Nhìn bàn tay nâng niu và ánh mắt thậm chí có phần thành kính anh
dành cho những bó nhang, hộp nhang, một sản phẩm thường chỉ dành cho công việc
thờ cúng, ít ai ngờ được chàng trai mới tròn 30 tuổi này xuất thân Tây học
100%...
Trần Phương Anh từng làm một nghề rất thời thượng trong xã hội: thạc sĩ công
nghệ thông tin và là trưởng đại diện của một trong những hãng bảo mật lớn nhất
thế giới tại VN Bit Defender. Nhưng tất cả đã là quá khứ, giờ đây trong đầu óc
và trái tim chàng trai chỉ còn một từ: “tâm nhang”.
Trần
Phương Anh với cụ bà Nguyễn Thị Hiên ở Thường Tín - một cơ sở làm nhang của anh
- Ảnh: Vi An
Do một chữ “duyên”
Bố mẹ của Trần Phương Anh, một viên chức nhỏ hưu trí và một nông
dân ở làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nổi giận khi nghe tin cậu con
trai út - niềm hi vọng của gia đình - quyết định bỏ việc ở một công ty Mỹ mà ông
bà nghe nói “lương cao lắm, tính ra tiền Việt hơn trăm triệu đồng mỗi tháng”.
Thật ra công việc của con trai ông bà không chỉ đơn giản là lương
cao, nó còn là vị thế của một chuyên gia bảo mật trong làng IT thế giới. Học Đại
học Ngoại thương tốt nghiệp xuất sắc, Phương Anh lấy được học bổng sang Mỹ học
cao học, anh chàng chuyển sang học công nghệ thông tin và tốt nghiệp cũng xuất
sắc, ở lại lang thang làm việc cho mấy công ty ở Thung lũng Silicon để
“lấy kinh nghiệm”.
Với “lưng vốn” ấy, về VN Phương Anh nhẹ nhàng vượt qua tất cả vòng
xét tuyển khu vực để trở thành đại diện của một trong những công ty bảo mật hàng
đầu tại VN. “Đến tận bây giờ gia đình, bạn bè vẫn không quen nổi với việc tôi
xoay sang... làm nhang. Lên Google search thử toàn thấy Trần Phương Anh liên
quan đến các vấn đề bảo mật hay lộ bí mật thông tin tài khoản hay doanh nghiệp
trẻ thành đạt. Nhưng đó không phải mục đích của cuộc đời tôi”.
“Vậy tại sao tự nhiên Phương Anh lại đột ngột rẽ ngoặt như vậy? Chẳng lẽ bỏ ra hơn 10
năm để theo đuổi một nghề, thành đạt rồi mới biết mình chọn nhầm?”.
“Không, chẳng có gì đột ngột, tôi cũng chẳng chọn nhầm. Tất cả là do chữ duyên mà thôi. Từ bé, nhà gần chùa Keo (ngôi chùa
nổi tiếng VN vì kiến trúc đẹp), tôi đã quen với không khí yên tĩnh, thanh thoát ở nhà chùa. Tôi hay sang chùa chơi, nghe tiếng
chuông và... ngửi mùi thơm
từ khói nhang. Mùi nhang ngày tôi còn bé ở làng quê VN ấm áp, nhẹ nhàng, vừa
ngát vừa đượm chứ không thơm sực, gay gắt như khói nhang ở những chốn đông đúc sau
này. Tôi lớn lên, đi học, cũng cố có sự nghiệp riêng cho mình
và để có điều kiện vật chất báo hiếu bố mẹ, như tất cả người đàn ông trẻ khác.
Tôi có khả năng, có quyết tâm, tôi muốn chứng tỏ bất kỳ việc nào “Tây làm được
thì tôi cũng làm được”. Nhưng những ngày xa quê lập
nghiệp bên trời Tây càng khiến tôi nhớ nhà. Tôi nhớ ngôi chùa Keo cổ kính
gần nhà, nhớ mùi khói nhang đêm giao thừa, mà phải là mùi nhang của ngày thơ bé.
