Nhân dịp ngày từ phụ, trong muc tản mạn văn
học, chúng tôi xin nói về đề tài thiêng liêng này để phác họa lại một vài
chân dung người cha trong văn chương. Để từ đó, qua những cảnh đời và kiếp
người, thấy được bất cứ trường hợp nào, tình thương cha con cũng có vị trí
trường cửu của nó.
Ngày Father Day’s là ngày lễ chính thức của quốc gia Hoa Kỳ.
Trong lịch sử, dự luật để chính thức hóa ngày lễ Từ Phụ đã được nhiều lần
biểu quyết tại Nghị Viện. Dự thảo luật đầu tiên vào năm 1913, rồi sau đó
Tổng Thống Woodrow Wilson vào năm 1916 cũng tại cuộc phát biểu tại Spokane
đề nghị một ngày lễ chính thức nhưng sau đó nghị viện không đồng thuận vì sợ
ngày lễ này bị thương mại hóa. Năm 1924, tổng thống Calvin Coolidge cũng có
ý định đó nhưng nghị viện cũng không thông qua. Đến năm 1966, thì tổng thống
Lyndon Johnson chính thức vinh danh người cha và đề nghị chọn ngày chủ nhật
thứ ba của tháng 6 làm ngày lễ chính thức. Mãi đến năm 1972, tổng thống
Richard Nixon mới chính thức ký dự thảo luật chọn ngày nói trên thành ngày
lễ quốc gia của Hoa Kỳ.
Có người hỏi, ở văn chương Việt Nam, anh thấy có tác giả nào viết về người
cha mà anh đọc thấy thích thú và chia sẻ nhất? Câu trả lời là theo ý riêng
tôi, khi tôi đọc Võ Hồng, viết về người bác mà ông coi như cha trong “Người
về Đầu Non” cũng như khi tôi biết đời sống của ông trong cảnh gà trống nuôi
con, tôi thật nhiều thương cảm. Một đời sống qua đi, của Việt Nam với những
tình cảnh sinh hoạt của nông thôn và đô thị miền Nam từ năm 1930 đến sau
này, đã in đậm dấu ấn trong văn chương. Và ở đó, con người còn ảnh hưởng đời
sống cũ xưa đến những người sống trong thời đại ảnh hưởng của chiến tranh
khốc liệt được phác họa lại, sâu sắc hiền hòa nhưng không kém phần nặng mang
thời đại tính. Ở một khía cạnh nào đó, Võ Hồng đã viết như sống lại cuộc đời
mình.
Nhà văn Võ Hồng sống trong cảnh gà trống nuôi con chắc phải chật vật trong
cuộc sống. Ông là một nhà giáo và đời sống cũng khá thanh bạch. Vợ ông mất
sớm và ông đã nuôi ba người con nên người. Ông đã viết một bài thơ để nói về
tình cảnh của mình. Bài thơ Sau Ba Mươi Năm.
“nhờ đất cho món ăn
nhờ nước đưa thức uống
hô hấp nhờ khí trời
mà cây đầy sức sống
cũng vậy ba đứa con
truyền cho cha sinh lực
lao khổ đầu sớm hôm
cô đơn dù nhức buốt
nhưng nhìn con lớn khôn
cha quên mọi cơ cực
đứa út vừa lên ba
biết mẹ qua tấm ảnh
miệng chỉ quen gọi cha
khi đói và khi lạnh
chị lớn chín tuổi tròn
đóng vai người mẹ nhỏ
vội vã học điều khôn
cửa nhà tập coi ngó
thằng giữa khi vào lớp
tên mình tưởng tên ai
thầy hỏi không biết đáp
nghe chim hơn nghe bài
nay các con nên người
mỗi đứa đi một ngả
mình cha căn nhà xưa
trông vừa quen vừa lạ
không còn ngày gian khổ
chỉ dư ngày tiêu điều
vắng con như cây cỏ
héo úa giữa quạnh hiu
tuổi già ngồi gẫm lại
quý nhất của đời mình
là ba đứa con dại
cha nuôi đến trưởng thành.”
