27/10/2017 06:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 1401
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hãy Tận Dụng Thời Gian Sống Mỗi Ngày

Ni Sư Ayya Khema - Diệu Liên Lý Thu Linh

hay_tan_dung_thoi_gian_song_moi_ngay_jpg.jpg

Giờ đã đến lúc trở về nhà sau khóa thiền. Để có thể mang theo nhiều lợi lạc nhất, chúng ta cần biết cách tổ chức cuộc sống hằng ngày của mình. Nếu ta trở về và cũng hành xử giống như trước đây, thì chỉ sau một tuần ta sẽ quên hết mọi thứ. Và khi đến với một khóa thiền khác trong tương lai, ta lại phải bắt đầu mọi thứ trở lại.
Làm sao ta biết mình còn bao nhiêu thời gian trong cuộc sống này. Đây là cuộc sống duy nhất mà ta có trách nhiệm. Ở đây ta còn có thể quyết định ngày nay làm gì. Tương lai không hiện hữu. Nói rằng, “Tôi sẽ hành thiền ‘ngày mai’”, là dại khờ. Không có ngày mai, chỉ có giây phút này. Khi cuộc sống kế tiếp đến, nó là cuộc sống này; thực ra đây là cuộc sống kế tiếp của ta. Có rất nhiều duyên cớ để không hành thiền hôm nay: Thời tiết, con cái, chồng, vợ, kinh tế, thực phẩm, đủ mọi thứ chuyện trên đời. Tuy nhiên, điều gì là tối ưu, là quyết định của riêng ta.
Nếu tương lai không hiện hữu và quá khứ đã hoàn toàn qua đi, thì ta còn lại gì? Một giây phút thoáng qua, như giây phút này đây. Ta chưa nói dứt câu, nó đã qua đi rồi. Nhưng nếu biết sử dụng từng giây phút một cách khôn ngoan, dần dần ta có thể có từng giây phút tỉnh thức, và kết quả là tuệ sâu lắng.
Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên ta cần làm là quyết tâm giữ chánh niệm. Có ý thức khi mở mắt, là bắt đầu một ngày, là bắt đầu chánh niệm. Nếu mở mắt trước khi có ý thức về hành động này, ta có thể nhắm mắt lại và bắt đầu lại. Từ hành động nhỏ đó, ta sẽ hiểu chánh niệm là gì; sau đó hãy để tâm tràn ngập hàm ân vì được có thêm một ngày trọn vẹn, cho một mục đích duy nhất. Không phải là để nấu một bữa ăn ngon hơn, không phải để mua sắm thứ này thứ nọ, mà là để tiến gần hơn đến Niết bàn. Ta cần phải có đủ trí tuệ để biết làm thế nào đạt được mục đích đó. Đức Phật đã thuyết giảng điều này bao lần, nhưng dường như ta không nghe thấy, không hoàn toàn tiếp nhận những lời giáo huấn của Ngài. Nên ta cần phải nghe chúng nhiều lần.
Lòng biết ơn mang đến cho tâm trạng thái cởi mở, hoan hỷ về việc “Tôi sẽ làm gì với ngày hôm nay?”. Việc đầu tiên phải là ngồi xuống hành thiền, có thể phải dậy sớm hơn. Đa số người ta chết trên giường, một nơi thật phù hợp để chết, nhưng không phù hợp lắm để nằm đó hằng giờ một cách không cần thiết. Nếu đã qua thời thanh xuân, ta không cần ngủ nhiều nữa.
Trong nhiều gia đình, 6 giờ sáng đã ồn ào tiếng động. Nếu thế, ta cần dậy sớm hơn để tránh điều đó. Chỉ vậy cũng cho ta cảm giác hài lòng, vì đã làm điều gì đó đặc biệt để tiến gần hơn đến Niết bàn. Nếu có đủ một tiếng để hành thiền, càng tốt; ít nhất không dưới nửa tiếng, vì tâm cần thời gian để thu nhiếp và tĩnh lặng. Buổi sáng thường là giờ tốt nhất cho nhiều người, vì qua một đêm tâm không bận rộn với nhiều việc như trong ngày, nên dễ trở nên tĩnh lặng hơn. Nếu bạn bắt đầu hành thiền trong nửa tiếng, rồi từ từ tăng dần lên được một tiếng, là điều tốt. Mỗi tuần ta thêm mười phút vào việc thực hành hằng ngày.
