Nam mô A Di Đà Phật… Phật… mô mô Di Phật…

Cứ như thế, những âm thanh vang vọng cả góc làng. Các cụ già thường nói đùa rằng đây là cái chợ và ví là cái chợ Di đà, rồi kẹo trứng chim được ví von là kẹo Di Đà… Không biết bao nhiêu thế hệ đã được ăn kẹo ở nơi này.

Rồi một ngày tiếng chuông buổi sáng không còn vang lên nữa. Chắc cụ ốm đau rồi, các bà ra xem thế nào! Ôi các bà ơi, cụ đi rồi… Cụ an nhiên thị tịch. Một tay cầm vồ chuông, tay kia vẫn nắm chặt sáu viên kẹo Di Đà…

          ***

Nhiều năm bôn ba nơi xứ người, giờ trở về… Chùa xưa đã được xây dựng mới khang trang hơn xưa. Giỗ sư cụ giờ được gọi là giỗ Tổ. Thời đại mới cỗ chay làm khéo quá, giò chả thịt gà, rồi lại cả Bia chay… ăn giống thật đáo để. Nhưng có một món làm tôi bồi hồi xúc động, khoé mắt cay xè, một món ăn được đặt cạnh bàn thờ - đĩa kẹo Di Đà thưở nào. 

Vị sư trẻ - chú bé ngày xưa trong phiên chợ Di Đà là tôi đã đi nhiều nơi, ăn nhiều của ngon vật lạ nhưng không sao tìm thấy hương vị kẹo Di Đà… Có phải chăng, Bụt ngọt ngào như viên kẹo quê hương xứ sở, là truyền thống yêu thương đùm bọc, sẻ chia… Nếu cạn lòng yêu thương thì làm sao tu Bụt?

Cùng bạn đọc:

Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết...

Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Giác Ngộ online 

Thích Nguyên Hưng


Âm lịch

Ảnh đẹp