Tình cảnh của nhà văn Võ Hồng bây giờ thì cô đơn trong tuổi già.
Hiện ông đang sống tại thị xã Nha trang và chắc là thanh bạch nghèo nàn như
phóng viên Cao Chư mô tả trong bài viết đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số
tháng sáu năm 1994 :
“… Lần theo địa chỉ tôi tìm đến Hồng Bàng một đường phố vắng vẻ của Nha
Trang. Bước vào căn phòng ông ở tôi ngẩn người vì trước mắt tôi không phải
là một người năm sáu mươi như tôi tưởng khi nhìn trong bức ảnh, mà là một
ông lão! Đúng, một ông lão trán hói cao quá đỉnh đầu, má hóp, người cao gầy.
Trong bộ đồ pijama và vắt ngang vai chiếc áo khoác màu hoa đào đã phai, mắt
đeo kính trông ông như một đạo sĩ phương Đông thuở nào. Võ Hồng đang ngồi
trên chiếc võng dừa cột vắt qua căn phòng nhỏ, một tay cần tờ báo, tay kia
đang nâng một chiếc ang-gô. Có lẽ ông đang ăn sáng. Thấy khách lạ ông có vẻ
hơi lúng túng vì trong phòng ngoài mấy thứ đồ đạc, sách vở chẳng có bàn ghế
gì cả. Tôi trấn an ông rồi ngồi xuống sàn gạch. Tôi tự giới thiệu tên mình…”
Đoạn văn ấy nghe như có một chút gì vương vướng. Của một người cầm bút sống
trong một hoàn cảnh nghèo khổ mà lại bất an. Những đứa con của ông hình như
bây giờ đều sống ở hải ngoại để lại một ông già cô đơn sống cảnh xế bóng
buồn phiền. Một hình ảnh người cha Việt Nam suốt đời hy sinh cho con bây giờ
sống thật tội nghiệp…
Trong văn chương chắc nhà văn Võ Hồng có viết nhiều về đề tài người cha. Ông
đã viết tùy bút “Một Bông Hồng Cho Cha” với cả tấm lòng:
”Ngày Vu Lan nhiều chùa tổ chức lễ hội bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng
trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ
tượng trưng cho Cha. Cha còn sống : nơ xanh. Cha đã mất : nơ trắng. Lễ đường
xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn cha mất:
hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất cha còn hoa trắng nơ xanh. Mẹ cha đều mất : hoa
trắng nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần một em nhỏ
tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh tủi
thân khóc òa và cả lễ đường cũng khóc òa theo. Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một
ngày Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc. Nên mỗi người con đều phải vội vàng.
Trả hiếu không bao giờ đủ không được coi là dư bởi tình cha thương con là
cho chứ không phải cho vay để có thể gọi là trả đủ”
Những tùy bút như Một Bông Hồng Cho Cha, Nghĩ Về Mẹ, Nửa Chữ Cũng Thầy, Lời
Sám Hối Của Cha,… thấm đẹp nét đẹp của nền văn hóa Đông Phương. Có người hỏi
với tình trạng đất nước lúc đó, ảnh hưởng của văn chương Võ Hồng có tác dụng
nào trong đời sống xã hội Việt Nam?