Nhưng sức tôi lúc mới về không đủ để làm một cái gì đó ngay.
Tôi phải đi học, học nghề làm nhang. Và phải dành dụm
cho đủ một khoản không nhỏ để làm vốn liếng”.
Nhang nuôi tôi và tôi nuôi nhang
Các nhân viên của văn phòng VN thuộc Hãng bảo mật Bit Defender chắc
hẳn không ai ngờ ông sếp trẻ của mình suốt ba năm trời cứ ngày lên văn phòng,
tối về lọ mọ đọc sách, lân la tìm kiếm thầy thợ để hiểu biết về nguồn gốc, xuất
xứ của các loại nhang ở VN. Và cứ thứ bảy, chủ nhật là sếp lại balô trên vai,
lên núi, về quê, gặp những người già làm nhang, gặp những người thu mua trầm,
hương liệu, gặp cả chủ xưởng cưa, cả người trồng rừng nứa... để tìm cho ra bí
quyết làm những loại nhang thơm nhất và sạch nhất.
Phương Anh kể: “Mấy năm liền tôi tự mày mò, đặt xưởng làm nhang ở
những vùng có truyền thống xe nhang, gần nguồn nguyên liệu.
Tiền vốn không có, toàn bộ lương giám đốc văn phòng VN bên Mỹ trả, cũng không ít
đâu, tôi dồn hết vào trả lương thợ và mua nguyên liệu. Mấy anh em bạn bè
toàn đùa tôi: “Chả ai như mày, lấy tiền Tây nuôi du kích”. Nghe thì thấy ít,
nhưng suốt 3-4 năm, chỉ với những gì tôi nhận bằng lao động của mình ở công ty
bảo mật, tôi đã gầy dựng được gần chục cơ sở làm nhang nhỏ rải khắp Thái Bình,
Bắc Giang, ngoại ô Hà Nội, cũng tạo được công ăn việc làm cho 30-40 hộ gia
đình”.
Nhưng cách đó khó mà tồn tại lâu dài được, ông bà nói rồi, nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh mà? Trả lời câu hỏi này, Phương Anh nói: “Cũng không hẳn là như vậy,
thời đại thế giới phẳng, nhất là tôi học ngoại thương và làm phần mềm, tôi biết
lập mạng lưới quản trị thế nào cho công việc chạy đều mà tôi ít phải xuất hiện
nhất, ở cả hai lĩnh vực công việc hoàn toàn riêng biệt này. Nhưng vấn đề chính
là sau một thời gian dài chủ yếu làm nhang gia công cho các thị trường Ấn Độ,
Hàn Quốc, Đài Loan, tôi cay đắng nhận ra là chúng tôi gần như làm không công:
một container 14 feet, tức 25 tấn, sau khi trừ mọi chi phí chúng tôi chỉ còn...
10 triệu đồng. Biết bao mồ hôi, chất xám và nhất là những nguyên vật liệu tốt
nhất, tinh khiết nhất của đất nước mình đã xuất đi, để có 25 tấn nhang và chúng
tôi lời 10 triệu đồng. Có lúc cao điểm, nhân công tôi thuê lên
đến gần 600 người. Nhưng nhang của chúng tôi không có tên VN, không có nhãn xuất xứ,
không thương hiệu. Và người VN chẳng ai biết chúng tôi đã làm nhang thơm và sạch thế nào. Tôi thấy không thể
tiếp tục như vậy được nữa. Tôi quyết định tập trung làm
nhang Việt bán cho người Việt và để toàn tâm toàn ý với những cây nhang của
mình, tôi bỏ việc. Không chơi kiểu lấy tiền Tây nuôi du
kích nữa. Cuộc sống của tôi giờ chỉ có nhang nuôi tôi và tôi nuôi nhang”.
