Nam - Bắc - Đặng quê tôi như một hòn đảo giữa đất
liền, bởi con sông Lam vượt qua bao ghềnh thác phía thượng nguồn khi về
đến đây bỗng lượn một dòng chảy rất điệu đà, ôm trọn vùng đất màu mỡ.
Tận dụng địa thế này, người Pháp nghĩ cách xây đập Bara Đô Lương, dâng
nước để tưới tiêu cho vùng đồng bằng trù phú của các huyện Đô Lương, Yên
Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; đồng thời mở con sông đào cho thuyền bè
qua lại từ phía đầu làng Khả Phong, men theo chân núi Hòn Dài, qua Vòm
Cóc mà ra sông Lam xuôi về Cửa Hội, mà ra biển. Ba phía sông Lam, một
phía sông đào, quê tôi thành đảo là vì thế.
Quốc lộ 7, nối Quốc lộ1từ ngã ba Diễn Châu đi qua làng tôi, đi tận tới Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Đường 7 khi thì đi từ đầu xã Lưu Sơn qua Đặng Sơn, quen gọi là bến phà cũ (nay đã xây cầu bê tông, gọi cầu Đô Lương); khi bị bắn phá ác liệt thì đi dọc theo xã Lưu Sơn, qua bến phà mới giáp giữa 2 xã Cát Văn, Thanh Chương và vòng ra Hàng Phượng đầu xã Nam Sơn, Đô Lương.
Dài dòng một chút, bởi với địa thế như vậy nơi đây trong chiến tranh luôn là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch.
Thuở nhỏ, tôi chân đất, đầu trần chạy theo lũ trẻ con làng khi nghe
tiếng ì ầm từ bên kia rồi sau đó là từng đoàn xe thiết giáp lội qua sông
Lam, phụt khói hăm hở chạy ngược đường 7. Mãi sau này, khi về làm phóng
viên báo Thiết Giáp, tôi mới hay, đoàn xe PT65 từng đi qua làng tôi lúc
đó chính là loại phương tiện cơ động nhanh, hỏa lực mạnh tham gia Chiến
dịch đường 9 - Nam Lào, bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ hồi đó.
Cũng nhờ nghề báo, có lần tôi được nghe vị Tư lệnh Thiết Giáp, sau là
Tư lệnh Quân khu 4 nói rằng, "Tớ hành quân qua quê cậu đấy". Thậm chí
vừa mới đây, vị bộ trưởng từng là lính năm xưa, khi hỏi thăm quê quán
cũng ôn tồn nói với tôi "Anh đi bộ đêm qua làng em, qua Anh Sơn, lên Con
Cuông..."
Vậy là từ làng tôi, đi qua làng tôi là một hướng ra chiến trường!
***
Rằm tháng 7 năm Nhâm Tý (1972).
Buổi sáng ấy, trời trong xanh không một gợn mây. Gia đình nào cũng cố
gắng chuẩn bị mọi thứ để cúng rằm theo tục lệ. Phụ nữ tất bật hơn cả
chuyện chợ búa, bếp núc, giặt giũ. Nhiều người mang đồ đạc ra sông đào
gội rửa. Tôi được giao chăn bò dọc mép đường Chọ Hao, chờ đến giờ dọn
mâm, bác tôi cúng viếng tổ tiên xong thì cả nhà ăn cỗ.
Bỗng nhiên tiếng u u âm âm đâu đó, tôi nhìn lên đỉnh Hòn Xã đã thấy
từng chùm đen trũi cứ thế rơi thẳng xiết về phía Cầu Sắt, hốt hoảng nhìn
xuôi về Hòn Dài cũng thấy từng chùm rơi rơi và tiếng nổ đinh tai, khói
phun đặc quánh. Chú bò lồng lên, bứt tung dây mũi. Tôi không kịp thả dây
chão, chạy bổ sấp vào chiếc hầm cóc bên đường, hình như vừa chạy vừa
thất thanh "Mẹ ơi, ơi...".