Chính nhà văn Võ Hồng trả lời câu hỏi ấy khi có một ký giả hỏi một câu cũng
tương tự như vậy: “những tùy bút của tôi không nhằm tạo ra được sức bật mà
chỉ khiêm tốn góp phần đắp giữ nền móng đạo đức trong xã hội. Ngạc nhiên và
cảm động biết bao khi rất nhiều bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi viết thư cho tôi
tỏ ý tán thưởng. Có người mượn tạm tấm ảnh của mẹ bạn mình, đem lắp vào chỗ
họa sĩ minh họa nơi bài báo “Nghĩ về Mẹ” đem photocopy. Rồi gửi tặng bạn
nhân sinh nhật của mẹ bạn. Giá rẻ chỉ có vài trăm. Rẻ hơn đóa hoa hồng mau
tàn nhiều người đã khóc khi đọc bài “Lời Sám Hối Của Cha”…
Truyện dài “Người Về Đầu Non”, nhân vật người bác ấy là anh ruột của người
cha không có con nên nhận tác giả làm con nuôi. Và trong suốt cuộc đời của
ông đã là bóng mát để che chở cho con cháu. Đọc Người Về Đầu Non, tôi như
thấy hiển hiện trước mắt người bác già quê mùa đã đi theo tác giả suốt một
hành trình dài, một mẫu nhân vật đặc thù người miền Nam Trung Bộ, sống và
thở quặn đau theo từng biến cố của đất nước. Một điều rõ nét, trong bất cứ
hoàn cảnh nào, vẫn là thái độ hy sinh quên mình và tình thương là cái mộc
che chắn tất cả những bất tường không may cho những người mà ông thân yêu.
Nhân vật ấy vui cái vui của con cái, hãnh diện vì thành công cũng như buồn
vì nỗi thăng trầm của chúng.
Lại có người nhận xét rằng trong Người Về Đầu Non hình ảnh nông thôn miền
nam Trung Bộ làm người đọc thích thú và là một nét riêng biệt đối chiếu với
các tác giả miền nam như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc … Đó là
phản ánh từ lòng yêu thương quê hương qua người qua cảnh. Tả cảnh, tác giả
đã mang vào trong đó hồn người. Cảnh, tuy có lúc chỉ là những phác họa
thoáng qua nhưng mang lại những cảm giác hồn hậu của quê hương. Và người,
qua hình ảnh của sông của núi cũng tượng trưng cho một đời sống phong tục cũ
xưa nhưng lại gợi nhiều hoài cảm.
Ngôn ngữ mà các nhân vật trong Người Về Đầu Non có phong vị của địa phương
quê mùa có phải là một đặc tính của truyện dài này. Có người cho là thô
thiển nhiều địa phương tính. Nhưng cái ngôn ngữ bình dân ấy lại gợi lại
những mảnh đời sống thực và làm sinh động hơn. Chính trong một cuộc phỏng
vấn của nguyệt san Văn (số 209 ngày 1/9/1972), tác giả Võ Hồng đã nói:
”Ước vọng của tôi là tìm gặp những ông nông dân già, ông chài cá lưới tôm,
ông thợ rừng... nghe họ kể chuyện làm ăn âu lo hy vọng. Khi được in một loạt
những cuốn sách như Hồi ký Của Một Ngư Phủ Ở Tiên Châu, Phút Nói Thật Của
Một Nông Dân miền Hóc Lá,... thì ông tưởng tượng xem độc giả các thế hệ sau
sẽ yêu quê hương tha thiết đến bực nào. Quê hương được nuôi dưỡng được bồi
đắp được bảo vệ bằng sức cần lao âm thầm của đại đa số những người sống đạm
bạc nghèo nàn nơi thôn quê chớ đâu phải nhờ lớp thị dân sung sướng ở thành
phố?”
Thi sĩ Phạm công Thiện khi viết về kỷ niệm với nhà văn Võ Hồng, trong tập
thơ Ngày Sinh Của Rắn có hai câu thơ, tả cảnh mà tả tình, đẹp một cách đơn
giản như phong vị của những câu Hai-Ku:
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông”
Và, hình như từ hai câu thơ này, Võ Hồng đã viết truyện ngắn ”Hoa khế lưng
đồi” như một cách thế đáp tạ người tri kỷ.
Trong một lá thư gửi cho tác giả “Hoài Cố Nhân”, thiền sư thi sĩ họ Phạm
viết: ...” Anh V.H. ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo? Tất cả những
trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng
những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi nó là sagesse
của quả tim.