“Để nhang thơm nhất và sạch nhất”
Tâm niệm nén nhang thể hiện yếu tố tâm linh, hội tụ tinh hoa giao
hòa âm dương, quá khứ - hiện tại - tương lai, giao hòa giữa chân - thiện - mỹ,
Phương Anh đã mày mò đi tìm công thức hương nhang “không độc, ít khói, mùi hương
tự nhiên, có số giờ cháy cao”.
Nguyên liệu là thảo mộc lấy vào mùa xuân để có nhiều tinh dầu và
tạo nên hương thiên nhiên tốt nhất. Từ đại hồi lấy ở Lạng Sơn, quế ở Yên Bái, ngâu ở Thái Bình, trầm ở
Quảng Nam..., cùng với các nghệ nhân cao tuổi ở mỗi vùng mà anh đặt xưởng làm
nhang, Phương Anh đã sáng tạo ra chín công thức làm nhang với chín mùi khác
nhau, như hương trám đặc trưng cho Bắc Ninh, hương bài ở đồng bằng Bắc bộ, xạ ở
Hưng Yên, nhang trầm của Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam...
Công thức làm nhang của anh cũng đặc biệt với nét độc đáo của từng
vùng miền. Loại phổ biến tại Hà Nội (Thăng Long xưa) rất cầu kỳ và tinh tế,
thể hiện triết lý Ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) được làm từ phần trầm
tích của cây dó bầu, cây hương bài, hoa ngâu, bổ sung tổng hợp của bột các vị
thuốc bắc phổ biến như đinh hương, đại hồi, hoắc hương, tiểu hồi, đại hoàng,
bạch chỉ, địa liên, cam thảo, quế...
Loại hương trầm vùng miền Trung (Đà Nẵng - Quảng Nam - Hội
An) chủ yếu làm từ trầm và hoa ngâu. Chịu ảnh hưởng của văn hóa hương đạo
Nhật Bản vào thời kỳ giao thương mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam tập trung ở
vùng phố cổ Hội An vào thế kỷ 15-16. Còn hương trầm phổ
biến tại Sài Gòn - Gia Định chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo Tiểu thừa Ấn
Độ vào thời kỳ Phật giáo Ấn Độ phát triển ở vùng Nam bộ khoảng 300 năm trước,
được làm chủ yếu từ cây đàn hương (vùng Nam bộ thường gọi là trầm Ấn Độ).
Quy trình làm nhang cũng đảm bảo những nguyên tắc bất di bất dịch,
đó là nguyên liệu phải được xử lý thật kỹ lưỡng. Chân nhang được làm từ nứa ngâm dưới nước suối
(nơi có dòng chảy) ba tháng rồi đem phơi khô để đảm bảo không còn mùi, không bị
nứt, mọt.
Thời gian quấn tà, làm hương chỉ kéo dài 5g-10g để khi nắng
lên đem phơi.
Kỹ đến thế nên Phương Anh rất kén nơi để... bán nhang. Anh
chỉ bán qua website và bán tại các đình chùa. “Mua hương nhang mà mua tại những nơi xô bồ như chợ búa, phố buôn
bán quá đông, tâm không tĩnh thì cũng không cần mua làm gì. Mà thắp nhang
cũng đừng thắp lấy nhiều, lòng thành đâu ở nhiều hay ít. Tôi
sợ nhất những nhà giàu vào chùa đốt nguyên bó nhang cháy đùng đùng. Mỗi
cây nhang là tinh hoa của trời đất, lòng thành thì thắp một nén cũng là đủ, còn
có không gian cho hương thơm bình tĩnh lan tỏa”.
Những tên nhang của các dòng nhang khác nhau do Phương Anh tự đặt:
Phụng Nghi, Phụng Tiên, An Quý với thiết kế trang nhã đủ nói lên sự chăm chút,
nâng niu của người làm nhang.
Trần Phương Anh
Theo Tuổi Trẻ