Tôi không biết và không nhớ làng tôi bị ném bom hay bắn phá lần đầu
tiên vào ngày tháng năm nào, nhưng ngày cuối cùng những quả bom ném
trúng Cầu Sắt, vung vãi khắp Hòn Dài, Hòn Xã, Hòn Mình, dọc sông
đào...giết hại người làng tôi, trâu bò của làng tôi là vào sáng rằm tháng bảy.
Làng tôi cúng rằm và nức nở thắp hương đưa tiễn hai người phụ nữ son
trẻ về nơi an nghỉ cuối cùng. Thật tiếc là tôi không thể nhớ đúng tên
tuổi của cô, chị ấy.
Những tháng ngày chưa xa ấy, bà nội và mẹ từng dẫn hai anh em tôi
ngái ngủ chạy lên phía Đồng Trên khi đang đêm máy bay đột ngột đến gầm
réo, đơn giản vì trên đó không có pháo sáng. Tôi vừa chạy vừa ngoái nhìn
bầu trời bay lên từng chùm hoa cải, chụm về hướng mục tiêu mà các khẩu
đội 37 mm vừa bắn đuổi lũ ăn đêm. Bấy giờ, bộ đội bắn súng pháo gì,
tiếng nổ liên hồi như rang lạc hay dội đinh tai nhức óc, máy bay bổ nhào
hay hốt hoảng tháo chạy "đái" ra bom , phi công nhảy dù bung ra màu gì,
trẻ con làng tôi cứ gọi là tranh nhau nói, đứa nào cũng đúng, đến khi
đứa to khỏe nhất giơ ...nắm đấm ra thì im.
Tôi vẫn nhớ như in cứ sau một trận đánh của đơn vị pháo 100mm ở
Cháng, cách nhà tôi chưa đầy một km, lại thấy người khiêng cáng chạy
huỳnh huỵch ngoài đường. Bà nội giải thích là do các chú bộ đội pháo bị
sức ép của pháo bắn, ngất hàng loạt, phải đưa vào nhà dân nghỉ ngơi,
chăm sóc.
Tôi cũng được bà cho đi dự lễ truy điệu các liệt sỹ người trong xóm.
Trời ơi, chú Thuận hay làm diều sáo, suốt trưa hè cởi trần chạy thả diều
từ Đồng Cời xuống đồng Phú Nhuận, chú ấy hy sinh rồi sao? Không biết từ
đâu mà chú ấy mê diều sáo đến thế? Cứ xong mùa gặt, thả trâu bò ra đồng
là lũ trẻ con hùa nhau đi tìm chú Thuận, đứa tìm góp dây dù, đứa tìm
giấy mỏng, đứa sang làng Phú Nhuận trộm trái hồng tươi về lấy nhựa
dán...Làm diều sáo quả không dễ một chút nào, diều chú Thuận cũng thường
bay lên được một quãng rồi nghiêng nghiêng, chao đi chao lại rồi rơi
tõm xuống hố bom nước vàng khè. Nhưng không quan trọng, cái chính là cả
lũ chúng tôi được một bữa chạy loăng quăng khắp đồng, hò reo khản cổ.
Cũng có lần cánh diều bay lên, bay lên thật cao giữa cánh đồng rộng rãi,
mênh mang gió. Rồi cánh diều ấy cứ thế vút bay vào trời xanh hút mắt,
xa dần, thẫm dần vào bầu trời quê yên ả hiếm hoi ngày ấy.
Và chú Siên, bạn thân với chú Thăng tôi, bữa đi bộ đội mấy người rủ
nhau làm bữa thịt chó, tôi được các chú cho đi cùng để chào bà con làng
xóm, "Mai bọn tui lên đường, không đi mau là không kịp ngày giải phóng
miền Nam...". Chú ấy cũng hy sinh rồi sao? Các chú ấy chưa có gia đình,
vợ con chi hết...Ôi, tiếng khóc cố nín chặt của người làng tôi trong
chiến tranh, không hiểu sao đến giờ tôi như vẫn còn nghe rõ, nghe
thấu...