Và một Triệu trang giấy Triết Học cũng không đáng giá bằng một tiếng đập của
con tim. Anh có nghe rõ chưa? Tôi muốn hét to lên như vậy.
Anh có nghe tim con người đập trong những trang “Xuất hành năm mới”, trong
“Trận đòn hòa giải”? “Xuất hành năm mới” còn cảm động muôn vạn lần hơn những
chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất! Những đứa nhỏ Hằng, Hào, và Thủy
trong “Xuất hành năm mới” và “Trận đòn hòa giải” là những hình ảnh đau
thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho tất cả những đứa trẻ
ở trần gian này…”
Phạm Công Thiện tâm sự như thế, dù trong ngôn ngữ của ông có một chút gì hơi
phấn khích nhưng cũng khá thành thật.
Còn với tôi, Võ Hồng đã có một góc kỷ niệm riêng mình từ lúc còn bắt đầu vào
ngôi trường trung học. Lúc ấy, hình như năm 1960, buổi sáng trước cổng
trường có mấy người bán sách dạo trải tấm bạt bầy hàng bán. Trong đó có cuốn
“Hoài Cố Nhân”, tác phẩm mà sau này chính tác giả nhìn lại: ”Hoài Cố Nhân,
nhìn lại mà thương, nghèo nàn, in sai nhiều và chắc chắn có bao nhiêu non
nớt”, bìa mầu xanh lam có bức tranh người con gái mặc áo dài cổ thật cao. Tự
nhiên tôi thấy thích quyển sách ấy, giở từng trang sách đọc “cọp“ nhiều lần
và tôi học được câu chữ Hán “Tam Nhân Nhật, Hoài Cố Nhân” và biết thêm ba
chữ tam, nhân, nhật ghép lại thành chữ xuân. Ông thầy dạy Việt văn đã tròn
mắt ngạc nhiên khi tôi phát biểu về điều mình học lóm trong lớp bởi một đứa
học trò đệ thất khờ khạo mà “thông thái“ đến như vậy. Đâu biết rằng tôi đã
nhịn đói cả một tuần quà sáng để có được cuốn sách này. Và, từ đó về sau,
mỗi khi vẽ hình khuôn mặt phụ nữ tôi lại nhớ đến hình bìa sách Hoài Cố Nhân
và tự nhiên vẽ cái cổ thật cao bắt chước như họa sĩ nào đã trình bày....
Kỷ niệm ấy vụn vặt nhưng điều mà tôi thích từ Võ Hồng là những truyện mà ông
mô tả về cảnh về người của một đất nước và một thời kỳ khá lạ lùng với tôi.
Tuy Hòa, một nơi chốn mà tôi chỉ ghé qua có vài lần trong thời kỳ ở lính ở
Pleiku, nơi có hai phi trường Tuy Hòa North, Tuy Hòa South khá lớn và tôi
nghĩ là nơi có giá sinh hoạt thấp nhất vùng 2. Đồ ăn thức uống ở đây rẻ và
ngon, mỗi lần có người bạn nào từ Tuy Hòa biệt phái về là có thịt ngon, có
cua cá tươi mà giá thì khá rẻ. Ấn tượng về nơi ấy chỉ dung dị như thế.
Nhưng, đọc những trang sách của Võ Hồng, tôi lại thấy một đời sống của một
thời đã qua, hiển hiện. Tôi chỉ là một người đọc sách và viết những cảm nghĩ
của mình trong tư cách một độc giả. Tôi soi tìm trong trang sách những gửi
gấm mà tác giả muốn tỏ bày bằng chữ nghĩa của mình. Với chủ quan như vậy,
tôi vẫn nghĩ Võ Hồng là một người yêu quê hương rất mực. Ông yêu Tuy Hòa,
ông thương Phú Yên như một câu nói với nhà văn trẻ đã tử trận tại đồn Nora ở
Phan Thiết, Y Uyên, người được dựng tượng tại thành phố Tuy Hòa vì những
truyện ngắn viết về nơi chốn này : “Một nhà văn chân chính bao giờ cũng nặng
tình với mảnh đất nơi nó cư ngụ“ Cả hai nhà văn, Võ Hồng và Y Uyên, cùng
nặng tình với Tuy Hòa, với Phú Yên, và cùng chia vui sẻ buồn với đất và
người, cũng như tìm được nét văn chương trong đời sống ấy trong một thời đại
chiến tranh đầy giông tố.