Sau thời thiền, chúng ta có thể suy nghĩ về năm điều quán tưởng hằng ngày. Giờ thì tâm ta đã thu nhiếp, tĩnh lặng và có nhiều khả năng để đạt đến nội tâm sâu lắng hơn. 
Tôi phải bị hoại diệt 
Tôi không thể tránh bị hoại diệt. 
Tôi phải bị bệnh 
Tôi không thể tránh bệnh. 
Tôi phải chết 
Tôi không thể tránh cái chết. 
Tất cả những gì thuộc về tôi, thân thiết, quý yêu, sẽ đổi thay và biến mất. 
Tôi là chủ của nghiệp 
Tôi sinh ra từ nghiệp 
Tôi liên hệ với nghiệp 
Tôi sống bởi nghiệp 
Bất cứ nghiệp gì tôi tạo, tốt hay xấu, tôi đều thừa hưởng.
Các câu kệ không cần phải chính xác lắm. Ngôn từ chỉ là khái niệm, ý nghĩa đằng sau đó mới quan trọng; sự vô thường của thân, của những gì ta nghĩ thuộc về ta, như con người, vật thuộc, và trách nhiệm về nghiệp của riêng mình.
Những điều quán tưởng khác nữa là thái độ thương yêu, tử tế đối với bản thân và người, việc bảo vệ hạnh phúc của riêng mình cũng như mong cho tất cả chúng sinh đều được như thế: 
Xin cho tôi không có oán thù 
Xin cho tôi không bị hãm hại 
Xin cho tôi không phải phiền não về thân tâm 
Xin cho tôi bảo vệ được hạnh phúc của bản thân. 
Chúng sinh dẫu ở nơi nào 
Xin cho họ không có oán thù. 
Chúng sinh dẫu ở nơi nào 
Xin cho họ không bị hãm hại. 
Chúng sinh dẫu ở nơi nào 
Xin cho họ thân tâm không phiền não. 
Chúng sinh dẫu ở nơi nào 
Xin cho họ bảo vệ được hạnh phúc của bản thân.
Đã quán tưởng về hai phần này một cách có ý nghĩa, ta có thể nhớ ba điều này trong tâm. Đầu tiên là chánh niệm, sự chú tâm đến trạng thái hiện hữu. Đó có thể là một hoạt động nơi thân với tâm không phóng dật, hay một cảm thọ, một tư tưởng vừa phát khởi. Hoàn toàn chú tâm đến điều đó, không cố gắng khỏa lấp nó dưới những mảnh vỡ vụn vặt, mà biết chính xác điều gì đang xảy ra trong đời ta.
 Khi các hoạt động vật lý không đòi hỏi sự chú tâm, ta lại có thể hướng tư duy của mình đến các trạng thái thoáng qua trong chính cuộc đời của mình hay của ai đó, và quán chiếu xem ta cần làm gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà ta có. Khi ta quán tưởng điều này một cách chín chắn thì lòng từ bi, tình thương yêu, tâm muốn cống hiến, giúp đỡ người trở thành những chọn lựa ưu tiên. Chúng ta không cần phải giúp đỡ nhiều người ngay lập tức. Nhưng ngay cả giúp đỡ chỉ một người, có thể là người cùng sống trong một nhà, cũng đều hữu ích. Chính là hành vi và động lực mới đáng kể, không phải kết quả.