Nhiều lúc không biết nói câu gì, nhìn lên bầu trời, tôi bỗng thấy hiện lên cánh diều vi vút gió, trời thẳm xanh xa hút...
***
Lứa chúng tôi trong chiến tranh phá hoại đang là trẻ con, bám lưng mẹ
chạy xuống hầm tránh bom, rồi chăn bò, thả diều, chạy như bay xem xe
tăng, xe quân sự kéo pháo, xe bịt tăng kín mít chạy qua làng, chào chú
bộ đội balo nặng, súng quàng vai, đi giày cao cổ hay dép cao su, lầm lũi
đi về phía trời xa.
Đến năm 1977, bạn cùng lớp cấp 3 với tôi vẫn ra mặt trận và có người đã hy sinh.
Tôi đi học ở Hà Nội, bất ngờ nhận tin bạn không về, thương bạn trai
ấy bao nhiêu lại càng thương cô bạn gái cùng làng xinh xắn bấy nhiêu.
Hai bạn ấy rất quý nhau, thường học chung một ngọn đèn dầu. Sau ánh sáng
ngọn đèn mờ tỏ ấy là ánh mắt thăm thẳm, là bao điều chưa nói.
Ngày làng tôi tổ chức lễ truy điệu, bạn gái đứng nép bên thềm nhà,
không khóc được và làm sao dám khóc, dù nước mắt rơi như mưa lửa. Trước
di ảnh bạn tôi, vẫn ngọn đèn cháy rực.
Quốc lộ 7 đi qua làng tôi vẫn ồn ào, nhộn nhịp người xe, trâu bò. Tôi
vẫn thường xuyên đi về trên con đường nhựa phẳng phiu và ngồi trên xe
rất dễ ngủ quên đó. Nhưng tôi biết, người làng tôi, người khắp mọi làng
quê, từ mỗi con đường, ra đi, trở về không giống nhau, nhiều người đã
không trở về. Cây bàng làng tôi vẫn đứng đợi bên đường...
Mới đây, anh bạn phóng viên báo Nghệ An đi cùng đoàn công tác của
tỉnh đến viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn, điện
thoại cho tôi "Bác tìm thấy khá nhiều bia mộ là người Nam Sơn quê chú.
Bác đã thắp hương chu đáo, nói thêm là thắp hộ cho chú nữa".
Tôi chỉ biết nói lời cám ơn với đồng nghiệp, không biết trong số các
bia mộ đó có tên chú Thuận, chú Siên, có Tới, Minh, Thắng...bạn học cùng
lớp tôi không?
Ở đời, không thiếu những câu chuyện, những cảnh ngộ mình trải qua,
mình cảm nhận được mà không sao nói thành lời. Nhà thơ Hữu Thỉnh, một
người lính xe tăng đi trước tôi có một câu thơ thật hay diễn tả tình
huống ở gia đình bạn mình đã mất "Tôi khó ăn, khó nói đến thăm nhà"
. Quả vậy, thật khó khăn mỗi khi đến thăm, gặp lại mẹ bạn mình. Người
mẹ ấy từng ngồi quạt cho chúng tôi học bài, từng dậy sớm nấu cơm, nắm
cơm cho chúng tôi đi học xa. Sao giờ đây chỉ mình tôi ngồi trước mẹ mắt
đã mờ, tóc trắng xóa, giọng run run "Con đã về à. Thằng Minh mà sống
chắc giờ cũng lấy vợ, sinh cháu cho bà bồng, bà bế rồi con nhỉ."
Nói xong, mẹ bỗng ngồi lặng im, như giật mình nhớ ra điều gì. Ôi, cái
khoảng lặng chìm sâu trong lòng mẹ ấy, những đứa con ngoan ngoãn và ngỗ
nghịch của mẹ, xin mang theo suốt cuộc đời này.
Ôi, chiến tranh và những người phụ nữ làng tôi, người đã mất vì bom
đạn vô tình, người còn sống mà mang nặng nỗi đau, có bao điều chúng ta
không thể biết, không bao giờ nói hết về họ, về tất cả những điều đã và
còn run lên lặng lẽ phía sau ngọn đèn khuya ấy...