Đọc Người Về Đầu Non, đọc Hoa Bươm Bướm, đọc Con Suối Mùa Xuân, … để thấy
lại một thời đã qua, sinh động và mới lạ trong văn chương vì ít người viết
nhắc tới.
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, nhà văn Võ Hồng tâm sự:
“… Đời sống nông thôn Việt Nam được ghi lại trong văn chương, bắt đầu từ
thời Tự Lực văn đoàn nhưng mới chỉ là nông thôn miền bắc quanh quẩn ở miền
châu thổ sông Hồng Ha. Ông Lan Khai, ông Thế Lữ giới thiệu thêm miền Trung
Du, miền Thượng Du Bắc Việt. Trong thời cực thịnh đó của Tự Lực văn đoàn thì
nông thôn miền trung Việt gần như không được nói tới. Cho mãi đến Đệ Nhị Thế
Chiến, nếp sống dân gian ở miền trung cũng chỉ được mô tả ít ỏi qua vài sáng
tác của Nguyễn Tuân (miền Thanh Hóa) Bùi Hiển (miền Nghệ Tĩnh) Phan Du,
Nguyễn văn Xuân (miền Thuận Quảng). Khi đất nước bị qua phân, miền Bình Định
có thêm ông Võ Phiến, đất Quảng có thêm ông Vũ Hạnh. Đây tôi chỉ nói đến
những người viết văn xuôi viết truyện ngắn truyện dài trong đó phần mô tả
con người và môi trường sinh hoạt được coi là trọng tâm. Tôi chưa đề cập đến
những thi sĩ. Đến bây giờ (cuộc phỏng vấn thực hiện năm 1972) thì không khí
sáng tác có phần nhộn nhịp hơn mỗi địa phương đều sản xuất ra nhiều cây bút
trẻ sống gắn chặt với quê hương mình và nói lên cái khổ của đồng bào mình…”
Võ Hồng đã mô tả quê hương mình bằng cái tâm của một người sống và chết cùng
với mồ mả cha ông. Từ phong tục đến cách sinh hoạt thường ngày, từ ngôn ngữ
quê kiểng đến suy tư dân giã, những mẫu chân dung ấy linh động trong một ký
ức đầy ắp những xúc cảm. Tôi nhớ, trong những số báo xuân của những tạp chí
văn học sáng danh thời đó như Văn, Bách Khoa,..., truyện ngắn Võ Hồng đã đem
lại nhiều phong vị tết. Đọc thử một truyện như “Ngày xuân êm đềm” tự nhiên
tôi như lây cái cảm giác nôn nao ngày nào khi mùa xuân. Tết thấp thoáng
trong những luống cải, tần ô, xà lách ở ven những sân nhà, trong những bụi
vạn thọ đi xin từ chùa Châu Lâm về trồng. Xuân cũng mơ hồ trong không khí
của những chuyến đò dọc xuôi ngược chợ Đồng Dài, chợ gò Chai, chợ Gành, chợ
Thứ, từ tiếng ốc tù và rền rĩ trong đêm đến ánh đèn chai giăng giăng sáng
rực bờ sông của những phiên chợ Tết. Tháng chạp với những buổi chợ khuya có
tiếng pháo tre nổ đì đùng trong nỗi náo nức của bọn trẻ con vui sướng với
những món đồ chơi đặc thù ngày tết như con gà nắn bằng đất tô phẩm xanh đỏ.
