Dấu hiệu mùa xuân - Ảnh minh họa
Chờ tới Tết để được có
quần áo mới, hay để được nghỉ Tết, không phải đi học mấy ngày, thật thích. Được
nghỉ Tết để bắt đầu những ngày đầu năm được lì xì, không bị la rầy chuyện dậy
muộn... cũng là niềm thích khác mà ta vẫn chờ, mỗi năm một lần.
Tết
đối với tôi và chắc với cả nhiều người là những ngày thiêng liêng, vui vẻ. Vì
nó ấm cúng, từ gian thờ đến mọi thứ trong nhà, từ nụ cười đến lời nói những
người xung quanh. Tết mở ra hy vọng mới thông qua những lời chúc hanh thông,
làm ăn phát tài, sức khỏe, an vui...
Tết
cũng có nghĩa là xí xóa, những lỗi lầm năm cũ bỏ qua để làm mới lại mối quan hệ
thân tộc, xóm giềng. Tôi cảm nhận được điều đó trong cách mà người dân quê tôi
ứng xử với nhau trong những ngày Tết, dẫu có giận nhau chuyện con gà chui hàng
rào, con bò ăn đám khoai... nhiều bao nhiêu, to tiếng bao nhiêu thì Tết cũng
chào nhau khi gặp, cười hì hì mà chúc nhau một cách vui vẻ, chơn thành.
Bây
giờ đi xa, đếm ngược về Tết còn có nghĩa là mong ngày về quê. Tết có nghĩa là
đoàn viên, bên má, bên những liếp khoai, hàng chè tàu hay mớ rau sạch, xanh
mượt mà má trồng. Tết ấm cúng và thiêng liêng khi đêm giao thừa, hai má con áo
tràng xúng xính, thắp nhang bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà rồi thỉnh chuông, tụng
thời kinh ngắn, nghe cái lạnh thấm vào da thịt mà lòng thì ấm đến lạ...
Vì vậy mà hân hoan khi nghe
nhạc xuân, háo hức khi ai đó hỏi ngày mấy về quê. Cái háo hức ấy nó làm mình
trẻ lại, như là bé thơ vẫn thường nhẩm tính, mong đợi từng ngày để được mặc áo
mới, mang dép đẹp, chạy lon ton khắp xóm cùng mấy đứa bạn, vô tư, vô lo!