***
Mới đây, tôi có dịp ra thăm Côn Đảo, đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp
hương tưởng niệm những người đời đời an nghỉ nơi đây. Từ làng tôi - đảo
trong đất liền -đi ra một hòn đảo giữa biển khơi mênh mông, điều khiến
tôi ngạc nhiên là mình hiểu biết quá ít so với rất nhiều những con
người, sự kiện đã xảy ra, những con người mang số phận đặc biệt đã sống,
đã chết, đã gắn bó với hòn đảo đặc biệt này.
Đã quá 12 giờ đêm. Nghĩa trang Hàng Dương sáng như ban ngày bởi ánh
điện giăng mắc, bởi những ngọn lửa đức tin được thắp lên, bởi ánh sáng
lung linh từ mộ chị Võ Thị Sáu và rất nhiều ngôi mộ khác. Tôi hỏi người
quản trang (hóa ra anh là người làng bên) : " Lúc nào cũng đông như thế
này, phải không ?". Trả lời : "Hôm nay, thứ 5 chưa phải là lúc đông
nhất. Phải đêm thứ 6, thứ 7 và chủ nhật mới đông nghịt. Ước chừng cũng
đến trên dưới 300 người..."
Vâng, điều kỳ lạ và kỳ diệu là Người Con Gái Đất Đỏ kiên trung ấy ra
đi khi còn rất trẻ và cái chết của chị Sáu, hay như bà con quen gọi với
một cái tên vô cùng gần gũi Cô Sáu từ lâu rồi và chắc chắn mãi mãi về sau, luôn là đức tin, niềm tin cho bao người đang sống.
Đêm cuối chuyến đi ấy, đoàn nhà báo được tham dự một chương trình thơ
nhạc về biển, về Côn Đảo yêu thương. Đã có nhiều dịp sum vầy anh em hát
cho nhau nghe, đùa vui tếu táo, vậy mà không hiểu sao bữa ấy, anh Bình,
báo An ninh Thủ đô hát bài "Mùa hoa lêkima nở" lại gan ruột và thẳm
vang đến thế, anh Lập báo Đại đoàn kết hát bài "Màu hoa đỏ" như không
thể hay hơn được nữa. Tôi lặng nghe, bỗng hiểu ra rằng, phải là người
trong cuộc, chứng kiến tận mắt thời khắc tĩnh lặng và thiêng liêng sau
12 giờ đêm ở Nghĩa trang Hàng Dương mới có thể cất lên được tự đáy lòng
những bài hát, lời ca tưởng như xưa cũ mà mới lạ đến thế, nghe quen
thuộc mà như thể lần đầu vọng đến...
Cũng vì thế, khi trở về Hà Nội, tôi cố gắng lục tìm mọi tư liệu liên
quan, tìm hết, đọc hết, đọc kỹ, cho đến khi thật hiểu, thật thấm thía
câu nói " Xin kính mời đoàn kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh
hùng, liệt sỹ và đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc..."
Vâng, trên khắp đất nước này, ở cái làng nhỏ bé quê tôi, ở hòn đảo
nổi tiếng mà cả nhân loại tiến bộ từng biết đến, có biết bao sự hy sinh
được xếp hạng, được tưởng niệm đời đời và có biết bao nỗi niềm lặng lẽ
khác vẫn trĩu nặng trong tâm trí bao người.
Trong đó, không hiểu sao, không chỉ mỗi khi tháng bảy về, tôi lại nhớ
tới ngọn đèn dầu mờ tỏ của đôi bạn học trò, nhớ những giọt nước mắt rơi
cháy nồng như lửa, nhớ mẹ bạn tôi cười đón và gọi tôi bằng "con" gần
gũi, nhớ những người không tuổi, không tên ra đi không để lại điều gì,
nhớ những bài hát không cầm lòng được, nhớ cánh diều no gió vút bay qua
hòn đảo giữa đất liền, bay xa, bay mãi vào bầu trời xanh thẳm...
Rằm tháng bảy sắp về. Tôi biết, dù có đi đâu, làm đâu...