Cảnh rộn rịp sửa soạn nhà cửa, giã lá me chua ngâm nước để chùi lư đèn đỉnh
thờ bằng đồng, nấu những món ăn đặc tết, bánh chưng bánh tét, làm rim mứt,…
Ngày mồng một, cả làng ròn rã đầy những tiếng guốc. Những bàn chân trần quen
đất đá nay e dè trên đôi guốc mộc là một hình ảnh tết nhiều ấn tượng nhất ở
thôn quê. Đọc lại trang từnng trang, vẫn thấy khoái và như sống lại một
thời, khi tuổi đời đã lớn như bây giờ…
Võ Hồng mang quê hương của mình vào trong tác phẩm, ông viết không phải chỉ
như một địa dư chí ghi chép lại những dữ kiện mà còn mang cả cái tâm của
mình vào trong từng câu văn, từng dòng chữ. Cái đẹp của chữ nghĩa Võ Hồng là
nơi tính đôn hậu, là sự hướng thượng luôn nhìn về cái thiện cái tốt lành.
Truyện của ông, kể về đời thường, với những chi tiết quá gần gũi đến nỗi
không thể nhận ra, đã có sức sống của sự chân thành, của những quặng nguyên
chất đời sống ngồn ngộn sinh lực. Ông đã viết : “Thế hệ của chúng tôi bị
chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần
lượt bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn
cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ… vậy tôi
viết về những kỷ niệm Dĩ vãng, tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi
muốn các thế hệ đàn em có dịp thiết tha gắn bó với quê hương…”
Viết về quê hương xa cách, dường như không có ai nhiều thiết trao gửi hơn Vũ
Bằng với “Thương nhớ mười hai“, với “Miếng ngon Hà Nội”. Cũng như, viết về
Tuy Hòa, về Phú Yên không ai thuần phác tâm cảm hơn Võ Hồng. Ở ông Vũ, miền
Bắc quá xa vời chỉ còn trong hồi ức trong tâm tưởng. Với ông Võ, quê hương
vẫn còn đây những cảnh vật nhưng người thì đã xa và đời sống đã khuất nẻo
vào không gian thời gian nào, có xa vời nhưng lại gần gũi.
Tuệ Sĩ đã nhận xét khá xác đáng toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng: ”Đó là một thứ
tình yêu chỉ có trong thế giới của hoài niệm. Nó có thể chọn một hình thức
thích hợp để xuất hiện trong văn chương. Tôi muốn nói các truyện ngắn của Võ
Hồng. Nơi ông, có lẽ có một tình yêu đã trở thành vĩnh cửu, đã muôn đời câm
lặng được chôn kín dưới lòng đất. Nó thấm vào các truyện ngắn của ông, làm
chất liệu hoặc khi ngấm ngầm hoặc khi lộ liễu dưới dáng dấp mệt mỏi nhiều tư
lự nhiều phán xét.