Nhiều người muốn làm điều tốt, nhưng mong đợi sự biết ơn. Đó là duy vật tâm linh, vì họ muốn có một sự đáp trả nào đó cho lòng tốt của họ, chí ít cũng là một sự tái sinh tốt đẹp. Điều đó cũng giống như bị hành hạ đớn đau, dù không phải trong ngục tù, mà do chờ đợi kết quả mang đến. Ta có thể buông bỏ cả hai thái độ và thiết lập thực tại rằng “Đây là ngày duy nhất còn lại của tôi, hãy để tôi sử dụng nó một cách hiệu quả nhất”. “Nếu tôi chỉ còn một ít thời gian trong kiếp sống này, thì điều gì quan trọng bậc nhất đối với tôi?” Sau đó chúng ta sống với ý thức rằng để đến gần với Niết bàn hơn, ta phải buông bỏ ngã mạn, sự quan tâm đến ngã, những thứ ta thích hay không thích, vì nếu không cái ngã của ta sẽ ngày càng bành trướng thay vì thu nhỏ lại. Khi ta càng chấp ngã, khẳng định cái ngã xuyên suốt cuộc đời, nó càng lớn hơn, to béo hơn, thay vì teo tóp lại. Ta càng nghĩ đến sự quan trọng của ta, càng lo lắng, chăm sóc tự thân, ta càng xa cõi Niết bàn, càng ít có cơ hội tìm được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Nếu một người to béo, tìm cách đi qua cánh cửa hẹp, thì người đó phải chèn ép thân, làm thân trầy xước. Nếu cái ngã của ai đó qua to béo, thì vị đó phải luôn va chạm với người khác, phải bị tổn thương, trong khi cái ngã của tha nhân lại trở thành cửa chắn mà người đó va vào. Nếu ta luôn kinh nghiệm những điều như thế, ta phải nhận ra rằng, đó không phải do lỗi của người, mà chính là do ta.
Nếu ta bắt đầu mỗi ngày với những suy nghĩ, quán tưởng như thế, ta sẽ trở nên bớt quan tâm đến tự ngã, mà cố gắng để nghĩ đến người khác. Dĩ nhiên, tai nạn vẫn có thể xảy ra. Tai nạn của việc thiếu chánh niệm, không để ý đến việc đang làm, tai nạn của các phản ứng mạnh mẽ, bản năng, hay do cảm giác tự thương hại. Những trường hợp đó cần được nhìn nhận cho đúng, là tai nạn, là thiếu chánh niệm. Không cần phải trách người hay trách mình. Ta chỉ cần biết là ở giây phút đó ta không có chánh niệm, và cố gắng sửa đổi lần sau. Chỉ có bậc A-la-hán, đã hoàn toàn giác ngộ, mới không gặp phải những tai nạn như thế.
Đức Phật không dạy chúng ta phải thể hiện tình cảm hay đè nén chúng. Thay vào đó Ngài dạy rằng chỉ có bốn tình cảm tối thượng (brahma viharas) là những tình cảm đáng có, còn mọi thứ khác ta chỉ cần biết rồi để chúng qua đi. Nếu sân hận khởi lên, ta có đè nén hay bộc lộ ra ngoài đều vô ích. Ta cần biết sân đã khởi, nếu không ta sẽ không bao giờ có thể chuyển đổi các phản ứng của mình. Ta có thể quan sát nó khởi lên rồi qua đi. Tuy nhiên, nhiều người khó làm được việc này; vì sân không qua đi nhanh chóng. Nhưng ta có thể nhớ rằng khi bày tỏ sự giận dữ có nghĩa là cái ngày đặc biệt đó, mà thực ra là một phần đời của mình, đã chứa đựng một sự việc kém vui, do đó ta có thể cố gắng thay thế, sửa đổi. Thay thế tình cảm này bằng một tình cảm khác dễ hơn là hoàn toàn loại bỏ nó. Loại bỏ là một hành động cố ý buông bỏ. Ta đã biết qua kinh nghiệm thiền quán rằng ta có thể thay thế vọng tưởng với sự chú tâm vào hơi thở; trong cuộc sống đời thường ta thay thế sự bất thiện với điều thiện lành.
Ta thường nổi sân với ai đó. Đối với người không quen biết, ta không quan tâm. Ta thường quan tâm đến người ta biết hay ở gần ta. Nếu như thế, ta cũng nên biết đến một vài đức tính của những người này. Do đó thay vì chỉ nhìn thấy những hành động tiêu cực của người đó, ta có thể chú tâm đến những điều tốt nơi họ.