Truyện dài của ông phần lớn cũng chỉ là những truyện ngắn được ráp lại. Có
thể đây chỉ là cái nhìn phiến diện. Nhưng tôi tưởng tượng rằng, nếu cắt
riêng từng đoạn trong truyện dài của ông, để chúng thành những đoạn biệt
lập, chúng ta dễ bắt gặp nhiều cái nhìn của một người từng trải khôn ngoan
trong đời sống và khôn ngoan cả trong tình yêu. Do đó tác phẩm của ông mang
nhiều chứng tích xã hội và thời đại. Nhưng nếu nhà văn chỉ ngồi kể lể những
chuyện đời đi qua trước mắt dù bằng một giọng điệu trung thực đến mấy vẫn
không tránh khỏi tự gán cho mình vai trò trạng sư của một thời đại. Ngôn ngữ
của loài người không thể chỉ là phương tiện cho những tranh chấp và hòa
giải. Mỗi người đều phải sống bằng cái nhìn phê phán, và đau khổ vì phê phán
- phê phán và bị phê phán. Ngôn ngữ không thể chỉ là phương tiện cho sự phê
phán…”
Trước năm 1975, ông viết rất mạnh và nhiều. Sau 1975, ông uể oải. Tại sao
lại như thế ? Chúng ta hãy nghe ông tâm sự :
“Nhắc lại chuyện cũ. Năm 1985, tạp chí Văn Nghệ Phú Khánh đặt câu hỏi “Xin
cho những nhận xét về tình hình văn nghệ ở địa phương ta sau mười năm” Tôi
ghi những suy nghĩ rồi trao cho anh Tổng Biên tập, vừa nói: ”Tôi có thể viện
cớ là bệnh, là bận để khỏi trả lời. Nhưng lòng tự trọng không cho phép tôi
nói dối. Nhưng đưa anh đọc rồi xin anh cho lại. Đừng đăng. Bởi nếu đăng thì
tôi bị khó khăn” sau đây là tờ giấy tôi trả lời:
“Có một nhược điểm thường gặp nơi văn chương địa phương cấp nhỏ cấp thấp. Đó
là đọc xong thấy tất cả đều tốt, mọi việc đều hay, tiến bộ khả quan mọi
người vừa lòng. Văn chương tròn trịa lý tưởng ! không dám có những suy nghĩ
gai góc không cho có những cảm xúc mới lạ độc đáo... Mà chỉ được cảm xúc
thông thường bình thường tầm thường bằng phẳng công thức, tất cả gần như đã
vạch sẵn. Văn chương được bào chế như những món quà lành mạnh, bởi đã được
sát trùng quá kỹ lưỡng. Như kho cá rim thịt đúng theo sách dạy gia chánh…
Mà đúng ra xã hội đòi hỏi người cầm bút phải nhìn thấy những vấn đề, phát
biểu những ý nghĩ, nêu lên những băn khoăn... để người đọc cùng cảm xúc cùng
suy nghĩ. Có vậy xã hội mới tiến lên được. Chứ nếu tròn trịa như bánh xe thì
xã hội cứ như thế mà lăn tới an toàn, hà tất còn cần đến văn chương làm gì?
Đó là chuyện cũ. Đã hơn ba năm trôi qua rồi. Bây giờ chắc nói được. Cán bộ
chính trị hay nhắc chừng cán bộ văn học ”văn chương phải phản ảnh thực tại”.
Chẳng lẽ nói thêm “… mà nhớ lựa cái thực nào… tốt tốt" Phải hiểu ngầm lấy.
May mà có ông Goócbachốp. Gần đây có xảy ra vụ Phùng Gia Lộc-Đặng Bửu. Có
Phùng Gia Lộc mà thiếu Đặng Bửu thì tiếng kêu đâu đã vang xa đến vậy?
Thêm một điều. Hỏi "văn chương có phản ánh thực tại không? Thì chưa đủ. Phải
hỏi thêm” và phản ánh thực tại mà có văn chương không?” Để ghi lại thực tại,
ông thợ chụp hình chỉ cần bấm máy ảnh. Nhưng nhiếp ảnh gia nghệ thuật không
ai chỉ làm có vậy. Họ loay hoay tìm mọi cách để thể hiện cho được cái đẹp…
Trong một thời gian dài, chính trị chi phối văn chương quá kỹ. Báo chí nói
bây giờ cấp trên đã điều chỉnh lại, nói bớt. Phải lắm. Văn chương không phải
là cái xe để chỉ chở tư tưởng chánh trị, không phải chỉ được nuôi dưỡng bằng
tư tưởng chánh trị mà đủ. Cả ngay cái thân tứ đại rất vật chất này cũng đâu
phải chỉ cần ba loại thức ăn glucit, protit, lipit mà thôi? Nó còn cần như
vitamin chẳng hạn. Thậm chí còn cần cả cái xác, cái bã vô ích của loài rau
cỏ thực vật. Nếu không có thì thầy thuốc nói sẽ sinh táo bón…”
Theo Lê Phương Chi trên tạp chí Bách Khoa số tháng 6 năm 1967, thì tiểu sử
của Võ Hồng như sau:
“Tên thật được dùng làm bút hiệu.
Sinh ngày 5-5-1921 làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đã cộng tác với
tạp chí Bách Khoa, Văn Hữu, Mai, Giáo Dục Phổ Thông, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ,
Tin văn,…
Võ Hồng là con cả (3 trai 4 gái) trong một gia đình điền chủ, anh mồ côi mẹ
lúc 6** tuổi Thuở nhỏ anh học qua các trường Xã (Ngân Sơn ) trường Phủ (Tuy
An). Năm 1940 đậu Thành Chungxong anh ra HàNội học ban Tú tài thì đồng thời
anh học luôn cả Nhật Ngữ. Năm 1943 gặp lúc Hà Nội bị Đồng Minh dội bom anh
chạy luôn về quê. Năm 1945 anh giữ chức bí thư cho ông T.V.L. ở Đà Lạt trong
chinh phủ Trần Trong Kim vì anh biết Nhật Ngữ, lúc bấy giờ chính quyền rất
cần người biết tiếng Nhật làm việc. Trong những ngày ở Đà Lạt anh quen một
cô bạn gái và sau ngày VM cướp chính quyền gặp lại nhau trên đường chạy loạn
từ Đà Lạt xuống Phan Rang, Nha Trang về Tuy Hòa. Hai người đã tìm hiểu nhau
và sau đó một hôn lễ đã cử hành tại xã Ngân Sơn. Rồi vợ chồng Võ Hồng sống
rất hạnh phúc trong những ngày kháng chiến với nhiệm vụ dạy học tại làng quê
anh. Mãi đến năm 1951-1952, quân đội Pháp mở chiến dịch Atlante đổ bộ lên
Tuy Hòa, để vợ ở lại nhà một mình anh theo đoàn cán bộ địa phương chạy ra
vùng Bình Định. Tại đây anh đi làm thợ hớt tóc bằng cách theo một người thợ
lành nghề trong vùng dú anh chưa hề hớt tóc lần nào. Sau hiệp định Geneve,
tháng 8 năm 1954 anh trở về Đà lạt vì vợ anh dạy học tại đây. Năm 1956 anh
đưa vợ con về Nha Trang. Rồi vợ anh mất để lại cho anh ba con một trai hai
gái (con đầu lòng lên 9, đứa út lên 3) Anh đi dạy học từ bấy giờ đến nay.
Anh dạy các môn Khoa học, Sử địa, Việt văn, Pháp ngữ, Công dân cho các
trường Lê Quí Đôn và Bồ Đề tại thị xã nha Trang, trung bình anh dạy 30 tiếng
mỗi tuần.”
Tác phẩm gồm : tiểu thuyết Hoài Cố nhân (Ban Mai,1959), Hoa Bươm Bướm (Lá
bối, 1966), Người Về Đầu Non (Văn, 1968), Gió cuốn (Lá Bối, 1968) Những Giọt
Đắng (Lá bối,1969) Nhánh Rong Phiêu Bạt (Lá Bối, 1970, Như Cánh Chim Bay
(tiếp Hoa Bươm Bướm, Lá Bối, 1971).
Các truyện ngắn: Lá vẫn xanh (Thời Mới, 1962), Vết Hằn Năm Tháng (Lá Bối,
1965) Khoảng Mát (An Tiêm, 1966), Con Suối Mùa Xuân (Lá Bối, 1966), Bên Kia
Đường (mặt trời, 1968) Trầm Mặc Cây Rừng (Lá Bối, 1971) …
Ngày từ phụ, đọc lại văn chương Võ Hồng, để thấy ngậm ngùi hơn khi nghĩ về
cuộc đời, của những bậc cha mẹ suốt đời hy sinh cho con cái...
Nguyễn Mạnh Trinh