Dầu họ có thể vừa nói những lời trái tai mà ta không thích nghe, nhưng ở lúc khác họ có thể nói những điều phải lẽ. Họ cũng biết làm điều thiện, cũng thể hiện tình thương yêu, tâm từ bi. Cho nên vấn đề là chuyển mục tiêu chú tâm, như ta đã tập làm trong thiền định. Nếu điều đó chưa trở thành thuần thục trong thiền tập thì sẽ rất khó thực hành trong đời sống hằng ngày, nhưng với sự kiên trì thực tập ta sẽ làm được. Ta phải thực hành bất chấp mọi khó khăn. Ta chuyển sự chú tâm từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ cần làm như thế mà thôi. Làm được thế ta sẽ tự bảo vệ mình khỏi rơi vào các nghiệp ác, khỏi làm uổng phí một ngày trong đời ta. Biết đâu ta không còn ngày nào khác nữa.
Kết quả tức thời của tất cả những ý nghĩ, lời nói, hành động của ta khá rõ ràng. Nếu chánh niệm, ta sẽ biết rằng cảm xúc và ý nghĩ thiện sẽ mang lại cho ta bình an, hạnh phúc, trong khi điều xấu ác sẽ mang lại khổ não. Chỉ có kẻ khờ mới cốt ý khiến mình phải đau khổ. Vì chúng ta không phải là kẻ khờ, ta sẽ cố gắng loại bỏ tất cả mọi bất thiện trong tư duy, cảm xúc và cố gắng thay thế chúng bằng điều thiện. Tất cả mọi người đều tìm kiếm một thứ, đó là hạnh phúc. Khổ đau chỉ phát khởi qua chính ý nghĩ, hành động và phản ứng của ta.
Chúng ta chính là người tạo ra hạnh phúc hay khổ đau cho bản thân. Ta có thể huân tập để làm chủ điều đó. Thiền tập của ta càng tiến bộ thì điều đó càng dễ thực hiện, vì tâm cần có sức mạnh để làm thế. Tâm phóng dật không có sức mạnh, không có uy lực. Dĩ nhiên, chúng ta không thể mong đợi những kết quả mỹ mãn qua đêm, nhưng ta có thể tiếp tục thực hành. Nếu nhìn lại sau một thời gian thực hành, ta sẽ thấy sự chuyển đổi. Nếu chỉ mới thực hành một, hai ngày thì không thể có sự chuyển đổi bên trong. Cũng giống như khi ta trồng rau. Nếu ta vừa trồng hạt giống xuống, hôm sau đã đào lên thì ta cũng chỉ thấy hạt giống. Nhưng nếu sau khi gieo hạt, ta chăm sóc nó, cho nó thời gian thì ta sẽ thấy cây đâm chồi, kết quả. Cứ đào xới để xem kết quả liên tục chẳng ích lợi gì, nhưng qua thời gian, nhìn lại, ta sẽ thấy được sự thay đổi.
Nếu ta có cuốn sổ ghi lại mỗi cuối ngày các hoạt động của mình là điều tốt. Bất cứ người chủ cửa hàng nào cũng thường kiểm kê lại hàng hóa của mình vào cuối ngày để xem món hàng nào được khách ưa chuộng và món nào ế ẩm. Dĩ nhiên, người đó sẽ không mua thêm những món hàng ế, mà sẽ đặt thêm các thứ bán chạy. Trong ngày, ta có thể kiểm tra hành động, phản ứng của mình để xem hành động nào mang đến hạnh phúc cho mình, cho người và phản ứng nào không được tiếp nhận. Ngày hôm sau, ta sẽ không lặp lại các hành động, phản ứng đó, mà để chúng tiêu rụi đi. Nếu ngày này qua ngày kia, ta đều kiểm kê như thế, ta sẽ thấy hành động nào được chấp nhận thì luôn được chấp nhận, hay ngược lại cũng thế. Sự tử tế, nồng hậu, quan tâm đến người khác, hay giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ đều luôn được tiếp đón. Chỉ quan tâm đến mình, khó chịu, cãi cọ, ganh tỵ luôn bị phản kháng. Mỗi ngày ta có thể viết xuống những hành động được tiếp nhận một bên, và không được tiếp nhận một bên khác, bất chấp chúng có mang đến hạnh phúc hay không. Khi làm thế, ta sẽ thấy là các phản ứng đối với cùng một tác nhân sẽ giống nhau. Bảng cân đối này sẽ cho ta nhiều động lực để chấm dứt các phản ứng bất thiện đã được hình thành trong ta từ trước đây. Chúng ta đã sử dụng chúng hằng bao năm, bao kiếp sống, và chúng luôn đưa đến khổ đau. Nếu ta có thể viết chúng xuống một cách rõ ràng, và biết chúng rõ ràng trong tâm, chắc chắn là ta sẽ cố gắng thay đổi.
Bắt đầu một ngày với quyết tâm giữ chánh niệm, quán chiếu về những việc xảy ra trong ngày, với nhận thức rằng đây là ngày duy nhất mà ta có, và sử dụng nó một cách tốt đẹp nhất, sau đó vào buổi tối kiểm kê lại trên bảng cân đối, sẽ cho ta một ngày sống trọn vẹn như một đời. Nếu ta làm việc này một cách cẩn trọng, thường trực, thì ngày hôm sau, hay kiếp sau, ta sẽ có được những kết quả thuận lợi. Nếu ta trải qua một ngày đầy tranh cãi, bực bội, lo âu, sợ hãi, thì ngày hôm sau cũng sẽ xảy ra giống như thế. Nhưng nếu ngày của ta đầy tình thương yêu, quan tâm, giúp đỡ cho người, ta sẽ thức giấc ngày hôm sau với những điều tương tự. Ý nghĩ cuối cùng trước khi ngủ sẽ là ý thức đầu tiên vào sáng hôm sau. Nghiệp quả sẽ trổ vào ngày hôm sau, không phải đợi đến kiếp sau. Quá mù mịt. Ta làm gì bao giờ, sẽ thấy kết quả ngày hôm sau.
Trước khi đi ngủ, hãy hành thiền tâm từ, rất ích lợi. Làm việc đó cuối cùng trước khi ngủ, nó sẽ là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm ta sáng hôm sau. Đức Phật đã nói về kết quả của tình thương yêu như sau: “Ngủ bình an, không ác mộng, tỉnh giấc an bình”. Ta còn muốn gì hơn thế nữa chứ? Hãy sử dụng nguyên tắc này ngày này qua ngày khác, thì không có lý do gì mà cuộc sống của ta không được an ổn. Đó là cách sử dụng tốt nhất mỗi ngày trong cuộc sống của ta. Không có ai làm điều đó cho ta, nếu ta không tự làm cho bản thân. Không có ai khác quan tâm đến việc làm cho mỗi ngày trong cuộc sống của bạn được tốt đẹp nhất. Ai cũng tự lo cho bản thân họ. Ta không thể dựa vào người khác để tìm hạnh phúc cho bản thân.
Về việc hành thiền, chúng ta không được để việc thực hành trôi đi. Nếu không, ta lại phải bắt đầu trở lại. Nếu ta tiếp tục hành thiền mỗi ngày, ít nhất ta cũng duy trì được mức độ mà mình đã đạt được trong khóa tu thiền, mà cũng có thể tiến bộ hơn. Giống như vận động viên mà không thường xuyên tập luyện, sẽ phải bắt đầu trở lại, với tâm cũng thế. Nó cũng cần có kỷ luật, sự quan tâm theo dõi, vì nó là chủ của ngôi nhà bên trong bạn.
Không ai có thể bảo ta làm điều này, điều nọ, ngoại trừ tâm. Ta cần cho nó cơ hội nghỉ ngơi, dừng suy nghĩ một chút, có giây phút của tĩnh lặng, bình an, để nó có thể tái tạo bản thân. Không có sự làm mới năng lượng, tâm sẽ hao mòn giống như tất cả mọi thứ khác. Nếu tâm được chăm sóc, nó sẽ chăm sóc lại ta.
Đây chỉ là nét phác họa cách ta sử dụng một ngày cho công việc và sự tu tập. Đừng bao giờ nghĩ rằng Pháp chỉ có mặt tại các khóa tu hay vào những ngày đặc biệt nào đó: Đúng hơn nó là cách sống qua đó ta không quên tính chất vô thường và khổ của cuộc đời. Ta nhận thức được những sự thật này trong tâm, chứ chỉ suy nghĩ về chúng cũng chẳng ích lợi gì. Nếu mỗi ngày ta đều tu tập theo cách này, ta sẽ rũ bỏ được âu lo, những mối quan tâm vì chúng luôn dính dáng đến thế tục. Còn Pháp thì thăng hoa thế tục.

Ni Sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh


Âm lịch

Ảnh đẹp